CHƯƠNG 3: BIỆN PHÁP QUẢN LÝ ĐỘI NGŨ GIÁO VIÊN TẠI CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG Ở THÀNH PHỐ CẦN THƠ
3.2. Các biện pháp quản lý đội ngũ giáo viên tại các trường trung học phổ thông ở thành phố Cần Thơ
3.2.5. Tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá chuyên môn, nghiệp vụ giáo viên trung học phổ thông
3.2.5.1. Mục đích của biện pháp
Mục đích của biện pháp nhằm nâng cao năng lực dạy học, tạo sự đoàn kết thống nhất trong trường THPT, giữ gìn kỷ luật, kỷ cương theo quy định hiện hành. Đánh giá đúng đắn GV, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý các khuyết điểm, vi phạm của GV bảo đảm công tác giảng dạy được thực hiện đúng quy định. Góp phần chủ động phòng ngừa tiêu cực trong các trường THPT; sự suy thoái về phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp của GV. Bên cạnh đó, kịp thời phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt đối với các tập thể và cá nhân ở các trường THPT trên địa bàn thành phố Cần Thơ.
3.2.5.2. Nội dung và cách thức thực hiện biện pháp
Kiểm tra là xem xét tình hình thực tế, để đánh giá, nhận xét. Giám sát là theo dõi và kiểm tra xem có thực hiện đúng những điều quy định không.
Như vậy có thể hiểu kiểm tra, giám sát trong hoạt động giáo dục là: Kiểm tra là việc các tổ chức có thẩm quyền trong giáo dục xem xét, đánh giá, kết luận về ưu điểm, khuyết điểm hoặc vi phạm của cấp dưới và GV trong việc chấp hành pháp luật của Nhà nước và quy định của các tổ chức trong hệ thống GD và ĐT.
Giám sát là việc các tổ chức có thẩm quyền trong giáo dục theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động nhằm kịp thời tác động để cấp dưới và GV được giám sát chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật của Nhà nước và quy định của các tổ chức trong hệ thống GD và ĐT.
Để tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá chuyên môn, nghiệp vụ giáo viên THPT theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên trên địa bàn thành phố Cần Thơ cần cần thực hiện những vấn đề sau:
a. Hình thức kiểm tra, giám sát Bao gồm các hình thức chủ yếu sau:
- Kiểm tra, giám sát thường xuyên
Mục đích của kiểm tra, giám sát thường xuyên giúp chủ thể nắm chắc tình hình mọi mặt một cách có hệ thống theo trình tự thời gian.
Qua kiểm tra, giám sát thường xuyên cấp ủy đánh giá được tình hình chuyên môn, nghiệp vụ giáo viên THPT theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên trên địa bàn thành phố Cần Thơ một cách nhanh nhất. Đánh giá được những ưu điểm và khuyết điểm, từ đó có biện pháp bổ sung uốn nắn kịp thời. Mặt khác kiểm tra, giám sát thường xuyên thúc đẩy sự hoạt động nhịp nhàng giữa cấp trên và dưới, nhắc nhở mọi GV phải giữ vững vai trò tiên phong gương mẫu trong nghề nghiệp.
Kiểm tra, giám sát thường xuyên có hai hình thức: hình thức trực tiếp và gián tiếp. Kiểm tra, giám sát trực tiếp là chủ thể kiểm tra, giám sát trực tiếp cận GV để nghe báo cáo, trình bày hoặc theo dõi, xem xét hoạt động giảng dạy của GV. Với cách này vừa đảm bảo tính tập trung cao, vừa phát huy dân chủ rộng rãi.
Kiểm tra, giám sát gián tiếp là chủ thể kiểm tra, giám sát bằng việc nghiên cứu các văn bản báo cáo của cấp dưới hoặc thông qua ý kiến phản ánh của tổ chuyên môn, các đoàn thể trong nhà trường… để phân tích đánh giá kết luận.
- Kiểm tra định kỳ
Mục đích của kiểm tra định kỳ là giúp chủ thể kiểm tra nắm bắt tình hình trong từng giai đoạn nhất định để có biện pháp chỉ đạo hoặc đối phó kịp thời.
Tùy theo yêu cầu thực hiện nhiệm vụ được giao, theo từng thời kỳ cụ thể mà mà xác định nội dung và thời gian kiểm tra định kỳ cho phù hợp.
Nội dung kiểm tra định kỳ có thể kiểm tra toàn diện đối với các trường và GV hay kiểm tra chuyên sâu một số nội dung cần thiết.
- Kiểm tra bất thường
Là hình thức áp dụng khi có sự việc đột xuất xảy ra cần phải tiến hành kiểm tra, hoặc có yêu cầu chỉ đạo của một tổ chức cấp trên.
Mục đích kiểm tra bất thường gúp chủ thể kiểm tra đánh giá kết luận sự việc hiện tượng một cách nhanh chóng, chính xác. Nó làm cho đối tượng kiểm tra khó che đậy bản chất, chủ thể kiểm tra kịp thời phát hiện những lệch lạc khuyết điểm.
- Giám sát theo chuyên đề
Chủ thể giám sát lựa chọn những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, hoặc những vấn đề nổi cộm mới nảy sinh trong thực tiễn của giáo dục để tổ chức thực hiện giám sát. Giám sát chuyên đề tuy không giống một cuộc kiểm tra nhưng trong quá trình thực hiện phải đúng theo quy trình, thủ tục theo quy định.
b. Chủ thể của công tác kiểm tra, giám sát đối với hoạt động giáo dục ở các trường THPT trên địa bàn thành phố Cần Thơ
Bao gồm hai chủ thể công tác kiểm tra, giám sát: Trường THPT, Sở GD và ĐT thành phố Cần Thơ.
c. Đối tượng của công tác kiểm tra, giám sát - Ban giám hiệu
- Tổ chuyên môn - Giáo viên
d. Nội dung của kiểm tra, giám sát, đánh giá:
Chuyên môn, nghiệp vụ theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên ( theo Thông tư số 20/2018/TT- BGDĐT ngày 22 tháng 8 năm 2018).
Tiêu chuẩn 1. Phẩm chất nhà giáo
Tuân thủ các quy định và rèn luyện về đạo đức nhà giáo; chia sẻ
kinh nghiệm, hỗ trợ đồng nghiệp trong rèn luyện đạo đức và tạo dựng phong cách nhà giáo; với 2 tiêu chí:
- Tiêu chí 1 về đạo đức nhà giáo.
- Tiêu chí 2 về phong cách nhà giáo.
Tiêu chuẩn 2. Phát triển chuyên môn, nghiệp vụ
Nắm vững chuyên môn và thành thạo nghiệp vụ; thường xuyên cập nhật, nâng cao năng lực chuyên môn và nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, với 5 tiêu chí:
- Tiêu chí 3 về phát triển chuyên môn bản thân.
- Tiêu chí 4 về xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
- Tiêu chí 5 về sử dụng phương pháp dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
- Tiêu chí 6 về kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
- Tiêu chí 7 về tư vấn và hỗ trợ học sinh.
Tiêu chuẩn 3. Xây dựng môi trường giáo dục
Thực hiện xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh dân chủ, phòng, chống bạo lực học đường, với 3 tiêu chí:
- Tiêu chí 8. Xây dựng văn hóa nhà trường
- Tiêu chí 9. Thực hiện quyền dân chủ trong nhà trường
- Tiêu chí 10. Thực hiện và xây dựng trường học an toàn, phòng chống bạo lực học đường
Tiêu chuẩn 4. Phát triển mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội
Tham gia tổ chức và thực hiện các hoạt động phát triển mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong dạy học, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, với 3 tiêu chí:
- Tiêu chí 11. Tạo dựng mối quan hệ hợp tác với cha mẹ hoặc người giám hộ của học sinh và các bên liên quan
- Tiêu chí 12. Phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội để thực hiện hoạt động dạy học cho học sinh
- Tiêu chí 13. Phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội để thực hiện giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh
Tiêu chuẩn 5. Sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc, ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ trong dạy học, giáo dục
Sử dụng được ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc, ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác và sử dụng các thiết bị công nghệ trong dạy học, giáo dục, với 2 tiêu chí:
- Tiêu chí 14. Sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc
- Tiêu chí 15. Ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ trong dạy học, giáo dục
e. Cách thức tiến hành công tác kiểm tra, giám sát - Đối với Sở GD và ĐT thành phố Cần Thơ
Thông thường khi tổ chức một cuộc kiểm tra, giám sát thường tiến hành theo 3 bước:
Bước chuẩn bị:
Sở GD và ĐT thành phố Cần Thơ nắm tình hình hoạt động của các trường THPT; Đại diện Sở GD và ĐT thành phố Cần Thơ trao đổi với Ban giám hiệu trường THPT (nơi được chọn kiểm tra, giám sát); Xây
dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát; Tổ chức lực lượng (thành lập tổ hoặc đoàn kiểm tra; Nếu có những cuộc kiểm tra trên diện rộng, nhiều nội dung, Sở GD và ĐT thành phố Cần Thơ có thể thành lập Ban chỉ đạo kiểm tra giúp Sở tiến hành kiểm tra, giám sát, Ban chỉ đạo kiểm tra ngoài thành lập tổ hoặc đoàn kiểm tra, giám sát còn có thể lập tổ thư ký giúp việc); Phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên.
Bước tiến hành:
Cán bộ phụ trách/thành viên Ban chỉ đạo kiểm tra cộng với tổ (đoàn) kiểm tra, giám sát làm việc với trường THPT được kiểm tra để:
Thông báo quyết định, kế hoạch, tổ (đoàn) kiểm tra; Yêu cầu báo cáo giải trình bằng văn bản, cung cấp tài liệu, phối hợp kiểm tra, giám sát.
Tổ (hoặc đoàn) kiểm tra tiến hành kiểm tra: Thu thập tài liệu, nắm tình hình; Lấy ý kiến đóng góp của một số GV thuộc trường THPT được kiểm tra, giám sát. Thu nhận báo cáo giải trình; Thẩm tra, xác minh.
Tổ chức hội nghị: Đại diện trường THPT trình bày báo cáo giải trình; Tổ (đoàn) kiểm tra thông báo kết quả thẩm tra, xác minh bằng văn bản; Thảo luận đóng góp ý kiến nhận xét, đánh giá.
Tổ (đoàn) kiểm tra: Tiếp tục thẩm tra, xác minh (nếu cần); Trao đổi với trương THPT được kiểm tra dự kiến kết luận; Chuẩn bị báo cáo kết quả kiểm tra.
Bước kết thúc:
Tổ (đoàn) kiểm tra/Ban chỉ đạo kiểm tra: Báo cáo lãnh đạo Sở GD và ĐT thành phố Cần Thơ xem xét, kết luận ưu điểm, khuyết điểm và vi phạm (nếu có) về những nội dung được kiểm tra. Chuẩn bị các văn bản kết luận, quyết định để lãnh đạo Sở GD và ĐT thành phố Cần Thơ ban hành.
Cán bộ phụ trách (hoặc thành viên Ban chỉ đạo kiểm tra) được phân công trực tiếp: Thông báo kết luận cuộc kiểm tra; Nêu yêu cầu,
kiến nghị cần thiết; Công bố quyết định kết luận (nếu có) đến trường THPT được kiểm tra.
Lãnh đạo Sở GD và ĐT thành phố Cần Thơ: Chỉ đạo rút kinh nghiệm cuộc kiểm tra; Kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc chấp hành kết luận, quyết định.
- Đối với trường THPT
Căn cứ vào kế hoạch của Sở GD và ĐT thành phố Cần Thơ, kế hoạch hoạt động hàng năm của trường, xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát đối với các tổ bộ môn, các GV trong trường. Thành lập tổ kiểm tra, giám sát. Phân công công việc cụ thể cho từng thành viên trong tổ kiểm tra, giám sát. Quy trình kiểm tra đối với các trường THPT cũng diễn ra theo trình tự ba bước như trên.
3.2.5.3. Điều kiện thực hiện biện pháp
Kiểm tra, giám sát là nội dung rất quan trọng trong quá trình lãnh đạo, là nhiệm vụ thường xuyên của Sở GD và ĐT và cấp lãnh đạo trường THPT. Công tác kiểm tra, giám sát phải được tiến hành công khai, dân chủ, khách quan, thận trọng và chặt chẽ theo đúng nguyên tắc, phương pháp. Tổ bộ môn và GV phải chịu sự kiểm tra, giám sát của Sở GD và ĐT và cấp lãnh đạo trường THPT.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát phải gắn chặt với công tác tư tưởng, công tác tổ chức; phải thực hiện toàn diện, đồng bộ, có hiệu lực, hiệu quả, góp phần xây dựng môi trường giáo dục trên địa bàn thành phố Cần Thơ trong sạch vững mạnh; thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao.
Thực hiện đồng bộ giữa công tác kiểm tra và công tác giám sát;
“giám sát phải mở rộng”, “kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm” để chủ động phòng ngừa vi phạm, kịp thời phát hiện những nhân tố mới để
phát huy, khắc phục thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm ngay từ lúc mới manh nha.
Công tác kiểm tra, giám sát đối với trường THPT và GV trên địa bàn phải kết hợp chặt chẽ giữa xây và chống, lấy xây là chính. Khi các vụ việc vi phạm được phát hiện, phải kiên quyết xử lý nghiêm minh để răn đe và giáo dục.