Chương 2 PHỤ NỮ THAM GIA LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ
2.1.2. Hệ thống chính trị và hệ thống chính trị cấp trung ương ở Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào
2.1.2.1. Hệ thống chính trị ở Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào
Hệ thống chính trị là khái niệm dùng để chỉ một chỉnh thể bao gồm các tổ chức như đảng chính trị, nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội (hợp pháp); với những quan hệ tác động qua lại giữa các nhân tố đó trong việc tham gia vào các quá trình hoạch định và thực thi các quyết sách chính trị nhằm bảo đảm quyền thống trị của giai cấp, lực lượng cầm quyền, đồng thời đáp ứng nhu cầu ổn định và phát triển xã hội.
Hệ thống chính trị ở CHDCND Lào là chế độ dân chủ nhân dân theo hướng đi lên CNXH. Cơ cấu tổ chức của HTCT nước CHDCND Lào bao gồm:
Đảng NDCM Lào, Nhà nước CHDCND Lào, Mặt trận Lào xây dựng đất nước và các tổ chức chính trị - xã hội (Liên hiệp Công đoàn Lào, Đoàn Thanh niên
Nhân dân Cách mạng Lào, HLHPN Lào, Hội Cựu chiến binh Lào); hoạt động theo một cơ chế nhất định nhằm từng bước hoàn thiện nền dân chủ XHCN, bảo đảm mọi quyền lực thuộc về nhân dân và thực hiện mục tiêu nước mạnh, dân giàu, xã hội đoàn kết, hòa hợp, dân chủ, công bằng và văn minh.
Đảng DNCM Lào là bộ phận tham mưu về đường lối chính trị và là đội tiên phong có tổ chức của giai cấp công nhân Lào, đại diện các lợi ích của tổ chức và nhân dân lao động yêu nước và tiên tiến, thay mặt giai cấp công nhân, toàn dân tộc xây dựng cương lĩnh, vạch đường lối định hướng, mục tiêu phát triển đất nước, lãnh đạo toàn bộ HTCT, toàn dân tộc thực hiện mục tiêu đã đề ra.
Là hạt nhân trong HTCT của chế độ dân chủ nhân dân, Đảng NDCM Lào luôn kiên trì lập trường chủ nghĩa Mác - Lênin và phát huy bản chất giai cấp công nhân, tính tiên phong và tính cách mạng, phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, chống chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, tư tưởng cơ hội, kiểu cách quan liêu và các tiêu cực khác.
Đảng NDCM Lào gồm những người ưu tú trong tầng lớp giai cấp công nhân, nông dân, trí thức cách mạng và được thử thách qua phong trào thực tiễn cách mạng, tự nguyện, tự giác, kiên cường, chịu hy sinh vì đất nước vì nhân dân.
Đảng NDCM Lào lãnh đạo nhân dân các bộ tộc Lào tiến hành thành công sự nghiệp cách mạng giải phóng đất nước, xóa bỏ chế độ phong kiến và chế độ thực dân, thành lập Nhà nước CHDCND Lào, xây dựng đất nước theo con đường XHCN. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đời sống nhân dân càng ngày được củng cố, quyền làm chủ của nhân dân các bộ tộc đã được mở rộng, sự đoàn kết, thống nhất toàn dân đã được củng cố, vị thế đất nước được nâng cao trên trường quốc tế. Đảng đã lãnh đạo toàn dân tiến hành sự nghiệp đổi mới, tiếp tục xây dựng và phát triển chế độ dân chủ nhân dân nhằm xây dựng đất nước Lào hòa bình, độc lập, dân chủ, thống nhất, thịnh vượng theo lý tưởng cộng sản.
Nhà nước CHDCND Lào là “Nhà nước dân chủ nhân dân, tất cả quyền lực là của dân, do dân và vì lợi ích của nhân dân, bao gồm các tầng lớp trong xã hội, do công - nông - trí thức làm nòng cốt” [109, tr.3].
Nhà nước quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật. Nhà nước bảo vệ quyền tự do và quyền dân chủ của nhân dân mà không cho ai xâm phạm. Các cơ quan và cán bộ của Nhà nước phải tuyên truyền, triển khai, giáo dục các chính sách, pháp luật cho nhân dân để họ nhận thức được một cách rộng rãi và đồng thời tổ chức thực hiện rất nghiêm túc để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.
Quyền lực của Nhà nước được tổ chức theo cơ chế tập trung dân chủ, dựa trên cơ sở phân công và phối hợp các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Các cơ quan nhà nước do Quốc hội bầu ra phải trịu trách nhiệm và báo cáo công việc của mình trước Quốc hội. Như vậy, quyền lực nhà nước được thực hiện trước hết thông qua các cơ quan nhà nước do Quốc hội bầu ra theo cơ chế phân công, phối hợp những quyền lực là thống nhất và tập trung ở Quốc hội.
Nhà nước trong HTCT ở Lào là cơ quan quyền lực, thể hiện và thi hành quyền lực của nhân dân để bảo vệ nhân dân. Nhân dân phải là người xây dựng cơ quan đại diện quyền lực và lợi ích của mình - cơ quan đó là Quốc hội. Nhân dân thực thi quyền lực chính trị của mình thông qua Quốc hội hoặc Hội đồng nhân dân địa phương. Do đó, người dân cũng là người tham gia hoạt động quản lý nhà nước, vào việc hoạch định chính sách, quản lý điều hành Chính phủ, hoạt động lập pháp, công tác xét xử và các hoạt động bảo vệ pháp luật...
Mặt trận Lào xây dựng đất nước và các tổ chức chính trị - xã hội là nơi tập trung sự đoàn kết và huy động các tầng lớp của các bộ tộc tham gia vào sự nghiệp giữ gìn, bảo vệ, xây dựng đất nước, phát huy quyền làm chủ Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích của các thành viên trong cơ quan tổ chức của mình.
Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội tập hợp, thu hút quần chúng vào việc sản xuất, giáo dục, văn hóa, đào tạo đội ngũ cán bộ LĐ, QL cho Đảng và Nhà nước, đấu tranh chống tham nhũng trong Đảng... Các tổ chức này tạo nên cơ sở chính trị - xã hội của Nhà nước và góp phần tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng NDCM Lào.
Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội của quần chúng hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tùy theo những đặc điểm khác nhau về giới, lứa tuổi, nghề nghiệp.
Đặc điểm của HTCT của CHDCND Lào là: (i) Lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Cay Sỏn Phôm Vị Hản làm nền tảng tư tưởng. Đây là sự thống nhất biện chứng giữa bản chất cách mạng và khoa học trong chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Cay Sỏn Phôm Vị Hản, là thuộc tính nội tại và trở thành đặc điểm cơ bản của HTCT ở Lào trong vận hành và trong tổ chức. (ii) Thực hiện nhất nguyên về chính trị do Đảng NDCM Lào lãnh đạo, bởi Đảng vừa là thành viên, vừa giữ vai trò lãnh đạo HTCT. Sự lãnh đạo của Đảng đã được nhân dân Lào thừa nhận và ủng hộ ngay từ khi Đảng ra đời. (iii) Tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức và vận hành cơ bản của HTCT ở CHDCND Lào hiện nay. Việc quán triệt nguyên tắc tập trung dân chủ là nhân tố cơ bản bảo đảm cho HTCT có sự thống nhất về tổ chức và vận hành, nhằm phát huy đồng bộ sức mạnh của toàn bộ hệ thống trên cơ sở kết hợp chặt chẽ sức mạnh của từng yếu tố cấu thành hệ thống. Mặt khác, việc quán triệt nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động còn tạo điều kiện kết hợp hài hòa cho việc phát huy sức mạnh của cả HTCT từ trung ương đến cơ sở. (iv) Được tổ chức theo một hệ thống từ trung ương đến cơ sở, gồm 4 cấp:
trung ương; tỉnh/thành phố; cấp huyện; cấp bản.
2.1.2.2. Hệ thống chính trị cấp trung ương ở Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào
Cấp trung ương là cấp cao nhất của HTCT ở CHDCND Lào cả về quyền lực chính trị và trình độ tổ chức, đội ngũ cán bộ (có tính chất vĩ mô), gồm: tổ chức Đảng (các cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng, như BCHTW Đảng, BCT, Ban Bí thư) với tổ chức Nhà nước (Quốc hội, Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao) và tổ chức Mặt trận Lào xây dựng đất nước (Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước), các tổ chính trị - xã hội (BCHTW Liên hiệp Công đoàn Lào, BCHTW Đoàn Thanh niên Nhân dân
Cách mạng Lào, BCHTW Hội Liên hiệp Phụ nữ Lào và BCHTW Hội Cựu chiến binh Lào) và mối quan hệ giữa ba bộ phận của Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp trung ương của Lào.
Tổ chức Đảng cấp trung ương:
Ban Chấp hành Trung ương Đảng là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng NDCM Lào và là cơ quan lãnh đạo mọi lĩnh vực công việc trong 2 nhiệm kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc [89, tr.25]. BCHTW do Đại hội đại biểu toàn quốc bầu ra với nhiệm kỳ 5 năm. Bộ Chính trị là thay mặt cho BCHTW Đảng lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra việc thực hiện nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc, nghị quyết của BCHTW Đảng; quyết định những vấn đề liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; quyết định công việc an ninh - quốc phòng và công tác đối ngoại; quyết định công tác tổ chức, xây dựng Đảng - cán bộ; quyết định triệu tập và chuẩn bị hội nghị thường niên hoặc hội nghị bất thường của BCHTW Đảng; báo cáo việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ công việc của mình giữa 2 nhiệm kỳ hội nghị cho BCHTW. Ban Bí thư được BCHTW bầu ra thực hiện nhiệm vụ giúp Bộ Chính trị thực hiện chức năng nhiệu vụ nêu trên.
Ngoài ra, trong tổ chức Đảng cấp trung ương còn có các cơ quan tham mưu cho BCHTW Đảng bao gồm: Văn phòng Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Kiểm tra Trung ương, Ban Đối ngoại Trung ương, Ban Tuyên huấn Trung ương, Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào, Học viện Khoa học và Xã hội.
Tổ chức Nhà nước cấp trung ương (Quốc hội, Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao):
Quốc hội là cơ quan đại diện quyền và lợi ích của nhân dân các bộ tộc Lào, là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước CHDCND Lào [110, tr.13]. Quốc hội do nhân dân trực tiếp bầu ra, Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập ra Hiến pháp và luật pháp (lập hiến và lập pháp). Quốc hội quyết định những chính sách cơ bản về đối nội, đối ngoại, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã
hội, những nguyên tắc chủ yếu về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, về quan hệ xã hội và hoạt động của công dân.
Chính phủ là cơ quan hành pháp có chức năng quản lý việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng và đối ngoại của Nhà nước [110, tr.20]. Các cơ quan của Chính phủ nước CHDCND Lào bao gồm 18 bộ và 4 cơ quan (Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Ngân hàng Nhà nước).
Cơ quan tư pháp của Nhà nước gồm: Toà án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và các cơ quan điều tra. Cơ quan tư pháp có chức năng, nhiệm vụ bảo vệ luật pháp, đảm bảo cho luật pháp được thực hiện, chống lại các hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm quyền lực của nhân dân.
Mặt trận Lào xây dựng đất nước và các tổ chức chính trị - xã hội:
Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước còn gọi là Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước; là cơ quan cao nhất trong Mặt trận, BCHTW Mặt trận Lào xây dựng đất nước do Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Lào xây dựng đất nước bầu ra với nhiệm kỳ 5 năm [121, tr.21]. Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước có nhiệm vụ: nghiên cứu chiến lược, chủ trương, quy chế pháp luật về Mặt trận Lào xây dựng đất nước nhằm đề nghị cấp trên xem xét; cụ thể hóa đường lối, chính sách, quy chế pháp luật, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước, chiến lược, chủ trương, dự án hành động, nghị quyết Đại hội của tổ chức mình thành kế hoạch, chương trình, dự án và kế hoạch cụ thể, sau đó tổ chức thực hiện thành hiện thực; tuyên truyền, triển khai đường lối, chính sách của Đảng, quy chế pháp luật của Nhà nước, điều lệ, dự án hành động và hướng dẫn của Mặt trận Lào xây dựng đất nước; chỉ đạo, giám sát, thúc đẩy việc tổ chức thực hiện công việc, quy chế pháp luật về Mặt trận Lào xây dựng đất nước trên phạm vi cả nước; vận động, tập hợp, giáo dục nhân dân các bộ tộc Lào, tầng lớp, tôn giáo, giới tính, lứa tuổi nhằm giác ngộ về mặt chính trị, thành công dân tốt, phát huy truyền thống đoàn kết và tham gia vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước...
Các tổ chức chính trị - xã hội cấp trung ương (Trung ương Liên hiệp Công đoàn Lào [103], Trung ương Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng Lào [122], Trung ương HLHPN Lào [98] và Hội Cựu chiến binh quốc gia Lào [90]) của CHDCND Lào thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội cấp vĩ mô, lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội các cấp dưới thực hiện quyền làm chủ của nhân dân thông qua các tổ chức của mình.