Chương 2. THỰC TRẠNG QUẢN LÝ BỒI DƯỠNG NĂNG LỰC DẠY HỌC CHO GIÁO VIÊN Ở CÁC TRƯỜNG TIỂU HỌC THÀNH PHỐ HẠ LONG THEO CHUẨN NGHỀ NGHIỆP
2.5. Thực trạng quản lý bồi dưỡng năng lực dạy học cho giáo viên ở các trường tiểu học thành phố Hạ Long theo chuẩn nghề nghiệp
2.5.2. Thực trạng tổ chức thực hiện bồi dưỡng năng lực dạy học cho giáo viên
Tổ chức là một khâu trong chu trình quản lý, là một chuỗi hoạt động diễn ra trong một giai đoạn của quá trình quản lý nhằm thực hiện thành công kế hoạch và đạt được mục tiêu tổng thể của tổ chức. Sau khi xây dựng kế hoạch, cơ cấu bộ máy đã được hình thành, nhân sự đã được sắp xếp, thì phải có người lãnh đạo điều khiển.
Hoạt động tổ chức trước hết và chủ yếu là xây dựng cơ cấu tổ chức: xác định các bộ phận cần có, thiết lập mối quan hệ ngang và dọc của các bộ phận, xác định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng bộ phận, xây dựng qui chế hoạt động.
Khảo sát 120 CBQL và giáo viên về thực trạng việc tổ chức thực hiện kế hoạch bồi dưỡng năng lực dạy học cho giáo viên các trường tiểu học trên địa bàn thành phố Hạ Long. Kết quả khảo sát như sau:
Bảng 2.15. Thực trạng tổ chức thực hiện bồi dưỡng năng lực dạy học cho giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp
STT Nội dung tổ chức
Mức độ thực hiện
Tốt Khá Trung
bình Yếu
SL % SL % SL % SL %
1
Xác định các bộ phận tham gia tổ chức bồi dưỡng năng lực dạy học theo chuẩn nghề nghiệp cho giáo viên
34 28.3 37 30.8 31 25.8 18 15.0
2
Bố trí, phân công nhiệm vụ cho các lực lượng tham gia bồi dưỡng năng lực dạy học theo chuẩn nghề nghiệp cho giáo viên
21 17.5 34 28.3 36 30.0 29 24.2
3
Tập huấn cho các lực lượng tham gia bồi dưỡng năng lực dạy học theo chuẩn nghề nghiệp cho giáo viên
19 15.8 30 25.0 40 33.3 31 25.8
4
Tổ chức hoạt động bồi dưỡng năng lực dạy học tập trung theo kế hoạch của Sở, phòng GD&ĐT và của nhà trường.
45 37.5 43 35.8 24 20.0 8 6.7
5
Tổ chức thực hiện bồi dưỡng năng lực dạy học thường xuyên ở tổ, nhóm chuyên môn.
36 30.0 40 33.3 29 24.2 15 12.5
6
Tổ chức hội thảo, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm với các trường bạn về tổ chức hoạt động bồi dưỡng năng lực dạy học cho giáo viên.
17 14.2 28 23.3 42 35.0 33 27.5
7
Tổ chức chuẩn bị tài chính, cơ sở vật chất phục vụ bồi dưỡng năng lực dạy học cho giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp
19 15.8 31 25.8 39 32.5 31 25.8
8
Tổ chức phối hợp giữa các lực lượng tham gia bồi dưỡng năng lực dạy học cho giáo viên
15 12.5 16 13.3 49 40.8 40 33.3
Kết quả bảng 2.15, cho chúng ta thấy việc tổ chức thực hiện kế hoạch bồi dưỡng năng lực phát dạy học cho giáo viên các trường tiểu học trên địa bàn thành phố Hạ Long đã đạt được một số mặt như:
- Theo CBQL và GV, nội dung được đánh giá đạt hiệu quả cao nhất là “Tổ chức hoạt động bồi dưỡng năng lực dạy học tập trung theo kế hoạch của Sở, phòng GD&ĐT và của nhà trường” với 37.5% tốt, 35.8% khá. Hiệu trưởng nhà trường đã chú trọng đến việc tổ chức bồi dưỡng ngay sau khi có kế hoạch bồi dưỡng năng lực dạy học cho giáo viên. Hiệu trưởng nhà trường thường hướng dẫn CB, GV nội dung các văn bản chỉ đạo, tài liệu liên quan đến việc phát triển năng lực dạy học cho giáo viên nhằm đáp ứng yêu cầu chuẩn nghề nghiệp mới. Thường thì ngay sau khi có công văn chỉ đạo của Bộ, Sở, Phòng GD&ĐT, Hiệu trưởng nhà trường sẽ phổ biến đến CBQL và giáo viên trong toàn trường.
- Do tính chất công việc nhiều, nên Hiệu trưởng nhà trường thường giao việc bồi dưỡng năng lực dạy học cho phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn đảm nhận, từ đó phân công công việc xuống tổ trưởng chuyên môn. Chính vì thế hiện nay việc bồi dưỡng năng lực dạy học cho giáo viên tại các tổ chuyên môn rất quan trọng và được sử dụng thường xuyên. Chính vì thế nội dung “Tổ chức thực hiện bồi dưỡng năng lực dạy học thường xuyên ở tổ, nhóm chuyên môn” có 63.3% CBQL và giáo viên đánh giá mức độ thực hiện nội dung này là tốt và khá.
Bên cạnh đó, vẫn còn một số mặt chưa được như:
- Xây dựng cơ chế làm việc phù hợp, phối hợp giữa các lực lượng trong và ngoài nhà trường. Chính vì thế nội dung “Tổ chức phối hợp giữa các lực lượng tham gia bồi dưỡng năng lực dạy học cho giáo viên” cho giáo viên có 40.8% ý kiến trung bình và 33.3% yếu. Trong quá trình bồi dưỡng không chỉ dựa vào một lực lượng mà cần phải có sự kết hợp của nhiều lực lượng khác nhau như Ban tổ chức, giảng viên, nhân viên phục vụ,… mới đưa hoạt động bồi dưỡng năng lực dạy học cho giáo viên đạt hiệu quả cao nhất. Qua quan sát thực tế và điều tra lại chỉ ra rằng nội dung này chỉ được tổ chức thực hiện ở mức hiệu quả thấp nhất.
- Có 58.3% CBQL và giáo viên đánh giá mức độ thực hiện trung bình và yếu đối với nội dung “Tổ chức chuẩn bị tài chính, cơ sở vật chất phục vụ bồi dưỡng năng lực dạy học cho giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp”. Nhiều giáo viên phàn nàn rằng, công tác chuẩn bị tài liệu còn sơ sài, nhiều khi không có. Chế độ cho giáo viên viên đi học còn chưa thỏa đáng, khuyến khích giáo viên tham gia vào hoạt động bồi dưỡng nâng cao năng lực dạy học.
- Nội dung “Bố trí, phân công nhiệm vụ cho các lực lượng tham gia bồi dưỡng năng lực dạy học theo chuẩn nghề nghiệp cho giáo viên” có 54.2% người được khảo sát đánh giá mức độ thực hiện nội dung này là trung bình và yếu.
Nguyên nhân, Hiệu trưởng trường tiểu học chưa làm tốt việc bố trí, phân công nhiệm vụ cho các lực lượng tham gia bồi dưỡng năng lực dạy học cho giáo viên, việc phân công còn đơn lẻ, không có sự chỉ đạo đầu mối chung, chưa làm tốt việc tập huấn cho các lực lượng này để họ hình dung ra tổng thể công việc. Cho nên nội dung “Tập huấn cho các lực lượng tham gia bồi dưỡng năng lực dạy học theo chuẩn nghề nghiệp cho giáo viên” có 59.2% CBQL và giáo viên đánh giá mức độ thực hiện trung bình và yếu. Dẫn đến tình trạng giáo viên chỉ thực hiện các nhiệm vụ cá nhân được phân công, chưa phối kết hợp chặt chẽ với các thành viên khác trong quá trình bồi dưỡng năng lực dạy học cho giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp.
Đây là nội dung mà Hiệu trưởng nhà trường cần quan tâm khắc phục trong tổ chức bồi dưỡng năng lực dạy học cho giáo viên các trường tiểu học trên địa bàn thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh theo chuẩn nghề nghiệp.
Nhìn chung, hoạt động tổ chức thực hiện kế hoạch bồi dưỡng năng lực dạy học cho giáo viên các trường tiểu học trên địa bàn thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh chưa được hiệu quả, nguyên nhân do việc phân cấp bồi dưỡng cũng việc xây dựng nguồn lực cho công tác bồi dưỡng năng lực dạy học cho giáo viên chưa được quan tâm thực hiện chặt chẽ, sâu hơn. Hầu hết các nhà trường giao cho Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn thực hiện hoặc giao cho các tổ trưởng chuyên môn.
Mặt khác, một số nội dung trong kế hoạch bồi dưỡng năng lực dạy học cho giáo viên chưa được triển khai hoặc triển khai không mang lại hiệu quả nhưng chưa được chỉnh sửa, bổ sung kịp thời. Mặt khác, các trường do nguồn tài chính hạn chế, nên đã thiếu chủ động trong mời chuyên gia để tiến hành bồi dưỡng nâng cao năng lực dạy học cho giáo viên tại trường, mặt khác kỹ năng khai thác nguồn lực của các trường theo hình thức xã hội hóa để tổ chức bồi dưỡng chưa được triển khai.