5.2.1 Kết quả nghiên cứu và những đóng góp đối với mô hình lý thuyết Kết quả ước lượng chuẩn hóa về mức độ mối quan hệ giữa thực tiễn QTNNL và TNXH hướng đến môi trường, khách hàng, nhân viên và pháp lý là hoàn toàn phù hợp với các nghiên cứu trước đây của Sarvaiya (2014), Rimanoczy and Pearson (2010) về mối quan hệ giữa QTNNL và TNXH của các doanh nghiệp. Đồng thời, nghiên cứu một lần nữa nhấn mạnh không có bằng chứng thống kê cho thấy TNXH đặt trong mối quan hệ với thực tiễn QTNNL có tác động trực tiếp đến cam kết tổ chức, đây là điểm đóng góp nổi bật của luận án khi nghiên cứu kết hợp giữa thực tiễn QTNNL và TNXH với cam kết tổ chức. Khẳng định vai trò của thực tiễn QTNNL ảnh hưởng tích cực đến cam kết tổ chức như các nghiên cứu trước đây bởi Whitener (2001), Chew and Chan (2008), Gong và cộng sự (2009). Vì thế, cần có sự tích hợp TNXH các khía cạnh liên quan vào thực tiễn QTNNL giống như các nghiên cứu (Jamali và cộng sự, 2015), (Voegtlin & Greenwood 2016a, b).
Kết quả nghiên cứu cho thấy mức độ tác động mạnh và tích cực của thực tiễn QTNNL đến từng khía cạnh của TNXH và cam kết tổ chức. Trong đó, TNXH khía cạnh môi trường trong các doanh nghiệp chế biến thực phẩm luôn được chú trọng quan tâm nhiều nhất trong các hoạt động thực tiễn QTNNL, hoạt động này trên thực tế cũng thường được thể hiện trong các báo cáo thường niên của các doanh nghiệp chế biến thực phẩm (Nguyễn Văn Khải, 2016).
Mặc dù, tác động của TNXH khía cạnh nhân viên, khách hàng, môi trường và pháp lý không có ý nghĩa về mặt thống kê đến cam kết tổ chức. Tuy nhiên, vẫn có sự tương quan về mối quan hệ giữa TNXH các khía cạnh này với cam kết tổ chức. Theo đó, mối tương quan mạnh nhất thể hiện ở khía cạnh nhân viên và môi trường, kết quả này tuy không tương đồng với nghiên cứu Glavas and Kelley (2014) cho rằng TNXH khía cạnh môi trường có mối quan hệ mạnh nhất đến cam kết tổ chức, nhưng kết quả có đặc điểm phù hợp với nghiên cứu của Skudiene & Auruskeviciene (2012) về TNXH nội bộ (định hướng nhân viên) có ảnh hưởng tích cực đến động lực nhân viên so với các khía cạnh TNXH bên ngoài hay nghiên cứu của Al-bdour và cộng sự (2010), Halim and Rahayu (2016) cho rằng TNXH nội bộ ảnh hưởng tích cực đến
cam kết tổ chức. Bên cạnh đó, khi nhân viên thấy rằng tổ chức của họ hoạt động vì lợi ích, vì trách nhiệm xã hội điều này góp phần phát triển một hình ảnh tích cực, nâng cao niềm tự hào và cam kết tổ chức (Tajfel, 1978; Hogg and Terry, 2000).
Thêm vào đó, có sự tương quan giữa khía cạnh TNXH khía cạnh khách hàng, TNXH khía cạnh pháp lý và cam kết tổ chức, kết quả này tương đồng với các nghiên cứu trước đây khẳng định có mối quan hệ TNXH đối với khách hàng và mức độ cam kết tổ chức, trong đó nhấn mạnh nhân viên thích làm việc trong một tổ chức xem xét nhu cầu của khách hàng (Turker, 2009a), nhân viên cũng là người cảm nhận được vấn đề về tính hợp pháp mà tổ chức đang thực hiện. Rõ ràng, không ai muốn làm việc trong một tổ chức mà “lừa dối” (misleads public authorities) các cơ quan công quyền.
Do đó, nếu một tổ chức đáp ứng các yêu cầu pháp lý, nhân viên có thể tự hào là thành viên của tổ chức (Turker, 2009a, trang 193).
TNXH đối với pháp lý không tác động đến cam kết tổ chức, cũng như không ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, kết quả này một phần phù hợp với nghiên cứu về tác động của TNXH đến cam kết tổ chức của Turker (2009a) cho thấy mối quan hệ TNXH đối với khía cạnh pháp lý đến cam kết tổ chức là không có ý nghĩa, đồng thời nghiên cứu cũng khẳng định TNXH được xem như là hành vi trách nhiệm tổ chức tác động tích cực đến các bên liên quan vượt qua khỏi sự quan tâm về kinh tế và luật pháp.
Thật vậy, nếu một tổ chức cố gắng tham gia vào các hoạt động TNXH, nhân viên có thể tự hào là thành viên của tổ chức (Choi and Yu, 2014). Đồng thời, cam kết tổ chức góp phần thúc đẩy doanh nghiệp (cụ thể là thành viên trong doanh nghiệp) nâng cao mức độ thực hiện TNXH.
Cam kết tổ chức chịu sự tác động mạnh và tích cực từ thực tiễn QTNNL. Đồng thời, cam kết tổ chức tác động tích cực đến kết quả hoạt động kinh doanh. Điều này, có thể cho thấy sự cam kết thúc đẩy nâng cao hiệu suất và kết quả kinh doanh trong doanh nghiệp, đều này tương ứng với quan điểm của Gouldner (1960) về các lợi ích mà một người nhận được từ người khác sẽ dẫn đến hành vi hoàn trả lợi ích này trong một quá trình, thái độ của nhân viên sẽ thay đổi theo những gì mà doanh nghiệp đối xử và những giá trị mà doanh nghiệp mang đến cho họ. Nhận thức sẽ quyết định thái
độ và hành vi của nhân viên đối với tổ chức. Thông qua hoạt động thực tiễn QTNNL góp phần làm ảnh hưởng đến nhận thức, hình thành thái độ và niềm tin của nhân viên (Omondi và cộng sự, 2011). Chính sự cam kết tổ chức ảnh hưởng tích cực đến kết quả hoạt động doanh nghiệp (Steers, 1977), (Tillema, 2007), (Bakiev, 2013).
Kết quả nghiên cứu khẳng định yếu tố ảnh hưởng mạnh và trực tiếp đến kết quả kinh doanh là việc thể hiện trách nhiệm xã hội đối với khách hàng, điều này có ý nghĩa lớn trong ngành chế biến thực phẩm, do bởi việc thực hiện TNXH đối với khách hàng giúp xây dựng hình ảnh, uy tín thương hiệu trong tâm trí khách hàng, chính việc làm này sẽ tác động đến kết quả hoạt động của doanh nghiệp (Murtaza và cộng sự, 2014). Bên cạnh đó, việc thực hiện TNXH liên quan đến môi trường là điều rất cần thiết trong hoạt động kinh doanh ngành chế biến. Mặc dù, mức tác động trực tiếp của TNXH ở khía cạnh môi trường tự nhiên đến kết quả kinh doanh không cao so TNXH khía cạnh khách hàng nhưng đây là yếu tố quan trọng và tiên quyết để đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng trong và ngoài doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập.
Nhìn chung, qua kết quả kiểm định mô hình lý thuyết cho thấy hoạt động QTNNL có ảnh hưởng tích cực đến việc thực hiện TNXH ở các khía cạnh nhân viên, khách hàng, môi trường và pháp lý, đồng thời thực tiễn QTNNL tác động tích cực mạnh đến cam kết tổ chức, chính sự cam kết tổ chức góp phần nâng cao kết quả hoạt động doanh nghiệp. Kết quả này có ý nghĩa đối với nhà quản lý trong việc gắn QTNNL đến thực hiện TNXH đối với các bên có liên quan. Chẳng hạn, trong công tác quản lý cần chú trọng đến kiện làm việc, giờ giấc làm việc, tuân thủ bảo hộ lao động và vệ sinh an toàn thực phẩm; nâng cao vai trò của doanh nghiệp đối với khách hàng, tôn trọng, quan tâm ý kiến từ khách hàng, xây dựng hình ảnh tích cực đối với khách hàng; tuân thủ những hoạt động liên quan đến môi trường như việc xử lý và xả chất thải ra môi trường tự nhiên, hay sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường, điều này ảnh hưởng tích cực nhận thức và sự gắn kết nhân viên đối với doanh nghiệp từ đó hình thành thái độ tích cực nhân viên góp phần nâng cao kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong dài hạn.
5.2.2 Ý nghĩa và đóng góp mới của luận án đối với mô hình đo lường
Mô hình nghiên cứu mối quan hệ bốn thành phần thực tiễn QTNNL, TNXH, cam kết tổ chức và kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp chế biến thực phẩm nhấn mạnh vai trò thực tiễn QTNNL hướng đến thực hiện TNXH trong doanh nghiệp, góp phần tác động tích cực đến cam kết tổ chức và kết quả hoạt động kinh doanh. Thông qua nghiên cứu này có thể giúp các nhà quản lý xem xét điều chỉnh các chính sách QTNNL trong doanh nghiệp, kết hợp với thực hiện trách nhiệm xã hội đối với các bên có liên quan trên phương diện khía cạnh nhân viên, khách hàng, môi trường và pháp lý tại những doanh nghiệp chế biến thực phẩm. Nghiên cứu góp phần khẳng định mức độ quan trọng của việc thực hiện TNXH hướng đến khách hàng và môi trường ảnh hưởng tích cực đáng kể đến kết quả hoạt động của doanh nghiệp.
Điều này góp phần khẳng định vai trò quan trọng trong việc nâng cao mức độ thực hiện trách nhiệm đối với khách hàng và môi trường thông qua hoạt động QTNNL là thiết thực, có ý nghĩa đặc biệt trong trường hợp ngành chế biến thực phẩm.
Bên cạnh đó, kết quả cho thấy TNXH khía cạnh nhân viên tuy không ảnh hưởng trực tiếp đến quả hoạt động kinh doanh, nhưng không thể bỏ qua vai trò của QTNNL trong việc nâng cao trách nhiệm đối với nhân viên nhằm góp phần nâng cao cam kết tổ chức, bởi lẽ TNXH khía cạnh này giúp nhân viên nâng cao hiệu suất, động lực trong thực hiện công việc, gia tăng sự cam kết tổ chức. Đây cũng là cơ sở cho thấy rằng TNXH khía cạnh này ảnh hưởng một cách gián tiếp tích cực đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Nghiên cứu cũng chỉ ra TNXH khía cạnh pháp lý không ảnh hưởng đến cam kết tổ chức, điều này nhấn mạnh rằng TNXH vượt ra ngoài khía cạnh kinh tế, pháp lý, kết quả nghiên cứu có đặc điểm tương đồng với nghiên cứu của Turker (2009b) cho rằng TNXH khía cạnh pháp lý không ảnh hưởng đến sự cam kết tổ chức, yếu tố pháp lý được xem như nghĩa vụ đối với hoạt động của doanh nghiệp. Tại Việt Nam, chế biến thực phẩm thuộc lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, mọi hoạt động của doanh nghiệp điều bắt buộc phải tuân theo pháp luật từ nộp thuế đến những điều kiện khác đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì vậy, thực hiện trách nhiệm đối với pháp lý (hoạt động mang tính hợp pháp, tuân theo pháp luật) được xem là
trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp, tương tự như nghiên cứu của Williams &
Aguilera (2007) đề cập đến TNXH như là hoạt động tham gia không vụ lợi, một hành động tự nguyện không cần phải có sự bắt buộc của pháp luật.
Dưới sự tác động của thực tiễn QTNNL, mặc dù chưa tìm được bằng chứng thống kê cho thấy TNXH khía cạnh nhân viên, khách hàng, môi trường và pháp lý có ảnh hưởng trực tiếp đến cam kết tổ chức. Tuy nhiên, vẫn có sự tương quan đáng kể giữa mức độ thực hiện TNXH ở các khía cạnh này và cam kết tổ chức, phần nào giống nghiên cứu của Skudiene and Auruskeviciene (2012), Mory và cộng sự (2015), Thang (2016). Trong đó mối tương quan giữa cam kết tổ chức và TNXH đáng chú ý là ở khía cạnh nhân viên và môi trường. Điều này có ý nghĩa đối với doanh nghiệp trong việc tích hợp hoạt động QTNNL gắn với TNXH nhằm nâng cao cam kết tổ chức.
Những phát hiện của nghiên cứu hiện tại tương đối phù hợp với lý thuyết của SIT (Lý thuyết SIT- cho rằng uy tín của một tổ chức ảnh hưởng đến sự tự trọng của nhân viên). Đồng thời, qua đó nhấn mạnh rằng vai trò quan trọng của QTNNL đối với việc thực hiện TNXH ở khía cạnh khách hàng, môi trường, bởi lẻ các khía cạnh này góp phần tích cực đáng kể đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.