Các tiêu chí đánh giá kết quả quản lý ngân sách địa phương

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ quản lý ngân sách nhà nước tại địa phương trong bối cảnh hội nhập trường hợp tỉnh hải dương (Trang 64 - 67)

Chương 2: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ KINH NGHIỆM THỰC TẾ VỀ QUẢN LÝ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC TẠI ĐỊA PHƯƠNG

2.2. NỘI DUNG, NGUYÊN TẮC, QUY TRÌNH VÀ TIÊU CHÍ QUẢN LÝ NGÂN SÁCH TẠI ĐỊA PHƯƠNG

2.2.4. Các tiêu chí đánh giá kết quả quản lý ngân sách địa phương

2.2.4.1. Các tiêu chí đánh giá kết quả quản lý thu ngân sách địa phương Kết quả trong quản lý thu NSĐP tại địa phương được đo lường bằng các tiêu chí:

1) Tốc độ tăng thu NSNN tại địa phương

Tỷ lệ tốc độ tăng thu NSNN được tính bằng cách so sánh tổng số thu NSNN tại địa phương trong năm trước so với năm liền kề. Tỷ lệ này cho biết xu hướng tăng nguồn thu NSNN tại địa phương thể hiện kết quả hoạt động của địa phương trong việc huy động nguồn thu NSNN.

2) Tỷ lệ các nguồn thu phản ánh chất lượng, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh trong tổng số thu NSNN

Các nguồn thu phản ánh chất lượng hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của địa phương bao gồm tỷ lệ thu nội địa, các khoản thuế GTGT, thuế TNDN được tạo ra từ hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước, các khoản thu từ hoạt động xuất nhập khẩu. Các chỉ tiêu này phản ánh khả năng nuôi dưỡng các nguồn thu của địa phương cũng như tính bền vững của các nguồn thu từ các nguồn lực của địa phương.

Ngoài ra, một số tiêu chí khác có thể được sử dụng để đánh giá kết quả thu NSNN tại địa phương như: Cơ cấu và tốc độ tăng nguồn thu từ các loại hình doanh nghiệp: DNNN Trung ương, DNNN địa phương, Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, Doanh nghiệp tư nhân; mức độ thất thu ngân sách cũng cần được đề cập đến khi đánh giá mức độ kết quả trong quản lý thu ngân sách nói chung và quản lý thu ngân sách tại địa phương nói riêng.

2.2.4.2. Các tiêu chí đánh giá kết quả trong quản lý chi ngân sách địa phương

Kết quả trong quản lý chi NSĐP được đánh giá bằng các tiêu chí sau:

1) Tỷ lệ chi NSNN so GDP cho đầu tư phát triển

Chi đầu tư phát triển từ nguồn NSĐP là các khoản chi cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn địa phương, chi hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp nhà nước tại địa phương, chi góp vốn cổ phần, chi các mục tiêu chương trình quốc gia. Đây là các khoản chi có thời hạn dài trên 1 năm, hình thành nên tài sản vật chất và có khả năng tạo ra nguồn thu, trực tiếp làm tăng cơ sở vật chất và tăng trưởng cho kinh tế địa phương. Vì vậy, muốn kinh tế địa phương tăng trưởng cao cần tăng tỷ lệ chi NSNN cho đầu tư phát triển.

2) Tỷ lệ chi thường xuyên của NSĐP

Chi thường xuyên của NSĐP là các khoản chi nhằm cung cấp dịch vụ công cho nhân dân địa phương và phục vụ cho chức năng quản lý, điều hành xã hội của chính quyền địa phương. Đây là khoản chi có tính chất tiêu dùng xã hội. Vì vậy, cần giảm tỷ lệ chi thường xuyên trong NSĐP để tăng chi cho đầu tư phát triển.

3) Tỷ lệ chi NSNN cho giáo dục, y tế và cung ứng các dịch vụ công cần thiết Chi NSĐP cho cung ứng dịch vụ công tại địa phương giữ vai trò quan trọng trong việc thỏa mãn và nâng cao đời sống nhân dân tại địa phương. Việc cung ứng dịch vụ công trong các lĩnh vực, y tế và giáo dục có vai trò quan trọng. Vì vậy, cần dành nguồn lực tài chính đáng kể để tăng chi cho y tế và giáo dục trong ngân sách địa phương.

4) Tỷ lệ chi NSNN cho quản lý hành chính và quản lý nhà nước

Chi cho quản lý hành chính và quản lý nhà nước tại địa phương là cần thiết song nếu chi cho bộ máy quản lý nhà nước quá lớn sẽ không còn nguồn lực tài chính để đầu tư phát triển kinh tế và văn hóa, giáo dục, y tế. Vì vậy, tỷ lệ cho NSNN cho hoạt động quản lý hành chính càng thấp thể hiện quản lý chi NSNN càng hiệu quả.

Ngoài các chỉ tiêu có tính định lượng như trên, kết quả quản lý chi NSNN còn thể hiệu ở các chỉ tiêu định tính như tính công khai minh bạch trong chi tiêu ngân sách.

2.2.4.3. Khả năng cân đối ngân sách địa phương

Kết quả quản lý cân đối thu chi NSNN tại địa phương được thể hiện qua các tiêu chí như sau:

1) Tỷ lệ bội chi ngân sách địa phương cấp tỉnh

Là một cấp ngân sách hoàn chỉnh, NSĐP được chính quyền địa phương sử dụng như một công cụ để phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Vì vậy chi NSĐP cấp tỉnh được phép bội chi để đầu tư các dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn theo quyết định của chính quyền địa phương cấp tỉnh.

Tuy nhiên, bội chi luôn có tính hai mặt: tích cực và tiêu cực. Một mặt, nếu bội chi hợp lý có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương vì bội chi làm tăng tổng cầu nền kinh tế; mặt khác, nếu bội chi không hợp lý, không được sử dụng đúng mục đích có thể gia tăng lạm phát và gây sức ép lên nợ công, dẫn đến mất an toàn tài chính.

Bởi vậy, mặc dù ngân sách cấp tỉnh được phép bội chi nhưng phải quản lý giới hạn quy mô và cơ cấu, tỷ lệ bội chi hợp lý trong giới hạn cho phép; đồng thời quản lý phương thức bù đắp nguồn vốn vay và sử dụng nguồn vốn vay tiết kiệm và hiệu quả để thúc đẩy tăng trưởng và kiềm chế lạm phát.

2) Mức dư nợ vay của ngân sách địa phương cấp tỉnh

Bội chi NSĐP được bù đắp bằng các nguồn vay trong nước từ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay lại từ nguồn Chính phủ vay về cho vay lại và các khoản vay trong nước khác. Mức dư nợ vay của ngân sách địa phương được xác định bằng tỷ lệ phần trăm trên số thu NSĐP được hưởng theo phân cấp. Để quản lý hiệu quả mức vay dư nợ, chính quyền trung ương quy định từng tỷ lệ ấn định cho các địa phương để có căn cứ quản lý.

Ngoài ra để quản lý hiệu quả NSĐP, hoạt động quản lý dự trữ, dự phòng tài chính tại địa phương có ý nghĩa quan trọng. Việc hình thành và sử dụng các qu dự trữ để khắc phục những rủi ro, bất trắc, tạo điều kiện đảm bảo sự cân đối trong hoạt động của NSNN tại địa phương. Thực chất, đây là việc xác lập các định mức trích, hình thành các quy chế sử dụng, xây dựng chế độ kiểm tra, kiểm soát thích hợp với các đặc điểm của qu dự trữ, dự phòng [3].

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ quản lý ngân sách nhà nước tại địa phương trong bối cảnh hội nhập trường hợp tỉnh hải dương (Trang 64 - 67)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(176 trang)