ở Việt Nam cho đến nay, có lẽ không có lĩnh vực nào lại nhiều khiếu kiện, tranh chấp, tố cáo và vi phạm pháp luật nhiều như lĩnh vực này. Nơi ít thì
đến 60%, nơi nhiều đến trên 90% đơn thư khiếu kiện, tranh chấp, tố cáo là về
đất đai. Lĩnh vực này cũng mất nhiều cán bộ nhất, từ quản lý nhà nước đến người làm tín dụng, các vụ án tham nhũng lớn đều liên quan đến đất đai, đơn cử như: vi phạm tại huyện đảo Phú Quốc tỉnh Kiên Giang về giao đất, cho thuê đất không đúng đối tượng và thẩm quyền với quy mô của hơn 1100 ha loại đất rừng phòng hộ, tại huyện Định Quán tỉnh Đồng Nai về việc xâm chiếm 550 ha đất lòng hồ thuỷ điện Trị An- công trình đầu tiên của nước ta
được đánh giá tác động môi trường, vi phạm về giao đất tái định cư tại thị xã
Đồ Sơn thành phố Hải phòng nơi “cán bộ cũng là dân” dù không mất bất cứ m2 đất nào cũng được tái định cư trong khi người dân mất đất lại không được giao đất tái định cư, giao đất sai thẩm quyền và không đúng đối tượng tại thị xã Phú thọ tỉnh Phú thọ, các vụ án đã xét xử như : Tamexcô, Minh Phụng- Epcô, Lã Thị Kim Oanh đều ít nhiều liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến đất
đai. Cũng chưa có đạo luật nào trong quá trình xây dựng, sửa đổi lại tốn nhiều thời gian công sức, giấy mực và tranh cãi như Luật đất đai thời gian qua, cũng như chưa có nghị định nào sánh được Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 về thi hành luật đất đai trong lịch sử hành pháp của Chính phủ Việt Nam. Với mệnh danh là “siêu nghị định” Nghị định số 181/2004/NĐ-CP dài 145 trang A4, với 14 chương và 186 điều, có điều luật dài hơn 3 trang A4 ( xem điều 122 của Nghị định nêu trên) và có lẽ đã vượt qua mọi khuôn khổ của một nghị định từ xưa đến nay của Chính phủ. Lý do của mọi chuyện như
vậy đều liên quan đến vấn đề nhận dạng bản chất của đất đai.
Trong Hiến pháp và trong Bộ luật Dân sự, đất đai được xếp vào phần “ tài sản” nhưng lại đánh đồng với tài nguyên ( đặt trong mục” tài nguyên”). Tại Luật đất đai năm 1993 và những lần sửa đổi vào năm 1998 và 2001 đều khẳng
định ở phần lời nói đầu “ đất đai là tài nguyên”. Do được góp ý cho nên trong Luật đất đai năm 2003 không có lời nói đầu và cũng không nói đất đai là tài nguyên hay tài sản nữa, nhưng thực chất đất đai vẫn được cư xử như một thứ tài nguyên.
Đúng, đất đai vốn là một thứ tài nguyên, tức là một tồn tại vật chất do thiên nhiên tạo ra ban tặng cho loài người và con người có thể sử dụng nó để
đáp ứng các nhu cầu sống còn của mình ( cũng giống như tài nguyên khoáng sản, tài nguyên rừng, tài nguyên nước, tài nguyên khí hậu, sự đa dạng sinh học”). Nhưng một khi đã được tiếp cận, được chiếm hữu, được khai thác, tức là đã kết tinh sức lao động trong đó thì tài nguyên bắt đầu có giá trị, đồng thời có giá trị sử dụng trực tiếp, và cũng như các loại tài nguyên khác, kể từ đó,
đất đai- tài nguyên” trở thành "đất đai- tài sản “với đầy đủ tính chất của một loại tài sản thuộc quyền sở hữu của người đang khai thác, tiếp cận, chiếm hữu nó bằng sức lao động của mình.
Như vậy, trước hết cần khẳng định toàn bộ đất đai trên lãnh thổ Việt Nam là tài sản quốc gia vô giá, thiêng liêng thuộc quyền sở hữu tuyệt đối của toàn thể nhân dân Việt Nam. Không có đất đai dĩ nhiên không có sự tồn tại của các điều kiện sống, vì cho đến nay con người chưa tìm thấy một hành tinh nào khác trong hệ mặt trời lại có sự sống và có nền văn minh như trái đất.
Lịch sử hàng chục ngàn năm của văn minh nhân loại luôn gắn liền với đất đai và những cuộc chinh phạt của các thế lực thống trị từ thời” chiếm hữu nô lệ”
đến thời đại ngày nay đều thèm khát đất đai như là một bảo bối của chủ quyền quốc gia, coi đất đai là thứ của sự xâm chiếm nhằm bành trướng” thuộc địa”
và nô dịch dân tộc khác. Bởi vậy, đối với Việt Nam- đất nước của lịch sử hàng ngàn năm gắn với nền văn minh lúa nước, đất đai cùng với con người chia sẻ các giá trị vật chất và tinh thần. Đất đai- tài sản vô giá và thiêng liêng là vậy. “ Vô giá, thiêng liêng” vì không biết bao nhiêu thế hệ con người Việt Nam từ thời đại Hùng Vương đến thời đại Hồ Chí Minh đã hi sinh xương máu, mồ hôi và nước mắt để vun đắp, gìn giữ tài sản này suốt cả chiều dài lịch sử. Tài sản này không chỉ được khai thác giữ gìn cho thế hệ chúng ta, nó mãi mãi phải là tài sản của tất cả thế hệ tương lai vì một đất nước Việt Nam phồn thịnh. Tài sản này là tuyệt đối, bởi đây là quyền không giới hạn cả về thời gian ( vĩnh cửu) lẫn không gian( chiều sâu, chiều cao) và không thể thay đổi, không thể
chia sẻ ( không một ai có quyền bán hay đem cho nước ngoài dù chỉ một ly, một tấc về đất đai).
Lý luận và thực tiễn đều cho thấy đối với quốc gia, đất đai là tài sản với
đầy đủ thuộc tính của tài sản ( ngày nay, đất dưới dạng tài nguyên thuần tuý có lẽ chỉ còn ở châu Nam Cực hoặc chỉ những vùng đất còn chưa đưa vào khai thác với tiêu chí là đất dự trữ hoặc đất chưa sử dụng).
Trên thế giới, nhiều nước tuyên bố đất đai là tài sản, ví dụ như
Australya, Thụy Điển, hoặc tuy không tuyên bố đất đai là tài sản nhưng trong thực tiễn pháp luật, họ điều chỉnh quan hệ đất đai trong lĩnh vực luật tư. Đất
đai - tài sản được điều chỉnh theo các nguyên tắc cốt tử của dân luật và không tuân thủ quy tắc về đất đai là một dạng tài nguyên.
Quan niệm đất đai là tài nguyên thời hiện đại không chỉ là sai lầm và sai lầm này dẫn đến hàng loạt sai lầm nghiêm trọng tiếp theo có tính bao trùm như đã coi nhẹ, bỏ qua hoặc làm trái hàng loạt những tư tưởng chỉ đạo quan trọng trong quản lý tài sản ở một thực thể kinh tế do nhiều chủ thể tham gia vận hành trong nền kinh tế thị trường.
Thứ nhất, đã coi nhẹ ( thậm chí bỏ qua) trong một thời gian dài, việc đo
đếm, phân loại, xác định nguồn gốc lai lịch, vào sổ sách ( đăng ký), theo dõi cập nhật sự thay đổi, dịch chuyển về quyền tài sản đối với toàn bộ cũng như
đối với từng đơn vị ( thửa đất). Trong khi đó những việc vẫn được làm tỉ mỉ với những tài sản ít giá trị hơn như đăng ký xe đạp trước đây, ô tô, xe máy bây giờ, sắt thép, phụ tùng trong nhà máy cơ khí, vải vóc kim chỉ trong xí nghiệp may v. v. và v. v cho nên, hiện nay chúng ta đang gấp rút hoàn thiện các quy
định về đo đạc, cắm mốc giới, hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ( đáng lý việc này đã phải làm từ lâu rồi và cập nhật thường xuyên trong quản lý đất đai) để người sử dụng đất có đủ giấy tờ mà thực thi quyền sử dụng đất của mình. Từ 1/1/2007, theo quy định tại điều 184 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP của Chính phủ về thi hành Luật đất đai, mọi giao dịch về quyền sử dụng đất phải bằng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Như vậy, đã
đến lúc mọi giao dịch bất hợp pháp sẽ không được thừa nhận, các quan hệ thị trường sẽ trở nên minh bạch và được quản lý theo nề nếp. Tiếc rằng, điều đó không đến sớm hơn do chúng ta vẫn ngủ quên bởi nhận thức sai lầm về đất
đai- tài nguyên, những thứ không do con người tạo nên.
Thứ hai, đã bỏ qua một nguyên tắc sơ đẳng mà mọi thực thể kinh tế cho
đến một quốc gia phải áp dụng trong quản lý tài sản, đó là phải có sự phân quyền thoả đáng để có người quản lý chung, người làm kế toán, người làm thủ kho hay thủ quỹ và người sử dụng tài sản phải tách bạch không được kiêm nhiệm, thậm chí không có quan hệ thân thuộc. Tuy nhiên, bằng cách phân quyền tràn lan trong khi thiếu sự phân quyền thoả đáng để kiểm tra, giám sát nhau đến từng chi tiết, luật pháp của chúng ta đã phó thác cả quyền quản lý, cả quyền cấp phát đất đai, cả quyền sử dụng đất đai, quyền tài phán quan hệ tài sản vào tay một nhóm cán bộ hành chính ở một vài cấp trong một vài ngành và tạo ra cơ hội thật lý tưởng cho các vị tham nhũng. Nhiều trường hợp nhà nước cũng mất, nhân dân cũng mất nhưng không ai làm gì được, từ” các sổ sách địa chính gốc” đến” cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”, từ quyền thu đến quyền phát đều trong tay một số người. Chỉ cần các vị này
“thiếu trong sáng” một tý là có thể thông lưng với nhau tha hồ sửa chữa, chế biến giấy tờ để chiếm đoạt trục lợi. Người sử dụng đất dù không có giấy tờ quy định tại khoản 1 điều 50 Luật đất đai nhưng đã sử dụng đất ổn định lâu dài từ trước ngày 15/10/1993 nay được uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không phải nộp tiền sử dụng đất ( Xem, khoản 4 điều 50 Luật đất đai năm 2003). Quy định này hợp thức một thực tế là, người sử dụng đất lấn chiếm, sử dụng đất công, sử dụng đất do khai phá, do được thừa kế, tặng cho một cách hợp pháp với nhau “cùng một cấp
độ”, miễn là thời gian sử dụng trước 15/10/1993, phù hợp với quy hoạch và
được chính quyền địa phương xác nhận. Đã có không ít các cán bộ địa chính tư vấn để Chủ tịch xã, phường, thị trấn xác nhận cho người sử dụng đất sau 15/10/1993 ngược dòng thời gian để từ đó chia chác nhau quyền lợi và làm nghèo đi ngân sách nhà nước từ đất đai. Cũng có không ít cán bộ địa chính trở thành đầu nậu về đất đai thông qua việc cắm mốc, đo đạc, làm thủ tục về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không trả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người được cấp nếu họ chưa mang tiền đến” cầu cạnh”.
Thứ ba, đã có thời chúng ta tạo ra sự lẫn lộn giữa quyền tài sản chính
đáng, hợp pháp về đất đai với hành vi sử dụng đất phi lý, phi pháp. Cần thấy rằng, trước đây từng mảnh đất đều có chủ rõ ràng. Đó là các thể nhân, các
pháp nhân ( đối với đất tư) hoặc nhà nước ( đối với đất công), trong đó các thể nhân và pháp nhân chỉ có thể là chủ đất do:a) Chính quyền cách mạng trao hoặc công nhận, b) thừa kế, c) mua được, d) dùng lao động của mình để khai khẩn với sự cho phép, tổ chức, hướng dẫn của nhà nước. Quyền sở hữu như
vậy về bản chất là quyền tài sản chính đáng và hợp pháp, có nguồn gốc rõ ràng. Điều 19 Hiến pháp năm 1980, chúng ta tuyên ngôn cho quyền sở hữu toàn dân về đất đai, thực chất là quốc hữu hoá. Khi đó quyền sở hữu của tổ chức, cá nhân bị vô hiệu hoá và dẫn đến một kết luận rằng: Sở hữu mà không sử dụng thì mất quyền tài sản, sử dụng mặc dù không sở hữu và thậm chí không rõ nguồn gốc thì vẫn có quyền như sở hữu. Vấn đề đất đai xét về bản chất thực đã từng xẩy ra như vậy trong một thời gian dài.
Luật đất đai năm 1993 xác định” đất đai là tài nguyên” và thực tế ngay cả
Luật đất đai năm 2003 vẫn dựa trên cách đặt vấn đề như vậy. Cho nên, đã là tài nguyên thì con người có thể hái lượm như đối với cá bắt dưới sông, chim thú săn trên trên rừng, cua ốc mò ngoài ruộng, rau rệu hái ở đầu bờ ( đều là tài nguyên cả). Do vậy, người ta đua nhau hái lượm bằng nhiều hình thức: phá
rừng già vô giá cắm lên đó vài luống sắn còi cọc để làm kinh tế, nhảy dù bằng một túp lều vào mặt bằng sắp giải toả để nhận bồi thường, trồng vài bụi tre trên mảnh đất công đầu xóm, dịch tường nhà mình sang đất lưu không.
Từ thực tế nhận thức trên được pháp luật khuyến khích thêm khi người ta sử dụng đất liên tục, ổn định sau một số năm không có tranh chấp thì nay chính quyền xác nhận hiện trạng để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng
đất. Do vậy, đất công cứ thất thoát dần, đất tư cũng phát sinh bao chuyện rắc rối và xử lý không dễ một chút nào, vì tiêu chí để phân xử quyền tài sản về đất
đai đã bị đảo lộn, bị vô hiệu hoá hoặc bị lu mờ.
Kết luận của chúng tôi khi nhận dạng bản chất đất đai và phân tích xuất phát
điểm sai lầm của chúng ta trong cách nhìn nhận về đất đai là: đất đai là tài sản, quản lý đất đai phải theo đúng nguyên tắc của quản lý tài sản. Các quan hệ đất đai phải nhìn nhận dưới góc độ tài sản và điều chỉnh với tính cách là tài sản. Chỉ có như vậy mới có thể xác lập một trật tự mới, thực sự lành mạnh khi quản lý, hưởng dụng nó với tính cách là một tài sản.
Từ việc nhận dạng bản chất đất đai như chúng tôi đã phân tích trên, để từ đó cần phải hiểu chính xác quyền sử dụng đất như thế nào trong điều kiện của nền kinh tế thị trường ở Việt Nam.