ĐẶC ĐIỂM NGUỒN NHÂN LỰC VÀ TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI CỦA CÁC DOANH NGHIỆP CHẾ BIẾN THỰC PHẨM ĐBSCL

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Kinh tế: Mối quan hệ giữa thực tiễn quản trị nguồn nhân lực, trách nhiệm xã hội và kết quả hoạt động kinh doanh - Trường hợp các doanh nghiệp chế biến thực phẩm tại đồng (Trang 74 - 78)

CHƯƠNG 2 CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ MÔ HÌNH NGHIÊN CỨU

2.7 ĐẶC ĐIỂM NGUỒN NHÂN LỰC VÀ TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI CỦA CÁC DOANH NGHIỆP CHẾ BIẾN THỰC PHẨM ĐBSCL

2.7.1. Đặc điểm nguồn nhân lực

ĐBSCL với dân số khoảng 18 triệu dân, lớn hơn dân số Hà Lan hay các nước láng giềng như Lào, Campuchia. Điều này, cho thấy ĐBSCL không chỉ có lực lượng lao động dồi dào mà còn là thị trường tiêu thụ tiềm năng cho các nhà sản xuất. Tuy nhiên, hiện nay chất lượng lao động và những chính sách riêng để phát triển ngành chế biến thực phẩm vẫn chưa tạo ra được một tính đột phá để thu hút đầu tư.

Với nguồn nguyên liệu phong phú, số lượng lớn, tuy nhiên năng lực của ngành công nghiệp chế biến vẫn còn nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu chế biến nông, thủy sản của toàn vùng. Trong khi đó, tiềm năng thế mạnh của vùng được xác định chính là ngành công nghiệp chế biến. Nhìn tổng thể, sản xuất công nghiệp nói chung và công nghiệp chế biến nói riêng vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn lớn thể hiện ở các mặt như hạ tầng kỹ thuật còn yếu và thiếu; chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực lành nghề còn thấp so với mức bình quân cả nước; phát triển chủ yếu theo chiều rộng; chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm trong vùng còn hạn chế.

Công nghiệp chế biến và xuất khẩu nông thủy - sản của vùng ĐBSCL nhìn chung phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và nguồn nguyên liệu của địa phương. Xuất khẩu thủy sản tăng trưởng chậm; sản phẩm chủ yếu xuất ở dạng thô; nhiều sản phẩm làm ra giá thành còn cao, sức cạnh tranh thấp; hệ số sử dụng công suất chế biến thủy sản đông lạnh và chế biến rau quả đạt thấp; các cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản chưa phát triển (Phú Khởi, 2016)

2.7.2 Đặc điểm về thực hiện trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp chế biến thực phẩm

Mặc dù công nghệ chế biến thực phẩm chưa phát triển tương xứng với tiềm năng của Vùng. Tuy nhiên, trong thời gian qua sự phát triển nhanh của ngành công

nghiệp chế biến này, đặc biệt ngành phát triển tương đối cao là thủy sản, điều này đang đặt ra những nguy cơ có thể xã hội phải đối mặt như:

Trước tiên, vấn đề ô nhiễm môi trường, suy giảm nguồn lợi thủy sản. Điển hình là ô nhiễm môi trường biển do các hoạt động từ các cảng cá và các khu vực xung quanh các nhà máy thủy sản đã và đang khiến nguồn lợi thủy sản suy giảm nghiêm trọng, rạn san hô, cỏ biển ngày càng bị ảnh hưởng, đồng thời làm giảm sản lượng thủy hải sản. Nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản, chế biến bột cá....đang cố gắng thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, nâng cao trách nhiệm xã hội như việc xây dựng và vận hành khu xử lý nước thải, đầu tư cây xanh..v.v..Chẳng hạn công ty Cổ phần chế biến thủy sản Cửu Long, Công ty Trách nhiệm hữu hạn chế biến thực phẩm Pánh Pía - Lạp xưởng Tân Huê Viên (nguồn: khảo sát từ doanh nghiệp)..v.v.. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp không chú trọng đến việc bảo vệ môi trường, không xây dựng khu xử lý nước thải mà xả thải trực tiếp ra môi trường, hay nhiều doanh nghiệp xử dụng rác thải hay chất đốt độc hại đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, cộng đồng xung quanh, đồng thời gây phản ứng ngược lại đối với doanh nghiệp. Sự

“vận hành bình thường” của doanh nghiệp trở thành nổi bức xúc của người dân và cộng đồng xung quanh.

Ngày nay, thực tế cho thấy tình trạng thực phẩm bẩn thực sự là vấn đề đáng báo động không chỉ đối với hàng xuất khẩu mà còn đối với hàng hóa nội địa. Trong khi đó, ngành công nghệ thực phẩm là ngành làm ra sản phẩm đáp ứng trực tiếp đến nhu cầu của người tiêu dùng, sản phẩm của ngành này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và sự an toàn đối với người sử dụng sản phẩm. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải tuân thủ về chất lượng sản phẩm, độ an toàn khi sử dụng, đảm bảo quyền lợi trực tiếp của người tiêu dùng, thực hiện đúng các cam kết với khách hàng. Thêm vào đó, xã hội càng phát triển đòi hỏi TNXH ngày càng cao, do đó TNXH cần được các doanh nghiệp nâng lên phù hợp với yêu cầu hội nhập.

Song song đó, chế độ cho người lao động có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp. Người lao động chỉ có thể gắn bó với công ty khi thu nhập của họ được đảm bảo, họ được đối xử công bằng và có điều kiện phát huy hết năng lực của mình. Thông qua đó, doanh nghiệp cũng không bị xáo trộn nhân

sự, người lao động yên tâm gắn bó với công ty, không có tâm lý bất mãn, chống phá;

nâng cao năng suất làm việc. Làm tốt TNXH đối với người lao động, doanh nghiệp nâng cao được uy tín với cộng đồng và chính quyền; thu hút nhân tài, khẳng định được vị thế đối với khách hàng và người tiêu dùng. Vấn đề sử dụng lao động của doanh nghiệp trong thời gian gần đây đang được quan tâm, bởi lẽ doanh nghiệp chế biến thực phẩm đang là đơn vị sử dụng nhiều lao động.

Ngoài ra, tùy thuộc vào trình độ khoa học kỹ thuật công nghệ mà doanh nghiệp áp dụng, người lao động trong ngành này cần phải đáp ứng những tiêu chuẩn về trình độ, kỹ năng khác nhau. Tuy nhiên, với trình độ kỹ thuật còn thấp và lạc hậu của Việt Nam hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp trong ngành mới chỉ yêu cầu người lao động ở mức độ lao động phổ thông. Các lao động nữ chiếm tỷ lệ lớn trong các doanh nghiệp của ngành vì đặc điểm và điều kiện lao động của ngành khá phù hợp với nữ giới.

Trước xu thế hội nhập, việc sử dụng lao động đang đặt ra các tiêu chuẩn rất cao về TNXH đối với người lao động như môi trường làm việc, điều kiện an toàn lao động, hay độ tuổi lao động, giới tính … cần được các doanh nghiệp quan tâm. Cụ thể, Tuyên bố của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO - International Labour Organization) khẳng định 4 nhóm tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản gồm: Tự do hiệp hội và quyền thương lượng tập thể; Xóa bỏ mọi hình thức lao động cưỡng bức và lao động bắt buộc; Xóa bỏ có hiệu quả lao động trẻ em; Xóa bỏ phân biệt đối xử trong công việc. Vì vậy, điều cơ bản nhất là các doanh nghiệp cần phải đảm bảo quyền của người lao động theo luật định và thậm chí đứng ở khía cạnh TNXH của doanh nghiệp cần quan tâm đến lợi ích hợp pháp khác ngoài quy định của pháp luật.

Tại Việt Nam, một thực tế là việc thiếu các tiêu chuẩn quy định rõ ràng về TNXH, vì thế doanh nghiệp không sẵn sàng thực hiện báo cáo cung cấp các thông tin về mức độ thực hiện TNXH đối với các bên liên quan, dẫn đến nhân viên, khách hàng không có hoặc có thông tin rất hạn chế về việc thực hiện TNXH và những thành tích TNXH của doanh nghiệp, từ đó “vô tình” dẫn đến họ không nhận ra tầm quan trọng và lợi ích của việc thực hiện TNXH trong doanh nghiệp (Pham Duc Hieu, 2011).

Trong thời gian gần đây, TNXH được nhiều tác giả quan tâm nghiên cứu, chẳng hạn như nghiên cứu của Nguyễn Phương Mai (2015) về trách nhiệm xã hội của các

doanh nghiệp chế biến thực phẩm Việt Nam tiếp cận từ góc độ người tiêu dùng, trên cơ sở khảo sát 622 người tiêu dùng, cho thấy các yếu tố nhận thức trách nhiệm cộng đồng, trách nhiệm kinh doanh trung thực và trách nhiệm đối với người lao động nhận được sự quan tâm tích cực đặt trong mối quan hệ thái độ của người tiêu dùng. Hay, nghiên cứu của Nguyễn Hồng Hà (2016) về ảnh hưởng của TNXH đến lòng trung thành của khách hàng trong ngành thức ăn chăn nuôi tại miền Bắc Việt Nam cũng cho thấy cảm nhận về TNXH của khách hàng có tác động thuận chiều đến các yếu tố như: Sự hài lòng khách hàng, danh tiếng công ty, quan hệ giữa cá nhân khách hàng và nhân viên công ty. Thêm vào đó, Thang (2016) nghiên cứu ảnh hưởng của TNXH bên trong đến cam kết tổ chức: Bằng chứng từ các doanh nghiệp dịch vụ tại Việt Nam, kết quả cho thấy hầu hết các nhân tố thuộc thành phần TNXH như: Quan hệ lao động, đối thoại xã hội, sức khỏe và an toàn, huấn luyện và đào tạo đều ảnh hưởng tích cực đến cam kết tình cảm, cam kết tiếp tục và cam kết quy phạm, tuy nhiên cân bằng cuộc sống – công việc có ảnh hưởng tiêu cực đến cam kết tình cảm. Qua đó, có thể thấy TNXH tại Việt Nam hiện nay đang nhận được sự quan tâm nghiên cứu, thực hiện tích cực đối với các nhà khoa học, nhà quản lý trong doanh nghiệp đứng ở nhiều phương diện khác nhau.

2.7.3 Đặc điểm địa bàn nghiên cứu

ĐBSCL được đánh giá là vùng sản xuất lượng thực thực phẩm, thủy sản và cây ăn trái nhiệt đới lớn nhất nước. Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện nay ĐBSCL sản xuất mỗi năm trên 20.7 triệu tấn lúa, chiếm 53.5% sản lượng lúa và 90% sản lượng gạo cả nước; diện tích cây ăn trái khoảng 290000 ha, hàng năm cho sản lượng khoảng 2.5 triệu tấn, chiếm 70% sản lượng trái cây cả nước.

Về thủy sản, tổng sảng lượng khai thác và nuôi trồng hàng năm khoảng 3 triệu tấn, chiếm 58% sản lượng thủy sản cả nước.

Với nguồn nguyên liệu phong phú cùng với với sự tăng trưởng về sản lượng ở các ngành nông, thủy sản, sự phát triển kinh tế - xã hội trong nước và hội nhập quốc tế, tạo ra cơ hội và thách thức cho hoạt động sau thu hoạch đặc biệt là hoạt động chế biến thực phẩm cả về số lượng lẫn chất lượng sản phẩm ở mỗi doanh nghiệp. Đặc biệt, sự phát triển mạnh các ngành chế biến thủy sản và ngành xay xát là hai ngành

chiếm tỷ trọng cao về quy mô sản xuất và sử dụng lực lượng lao động (Sản lượng chế biến xuất khẩu của vùng luôn chiếm khoảng 55% tổng sản lượng thuỷ sản xuất khẩu và chiếm tới 55% tổng giá trị kim ngạch thuỷ sản của cả nước, sử dụng lớn lực lượng lao động trong khu vực).

Thêm vào đó, chế biến là ngành đặc thù, hầu hết các lao động làm việc trong môi trường khắc nghiệt, một số lao động coi đây là ngành nghề tạm thời khi đang thất nghiệp, sau một thời gian nếu tìm được việc khác là họ sẵn sàng “nhảy” việc. Vì vậy, mặc dù các công ty đã thực hiện nhiều chính sách chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân nhưng tình trạng thiếu lao động vẫn là bài toán nan giải (Nguyễn Trang, 2014). Điều này, đòi hỏi các doanh nghiệp cải tiến cách thức QTNNL, tăng cường thực hiện TNXH đối với các bên liên quan bên trong và bên ngoài doanh nghiệp. Vì vậy, nâng cao công tác QTNNL, chủ động TNXH thời gian tới theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, an sinh xã hội của người lao động, và bảo vệ môi trường chung là chìa khoá để doanh nghiệp chế biến thực phẩm Việt Nam nói chung và tại ĐBSCL nói riêng đáp ứng yêu cầu hội nhập.

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Kinh tế: Mối quan hệ giữa thực tiễn quản trị nguồn nhân lực, trách nhiệm xã hội và kết quả hoạt động kinh doanh - Trường hợp các doanh nghiệp chế biến thực phẩm tại đồng (Trang 74 - 78)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(296 trang)