Chương 4 QUAN ĐIỂM VÀ GIẢI PHÁP NHẰM TĂNG CƯỜNG PHỤ NỮ THAM
4.2.5. Nhóm giải pháp về thực hiện bình đẳng giới trong gia đình và
4.2.5.1. Thực hiện bình đẳng giới trong gia đình
Ngày nay, cùng với sự phát triển, vai trò, vị trí của người phụ nữ trong xã hội nói chung và gia đình nói riêng đã được nâng lên rất nhiều so với trước đây.
Trên thực trạng đã chỉ rõ, tỷ lệ phụ nữ tham gia LĐ, QL trong HTCT cấp trung ương ngày càng tăng lên, đánh dấu bước phát triển quan trọng trong việc nâng cao nhận thức về giới trong sự phát triển của xã hội nói chung và gia đình nói riêng.
Tuy nhiên, trên thực tế, vấn đề giới ở CHDCND Lào vẫn còn những bức xúc trong gia đình như: nhiều chị em phụ nữ vẫn phải đảm trách chính những công việc nội trợ, vẫn còn những tư tưởng trọng nam khinh nữ trong quá trình sinh con, nuôi con, chăm sóc con cái, tình trạng bạo lực trong gia đình vẫn còn tồn tại và xảy ra ở một số gia đình… Nguyên nhân chính dẫn đến bất bình đẳng giới trong gia đình là do ảnh hưởng của tư tưởng phong kiến gia trưởng cùng với sự thay đổi chậm chạp của ý thức xã hội và hầu như nam giới chưa thay đổi quan niệm về vai trò trụ cột của mình với gia đình. Chính họ đã tự đặt cho mình trọng trách lớn, còn phụ nữ thì tự ti luôn nghĩ mình là người hỗ trợ cho vai trò trụ cột của chồng, là người nội trợ trong gia đình. Đây là một rào cản lớn đối với người phụ nữ khi tham gia LĐ, QL, khiến cho tỷ lệ phụ nữ tham chính bị hạn chế, tăng chậm và không bền vững (như phần thực trạng đã trình bày).
Vì vậy, nhằm tăng cường phụ nữ tham gia LĐ, QL trong HTCT cấp trung ương, phải thực hiện bình đẳng giới trong gia đình, như trong luật pháp đã công nhận, trong Luật về Sự bảo vệ và phát triển phụ nữ đã quy định, trong Điều 17, ghi rõ: “Nhà nước và xã hội khuyến khích và bảo vệ bình đẳng nam - nữ trong gia đình. Nam - nữ có quyền ngang nhau về mọi mặt trong gia đình” [92, tr.8]. Luật về Gia đình, trong Điều 13, ghi rõ: “Trong gia đình, vợ và chồng có quyền bình đẳng về mọi mặt; vợ - chồng cùng nhau thống nhất quyết định các vấn đề trong gia đình” [119, tr.10]. Quan hệ vợ chồng bình đẳng và dân chủ hơn là điều kiện thuận lợi cho người phụ nữ tham gia LĐ, QL tốt hơn; gia đình bình đẳng là gia
đình phân công lao động hợp lý, đồng thuận giữa các chức năng tình cảm, kinh tế, văn hóa… Để thực hiện bình đẳng giới trong gia đình, theo chúng tôi có một số giải pháp như sau:
Một là, tăng cường tuyên truyền giáo dục các vấn đề giới, bình đẳng giới trong gia đình đã được quy định trong các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Xem việc thực hiện bình đẳng giới là một công việc lâu dài và cần sự phối hợp đồng bộ của toàn xã hội. Từ đó, mỗi người có ý thức tốt hơn về vấn đề bình đẳng giới trong gia đình, trách nhiệm bình đẳng giới không chỉ là trách nhiệm của mỗi cá nhân, mà là trách nhiệm của mỗi gia đình và toàn xã hội; là cơ sở quan trọng để xây dựng gia đình “no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc” [100, tr.280].
Hai là, thay đổi định kiến cho rằng, việc nội trợ là việc của phụ nữ; tạo điều kiện để nam giới thật sự chia sẻ công việc nhà với người vợ và con gái của mình. Vẫn còn biểu hiện định kiến giới trong chính sách chỉ mẹ được nghỉ có lương sau khi sinh con. Và phải khắc phục chính sách, bằng khuôn mẫu văn hóa mới thấm nhuần nguyên tắc bình đẳng giới ngay trong gia đình - với tư cách là tế bào của xã hội. Nói chung, phải quan tâm xây dựng mô hình gia đình tốt, mô hình gia đình văn hóa mới với việc thực hiện nguyên tắc bình đẳng giới trong công việc nội trợ và chăm sóc con cái trong gia đình.
Ba là, tạo điều kiện thuận lợi để mỗi phụ nữ ý thức và tự phấn đấu vươn lên, tự giải phóng mình; không ngừng cố gắng học tập nâng cao kiến thức để khẳng định vai trò vị trí của mình trong gia đình và ngoài xã hội. Phụ nữ phải dịu dàng, khéo léo thuyết phục, kêu gọi sự cảm thông, sẻ chia trách nhiệm của người chồng trong công việc gia đình, vợ chồng phải tôn trọng nhau.
Bốn là, đẩy mạnh giáo dục khoa học giới trong hệ thống nhà trường (đặc biệt là các trường Trung học phổ thông), giúp cho thanh thiếu niên nhận thức được những vấn đề giới và bình đẳng giới một cách cơ bản và có hệ thống. Điều đó, giúp các em ý thức được trách nhiệm trong xây dựng gia đình tốt sau này.
Năm là, nâng cao trình độ dân trí, tăng cường vai trò của gia đình và bình đẳng giới. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp lý về bình đẳng giới; kiên quyết đấu tranh loại bỏ các hành vi bạo lực gia đình. Gia đình là tế bào của xã hội, mỗi thành viên trong gia đình được bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau thì xã hội sẽ phát triển, đạt được dân chủ, công bằng và văn minh.
Để có được bình đẳng giới bền vững trong xã hội, phải bắt đầu từ trong mỗi gia đình. Thực hiện tốt bình đẳng giới trong gia đình là biện pháp hữu hiệu để xây dựng một gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc. Đây là điều kiện quan trọng làm cho chị em phụ nữ có cơ hội được tham gia công việc ngoài xã hội nói chung, lĩnh vực LĐ, QL trong HTCT cấp trung ương nói riêng với số lượng ngày càng đông đảo.
4.2.5.2. Về sự nỗ lực và vươn lên của phụ nữ
Để tăng cường phụ nữ tham gia LĐ, QL trong HTCT cấp trung ương, theo kết quả khảo sát của tác giả luận án cho thấy, có tới 64,3% ý kiến cho rằng, phụ nữ phải tự tin, có quyết tâm chính trị cao; 57,3% ý kiến khẳng định rằng, phụ nữ phải vượt lên những rào cản trong định kiến về giới; có 76,6% ý kiến thống nhất, phụ nữ phải nỗ lực trong học tập, bồi dưỡng và có 71,7% ý kiến cũng cho rằng, phụ nữ phải năng động trong tiếp cận thông tin, am hiểu xã hội.
Trong thời kỳ đổi mới, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đòi hỏi phụ nữ tham gia LĐ, QL trong HTCT cấp trung ương phải:
Thứ nhất, bản thân phụ nữ phải tích cực nâng cao trình độ, năng lực.
Trong mối quan hệ giữa nội lực và ngoại lực, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn cho rằng, nếu bản thân phụ nữ không cố gắng vươn lên thì sẽ không có ý nghĩa gì.
Người viết: “Muốn giải quyết khó khăn không nên ỷ lại vào Đảng, Chính phủ mà phải quan tâm học tập, phát huy sáng kiến, tin tưởng vào khả năng của mình, nâng cao tinh thần tập thể, đoàn kết giúp đỡ nhau để giải quyết mọi khó khăn của phụ nữ trong công tác chính quyền” [36, tr.185]. Ở CHDCND Lào, cũng đã kế thừa tư tưởng này, như Cố Tổng Bí thư Cay Sỏn Phôm Vị Hản, đã chỉ rõ, “Các chị em phụ nữ phải đề cao, tin tưởng vào vai trò và khả năng của bản thân mình, không ngừng nâng cao trình độ về mọi mặt, giải quyết tư tưởng tự ti, không chủ
động, ỷ lại và nhụt chí” [82, tr.56]. Trước hết, phụ nữ phải xóa bỏ tâm lý tự ti để tin tưởng vào khả năng của mình. Khi phụ nữ đã tin tưởng vào bản thân thì sẽ không quản ngại khó khăn, cố gắng học tập để khẳng định mình và có điều kiện được tham gia vào đời sống xã hội nói chung, đời sống chính trị nói riêng.
Thứ hai, tiếp tục nâng cao nhận thức, quan điểm về bình đẳng giới và công tác cán bộ nữ. Tích cực tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về giới và bình đẳng giới trong HTCT và toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi, sự ủng hộ chung.
Thứ ba, bản thân phụ nữ phải không ngừng nâng cao học hỏi, tìm tòi để trang bị cho mình những tri thức về kinh tế, quản lý nhà nước, am hiểu chính sách pháp luật, am hiểu tình hình văn hóa, xã hội của đất nước, có kỹ năng làm việc nhóm và thành thạo ngoại ngữ, công nghệ thông tin. Biết coi trọng nhân tố con người, luôn khuyến khích được tính năng động, tính thích ứng trong một môi trường cạnh tranh, lấy thước đo chất lượng, hiệu quả công việc là tiêu chí để đánh giá cán bộ, nêu cao tinh thần tiết kiệm chống lãng phí, đề cao tính tự giác, tự chủ, độc lập, sáng tạo của mỗi cá nhân trong tổ chức, quán triệt tinh thần làm việc dân chủ gắn liền với kỷ luật, kỷ cương.
Thứ tư, bản thân phụ nữ ý thức rõ những yêu cầu về năng lực, phẩm chất đối với cán bộ LĐ, QL nói chung, nữ LĐ, QL nói riêng để có kế hoạch tự hoàn thiện mình, đáp ứng yêu cầu của cơ quan, đơn vị, đất nước, sự tín nhiệm của nhân dân.