1.2. Đội ngũ giáo viên trung học phổ thông
1.2.2. Vai trò, đặc điểm lao động sư phạm của giáo viên trung học phổ thông trong bối cảnh đổi mới giáo dục
1.2.2.1.Vai trò của giáo viên trung học phổ thông
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao vị trí của người thầy - những người mở trí khai tâm cho con người. Bác nói: “Còn gì vẻ
vang hơn nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Người thầy tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất dù là tên tuổi không được đăng trên báo, không được hưởng huân chương, những người thầy giáo tốt là những người anh hùng vô danh” [24;tr.331-332]. Tại buổi nói chuyện chỉnh huấn GV phổ thông toàn miền Bắc, năm 1958, Người đã nhắc lại câu “giáo bất nghiêm, sư chi đoạ” - dạy không nghiêm là do thầy lười nhác. Để nhắc nhở trách nhiệm cao cả, đáng trân trọng của người thầy, Người căn dặn: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.
Khắc ghi lời Bác dặn, kế thừa truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc, Đảng và Nhà nước ta đã có những quyết sách nhằm phát huy mọi tiềm năng của con người, trong đó có đội ngũ thầy, cô giáo và những người làm công tác quản lý giáo dục. Nguồn lực giáo dục, đào tạo trước
hết là nguồn lực con người, trong đó thầy cô giáo và cán bộ quản lý giáo dục là nguồn lực quan trọng nhất. Bởi vậy, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Đảng ta khẳng định: GD và ĐT là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, là điều kiện để phát huy nguồn lực con người - yếu tố cơ bản để phát triển xã hội, tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững”. Luật Giáo dục được Quốc hội thông qua năm 2005 và sửa đổi, bổ sung năm 2009 đã ghi rõ: “Mục tiêu giáo dục là đào tạo con người phát triển toàn diện có đạo đức, trí tuệ, sức khoẻ, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất, năng lực của công dân, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”[22].
Phương pháp dạy học trước yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông đã thay đổi, từ chỗ lấy người dạy là trung tâm sang lấy người học làm trung tâm của quá trình dạy - học, chuyển dạy học sang định hướng phát triển năng lực cho học sinh. Điều đó đòi hỏi người GV phải phấn đấu, rèn luyện để bước lên một tầm cao mới tiến kịp với thời đại. Phương pháp này đòi hỏi người thầy không chỉ có kiến thức trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt về lĩnh vực mình đảm trách mà còn phải có phương pháp tổ chức việc học cho học sinh. Người thầy phải trở thành người đạo diễn, kích thích hoạt động cho học sinh, là “trọng tài khoa học” kết luận vấn đề do học sinh trình bày. Phải hướng dẫn cho họ cách tự học, tự tìm kiếm kiến thức bằng suy nghĩ, hành động. Dưới sự tổ chức, hướng dẫn của người thầy, học sinh sẽ tự tìm cách chiếm lĩnh tri thức khoa học, tự giác rèn luyện, phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo. Qua phương pháp này, học sinh không chỉ tiếp thu tri thức với chất lượng và hiệu quả cao mà còn trau dồi được cách phát hiện vấn đề, giải quyết vấn đề, phương pháp khám phá
chân lý… và đó chính là cơ sở để trau dồi, phát huy tính chủ động, sáng tạo trong cuộc sống của học sinh sau này.
Thế kỷ XXI - thời đại của tri thức và khoa học công nghệ, những nhà giáo phải năng động, tích cực tiếp thu những kiến thức mới, không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Là những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hoá, người thầy phải có đủ sức mạnh của ý chí, bản lĩnh, tự tin và lòng nhiệt thành cách mạng để tiếp tục vượt qua những khó khăn hiện tại, có lòng can đảm để chống lại cái xấu, cái tiêu cực trong ngành, trong xã hội.
Thiết nghĩ, để làm được điều đó những người thầy phải luôn tìm tòi, sáng tạo không ngừng để tiếp nối một cách xứng đáng thế hệ những người đi trước, không ngừng rèn luyện, hoàn thành tốt vai trò thiêng liêng đối với xã hội. Đồng thời đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, phải năng động, sáng tạo, linh hoạt, có phương pháp làm việc khoa học, có ý chí vượt khó và đặc biệt phải có tâm huyết với nghề nghiệp mà mình đã lựa chọn. Người thầy không nên tự bằng lòng với những kiến thức đã có mà phải nâng cao, vươn xa hơn về nhận thức, tiếp cận tốt hơn với phương pháp giảng dạy tích cực nhằm tạo ra những “sản phẩm” tốt đáp ứng có hiệu quả nhu cầu của xã hội.
1.2.2.2. Đặc điểm lao động sư phạm của giáo viên, đội ngũ giáo viên trung học phổ thông
a) Các đặc điểm của lao động sư phạm
- Mục đích lao động sư phạm: là nhằm giáo dục thế hệ trẻ thành những người có đầy đủ phẩm chất và năng lực mà xã hội yêu cầu. Nói cách khác, lao động sư phạm góp phần “sáng tạo ra con người”, góp phần tái sản xuất sức lao động xã hội đào tạo và bồi dưỡng liên tục những thế hệ trẻ cho đời sau. Lao động sư phạm là quá trình tác động qua lại giữa người dạy và người học. Trong đó, người dạy là người có
trình độ chuyên môn nghiệp vụ, được xã hội giao cho nhiệm vụ giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ. Còn người học có nhiệm vụ học tập, tiếp thu những giá trị văn hóa của xã hội loài người và rèn luyện hệ thống kỹ năng, kỹ xảo để sau này có thể ra đời sống và lao động nhằm thỏa mãn các tiêu chí mà mục đích giáo dục đã đề ra.
- Về đối tượng của lao động sư phạm: Đối tượng của lao động sư phạm rất đa dạng, phúc tạp, nhiều hình, nhiều vẻ. Sản phẩm của lao động sư phạm được “vật chất hóa” trong bộ mặt tinh thần tri thức, thể chất, kỹ năng, kỹ xão, ý chí, phẩm chất và tính cách của học sinh.
- Về công cụ của lao động sư phạm: Để tác động tới học sinh người giáo viên cần có những công cụ đặc biệt đó là hệ thống tri thức, kỹ năng, kỹ xảo cần thiết để giáo dục học sinh và tổ chức các dạng hoạt động như học tập, lao động, vui chơi, giải trí cho các em. Nhưng nếu chỉ có hệ thống tri thức kỹ năng, kỹ xảo thì chưa đủ đảm bảo hiệu quả của lao động sư phạm. Giáo viên là người đào luyện con người, vì vậy, người giáo viên cần phải giảng dạy và giáo dục học sinh với tất cả tình cảm và tâm hồn mình. Ngoài ra, công cụ lao động sư phạm này còn phải kể đến là phương tiện, đồ dùng dạy học.
- Về sản phẩm của lao động sư phạm: Lao động sư phạm có đối tượng là con người và sản phẩm của lao động sư phạm cũng là con người. Song, qua quá trình giáo dục và tự giáo dục lâu dài, dưới sự hướng dẫn tổ chức và điều khiển của người giáo viên, những con người sản phẩm của lao động sư phạm đã có những chuyển biến sâu sắc về chất lượng. Họ đã được chuẩn bị một cách đầy đủ và toàn diện để đi vào cuộc sống đa dạng phong phú, thích ứng và đương đầu với những sự thay đổi diễn ra liên tục trong cuộc sống.
- Về thời gian, không gian của lao động sư phạm: Thời gian, lao động sư phạm chia thành 2 bộ phận, bộ phận làm việc theo quy chế và
làm việc ngoài quy chế. Bộ phận theo quy chế gắn liền với thời gian làm việc trên lớp và tổ chức các hoạt động dạy học ngoài lớp theo chương trình dạy học. Bộ phận làm việc ngoài quy chế gắn liền với thời gian làm việc để soạn bài, chấm bài, thăm gia đình học sinh, đọc sách, tài liệu; thời gian giáo viên độc lập làm việc để chuẩn bị cho việc dạy học và giáo dục học sinh được tốt hơn.
b) Đặc điểm lao động của đội ngũ giáo viên trung học phổ thông Đặc điểm lao động của đội ngũ giáo viên trung học phổ thông gắn liền với hoạt động học tập của học sinh trung học phổ thông. Hoạt động học tập là hoạt động đặc thù của con người, được điều khiển bởi mục đích tự giác. Con người thực hiện hoạt động học tập ở nhà trường từ khá sớm, ở giai đoạn 3 - 4 tuổi. Ở mỗi giai đoạn của hoạt động học tập có những đặc điểm riêng, khác nhau cả về tính chất và nội dung. Hoạt động học tập của học sinh THPT đòi hỏi về tính năng động, tính độc lập, gắn liền với xu hướng học tập lên bậc cao hơn hay chọn nghề, vào đời…; muốn nắm bắt chương trình THPT một cách sâu sắc thì cần phải phát triển tư duy lí luận, khả năng trừu tượng, khái quát, nhận thức, phát triển…Học sinh THPT đang ở giai đoạn phát triển mạnh về tâm - sinh lí, trưởng thành hơn, tích lũy nhiều kinh nghiệm sống hơn, các em ý thức được vị trí, vai trò của mình; các em có nhiều hoài bão, mơ ước được thành đạt, được đóng góp xứng đáng cho gia đình, nhà trường và xã hội; các em đồng thời vừa là đối tượng, vừa là chủ thể tích cực tham gia vào quá trình học tập, giáo dục nhằm hoàn thiện nhân cách, hoàn thiện sức mạnh về tâm hồn, thể chất và trí tuệ. Chính vì vậy, thái độ có ý thức của các em trong hoạt động học tập ngày càng được phát triển; các em sẽ tích cực chủ động, sáng tạo trong học tập và rèn luyện. Thái độ của các em đối với các môn học có sự lựa chọn hơn, tính phân hóa trong hoạt động học tập thể hiện rõ hơn, cao hơn, do xu hướng chọn nghề, vào đời chi phối; hứng thú học tập gắn liền với
khuynh hướng nghề nghiệp mà các em ưa thích. Năm lớp 12, các em đã xác định cho mình một hứng thú ổn định đối với một số môn học nào đó, hoặc một số lĩnh vực tri thức nhất định. Bên cạnh việc các em tích cực học một số môn mà các em cho là quan trọng đối với việc chọn nghề sau này, các em sẽ xao nhãng, học lệch một số môn, học chỉ để đủ điểm.
Với những đặc điểm như vậy, GV THPT phải nắm được hoạt động học tập của học sinh, định hướng để giúp các em có thái độ tích cực trong học tập. Một mặt, GV phải giáo dục cho các em nhận thức của mục tiêu giáo dục toàn diện, kiến thức nền tảng để các em học cao hơn hoặc vào nghề, vào đời; mặt khác, GV phải làm tốt công tác tư vấn hướng nghiệp để giúp các em chọn nghề phù hợp với năng lực, sở thích và nhu cầu xã hội. Đồng thời, GV phải tích cực nâng cao năng lực sư phạm, trang bị đầy đủ kiến thức, khuyến khích, động viên các em tích cực học tập.