Chương 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA QUẢN LÝ BỒI DƯỠNG NĂNG LỰC DẠY HỌC CHO GIÁO VIÊN TIỂU HỌC THEO CHUẨN NGHỀ NGHIỆP
1.2. Bồi dưỡng năng lực dạy học cho giáo viên tiểu học theo chuẩn nghề nghiệp
1.2.3. Năng lực dạy học của giáo viên tiểu học theo chuẩn nghề nghiệp
* Khái niệm
Khái niệm năng lực (competency) có nguồn gốc từ tiếng La tinh competentia. Có nhiều quan niệm khác nhau về năng lực, chẳng hạn:
Theo Từ điển Tiếng Việt (2013): “Năng lực là khả năng, điều kiện chủ quan hoặc tự nhiên sẵn có để thực hiện một hoạt động nào đó. Năng lực là phẩm chất tâm lí và sinh lí tạo cho con người khả năng hoàn thành một loại hoạt động nào đó với chất lượng cao” [33].
Theo tác giả Phạm Thành Nghị: “Năng lực con người là sản phẩm của sự phát triển xã hội. Sự hình thành năng lực đòi hỏi cá thể phải nắm được các hình thức hoạt động mà loài người đã tạo ra trong quá trình phát triển lịch sử xã hội. Vì vậy, năng lực con người không những do hoạt động của bộ não quyết định mà trước hết do trình độ phát triển lịch sử mà loài người đạt được” [25].
Năng lực là “Tổng hợp các thuộc tính độc đáo của nhân cách phù hợp với yêu cầu của một hoạt động nhất định, bảo đảm cho hoạt động đó đạt kết quả” [25].
Theo tác giả Phạm Thị Minh Hạnh: “Năng lực là tập hợp các tính chất hay phẩm chất tâm lí cá nhân, đóng vai trò là điều kiện bên trong, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện tốt một dạng hoạt động nhất định. Người có năng lực là người đạt hiệu suất và chất lượng hoạt động cao trong các hoàn cảnh khách quan và chủ quan như nhau” [19].
Tác giả Nguyễn Quang Uẩn cho rằng: “Năng lực là tổ hợp các thuộc tính độc đáo của cá nhân, phù hợp với những yêu cầu của một hoạt động nhất định, bảo đảm cho hoạt động đó có kết quả” [30].
Như vậy, có thể hiểu: Năng lực là khả năng hoàn thành nhiệm vụ đặt ra, gắn với một loại hoạt động cụ thể nào đó. Năng lực là một yếu tố cơ bản của nhân cách nên mang dấu ấn cá nhân, thể hiện tính chủ quan trong hành động và được hình thành theo qui luật hình thành và phát triển nhân cách, trong đó tính tích cực hoạt động và giao lưu của cá nhân đóng vai trò quyết định. Năng lực ở mỗi con người có được nhờ vào sự kiên trì học tập, rèn luyện và tích lũy kinh nghiệm của bản thân trong hoạt động thực tiễn.
* Đặc điểm của năng lực
- Có kiến thức, sự hiểu biết về loại hay lĩnh vực hoạt động nào đó.
- Biết cách tiến hành hoạt động có hiệu quả và đạt kết quả phù hợp với mục đích (bao gồm xác định mục tiêu cụ thể, cách thức, phương pháp thực hiện hành động, sự lựa chọn các giải pháp phù hợp... và các điều kiện phương tiện để đạt mục đích).
- Sẵn sàng hành động có kết quả, ứng phó linh hoạt hiệu quả trong những điều kiện thực tế hay hoàn cảnh thay đổi.
- Không thể tự nhiên mà có NL, muốn có NL phải hình thành nó, nếu không NL sẽ không xuất hiện và tồn tại.
- NL có quan hệ mật thiết với hứng thú, xu hướng...
- Tất cả các mức độ NL như: Năng khiếu, tài năng, thiên tài cũng cần hiểu trong sự vận động và phát triển NL vừa nêu trên.
* Cấu trúc năng lực
Theo tác giả BERND MEIER - Nguyễn Văn Cường [6] cấu trúc năng lực gồm những thành phần cơ bản sau:
Năng lực chuyên môn:
Là khả năng thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn cũng như khả năng đánh giá kết quả chuyên môn một cách độc lập, có phương pháp và chính xác về mặt chuyên môn. Trong đó bao gồm cả khả năng tư duy lô gic, phân tích, tổng hợp, trừu tượng hoá, khả năng nhận biết các mối quan hệ hệ thống và quá trình. Năng lực chuyên môn hiểu theo nghĩa hẹp là năng lực “nội dung chuyên môn”, theo nghĩa rộng bao gồm cả năng lực phương pháp chuyên môn.
Năng lực phương pháp:
Là khả năng đối với những hành động có kế hoạch, định hướng mục đích trong việc giải quyết các nhiệm vụ và vấn đề. Năng lực phương pháp bao gồm năng lực phương pháp chung và phương pháp chuyên môn. Trung tâm của phương pháp nhận thức là những khả năng tiếp nhận, xử lý, đánh giá, truyền thụ và trình bày tri thức.
Năng lực xã hội:
Là khả năng đạt được mục đích trong những tình huống xã hội cũng như trong những nhiệm vụ khác nhau trong sự phối hợp sự phối hợp chặt chẽ với những thành viên khác.
Năng lực cá thể:
Là khả năng xác định, đánh giá được những cơ hội phát triển cũng như những giới hạn của cá nhân, phát triển năng khiếu cá nhân, xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển cá nhân, những quan điểm, chuẩn giá trị đạo đức và động cơ chi phối các ứng xử và hành vi.
Mô hình cấu trúc năng lực trên đây có thể cụ thể hoá trong từng lĩnh vực chuyên môn, nghề nghiệp khác nhau. Mặt khác, trong mỗi lĩnh vực nghề nghiệp người ta cũng mô tả các loại năng lực khác nhau theo các nhiệm vụ những chức năng nghề nghiệp cụ thể. Ví dụ năng lực của GV bao gồm những nhóm cơ bản sau:
Năng lực dạy học, năng lực giáo dục, năng lực chẩn đoán và tư vấn, năng lực phát triển nghề nghiệp và phát triển trường học.
1.2.3.2. Năng lực dạy học của giáo viên tiểu học
* Khái niệm
Tác giả Phạm Thành Nghị: “Năng lực dạy học là những thuộc tính tâm lý mà nhờ đó người giáo viên thực hiện tốt hoạt động dạy học. Để có thể thực hiện tốt hoạt động dạy học, người giáo viên phải có vốn kiến thức cơ bản về môn học, về quá trình dạy học, hiểu biết về người học, có năng lực tổ chức quá trình dạy học, năng lực sử dụng các công nghệ, kỹ thuật dạy học” [25, tr.256].
Theo tác giả Nguyễn Đức Chính: “Năng lực dạy học là tổ hợp các phẩm chất của giáo viên bao gồm tri thức chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng, kỹ xảo nghề nghiệp của giáo viên trong quá trình dạy học được thể hiện thành công dưới dạng các hoạt động trong quá trình dạy học như quá trình chuẩn bị dạy học, lên lớp, kết quả dạy học…” [9, tr.2].
Có thể coi Năng lực dạy học là khả năng thực hiện hoạt động dạy học dựa trên sự huy động tổng hợp kiến thức kĩ năng, các giá trị bản thân vận dụng vào điều kiện dạy học khác nhau được giải quyết hiệu quả các vấn đề trong quá trình dạy học hay có cách hành xử phù hợp trong bối cảnh thực và được đánh giá thông qua kết quả dạy học.
Hoạt động dạy học là một nội dung hay một khâu của hoạt động sư phạm nói chung. Vì vậy, để hiểu về năng lực dạy học, cần xuất phát từ khái niệm năng lực
như đã phân tích ở trên và các công việc của hoạt động dạy học. Hoạt động dạy học của người giáo viên bao gồm các công việc: xây dựng kế hoạch DH, triển khai hoạt động DH, kiểm tra đánh giá điều chỉnh hoạt động DH.
Từ những phân tích trên, chúng tôi coi Năng lực dạy học của giáo viên tiểu học là năng lực thực hiện hoạt động dạy học dựa trên sự huy động tổng hợp kiến thức, kĩ năng, thái độ và kinh nghiệm của một giáo viên giảng dạy môn học đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp.
* Các năng lực dạy học của giáo viên tiểu học
Theo các tác giả: Lê Văn Hồng - Nguyễn Ngọc Lan - Nguyễn Văn Thàng [20]
cho rằng NLDH bao gồm:
- Năng lực hiểu học sinh trong quá trình dạy học và giáo dục
Đó là NL “thâm nhập” vào thế giới bên trong của trẻ, sự hiểu biết tường tận về nhân cách của chúng cũng như NL quan sát tinh tế những hiểu biết tâm lý của học sinh trong quá trình dạy học và giáo dục.
- Tri thức và tầm hiểu biết của người thầy giáo
Thầy giáo có nhiệm vụ phát triển nhân cách HS, nhờ một phương tiện đặc biệt là tri thức, quan điểm, kỹ năng, thái độ… Người thầy giáo có tri thức và tầm hiểu biết rộng thể hiện ở chỗ:
+ Nắm vững và hiểu biết rộng môn mình phụ trách
+ Thường xuyên theo dõi những xu hướng, những phát minh khoa học thuộc môn mình phụ trách, biết tiến hành nghiên cứu khoa học và có những hứng thú lớn lao đối với nó.
+ Có NL tự học, tự bồi dưỡng để bổ túc và hoàn thiện tri thức của mình - NL chế biến tài liệu
Đó là NL gia công về mặt sư phạm của người thầy đối với tài liệu học tập nhằm làm cho nó phù hợp với đặc điểm lứa tuổi, đặc điểm cá nhân học sinh, trình độ, kinh nghiệm của các em và đảm bảo logic sư phạm. Óc sáng tạo của người thầy thể hiện:
+ Trình bày tài liệu theo suy nghĩ và lập luận của mình, mang lại cho HS những kiến thức tinh và chính xác, liên hệ được nhiều mặt giữa kiến thức cũ, kiến thức mới và kiến thức liên môn, liên hệ và vận dụng được trong thực tiễn.
+ Tìm ra PPDH mới, hiệu quả, để làm cho bài giảng đầy sức lôi cuốn và giàu cảm xúc tích cực.
+ Nhạy cảm với cái mới và giàu cảm hứng sáng tạo cũng là yếu tố góp phần thúc đẩy NL chế biến tài liệu ở người thầy giáo.
* NL nắm vững những PPDH và KTDH
Người GV có NLDH là người vận dụng tốt PPDH & KTDH là nắm vững kỹ thuật tổ chức và điều khiển hoạt động nhận thức của HS thông qua bài giảng và đạt được mục đích DH.
+ Biết vận dụng những KTDH mới tạo cho người học ở vị trí “người phát minh” trong quá trình dạy học.
+ Gây hứng thú và kích thích HS suy nghĩ tích cực và độc lập.
+ Tạo ra tâm thế có lợi cho sự lĩnh hội trong học tập của HS.
* NL ngôn ngữ
+ Là một trong những NL quan trọng của người thầy giáo. Nó là công cụ sống còn đảm bảo cho người thầy thực hiện được chức năng dạy học và giáo dục. Sở dĩ như vậy là vì bằng ngôn ngữ GV truyền đạt thông tin đến học sinh, bằng ngôn ngữ thúc đẩy sự chú ý và suy nghĩ của học sinh vào bài giảng, bằng ngôn ngữ người thầy điều khiển và điều chỉnh hoạt động nhận thức của học sinh…
1.2.3.3. Năng lực dạy học của giáo viên tiểu học theo chuẩn nghề nghiệp
Người giáo viên đòi hỏi phải có kiến thức, kỹ năng, năng lực tốt để đảm bảo quá trình dạy học sao cho hiệu quả. Nhìn chung năng lực dạy học của giáo viên đó là: Năng lực hiểu học sinh, năng lực chế biến tài liệu, năng lực giao tiếp, năng lực sử dụng các phương pháp dạy học…
Trên cơ sở các năng lực trên, Bộ giáo dục và đào tạo đã đưa ra các năng lực dạy học của giáo viên tiểu học theo Chuẩn nghề nghiệp của giáo viên tiểu học được áp dụng theo thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT ngày 22 tháng 8 năm 2018 Bộ giáo dục và Đào tạo [5] ban hành quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông bao gồm các năng lực sau:
- Năng lực phát triển chuyên môn, nghiệp vụ:
+ Năng lực phát triển chuyên môn bản thân.
+ Năng lực xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
+ Năng lực sử dụng phương pháp dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
+ Năng lực kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
+ Năng lực tư vấn và hỗ trợ học sinh.
- Năng lực xây dựng môi trường giáo dục + Năng lực xây dựng văn hóa nhà trường.
+ Năng lực thực hiện quyền dân chủ trong nhà trường.
+ Năng lực thực hiện và xây dựng trường học an toàn, phòng chống bạo lực học đường.
- Năng lực phát triển mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội
+ Năng lực tạo dựng mối quan hệ hợp tác với cha mẹ hoặc người giám hộ của học sinh và các bên liên quan.
+ Năng lực phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội để thực hiện hoạt động dạy học cho học sinh.
+ Năng lực phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội để thực hiện giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.
- Năng lực sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc, ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ trong dạy học, giáo dục
+ Năng lực sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc.
+ Năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ trong dạy học, giáo dục.