Đánh giá chung về khảo sát thực trạng

Một phần của tài liệu Quản Lý Bồi Dưỡng Năng Lực Dạy Học Cho Giáo Viên Ở Các Trường Tiểu Học Thành Phố Hạ Long Theo Chuẩn (Trang 95 - 100)

Chương 2. THỰC TRẠNG QUẢN LÝ BỒI DƯỠNG NĂNG LỰC DẠY HỌC CHO GIÁO VIÊN Ở CÁC TRƯỜNG TIỂU HỌC THÀNH PHỐ HẠ LONG THEO CHUẨN NGHỀ NGHIỆP

2.7. Đánh giá chung về khảo sát thực trạng

Nhìn chung quản lý bồi dưỡng năng lực dạy học cho giáo viên ở các trường tiểu học trên địa bàn thành phố Hạ Long theo chuẩn nghề nghiệp đã đạt được những thành quả sau đây:

- Các trường đều thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của ngành, theo thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT ngày 22 tháng 8 năm 2018 Bộ giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiểu học. Nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên.

- Các trường đã chú ý đến việc tổ chức bồi dưỡng nâng cao chất lượng cho đội ngũ giáo viên như cử đi học tập đạt chuẩn, chú trọng bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên.

- Trong quá trình quản lý bồi dưỡng năng lực dạy học cho giáo viên, đội ngũ các Hiệu trưởng luôn quan tâm, bám sát đến mục tiêu phát triển những phẩm chất và năng lực cho đội ngũ nhà giáo và được cụ thể hoá bằng kế hoạch để tổ chức chỉ đạo thực hiện ở đơn vị mình. Có nhận thức đúng đắn về quan điểm đường lối, chủ chương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với giáo dục và quan điểm đó thực sự là kim chỉ nam cho hoạt động quản lý nhà trường nói chung.

- Công tác quản lý bồi dưỡng năng lực dạy học cho đội ngũ giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên đã được thực hiện trong suốt năm học, tạo được môi trường học tập trong tập thể sư phạm của mỗi nhà trường.

-Việc kiểm tra đánh giá năng lực của đội ngũ giáo viên cũng được các trường tiến hành thường xuyên đã góp phần tác động vào ý thức nghề nghiệp của giáo viên.

2.7.2. Những hạn chế

Bên cạnh những mặt được nêu trên, quản lý bồi dưỡng năng lực dạy học cho giáo viên ở các trường tiểu học trên địa bàn thành phố Hạ Long theo chuẩn nghề nghiệp còn có một số hạn chế sau:

- Công tác lập kế hoạch còn hạn chế, mặc dù nhà trường đã có chủ trương định hướng trong công tác quản lý bồi dưỡng năng lực dạy học cho đội ngũ giáo viên nhưng công tác lập kế hoạch chưa biểu hiện sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp quản lý, chưa tính đến điều kiện và đặc điểm đội ngũ và nhu cầu nguyện vọng của giáo viên. Kế hoạch bồi dưỡng chưa hợp lý, nội dung chưa hướng vào trọng tâm, còn dàn trải. Một số Hiệu trưởng còn chưa bám sát đến các tiêu chuẩn về chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiểu học mới ra ngày 22 tháng 8 năm 2018 nên việc áp dụng vào các trường còn gặp nhiều lúng túng, nhất là công tác tổ chức bồi dưỡng năng lực dạy học cho đội ngũ giáo viên.

- Cách thức tổ chức vẫn còn mang nặng tính hình thức; chưa thực sự đổi mới về nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức học tập, bồi dưỡng năng lực dạy học cho giáo viên nên chưa thực sự gây hứng thú và tạo ra ý thức chủ động, sáng tạo của người học; chưa gắn bồi dưỡng giáo viên với công tác đánh giá - khen thưởng, đề bạt... đối với giáo viên; các điều kiện phục vụ cho bồi dưỡng như tài liệu, kinh phí, cơ sở vật chất còn hạn chế. Chính vì vậy, các đợt bồi dưỡng tập trung trở thành nơi gặp gỡ giao lưu của giáo viên toàn thành phố, mà ít mang lại hiệu quả thiết thực.

- Công tác bồi dưỡng tại trường, tự bồi dưỡng của GV rất hạn chế, hiệu quả thấp, chưa đóng vai trò nòng cốt trong việc bồi dưỡng giáo viên. Một số giáo viên chưa thật sự quan tâm, đầu tư cho chuyên môn. Việc thực hiện kế hoạch bồi dưỡng năng lực dạy học còn mang tính đối phó, thiếu động cơ học tập.

- Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng chuẩn, bồi dưỡng về tin học, ngoại ngữ, bồi dưỡng các nội dung mới cho đội ngũ giáo viên chưa được các trường chú trọng đúng mức. Chính vì vậy, tỉ lệ giáo viên trên chuẩn và tỉ lệ giáo viên sử dụng thành thạo tin học và ngoại ngữ của các trường rất thấp.

- Công tác tổ chức bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lí cấp tổ, giáo viên đầu đàn, kế cận chưa được chú trọng đúng mức.

- Công tác đánh giá năng lực dạy học cho đội ngũ giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp còn mang tính hình thức. Việc đánh giá kết quả chuẩn đội ngũ GV hàng năm là để xếp loại, mang tính thi đua là chủ yếu chứ không phải nâng cao chuẩn nghề nghiệp cho mỗi GV. Tuy việc đánh giá, xếp loại GV có theo các tiêu chuẩn nhưng còn rất chung chung, thiếu cụ thể, chưa có sự đánh giá thống nhất. Do đó khó phân định được các mức độ, dễ dẫn đến tình trạng thiếu khách quan và thiếu chính xác.

Việc xây dựng các biện pháp chỉ đạo thực hiện kế hoạch bồi dưỡng năng lực dạy học cho giáo viên của Hiệu trưởng các trường chưa được tiến hành một cách khoa học, đồng bộ; thiếu tầm chiến lược.

2.7.3. Nguyên nhân của hạn chế

Nguyên nhân dẫn đến hạn chế của công tác quản lý bồi dưỡng năng lực dạy học cho giáo viên ở các trường tiểu học trên địa bàn thành phố Hạ Long theo chuẩn nghề nghiệp, cụ thể như sau:

Thứ nhất: Nhóm nguyên nhân thuộc về chủ thể quản lý

- Nhận thức của Hiệu trưởng về vai trò của công tác quản lý bồi dưỡng năng lực dạy học theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiểu học chưa thực sự tốt.

- Sự quan tâm của Hiệu trưởng đến công tác tổ chức bồi dưỡng năng lực dạy học cho đội ngũ giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp chưa nhiều.

- Trình độ nghiệp vụ quản lý, tổ chức bồi dưỡng năng lực dạy học của đội ngũ của hiệu trưởng còn yếu.

- Sự động viên, khích lệ, thưởng, phạt kịp thời của Hiệu trưởng đối với công tác bồi dưỡng năng lực dạy học cho giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp cho đội ngũ giáo viên chưa nhiều…

Thứ hai: Nhóm nguyên nhân thuộc về đối tượng quản lý

- Nhận thức của giáo viên về vai trò của bồi dưỡng trong việc nâng cao năng lực dạy học theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiểu học chưa cao.

- Còn thiếu những giáo viên cốt cán về trình độ chuyên môn trong các tổ bộ môn.

- Sự say mê nghề nghiệp của giáo viên còn nhiều hạn chế.

Thứ ba: Nhóm nguyên nhân thuộc về điều kiện, môi trường quản lý.

- Kinh phí và tài liệu cho bồi dưỡng chưa nhiều.

- Cơ chế tuyển dụng chưa thu hút được người giỏi.

- Địa bàn của nhà trường đã ảnh hưởng đến tư tưởng của giáo viên.

- Bầu không khí học tập nâng cao trình độ chưa phát triển mạnh trong tập thể sư phạm nhà trường.

Trên đây là mốt số nguyên nhân ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động bồi dưỡng năng lực dạy học cho giáo viên đòi hỏi các nhà quản lý giáo dục cần phải có biện pháp để khắc phục những nguyên nhân trên làm cho công tác tổ chức bồi dưỡng năng lực dạy học cho đội ngũ giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp ở các trường tiểu học có hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Kết luận chương 2

Qua nghiên cứu thực trạng quản lý bồi dưỡng năng lực dạy học cho giáo viên ở các trường tiểu học trên địa bàn thành phố Hạ Long theo chuẩn nghề nghiệp, tác giả nhận thấy bước đầu các trường đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên vẫn còn hạn chế như:

- Công tác quản lý hoạt động bồi dưỡng năng lực dạy học đã được triển khai ở cả bốn bước lập kế hoạch, tổ chức, chỉ đạo và kiểm tra, đánh giá các trường đã tiến hành quản lý nội dung chương trình và hình thức tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên tuy nhiên còn lệ thuộc và sự định hướng của Sở Giáo dục - Đào tạo, các trường chưa chủ động trong việc khảo sát nhu cầu bồi dưỡng của giáo viên để xây dựng nội dung chương trình bồi dưỡng năng lực dạy học cho giáo viên.

- Phương pháp đào tạo, bồi dưỡng giáo viên vẫn nặng về sử dụng phương pháp thuyết trình.

- Khâu kiểm tra đánh giá kết quả bồi dưỡng năng lực dạy học cho giáo viên chưa thật sát với năng lực thực tế của giáo viên, chưa được sử dụng làm căn cứ để bồi dưỡng, động viên khen thưởng.

- Tài liệu hỗ trợ giáo viên về bồi dưỡng năng lực dạy học cho giáo viên còn hạn chế.

- Kinh phí phục vụ cho công tác bồi dưỡng năng lực dạy học cho giáo viên đã được quan tâm xong chưa đáp ứng đủ nhu cầu bồi dưỡng hàng năm.

Tất cả thực trạng nghiên cứu trên là cơ sở thực tiễn gợi mở cho việc đề xuất và hoàn thiện các biện pháp quản lý bồi dưỡng năng lực dạy học cho giáo viên ở các trường tiểu học trên địa bàn thành phố Hạ Long theo chuẩn nghề nghiệp ở chương 3

Chương 3

Một phần của tài liệu Quản Lý Bồi Dưỡng Năng Lực Dạy Học Cho Giáo Viên Ở Các Trường Tiểu Học Thành Phố Hạ Long Theo Chuẩn (Trang 95 - 100)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(147 trang)