Quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý

Một phần của tài liệu Phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị cấp trung ương ở cộng hòa dân chủ nhân dân lào hiện nay (Trang 54 - 59)

Chương 2 PHỤ NỮ THAM GIA LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ

2.2.1. Quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý

Trong lịch sử tiến hóa của nhân loại, loài người muốn tồn tại và phát triển trước hết phải sản xuất ra của cải vật chất. Phụ nữ là một lực lượng quan trọng trong đội ngũ đông đảo những người lao động. Bằng lao động của mình, phụ nữ không những đã góp phần tạo ra của cải vật chất và tinh thần, mà còn tham gia tích cực vào công cuộc đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc, các phong trào nổi dậy của những người bị áp bức bóc lột. Trên mọi bình diện của đời sống xã hội, phụ nữ đều có vai trò to lớn. Theo chủ nghĩa Mác - Lênin: “Trong lịch sử nhân loại, không một phong trào to lớn nào của những người bị áp bức mà lại không có phụ nữ tham gia, phụ nữ lao động là những người bị áp bức nhất trong những người bị áp bức” [29, tr.60], vì vậy, không bao giờ họ đứng ngoài và cũng không thể đứng ngoài các cuộc đấu tranh giải phóng. C.Mác nói: “Ai đã biết lịch sử thì biết rằng muốn sửa sang xã hội mà không có phụ nữ giúp vào, thì chắc không làm nổi”.

Sự nghiệp giải phóng phụ nữ phải gắn liền với giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc và giải phóng con người. Nếu dân tộc đã được giải phóng rồi, phụ nữ có vị trí quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời, phụ nữ phải có trách nhiệm phát triển kinh tế - xã hội. Nói cách khác, theo Ăngghen: “Giải phóng phụ nữ, quyền bình đẳng giữa nam và nữ đều không thể có được và mãi mãi không thể có được, chừng nào mà phụ nữ vẫn còn bị gạt ra ngoài lao động sản xuất xã hội, còn phải bị bó hẹp trong công việc riêng tư của gia đình” [30, tr.116].

Nghiên cứu lịch sử xã hội loài người, C.Mác và Ph.Ăngghen chỉ rõ: Trong xã hội có đối kháng, phụ nữ là nạn nhân trực tiếp của sự áp bức giai cấp và sự bất bình đẳng trong gia đình và ngoài xã hội. Sự ra đời của chế độ tư hữu dẫn đến tình trạng áp bức, nô dịch của giai cấp có của đối với giai cấp không có của, từ đây, trong gia đình người phụ nữ trở nên hoàn toàn lệ thuộc vào kinh tế, phải phục tùng tuyệt đối quyền lực của người chồng.

Như vậy, cả C.Mác và Ph.Ăngghen đều cho rằng, xã hội cần phải giải phóng phụ nữ khỏi sự ràng buộc gia đình, phải làm cho phụ nữ và nam giới bình đẳng bằng cách lôi cuốn phụ nữ tham gia công việc xã hội. Phụ nữ là nguồn nhân lực quan trọng để phát triển xã hội. Sự tiến bộ của một quốc gia còn thể hiện ở chỗ vị trí của phụ nữ trong quốc gia đó được xem xét, đánh giá như thế nào. Bên cạnh đó, các ông đánh giá cao vai trò của những người cán bộ lãnh đạo, quản lý trong các tổ chức kinh tế, chính trị, xã hội: “Tất cả mọi người lao động xã hội trực tiếp hay lao động chung nào tiến hành trên quy mô tương đối lớn, thì ít nhiều cũng đều cần đến một sự chỉ đạo để điều hòa những hoạt động cá nhân... Một người độc tấu vĩ cầm tự mình điều khiển lấy mình, còn một dàn nhạc thì phải cần có nhạc trưởng” [31, tr.480].

V.I.Lênin đã kế thừa và phát triển học thuyết C.Mác trong giai đoạn lịch sử mới - giai đoạn chủ nghĩa tư bản chuyển từ tự do cạnh tranh sang chủ nghĩa đế quốc và giai đoạn CNXH từ lý luận trở thành hiện thực. Ông cho rằng, trong mọi trường hợp, phụ nữ luôn tỏ rõ năng lực của giới mình. Việc lôi cuốn phụ nữ

tham gia quá trình quản lý đất nước, quản lý xã hội là rất cần thiết, là yêu cầu khách quan của một xã hội văn minh và phát triển. Lênin cũng đã chỉ rõ:

Trong lịch sử chưa hề có một giai cấp nào giành được quyền thống trị, nếu nó không đào tạo ra được trong hàng ngũ của mình những người lãnh tụ chính trị, những đại biểu tiền phong có đủ khả năng tổ chức và lãnh đạo phong trào. Và muốn thực hiện tốt những tư tưởng thì cần có những con người biết vận dụng lực lượng thực tiễn [15, tr.48].

Lênin đánh giá rất cao tiềm năng, vai trò của phụ nữ trong cách mạng:

“Một cuộc cách mạng XHCN không thể thành công nếu không có một phần phụ nữ lao động tham gia rộng rãi” [26, tr.18], “không thể nào xây dựng được ngay cả chế độ dân chủ - chứ đừng nói đến CNXH nữa, nếu phụ nữ không tham gia công tác xã hội...” [23, tr.418]; “Nếu một phần lớn phụ nữ lao động không tham gia một cách tích cực thì không thể có cách mạng XHCN được”

[25, tr.220]. Theo Lênin, công cuộc giải phóng phụ nữ là hết sức khó khăn và phức tạp. Thực hiện công cuộc giải phóng phụ nữ, tăng cường sự tham gia của người dân trong đó có phụ nữ vào quản lý đất nước, quản lý xã hội chính là để phát huy vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Bởi vì, khả năng của họ có ảnh hưởng rất quan trọng đến nguồn lực cách mạng, có mối liên quan mật thiết với sức mạnh nhân dân: “Không lôi kéo được phụ nữ vào công việc chính trị thì không thể lôi kéo được quần chúng nhân dân vào công việc chính trị được” [26, tr.13]. Ở vào những thời điểm bước ngoặt của cách mạng Nga, Lênin luôn chú ý đến công tác tổ chức bộ máy và con người, giai cấp vô sản muốn chiến thắng giai cấp tư sản thì phải đào tạo lấy “những nhà chính trị giai cấp thực sự của mình”.

Từ đó, Người cũng xác định rõ trách nhiệm của Đảng, Nhà nước là phải lôi cuốn, thúc đẩy mọi phụ nữ tham gia chính trị, quản lý nhà nước Xô-viết:

“Nhiệm vụ của chúng ta là phải làm cho chính trị trở thành công việc mà mỗi người phụ nữ lao động đều có thể tham dự” [24, tr.101].

Trong bức thư “Gửi nữ công nhân” viết năm 1920, Lênin tố cáo pháp luật tư sản giành đặc quyền cho nam giới và đặt phụ nữ vào tình trạng không bình đẳng với nam giới. Do đó, để tiến tới giải phóng phụ nữ thì một trong những bước đầu tiên phải thực hiện là chính quyền Xô-viết hủy bỏ tất cả pháp luật tư sản và thay vào đó là pháp luật tôn trọng bình đẳng nam và nữ. Song theo Lênin như thế vẫn chưa đủ, cần phải tạo bình đẳng trên thực tế, tức là: “Bình đẳng về mặt pháp luật vẫn chưa phải là bình đẳng trong thực tế đời sống... Muốn vậy, phải làm sao cho nữ công nhân ngày càng tham gia nhiều hơn nữa vào công việc quản lý các xí nghiệp công cộng, vào quản lý nhà nước” [25, tr.182-183]. Lênin tin tưởng rằng “Trong khi quản lý, phụ nữ sẽ học tập nhanh chóng và đuổi kịp nam giới”. Do vậy, Người yêu cầu mọi người cần ủng hộ phụ nữ tham gia quản lý nhà nước nếu họ có đức, có tài:

Hãy bầu nhiều nữ công nhân hơn nữa vào Xô-viết, cả đảng viên lẫn ngoài đảng. Miễn là chị ấy là một công nhân trung thực, biết làm việc có tình có lý và tận tâm, thì dù họ có là người không đảng phái cũng không sao, cứ bầu họ vào Xô-viết Matxcơva!... Giai cấp vô sản sẽ không đạt được tự do hoàn toàn, nếu không giành được tự do hoàn toàn cho phụ nữ [25, tr.183].

Lênin đánh giá cao khả năng, vai trò của phụ nữ trong sự nghiệp cách mạng XHCN vì theo Người, kinh nghiệm của tất cả các phong trào giải phóng chứng tỏ rằng, cách mạng muốn thắng lợi là tùy thuộc vào mức độ tham gia của phụ nữ. Bởi vậy, trên thực tế chính quyền Xô-viết đã làm hết sức mình để lôi cuốn phụ nữ tham gia công việc quản lý Nhà nước, quản lý xã hội nhằm từng bước giải phóng phụ nữ.

Lênin đã phát triển một cách sáng tạo quan điểm của C.Mác - Ph.Ăngghen về giải phóng phụ nữ trong điều kiện giai cấp vô sản đã giành được chính quyền, phụ nữ đã được bình đẳng với nam giới trong việc cùng với nam giới tham gia vào công việc lãnh đạo Nhà nước và quản lý xã hội.

Khi điều kiện cho phép, Lênin đã đề ra và thực hành nhiều biện pháp hữu hiệu

để đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục nâng cao trình độ cho phụ nữ có đủ khả năng tham gia quản lý, lãnh đạo. Lênin cho rằng, ngày nay, đã có chính quyền công nông thì việc giáo dục chính trị cho phụ nữ lao động có một tầm quan trọng hàng đầu. Nhiệm vụ của chúng ta là làm sao ngày càng có nhiều công nhân tham gia việc quản lý nhà nước, trong khi tham gia quản lý phụ nữ sẽ học tập nhanh chóng và đuổi kịp nam giới.

Chủ nghĩa Mác - Lênin, với học thuyết cách mạng và khoa học đứng trên quan điểm chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử đã tìm ra nguyên nhân đích thực của sự bất bình đẳng nam nữ, thấy được lực lượng và điều kiện cụ thể cùng với những biện pháp cụ thể và những biện pháp hiệu quả để giải phóng phụ nữ. Mỗi bước chuyển của lịch sử, mỗi nấc thang tiến bộ của nhân loại đều in đậm công lao của phụ nữ. Vì vậy, cuộc đấu tranh cho sự bình đẳng của xã hội, vì sự phát triển của nhân loại, C.Mác lấy mức độ giải phóng phụ nữ để làm một trong những tiêu chuẩn đánh giá trình độ văn minh của nhân loại: “Xem tư tưởng và việc làm của đàn bà, con gái thì biết xã hội tiến bộ như thế nào” [37, tr.289]. Lực lượng phụ nữ là một trong những nhân tố quyết định thành công của cách mạng. Coi giải phóng phụ nữ vừa là mục tiêu, vừa là động lực của cách mạng, đó là một trong những điểm để phân biệt cuộc cách mạng vô sản với các cuộc cách mạng khác. Lênin cho rằng:

Chừng nào mà phụ nữ không những chưa được tự do tham gia đời sống chính trị nói chung mà cũng chưa được quyền gánh vác một công việc thường xuyên và chung cho cả mọi người, thì chừng ấy không những chưa nói đến CNXH được, mà cũng chưa thể nói đến ngay cả một chế độ dân chủ toàn vẹn và bền vững được [22, tr.73-74].

Các nhà sáng lập CNXH khoa học cũng đã chỉ ra điều kiện, biện pháp để giải phóng phụ nữ. Xuất phát từ tình trạng bất bình đẳng quyền lợi về kinh tế, Ph.Ăngghen đã khẳng định: “Sự nghiệp giải phóng phụ nữ, quyền bình đẳng giữa nam và nữ đều không thể có được và mãi mãi không thể có được, chừng

nào mà phụ nữ vẫn bị gạt ra ngoài lao động sản xuất xã hội và còn phải bị bó hẹp trong công việc riêng tư của gia đình” [28, tr.506].

Tóm lại, các nhà kinh điển bàn về vấn đề giải phóng nhân loại, giải phóng giai cấp, giải phóng con người, trong đó có giải phóng nữ giới. Ngoài ra, có thể thấy, trong các quan điểm nền tảng của chủ nghĩa Mác - Lênin, các ông đã coi vấn đề bình đẳng nam - nữ là vấn đề quan trọng, gắn với các vấn đề cơ bản như phương thức sản xuất, hình thái kinh tế - xã hội, cách mạng xã hội, giai cấp và đấu tranh giai cấp; con người và giải phóng con người, dân tộc và giải phóng dân tộc, vấn đề nhà nước và cách mạng. Sự phát triển học thuyết Mác - Lênin trong thời đại ngày nay đã được làm phong phú và sâu sắc thêm vấn đề giới, với sự xuất hiện quan điểm nữ quyền (thuyết nữ quyền mácxít, nữ quyền XHCN) coi vấn đề giới là một trong những vấn đề xã hội cơ bản.

Một phần của tài liệu Phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị cấp trung ương ở cộng hòa dân chủ nhân dân lào hiện nay (Trang 54 - 59)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(181 trang)