Chương 4 QUAN ĐIỂM VÀ GIẢI PHÁP NHẰM TĂNG CƯỜNG PHỤ NỮ THAM
4.2.1. Nhóm giải pháp nâng cao nhận thức về vai trò của phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị cấp trung ương
Nâng cao nhận thức về vai trò của phụ nữ trong tham gia chính trị và mối quan hệ bình đẳng hai giới trên lĩnh vực chính trị và phát triển xã hội là một giải pháp quan trọng, xuyên suốt, lâu dài, cần quán triệt trước hết trong HTCT cấp trung ương. Bởi vì, nếu nhận thức đúng đắn về vai trò không thể thiếu của phụ nữ tham gia LĐ, QL trong HTCT cấp grung ương sẽ tạo động lực thúc đẩy bình đẳng giới trong đời sống xã hội nói chung, các cấp trong HTCT nói riêng, thu hút ngày càng đông phụ nữ tham gia vào đời sống chính trị.
Mỗi tổ chức trong HTCT nhận thức và thực hiện đúng công tác cán bộ nữ sẽ làm cho xã hội phát triển, khắc phục các biểu hiện định kiến, coi nhẹ vai trò của phụ nữ hoặc quan tâm một cách hình thức. Nếu phụ nữ được tham gia LĐ, QL trong HTCT, nhất là cấp trung ương thì không những làm củng cố vững chắc hơn cho HTCT mà còn cống hiến cho xã hội, nhất là trong tạo lập chuyển biến nhận thức và hành động thực hiện các quyền bình đẳng công dân, quyền con người, tiêu chuẩn cán bộ, cơ hội phát triển. Điều đó không chỉ có tác dụng động viên cán bộ nữ phấn đấu vươn lên, làm tốt công tác được giao mà còn tác động tích cực tới toàn đội ngũ cán bộ công chức. Chị em phụ nữ sẽ nắm bắt những cơ hội để trở thành những người thành đạt trong xã hội và hạnh phúc trong gia đình,
tích cực học tập, rèn luyện, phấn đấu, khắc phục thói quen tự ti, an phận vốn tồn tại khá phổ biến lâu nay.
Để nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò phụ nữ tham gia LĐ, QL trong HTCT cấp trung ương, theo chúng tôi cần phải tuyên truyền nâng cao nhận thức về giới, bình đẳng giới trên lĩnh vực chính trị đối với cán bộ và đặc biệt là người đứng đầu (cấp ủy, ban lãnh đạo của các bộ, ban, ngành).
Cán bộ cấp ủy đảng của các cơ quan cấp trung ương phải là những người gương mẫu, hiện thực hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước;
phải được trang bị những kiến thức cơ bản về bình đẳng giới, mối quan hệ mật thiết giữa bình đẳng giới và sự phát triển bền vững của xã hội…
Vì vậy, để nâng cao nhận thức và đổi mới nhận thức về giới và bình đẳng giới phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về giới, bình đẳng giới cho cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ LĐ, QL đứng đầu các bộ, ban, ngành. Kết quả khảo sát của tác giả luận án với đội ngũ cán bộ LĐ, QL ở một số cơ quan cấp trung ương cho thấy, có 64,0% số người được hỏi cho rằng, để tăng cường phụ nữ tham gia vào công tác LĐ, QL trong HTCT cấp trung ương trước hết cần đổi mới nhận thức, tin tưởng vào năng lực và sự chuyên tâm của phụ nữ thông qua tuyên truyền vận động để xóa bỏ định kiến.
Do vậy, việc nâng cao nhận thức và đổi mới nhận thức về bình đẳng giới là rất quan trọng.
Công tác tuyên truyền về bình đẳng giới cần được tiến hành trong xã hội, ở cộng đồng và trong các cơ quan cấp trung ương, đặc biệt là cho cán bộ LĐ, QL các cấp trong các bộ, ban, ngành thông qua các hình thức: tuyên truyền qua báo chí, tạp chí, lớp tập huấn, hội nghị, hội thảo chuyên đề, gắn với những đợt sinh hoạt chính trị lớn như tổ chức nhân dịp lễ kỷ niệm ngày quan trọng của quốc gia, tổ chức phòng trào chống bạo lực đối với phụ nữ, phong trào thi đua phụ nữ 3 tốt… Bên cạnh đó, cần phải lồng ghép giới vào nội dung chương trình giảng dạy tại Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào, trường Chính trị và Hành
chính Thủ đô Viêng Chăn, Đại học quốc gia Lào, các trường Cao đẳng, kể cả các trường Trung học phổ thông.
Tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ chủ chốt của các bộ, ban, ngành và cán bộ làm công tác cán bộ, công tác về sự phát triển phụ nữ, bình đẳng giới để mọi người có nhận thức giới, trách nhiệm giới và có kỹ năng lồng ghép giới trong hoạch định và thực hiện các chương trình phát triển của cơ quan mình. Đây được coi là nhiệm vụ chỉ đạo của cấp ủy, triển khai của các cơ quan trung ương và sự kết hợp của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó Ủy Ban quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ, Trung ương HLHPN Lào, Trung ương Liên hiệp Công đoàn, Trung ương Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng Lào… giữ vai trò nòng cốt.
Về nội dung bồi dưỡng, tập huấn cần cung cấp cho học viên các kiến thức chung, toàn diện và khách quan. Tránh việc cung cấp thông tin một chiều như quá nhấn mạnh đến thiệt thòi của phụ nữ mà phải đánh giá đúng thực trạng vấn đề của cả hai giới và mối quan hệ trong gia đình của cả hai giới, nếu không sẽ dẫn tới bất bình đẳng giới nghiêng về phía nam.
Bên cạnh đó, phải tập trung vào các nội dung làm rõ mối quan hệ giữa bình đẳng giới và phát triển bền vững. Đất nước, gia đình và mỗi cá nhân sẽ được hưởng lợi những gì khi thu hút phụ nữ tham gia vào hoạt động xã hội nói chung, lĩnh vực LĐ, QL trong HTCT các cấp, nhất là cấp trung ương nói riêng.
Qua đó nâng cao nhận thức cho cán bộ, người dân thấy sự cần thiết phải tăng cường phụ nữ tham gia LĐ, QL, ủng hộ, tạo điều kiện để phụ nữ tham gia và hoàn thành nhiệm vụ LĐ, QL của mình… Số liệu khảo sát của tác giả luận án cũng cho thấy: có 54,3% số người được hỏi cho rằng, để tăng cường phụ nữ tham gia LĐ, QL cần phải tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, cộng đồng về vai trò của phụ nữ LĐ, QL; ủng hộ tích cực cho phụ nữ trong công việc LĐ, QL.
Việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng về bình đẳng giới góp phần quan trọng nâng cao nhận thức thực chất vị
trí, vai trò của phụ nữ, cán bộ nữ trong cộng đồng; nêu những tấm gương cán bộ nữ tiêu biểu, điển hình có nhiều công lao đóng góp cho sự phát triển của đất nước sẽ tạo ra được tính thuyết phục trong cộng đồng.
Đảng ủy, lãnh đạo của các cơ quan cấp trung ương, đặc biệt là cơ quan có tỷ lệ cán bộ nữ LĐ, QL quá thấp (Học viện Khoa học - xã hội, Bộ Công chính và Vận tải, Bộ Bưu chính và Viễn thông, Hội Cựu chiến binh Lào) tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc Luật về Sự phát triển và bảo vệ phụ nữ, Tầm nhìn đến năm 2030 và Chiến lược Quốc gia về Bình đẳng giới 10 năm (2016-2026), Kế hoạch hành động quốc gia về Bình đẳng giới lần thứ III (2016-2020), Kế hoạch phát triển phụ nữ của Trung ương HLHPN Lào 5 năm lần thứ VIII (2016-2020). Kiên định coi việc thực hiện bình đẳng giới là trách nhiệm của cả HTCT; tiếp tục chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội tiến hành tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về giới, bình đẳng giới cho cán bộ, đảng viên và quần chúng. Chỉ khi họ nhận thức đúng vai trò quan trọng của phụ nữ tham gia trong HTCT tại cơ quan thì họ sẵn sàng ủng hộ. Có như vậy, vấn đề bình đẳng giới trên lĩnh vực chính trị ngày càng được tăng cường và phát triển.
Nam giới và các thành viên trong gia đình có vai trò quan trọng trong việc ủng hộ, hỗ trợ phụ nữ tham gia LĐ, QL trong HTCT cấp trung ương.
Trong gia đình, khi người nam giới và các thành viên ủng hộ và tôn trọng ý kiến, phụ nữ mới mạnh dạn suy nghĩ và cùng bàn bạc mọi công việc. Ở cộng đồng dân cư và cơ quan, nhất là khi những người đứng đầu là nam giới biết tôn trọng và ủng hộ, vai trò của phụ nữ mới ngày càng được phát huy. Ngoài ra, còn cần phải tạo thời cơ cho phụ nữ được tham gia hội họp, được hỏi ý kiến, được đi học và đề bạt bổ nhiệm...
Tuy nhiên, để nam giới sẵn sàng chia sẻ với phụ nữ trên con đường chức nghiệp, thì việc tuyên truyền sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức về giới là hết sức quan trọng. Cần thu hút nam giới chia sẻ cùng phụ nữ trong công việc gia đình, chăm sóc con cái, chăm sóc người già. Kết quả khảo sát của tác giả luận án cho thấy, có tới 63,0% ý kiến của người được hỏi cho rằng, để tăng cường phụ
nữ tham gia LĐ, QL “gia đình và xã hội cần chia sẻ công việc gia đình đối với phụ nữ”. Cần thay đổi chiến lược truyền thông về hình ảnh người phụ nữ gắn với công việc nội trợ, gia đình bằng những hình ảnh người phụ nữ năng động trong công việc xã hội song song với hình ảnh người nam giới tích cực, vui vẻ trong công việc nội trợ. Khi ấy sẽ làm cho nam giới nhận ra rằng, công việc gia đình đối với họ là công việc bình thường, hết sức có ý nghĩa. Đồng thời, trong các chương trình, hoạt động lồng ghép giới, cũng nên có sự tham gia của nam giới.
Khi đó, nam giới sẽ thấy được vai trò của mình trong quá trình thực hiện bình đẳng giới, đặc biệt bình đẳng giới trong lĩnh vực lãnh đạo và quản lý.
Như vậy, để thực hiện tốt vấn đề bình đẳng giới nói chung và quyền bình đẳng của phụ nữ trong tham gia LĐ, QL trong HTCT cấp trung ương nói riêng, đòi hỏi nam giới, nữ giới, cộng đồng xã hội cần phải nhận thức đúng đắn vấn đề nêu trên, từ đó có những chính sách phù hợp với thực tiễn, thu hút phụ nữ tham gia vào công tác LĐ, QL góp phần chung vào sự phát triển của đất nước, đưa đất nước thoát khỏi tình trạng kém phát triển vào năm 2020; như khẩu hiệu của HLHPN Lào đã đề ra: “Phát triển bình đẳng giới gắn liền với sự phát triển của đất nước” [96, tr.99].