Chương 2 PHỤ NỮ THAM GIA LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ
2.1.1. Lãnh đạo, quản lý
Khi bàn về lãnh đạo, quản lý, C.Mác đã chỉ rõ: Tất cả mọi lao động xã hội trực tiếp hay lao động chung nào tiến hành trên quy mô tương đối lớn, thì ít nhiều cũng cần đến một sự chỉ đạo để điều hòa những hoạt động cá nhân và thực hiện những chức năng chung. Như vậy, theo quan niệm của C.Mác, lãnh đạo và quản lý là chức năng cơ bản không thể thiếu đối với bất cứ cộng đồng, tổ chức xã hội nào. Thiếu nó thì các cộng đồng, tổ chức xã hội không tồn tại. LĐ, QL tốt thì hiệu quả hoạt động một cộng đồng, tổ chức sẽ được nhân lên gấp bội so với tổng số các kết quả mà từng cá nhân hoạt động riêng lẻ cộng lại. Nhờ có sự LĐ, QL tốt, nhược điểm của mỗi cá nhân sẽ được khắc phục, ưu điểm của họ sẽ được phát huy, những thuộc tính, những sức mạnh mới sẽ xuất hiện. Điều này sẽ không thể có được nếu các cá nhân đặt mình ra khỏi sự LĐ, QL. Nếu LĐ, QL không tốt thì những sức mạnh của tập thể không thể có, mà sức mạnh của các cá nhân cũng bị triệt tiêu.
Về khái niệm lãnh đạo, cho đến nay có nhiều cách tiếp cận và định nghĩa khác nhau, nhất là ở các nước phát triển. Chẳng hạn:
Theo H. Koontz: “Lãnh đạo là quá trình tác động đến con người sao cho họ sẽ tự nguyện và nhiệt tình phấn đấu để đạt được các mục tiêu của tổ chức.
Lãnh đạo là chỉ dẫn, điều khiển, ra lệnh và đi trước” [Dẫn theo 45, tr.18].
Hai nhà nghiên cứu P. Hersey và Ken Blanchard nhấn mạnh: “Lãnh đạo là một quá trình gây ảnh hưởng đến các hoạt động của một cá nhân hay một nhóm nhằm đạt được mục đích trong tình huống nhất định” [Dẫn theo 45, tr.18].
Ở Việt Nam, trong một số từ điển, khái niệm lãnh đạo được giải thích ở các góc độ nghiên cứu khác nhau.Theo Đại từ điển tiếng Việt, lãnh đạo là dẫn dắt tổ chức phong trào theo đường lối cụ thể (lãnh đạo cuộc đấu tranh); cơ quan lãnh đạo, bao gồm những người có khả năng tổ chức dẫn dắt phong trào [63, tr.979]. Trong Từ điển tiếng Việt, lãnh đạo là: “đưa đường chỉ lối cho người khác hành động;
đưa ra ý kiến, định ra phương pháp hành động để huy động lực lượng quần chúng, đưa quần chúng từ chỗ rời rạc đến chỗ có tổ chức, có sức mạnh, để quần chúng tự giác thực hiện chủ trương của mình” [41, tr.707].
Trong khoa học chính trị, lãnh đạo là sự dẫn dắt xã hội bằng chính trị và đạo đức của người đứng đầu; là một chức năng cơ bản của đảng cầm quyền, lãnh tụ quốc gia, nhằm đưa đất nước tới các mục tiêu nhất định bằng cương lĩnh, đường lối chính trị, các chiến lược phát triển, công tác tổ chức - cán bộ... Chủ thể lãnh đạo là những cá nhân, tổ chức có quyền lực cao nhất trong một HTCT, thể chế. Chủ thể lãnh đạo có thẩm quyền cao hơn, lớn hơn các chủ thể quản lý.
Trong khoa học quản lý, khái niệm lãnh đạo được hiểu theo 2 nghĩa: nghĩa hẹp, lãnh đạo là một chức năng của quản lý, cùng các chức năng có tính nghề nghiệp khác là hoạch định (dự báo, lập kế hoạch), chức năng tổ chức (nhân lực, vật lực, tài lực) và chức năng kiểm tra, giám sát [5, tr.111-115]. Theo nghĩa rộng, lãnh đạo được hiểu là thẩm quyền, chức năng của người đứng đầu một tổ chức, là người chịu trách nhiệm toàn bộ và cuối cùng về hoạt động của tổ chức đó.
Trong Tập bài giảng Khoa học giới của Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đã nêu: “Lãnh đạo là sự định hướng chung cho mọi cộng đồng cùng sống với nhau cùng có một sự liên kết để đạt được mục tiêu nhất định; là việc tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương đã xác định nhằm đạt được mục tiêu đề ra” [50, tr.103].
Từ đó cho thấy, trên các phương diện nghiên cứu khác nhau, khái niệm lãnh đạo có nội hàm không hoàn toàn đồng nhất, điểm chung trong các quan niệm lãnh đạo đó là sự dẫn dắt hoạt động xã hội của một cá nhân, tập thể nhằm đạt những mục tiêu đề ra.
Từ góc độ chính trị - xã hội, theo tác giả luận án, lãnh đạo là sự chỉ đạo, dẫn dắt, dẫn đường và định hướng, tạo đông lực cho một nhóm người, một tập thể, một tổ chức nhằm liên kết thực hiện các chủ trương, đường lối đã xác định để đạt được mục tiêu đã đề ra.
Về khái niệm quản lý: cũng như khái niệm lãnh đạo, khái niệm quản lý có nhiều quan điểm và cách tiếp cận khác nhau, sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khoa học.
Theo Frederick Winslow Taylor (1856-1915), người được coi là cha đẻ của khoa học quản lý hiện đại, “quản lý là biết được chính xác điều bạn muốn người khác làm và hiểu được rằng họ hoàn thành một cách tốt nhất và rẻ nhất”
[Dẫn theo 6, tr.89].
Nhà khoa học chính trị, nhà triết học Mỹ, Mary Parker Follet (1868-1933) cho rằng, “quản lý là nghệ thuật khiến công việc được thực hiện thông qua người khác” [Dẫn theo 6, tr.108].
Một số nhà nghiên cứu khác lại cho rằng, “quản lý là một quá trình kỹ thuật xã hội nhằm sử dụng các nguồn lực tác động vào hoạt động của con người, nhằm đạt được các mục tiêu của tổ chức”. Theo quan niệm của Faft: “quản lý là việc thực hiện các mục tiêu của tổ chức một cách hiệu quả và đạt hiệu suất tốt, thông qua việc lập kế hoạch, tổ chức, lãnh đạo và kiểm soát các nguồn lực của tổ chức” [Dẫn theo 9, tr.57]. Ý kiến của Hitt lại cho rằng, “quản lý là quá trình tập hợp và sử dụng các nhóm nguồn lực theo định hướng, mục tiêu để thực hiện các nhiệm vụ trong bối cảnh tổ chức” [Dẫn theo 9, tr.58]. Còn theo Richard Winter,
“quản lý là việc hiện thực hóa các mục tiêu của tổ chức theo cách có hiệu quả và hiệu suất cao, thông qua việc lập kế hoạch, tổ chức, lãnh đạo và kiểm soát các nguồn lực của tổ chức” [Dẫn theo 9, tr.58].
Trong Từ điển tiếng Việt, quản lý là trông coi và giữ gìn theo những yêu cầu nhất định; tổ chức và điều khiển các hoạt động theo những yêu cầu nhất định (người quản lý) [41, tr.772]. Theo Đại từ điển tiếng Việt, quản lý là: Tổ chức, điều khiển hoạt động của một đơn vị, một cơ quan (cán bộ quản lý);
trông coi, giữ gìn và theo dõi việc gì [63, tr.1363].
Trong các khoa học chuyên ngành, khái niệm quản lý được giải thích theo một số góc độ nghiên cứu. Nhóm tác giả của Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong Tập bài giảng Khoa học giới cho rằng: “Quản lý được hiểu là việc tổ chức, điều hành để thực hiện các hoạt động nhằm đạt được mục tiêu” [50, tr.103]. Quản lý là hoạch định, tổ chức, chỉ đạo và kiểm soát công việc, khai thác các nguồn lực nhằm đạt được mục tiêu đề ra. Quản lý có chức năng xây dựng cách thức, biện pháp hoạt động cụ thể để thực hiện đúng hướng mà lãnh đạo đã vạch ra.
Từ các quan niệm nêu trên, trên phương diện chính trị - xã hội, tác giả cho rằng, Quản lý là hoạch định, tổ chức, điều khiển, điều chỉnh và kiểm soát công việc, khai thác các nguồn lực nhằm đạt được mục tiêu đề ra.
Như vậy, lãnh đạo, quản lý là hai khái niệm không đồng nhất nhưng có ảnh hưởng tương tác qua lại lẫn nhau. Lãnh đạo là đề ra chủ trương, đường lối, định hướng phương pháp hoạt động cho một tổ chức, một đơn vị. Quản lý là điều khiển, tổ chức thực hiện công việc. Theo đó, lãnh đạo thường giải quyết những việc có tính tổng thể hơn là cụ thể, còn quản lý thường giải quyết những việc có tính cụ thể hơn là tổng thể.
Trong nghị quyết Đại hội lần thứ IX của Đảng NDCM Lào (2011), chỉ rõ: Đảng cầm quyền vì dân và vì sự phồn vinh thịnh vượng của đất nước phải giữ vững 3 trụ cột cơ bản: giữ vững sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và phát huy quyền làm chủ cũng như sự tham gia của nhân dân trong công tác của Đảng và Nhà nước, mà chúng ta gọi là: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ. Như vậy, xét trên giác độ vĩ mô thì chức năng lãnh đạo thuộc về Đảng NDCM Lào (Đảng lãnh đạo Nhà nước và toàn xã hội) còn chức năng quản lý đất nước thuộc về Nhà nước CHDCND Lào. Rõ ràng chức năng lãnh đạo và quản lý là hai chức năng riêng biệt. Lãnh đạo là vạch ra đường lối, chủ trương, xác định con đường bảo vệ và phát triển đất nước.
Quản lý là thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng thành hệ thống pháp luật và chính sách để điều hành đất nước.
Tuy nhiên, hai khái niệm này không phải lúc nào cũng tách bạch, lãnh đạo và quản lý gắn chặt với nhau trong hoạt động của HTCT. Quản lý mà không theo đúng phương hướng, mục tiêu của lãnh đạo vạch ra sẽ mất phương hướng, dẫn đến sự rối loạn xã hội; ngược lại thiếu sự quản lý một cách khoa học, không có hiệu lực, hiệu quả thì những mục tiêu do lãnh đạo vạch ra sẽ không trở thành hiện thực.
Xét về chủ thể hoạt động, sự đồng nhất giữa lãnh đạo và quản lý là ở chỗ một nhà lãnh đạo cũng có thể là một nhà quản lý, đồng thời một nhà quản lý cấp cao có thể được coi là một nhà lãnh đạo, do vậy, trong thực tế chúng ta thường dùng khái niệm LĐ, QL để chỉ chung cho người lãnh đạo. Chẳng hạn, ở CHDCND Lào, việc nhất thể hóa hai chức danh bí thư (cấp ủy) và chủ tịch (Ủy ban nhân dân) ở tất cả các cấp đã làm cho hai chức năng lãnh đạo và quản lý gắn bó chặt chẽ với nhau, nhà lãnh đạo và nhà quản lý là một (Tổng Bí thư và Chủ tịch nước; Bí thư cấp ủy đảng và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp...).
Tuy nhiên, dù ở mô hình phát triển nào thì lãnh đạo, quản lý cũng có chức năng đặc biệt quan trọng trong mỗi một hệ thống, thể chế, trong đó có HTCT.