Chương 3: ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG QUẢN LÝ NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG TẠI TỈNH HẢI DƯƠNG
3.4. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ, HẠN CHẾ VÀ NGUYÊN NHÂN THỰC TRẠNG QUẢN LÝ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC TẠI TỈNH HẢI DƯƠNG
3.4.1. Kết quả đạt được
Một là, hoàn thành dự toán thu NSNN hàng năm ở mức cao
Thông qua các chỉ tiêu thu NSNN tại địa phương qua các năm cho thấy nỗ lực của chính quyền tỉnh Hải Dương trong việc nâng cao hiệu quả của công tác quản lý thu ngân sách trên địa bàn. Tỉnh Hải Dương đã phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các cấp, của các cơ quan nhà nước, các tổ chức, đơn vị trong lĩnh vực ngân sách trong việc quyết
định phân bổ dự toán ngân sách và phê chuẩn tổng quyết toán ngân sách địa phương. Quy định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành và đơn vị trong tổ chức quản lý, khai thác nguồn thu và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả ngân sách được giao.
Hàng năm, căn cứ vào Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh và yêu cầu thực tế, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã kịp thời điều chỉnh, sửa đổi nguồn thu ngân sách phù hợp với tình hình thực tế và khả năng quản lý ngân sách của các cấp, tạo điều kiện cho chính quyền cấp dưới chủ động trong điều hành ngân sách.
Chất lượng các mặt công tác lập dự toán, phân bổ, chấp hành và quyết toán ngân sách ngày càng được nâng cao, bảo đảm thời gian theo quy định. Công tác chiến lược, kế hoạch, dự báo đã chủ động hơn, sát với tình hình thực tế hơn. Do đó, hàng năm các nguồn tăng thu ngân sách luôn hiệu quả đồng thời giảm các khu vực hụt thu ngân sách. Vì thế số thu NSĐP hàng năm đều hoàn thành vượt dự toán được giao với mức khá cao: Năm 2016 vượt 7,65%; năm 2017 vượt 8,12%; năm 2018 vượt 26,85% và năm 2019 vượt 26,58% so với dự toán. Điều đó cho thấy những nỗ lực của địa phương trong quản lý điều hành và thực hiện nhiệm vụ tài chính, ngân sách hàng năm.
Hai là, số thu ngân sách địa phương tăng năm sau cao hơn năm trước nhằm đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh
Hàng năm do địa phương đặt quyết tâm phấn đấu hoàn thành dự toán thu NSĐP hàng năm, nên số thu NSĐP cũng tăng nhanh và có xu hướng năm sau cao hơn so với năm trước. Đó là những tiền đề quan trọng đảm bảo nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Mức tăng thu của năm 2017 so với 2016 là 22,85%; năm 2018 so 2017 là 22,01% và năm 2019 so với 2018 là 8,75%. Có được thành tựu trên là do:
- Do hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới tạo tiền đề để chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực: mức tăng trưởng về công nghiệp, dịch vụ hàng năm tăng lên; tỷ lệ lao động có việc làm ngày càng được nâng lên; thu nhập bình quân đầu người ngày càng được cải thiện.
- Việc chỉ đạo, điều hành của chính quyền tỉnh Hải Dương trong công tác thu NSĐP đã bám sát các chủ trưởng, quy quy định của Trung ương, cụ thể hóa và bám sát và phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan quản lý cũng như đối tượng quản lý có căn cứ để thực thi nhiệm vụ.
- Các cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh đã tăng cường và đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra giúp giảm được tình trạng thất thu ngân sách, từ đó tăng thu cho NSĐP.
Ba là, tốc độ tăng chi ngân sách địa phương đạt mức cao, đảm bảo nguồn lực tài chính phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương
Trong những năm qua, do nguồn thu NSĐP được tăng nhanh đã đáp ứng nhu cầu chi tiêu của địa phương, đảm bảo nguồn lực cho việc thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội của địa phương trong giai đoạn 2016 - 2020. Vì vậy, tốc độ tăng chi NSĐP cũng tăng lên nhanh chóng, năm sau cao hơn năm trước. Tốc độ tăng chi NSĐP năm 2017 so 2016 đạt 15,8%; năm 2018 so 2017 đạt 16%; năm 2019 tăng 49,22% so với năm 2018. Năm 2019 có sự tăng đột biến về chi NSĐP của tỉnh là do các khoản thu chuyển nguồn từ năm trước sang.
Bốn là, quản lý bội thu và vay trả nợ của NSĐP có kết quả tích cực
Trong giai đoạn 2017 - 2020 NSĐP tỉnh Hải Dương (ngân sách cấp tỉnh) được phép bội chi. Tuy nhiên, trong thời gian này NSĐP tỉnh Hải Dương không bội chi mà ngược lại có bội thu. Cụ thể trong năm 2019 dự toán bội thu là 22,1 tỷ, nhưng bội thu thực tế đạt 80,190 tỷ đồng, tương đương 363%. Năm 2019, dự toán vay để bù đắp bội chi NSĐP là 31,000 tỷ đồng, song trong thực tế không thực hiện.
Như vậy, NSĐP tỉnh Hải Dương không bội chi. Ngược lại do quản lý ngân sách tốt nên số tăng thu cao và có bội thu NSĐP, tuy mức bội thu không nhiều.
Có được những thành tựu trên trong lĩnh vực quản lý chi NSĐP là do những nguyên nhân sau đây:
Thứ nhất, xây dựng khuôn khổ pháp lý quản lý chi tiêu ngân sách
Chính quyền địa phương đã phân công trách nhiệm rõ ràng hơn giữa các cơ quan liên quan trong quản lý chi tiêu NSĐP. Cùng với việc xác lập và tập trung
nguồn lực cho các ưu tiên phát triển của địa phương, tỉnh cũng tiến hành phân cấp sâu rộng cho các huyện, xã tạo điều kiện cho các huyện, xã chủ động quyết định và phân bổ nguồn lực theo nhu cầu địa phương. Đối với các nguồn thu được định hướng đầu tư cơ sở hạ tầng, tỉnh đã cố gắng phân cấp tối đa cho huyện, cụ thể là nguồn thu xổ số, thu tiền cho thuê mặt đất, mặt nước, tiền thu cấp quyền sử dụng đất, tiền thuế sử dụng đất nông nghiệp, tiền bán nhà thuộc sở hữu nhà nước... Đối với các lĩnh vực chi khác, tỉnh đã thực hiện phân cấp nhiệm vụ chi, đồng thời áp dụng phương châm phân cấp tối đa nguồn thu để các cấp chính quyền huyện, xã đảm bảo được các nhiệm vụ chi thường xuyên. Việc phân cấp tài chính đã góp phần nâng cao tính tự chủ của chính quyền địa phương, qua đó tạo điều kiện cho chính quyền địa phương hoạt động độc lập hơn trong khả năng của mình để xây dựng chính sách chi tiêu, mà còn hướng tới việc nâng cao tính trách nhiệm về chính trị, tính hiệu quả và minh bạch trong quản lý tài chính công.
Thứ hai, nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn lực
Chính quyền địa phương đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng và hình thành hệ thống định mức làm cơ sở phân bổ ngân sách: Dựa vào hệ thống định mức, chính quyền địa phương dự toán nhu cầu chi tiêu và phân bổ nguồn lực tài chính... Điều này đã giúp các đơn vị có kế hoạch chi tiêu hợp lý, tiết kiệm, phân bổ định mức cụ thể cho từng cán bộ công chức được hưởng tránh tình trạng sử dụng lãng phí tài sản công. Xác lập thứ tự ưu tiên trong phân bổ chi NSNN. Trong chi đầu tư xây dựng cơ bản tỉnh đã chú trọng vào các lĩnh vực khác nhau. Các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, hệ thống cầu đường đều được nâng cấp, đầu tư xây dựng từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng cơ sở như: Quốc lộ 10, quốc lộ 5B, quốc lộ 18, hệ thống cầu cống tại các huyện, xã, giao thông nông thôn được cải thiện.
Nâng cao định hướng phục vụ người nghèo của chi NSNN. Thực hiện các chương trình xóa đói giảm nghèo, xóa nhà tranh tre dột nát, phổ cập giáo dục tiểu học một cách có hiệu quả. Các khoản chi giáo dục và y tế được phân bổ công bằng hơn giữa các huyện, xã: Chi sự nghiệp giáo dục - đào tạo cơ bản đảm bảo thực hiện các yêu cầu về chi trả lương, phụ cấp giáo viên, chi thực hiện một
số mục tiêu như phổ cập giáo dục đảm bảo tiêu chí biên chế sự nghiệp giáo dục, chi nâng cao chất lượng giáo dục như thay sách giáo khoa và thiết bị dạy học....
Thứ ba, điều hành NSNN từng bước chủ động và linh hoạt hơn
NSNN luôn trở thành công cụ đắc lực phục vụ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và tăng chi đầu tư phát triển, hỗ trợ bình ổn thị trường. Đưa chu trình quản lý NSNN vào nề nếp sau khi luật NSNN có hiệu lực, quy trình lập, chấp hành và quyết toán NS đã được địa phương chấp hành nghiêm túc.
Thứ tư, cải thiện tính minh bạch chi ngân sách
Tỉnh Hải Dương đã đề cao tính minh bạch trong chi tiêu ngân sách. Tính minh bạch chi tiêu ngân sách có tầm quan trọng trong việc giải trình trước công dân về việc phân bổ nguồn lực tài chính của Nhà nước và giải trình về chất lượng chi tiêu ngân sách tổng thể. Hằng năm, tỉnh Hải Dương đã công bố số liệu quyết toán ngân sách dưới dạng ấn phẩm cho mọi đối tượng đặc biệt là trên địa bàn tỉnh; bắt đầu từ năm 2010, các số liệu quyết toán NSNN, dự toán thu chi, kết quả thực hiện dự toán... cũng đã được công khai trên hệ thống trang thông tin điện tử của tỉnh, huyện, xã; chính quyền các xã, phường thực hiện niêm yết công khai ngân sách tại trụ sở làm việc.