Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VỀ QUẢN LÝ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC TẠI ĐỊA PHƯƠNG
1.1. CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU CÓ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN
1.1.3. Các nghiên cứu liên quan đến vấn đề đổi mới hệ thống quản lý ngân sách và nâng cao chất lượng dịch vụ
1.1.3.1. Các nghiên cứu ngoài nước
Quản lý NSNN nói chung và NSNN tại địa phương nói riêng đến nay không chỉ là vấn đề về tài chính mà còn liên quan nhiều đến các mọi lĩnh vực kinh tế xã hội. Đổi mới hệ thống quản lý để nâng cao chất lượng dịch vụ tài chính công chính là cách mà chính quyền địa phương tạo lòng tin với người dân và các nhà đầu tư. Các nghiên cứu gần đây cũng tập trung nhiều vào vấn đề đổi mới hệ thống quản lý và chất lượng dịch vụ.
Christine Wong (2007) trong nghiên cứu về đổi mới chính sách quản lý NSĐP tại Trung Quốc đã chỉ ra nhiều vấn đề mà hệ thống quản lý NSĐP của Trung Quốc gặp phải trong những năm trước đó [58]. Theo đó, Trung Quốc đã có những thay đổi rất quan trọng trong lĩnh vực quản lý ngân sách ở cấp địa phương đặc biệt là những thay đổi liên quan đến cơ chế quản lý, thực hiện và kiểm tra.
Tuy nhiên, những chính sách quản lý ở cấp quốc gia vẫn chưa thực sự được thực hiện đúng ở cấp địa phương và cấp thấp hơn. Theo đó, nhóm giải pháp cải cách quản lý NSĐP được đưa ra gồm: đổi mới trong công tác hoạch định ngân sách, hạn chế và quy định hạn mức chi tiêu ngân sách, nâng cao tính tự chủ và trách nhiệm trong chi tiêu ngân sách. Cuối cùng, tác giả đã đề xuất những giải pháp định hướng để đổi mới cơ chế quản lý NSĐP tại Trung Quốc gồm:
Xây dựng một khung pháp lý và tăng cường vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan và đi kèm với đó là việc thi hành kỷ luật tài chính theo hướng minh bạch, công khai để vừa không làm thất thoát NSĐP vừa nâng cao sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ tài chính công ở cấp địa phương.
Trong dài hạn, Trung Quốc cũng cần chú trong thúc đẩy mạnh thực hiện số hóa trong quản lý NSĐP để hướng tới một hệ thống quản lý ngân sách hiện đại và hội nhập hóa.
Cải thiện các quy trình theo hướng đơn giản hóa và xây dựng hệ thống giám sát độc lập.
Quy định lại vai trò trách nhiệm của Chính phủ Trung ương và chính quyền địa phương trong hoạt động quản lý ngân sách (phân cấp quản lý).
Thực hiện các quy định ưu tiên ngân sách và thực hiện các vấn đề xã hội và chất lượng dịch vụ.
Nghiên cứu của Lucie Sedmihradská (2015) đối với dịch vụ tài chính công ở công hòa Séc cho thấy hầu hết người dân đều có mức độ cảm nhận về tính minh bạch cũng như chất lượng các dịch vụ tài chính công thấp hơn nhiều so với giá trị mà họ kỳ vọng. Trong nghiên cứu này, các thông tin công khai về chất lượng dịch vụ và các trang web quản lý NSNN được đánh giá là rất thấp và người dân không thể tìm thấy những thông tin cần thiết trong đó [83].
Tương tự, Filipe Sá & cộng sự (2016) đã đề xuất mô hình quản lý dịch vụ trực tuyến cho chính quyền cấp địa phương nhằm nâng cao mức độ hài lòng của người dân về dịch vụ công và xây dựng chính quyền điện tử. Nghiên cứu cũng đưa ra bộ 32 chỉ tiêu đánh giá chất lượng dịch vụ trực tuyến trên cơ sở sử dụng mô hình SERQUAL (service-quality). Các tiêu chí này được phân chia thành 4 nhóm chính gồm: (1) Hệ thống quản lý, (2) Hệ thống dịch vụ, (3) Chất lượng các thông tin và (4) Các vấn đề k thuật. Theo đó, mục đích bài viết hướng tới là phát triển một nền hành chính công theo hướng điện tử hóa và minh bạch hóa thông tin. Bộ 32 chỉ số là một thước đo tốt để đánh giá mức độ hài lòng về dịch vụ công địa phương. Tuy đây là bộ chỉ số chung chung cho các dịch vụ công trên nên tảng dịch vụ trực tuyến nhưng bộ chỉ số này hoàn toàn có thể là nguồn tài liệu tham khảo tốt cho nghiên cứu khác để đánh giá chất lượng quản lý ngân sách nhà nước ở cấp địa phương [62].
Samuel & Wilfred (2009) cho rằng tham nhũng ngân sách là vấn đề lớn mà các chính quyền địa phương phải đối mặt. Trong thực tế, vấn đề năng lực quản lý
cũng là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng NSĐP bị thâm hụt do việc thực hiện các dự án không đúng định hướng chiến lược một cách bừa bãi. Theo đó, những cán bộ không có đủ năng lực quản lý và lãnh đạo cần thiết sẽ thường đưa ra các quyết định thu chi ngân sách không chính xác dẫn đến tình trạng thiếu minh bạch và làm ảnh hưởng đến sự hài lòng của người dân địa phương [74].
Ngoài ra, sự tham gia của người dân vào hệ thống quản lý NSĐP là rất thấp, đặc biệt là ở các nước đang phát triển đã làm giảm khả năng giám sát các hoạt động của chính quyền địa phương liên quan đến vấn đề quản lý và sử dụng ngân sách.
Chính vì vậy, nâng cao hiệu quả quản lý NSĐP theo Samuel & Wilfred (2009) trước hết cần tập trung từng bước nâng năng lực và nhận thức của đội ngũ công chức Nhà nước trong lĩnh vực tài chính công đồng thời xây dựng cơ chế kiểm soát nội bộ tốt nhằm hạn chế những hậu quả gây ra do thiếu năng lực của cán bộ ngân sách [91].
1.1.3.2. Các nghiên cứu trong nước
Bùi Thị Quỳnh Thơ (2013) trong “Hoàn thiện quản lý chi ngân sách nhà nước tỉnh Hà Tĩnh” đã phân tích hai nội dung chi lớn của chi NSNN là chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển. Mặc dù luận án xác định chi ngân sách cấp tỉnh được coi là trọng tâm chính trong phạm vi nghiên cứu, khẳng định hiệu quả của công tác quản lý chi NSNN khó đo được bằng các chỉ tiêu định lượng.
Nó không đồng nghĩa với hiệu quả chi NSNN. Nếu như hiệu quả chi NSNN so sánh kết quả với số tiền mà Nhà nước bỏ ra cho công việc nào đó, thì hiệu quả công tác quản lý chi NSNN được thể hiện bằng việc so sánh giữa kết quả công tác quản lý chi NSNN thu được với số chi phí mà Nhà nước đã chi cho công tác quản lý chi NSNN [38].
Nhìn chung, các nghiên cứu cả trong và ngoài nước đã rà soát và đề cập khá nhiều đến hoạt động quản lý NSNN ở cả cấp quốc gia và cấp địa phương.
Các nghiên cứu thường tập trung vào các xu hướng chính có liên quan đến quản lý nhà nước trong việc thu - chi NSNN. Mặc dù vậy, những vấn đề cốt yếu của quản lý NSNN như tỷ lệ giảm thất thu NSNN, tỷ lệ tiết giảm chi NSNN, tỷ lệ nợ
thuế/tổng thu NSNN chưa được nhiều nghiên cứu đề cập đến. Do đó, luận án sẽ tập trung nghiên cứu vào các vấn đề liên quan đến các giải pháp nhắm tối ưu hóa hoạt động chi NSNN cấp tỉnh, tránh tình trạng bội chi NSNN mà kém hiệu quả.
Đồng thời, luận án cũng nghiên cứu kinh nghiệm thực hiện quản lý chi NSNN ở một số quốc gia có cơ cấu quản lý NSNN tương đồng như Việt Nam và một số địa phương thực hiện tốt việc quản lý cho NSĐP tại Việt Nam.