HẠN CHẾ CỦA NGHIÊN CỨU VÀ HƯỚNG NGHIÊN CỨU TIẾP THEO

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Kinh tế: Mối quan hệ giữa thực tiễn quản trị nguồn nhân lực, trách nhiệm xã hội và kết quả hoạt động kinh doanh - Trường hợp các doanh nghiệp chế biến thực phẩm tại đồng (Trang 167 - 171)

Thứ nhất, do đặc điểm ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp trong việc tiếp cận đối tượng khảo sát nên mẫu được lấy theo phương pháp ngẫu nhiên phân tầng, phạm vi lấy mẫu tập trung tại 7/13 Tỉnh/Thành phố ở ĐBSCL: Trà Vinh, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Tiền Giang, Cần Thơ, Bạc Liêu và Cà Mau, vì vậy tính đại diện mẫu cho cả vùng chưa cao để khái quá hóa cho mô hình nghiên cứu. Tuy nhiên, mục tiêu trong nghiên cứu này quan tâm nhiều đến tính hợp lý nội tại (internal validity) và hợp lý ngoại tại (external validity) nhằm khám phá mối quan hệ giữa các khái niệm trong mô hình và đề xuất các hàm ý quản trị góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh thông qua hoạt động QTNNL hướng đến thực hiện TNXH, cam kết tổ chức, nên tính đại diện trong trường hợp này không ảnh hưởng nhiều đến kết quả nghiên cứu. Để khẳng định về tính phổ quát của nghiên cứu về mối quan hệ giữa thực tiễn QTNNL, TNXH và kết quả hoạt động kinh doanh trong các doanh nghiệp chế biến thực phẩm tại Việt Nam, cần thiết có các nghiên cứu tiếp theo thực hiện với số mẫu lặp lại tại các tỉnh miền Trung và miền Bắc Việt Nam.

Thứ hai, hoạt động QTNNL, mức độ thực hiện TNXH của doanh nghiệp và kết quả hoạt động kinh doanh được đo lường dựa trên nhận thức của nhân viên và nhà

quản lý trong doanh nghiệp nên các thông tin cung cấp của những đối tượng khảo sát có thể không hoàn toàn chính xác về những hoạt động và kết quả mà doanh nghiệp đã và đang thực hiện. Do đó, có thể có sự khác biệt giữa nhận thức của người trả lời và mức độ hoạt động thực tế. Tuy nhiên, nghiên cứu này cũng tương tự như các nghiên cứu trước đây như Mahon (2002), Peterson (2004) cho rằng cam kết tổ chức cũng được xác định bởi nhận thức của nhân viên hay kết quả hoạt động kinh doanh cũng có thể đo lường thông qua mức độ nhận thức và dựa vào thang đo likert (Cho and Pucik, 2005) (Richard và cộng sự., 2009). Hơn nữa, lý thuyết SIT cũng đã lưu ý rằng nhận thức của các thành viên trong tổ chức là quan trọng trong đo lường kết quả hoạt động xã hội của tổ chức (Peterson, 2004, trang 315). Đồng thời, nghiên cứu khó tránh khỏi độ chệch khi khảo sát giữa các đối tượng khác nhau trong cùng một doanh nghiệp, do đó trung bình các quan sát trong cùng một doanh nghiệp được thực hiện để đảm bảo tính thống nhất cho cùng một đơn vị phân tích. Tuy vậy, độ tin cậy của nghiên cứu sẽ đạt càng cao hơn nếu các nghiên cứu tiếp theo có thể kết hợp kết quả phi tài chính và chỉ số tài chính để đo lường kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Thứ ba, thực tiễn QTNNL trong doanh nghiệp gồm nhiều thành phần đa dạng, tuy nhiên luận án này là khái niệm đa hướng chỉ tập trung phân tích những hoạt động cơ bản của QTNNL ảnh hưởng đến mức độ thực hiện TNXH, cam kết tổ chức và kết quả kinh doanh, do đó có thể chưa bao quát hết những hoạt động quản trị nguồn nhân lực trong doanh nghiệp chế biến thực phẩm. Vì vậy, nghiên cứu tiếp theo có thể mở rộng các thành phần khác của thực tiễn quản trị nguồn nhân lực nhằm đánh giá một cách toàn diện về hoạt động quản trị nguồn nhân lực trong ngành chế biến thực phẩm.

Thêm vào đó, mức độ thực hiện TNXH cũng chỉ tập trung vào bốn khía cạnh đối với các bên có liên quan là nhân viên, khách hàng, môi trường và pháp lý. Trong khi TNXH còn được thể hiện ở các khía cạnh khác, chẳng hạn TNXH hướng đến cộng đồng, nhà cung cấp, cổ đông,.... chưa được phân tích trong nghiên cứu này. Điều này, dẫn đến chưa đánh giá hết được mức độ thực hiện TNXH đối với các bên có liên quan, đây là hướng cần thiết cho những nghiên cứu kế tiếp nhằm phân tích hoàn thiện hơn các khía cạnh TNXH của doanh nghiệp đối với các bên liên quan.

DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU CỦA TÁC GIẢ ĐÃ CÔNG BỐ CÓ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN

Nguyễn Thanh Hùng, Hồ Tiến Dũng. (2017), “Thực tiễn Quản trị nguồn nhân lực và kết quả hoạt động kinh doanh: trường hợp các doanh nghiệp chế biến thực phẩm Việt Nam”, Tạp chí Kinh tế & Phát triển, Số 240 (II), 83-95.

Nguyễn Thanh Hùng. (2017), “Mối quan hệ giữa Trách nhiệm xã hội, cam kết tổ chức và kết quả hoạt động kinh doanh: Trường hợp các doanh nghiệp chế biến thực phẩm Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế, số 11(474), 40-51.

Nguyễn Thanh Hùng, Hồ Mỹ Dung, Nguyễn Thị Hồng Phúc. (2017), “Tác động của trách nhiệm xã hội đến sự hài lòng và cam kết tổ chức: Trường hợp các doanh nghiệp chế biến thực phẩm”, Tạp chí Trường Đại học Trà Vinh, Số 26, 22-30.

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Kinh tế: Mối quan hệ giữa thực tiễn quản trị nguồn nhân lực, trách nhiệm xã hội và kết quả hoạt động kinh doanh - Trường hợp các doanh nghiệp chế biến thực phẩm tại đồng (Trang 167 - 171)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(296 trang)