Mối quan hệ giữa trách nhiệm xã hội và kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Kinh tế: Mối quan hệ giữa thực tiễn quản trị nguồn nhân lực, trách nhiệm xã hội và kết quả hoạt động kinh doanh - Trường hợp các doanh nghiệp chế biến thực phẩm tại đồng (Trang 66 - 69)

CHƯƠNG 2 CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ MÔ HÌNH NGHIÊN CỨU

2.5 MỐI QUAN HỆ GIỮA CÁC KHÁI NIỆM NGHIÊN CỨU

2.5.4. Mối quan hệ giữa trách nhiệm xã hội và kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp

Ali và cộng sự (2010) cho rằng TNXH bên cạnh ảnh hưởng đến kết quả hoạt động thông qua sự gắn kết tổ chức thì TNXH có ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong những lĩnh vực khác nhau tại Pakistan.

Ngoài ra, Mustafa và cộng sự (2012) khảo sát 200 nhân viên đang làm việc tại các doanh nghiệp công tại Malaysia, thông qua sử dụng phương pháp phân tích cấu trúc tuyến tính (SEM) cho thấy mối quan hệ tích cực giữa TNXH và kết quả hoạt động của doanh nghiệp. Thật vậy, ngoài trách nhiệm với các bên có liên quan, thì trách nhiệm của bản thân doanh nghiệp phải tạo ra được lợi nhuận, đây là yếu tố sống còn đối với mỗi doanh nghiệp. Thêm vào đó, nghiên cứu Torugsa và cộng sự (2012) đối với 171 doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực sản xuất tại Úc, kết quả cho thấy tùy theo năng lực của mỗi doanh nghiệp có thể thực hiện chiến lược TNXH khác nhau, nhưng nhìn chung sự chủ động thực hiện TNXH có ảnh hưởng tích cực trực tiếp đến hiệu quả tài chính doanh nghiệp.

Rettab và cộng sự (2009) kiểm tra mối quan hệ TNXH và kết quả hoạt động của các doanh nghiệp trên cơ sở khảo sát 280 doanh nghiệp đang hoạt động tại Dubai, tương ứng với sáu khía cạnh của TNXH gồm: Trách nhiệm đối với nhân viên, môi trường, cộng đồng, nhà đầu tư, khách hàng và nhà cung cấp. Kết quả cho thấy mức độ thực hiện TNXH ở các khía cạnh này có ảnh hưởng tích cực đến ba khía cạnh của kết quả hoạt động kinh doanh là kết quả tài chính, cam kết tổ chức và danh tiếng công ty. Giả thuyết được xem xét

H10. TNXH hướng đến nhân viên có ảnh hưởng tích cực đến kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp

Cùng với nghiên cứu Rettab và cộng sự (2009), Murtaza và cộng sự (2014) khảo sát việc thực hiện TNXH trong ngành thực phẩm, kết quả cho thấy việc mở rộng TNXH giúp nâng cao hình ảnh tổ chức trong tâm trí khách hàng, đều này có ảnh hưởng tích cực đến hiệu suất tài chính trong doanh nghiệp.

Waddock and Graves (1997) cho rằng khách hàng nhận thức tích cực về sự an toàn, về chất lượng sản phẩm sẽ giúp doanh nghiệp tăng doanh thu hoặc giảm chi phí về mối quan hệ của các bên liên quan, điều này góp phần cải thiện lợi nhuận đáng kể (Berman, 1999). Nghiên cứu của Marcus (1989) cũng cho thấy trong thị trường bán lẻ, hành động của các công ty vô TNXH thường bị phản ứng tiêu cực từ thị trường. Trong khi đó, những doanh nghiệp có các chính sách và thực tiễn giải quyết những vấn đề tiêu chuẩn đạo đức trong quảng cáo, quan tâm đến sức khỏe và an toàn của khách hàng trong quá trình sử dụng sản phẩm, hay có những chương trình hành động nhằm cung cấp sản phẩm tốt với giá hợp lý hơn, hoạt động này nói lên hành động tích cực về thái độ trách nhiệm của doanh nghiệp hướng đến khách hàng, điều này giúp cải thiện kết quả hoạt động của doanh nghiệp (Mishra and Suar, 2010). Do đó, có thể xem xét giả thuyết:

H11. TNXH hướng đến khách hàng có ảnh hưởng tích cực đến kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp

Trong những năm gần đây, dưới áp lực của các vấn đề về môi trường trên toàn cầu, các quy định pháp luật liên quan đến môi trường được quy định ngày càng chặt chẽ hơn. Việc nhận ra tầm quan trọng trong quá trình sản xuất, chế biến sản phẩm, dịch vụ mang tính thân thiện với môi trường, góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp ngày càng tuân thủ các tiêu chuẩn về môi trường nhằm đảm bảo tính bền vững cho hoạt động của doanh nghiệp. Một số nghiên cứu trước đây cũng cho thấy cam kết môi trường giúp nâng cao lợi nhuận, đặc biệt giúp tăng trưởng cao trong các ngành công nghiệp (Russo and Fouts, 1997), Klassen and McLaughlin (1996) cũng cho rằng việc tăng cường chủ động quản lý môi trường giúp nâng cao giá trị thị trường, danh tiếng và hiệu quả tài chính của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, có bằng chứng cho thấy những công ty chủ động thực hiện quản lý môi trường thường có chỉ số tài chính và lợi nhuận tốt hơn so với những công ty không có ý thức trách nhiệm (Ahmed và cộng sự, 1998).

Aragón-Correa và cộng sự (2008) trong một nghiên cứu về ảnh hưởng môi trường đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ, trong đó giả định rằng các doanh nghiệp nhỏ thường thiếu các nguồn lực để thực hiện các chiến lược môi trường vượt quá mức tối thiểu theo mức quy định. Qua khảo sát 108 doanh nghiệp nhỏ và

vừa tại Tây Ban Nha, kết quả cho thấy những doanh nghiệp tích cực chủ động thực hiện những phản ứng giảm thiểu tác động của môi trường ảnh hưởng tích cực đến kết quả tài chính của doanh nghiệp. Do đó, xem xét giả thuyết

H12. TNXH hướng đến môi trường ảnh hưởng tích cực đến kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp

Ngày nay, tại Việt Nam các phương tiện truyền thông đã đưa tin về nhiều doanh nghiệp chế biến thực phẩm về những trường hợp điển hình như các công ty vô đạo đức thực hiện các hành vi thiếu trách nhiệm xã hội để đạt được lợi nhuận cao mà bất chấp những tổn hại về phúc lợi của nhân viên, sự an toàn của khách hàng và môi trường. Những hoạt động này bao gồm từ hành động sai trái của doanh nghiệp đối với người lao động, đến sự không trung thực với khách hàng trong sản xuất và chế biến thực phẩm. Mặc dù, chính phủ đã đưa ra nhiều quy định và hệ thống pháp luật để điều chỉnh hành vi của các doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh, nhưng việc thực hiện TNXH vẫn phụ thuộc nhiều vào năng lực của tổ chức để theo dõi và thực thi các quy định trong đơn vị (Mellahi, 2007).

Một số nghiên cứu về TNXH khía cạnh pháp lý và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp tại một số quốc gia như: Nghiên cứu của Mustafa và cộng sự (2012) về trách nhiệm xã hội ảnh hưởng đến kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thông qua khảo sát 200 doanh nghiệp tại Malaysia, kết quả cho thấy TNXH gồm bốn khía cạnh: Đạo đức, luật pháp, kinh tế và từ thiện đều có ảnh hưởng trực tiếp đến danh tiếng và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Hay, nghiên cứu thực nghiệm của Bchini and Taher (2015) về hoạt động TNXH của 104 doanh nghiệp tại Tunisia cho thấy rằng TNXH khía cạnh pháp lý có ảnh hưởng tích cực đến vòng quay vốn tài chính trong doanh nghiệp. Song song đó, nghiên cứu nhằm làm rõ hoạt động TNXH ở khía cạnh pháp lý và quy phạm pháp luật của Harjoto and Jo (2015) cũng cho thấy TNXH khía cạnh pháp lý làm tăng giá trị doanh nghiệp.

Trên cơ sở các nghiên cứu trước đây, kết hợp với đặc điểm các doanh nghiệp chế biến thực phẩm tại Việt Nam, đa số các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường gặp những hạn chế về nguồn lực để đảm bảo đáp ứng tốt nhất việc thực hiện trách nhiệm của doanh nghiệp ở các khía cạnh liên quan, đặc biệt là sự tuân thủ pháp luật một

cách toàn diện khi đặt trong mối quan hệ với kết quả hoạt động kinh doanh. Vì thế, có thể xem xét giả thuyết

H13. TNXH hướng đến pháp lý có ảnh hưởng tích cực đến kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Kinh tế: Mối quan hệ giữa thực tiễn quản trị nguồn nhân lực, trách nhiệm xã hội và kết quả hoạt động kinh doanh - Trường hợp các doanh nghiệp chế biến thực phẩm tại đồng (Trang 66 - 69)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(296 trang)