Quy trình quản lý ngân sách địa phương

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ quản lý ngân sách nhà nước tại địa phương trong bối cảnh hội nhập trường hợp tỉnh hải dương (Trang 61 - 64)

Chương 2: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ KINH NGHIỆM THỰC TẾ VỀ QUẢN LÝ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC TẠI ĐỊA PHƯƠNG

2.2. NỘI DUNG, NGUYÊN TẮC, QUY TRÌNH VÀ TIÊU CHÍ QUẢN LÝ NGÂN SÁCH TẠI ĐỊA PHƯƠNG

2.2.3. Quy trình quản lý ngân sách địa phương

Quản lý NSĐP được tiến hành theo chu trình bao gồm ba bước: quản lý lập dự toán NSĐP, quản lý việc chấp hành dự toán NSĐP và quyết toán NSĐP.

2.3.3.1. Lập dự toán ngân sách địa phương

Lập dự toán NSĐP là một trong ba khâu của toàn bộ chu trình quản lý NSNN, trong đó lập dự toán là khâu mở đầu có ý nghĩa quan trọng trong quá trình quản lý NSĐP. Lập dự toán là cơ sở để tổ chức thực hiện NSĐP, qua đó tạo cơ sở và điều kiện đảm bảo thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của các cấp chính quyền địa phương, đồng thời thông qua việc thực hiện nhiệm vụ theo dự toán, có thể đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương.

Lập dự toán NSĐP của các NSĐP bao gồm: Lập kế hoạch tài chính 05 năm; lập kế hoạch tài chính - ngân sách 03 năm; lập dự toán NSĐP hàng năm, trong đó lập dự toán NSĐP hàng năm nhằm cụ thể hóa định hướng chiến lược của kế hoạch tài chính 05 năm, mục tiêu và nhiệm vụ của kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm, có các chỉ tiêu cơ bản trùng với chỉ tiêu năm thứ nhất của kế hoạch tài chính - ngân sách 03 năm, đồng thời việc lập dự toán NSĐP hàng năm còn là cơ sở để lập dự toán ngân sách 03 năm và kế hoạch tài chính ngân sách 5 năm.

Việc lập dự toán NSĐP hàng năm của đơn vị dự toán phải dựa vào các căn cứ sau: Chủ trương, chính sách, phương hướng, chỉ tiêu và các nhiệm vụ cụ thể của Nhà nước của ngành và địa phương trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch tài chính 05 năm, trong đó phải căn cứ vào mức tăng trưởng kinh tế, nhu cầu vốn đầu tư phát triển, các dự án đầu tư có đủ các điều kiện bố trí vốn theo quy định, đồng thời ưu tiên bố trí đủ vốn phù hợp với tiến độ triển khai của các chương trình, dự án đã được quyết định đầu tư thực hiện; Các chỉ tiêu liên quan và các quy định của pháp luật về thu ngân sách, các chính sách thu ngân sách thuộc thẩm quyền trung ương ban hành; Các định mức phân bổ ngân sách;

chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách; Số kiểm tra về dự toán ngân sách do Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và bộ quản lý một số chương trình mục tiêu quốc gia thông báo; Tình hình thực hiện dự toán ngân sách một số năm trước và một số năm gần kề.

2.3.3.2. Tổ chức thực hiện ngân sách địa phương

Chấp hành dự toán NSĐP là khâu tiếp theo trong toàn bộ chu trình quản lý ngân sách, sau khâu lập dự toán. Chấp hành dự toán NSĐP là sử dụng tổng hợp các biện

pháp kinh tế - tài chính và hành chính nhằm biến các chỉ tiêu thu chi ghi trong dự toán NSĐP trở thành hiện thực. Tổ chức chấp hành dự toán NSĐP bao gồm nội dung sau:

Tổ chức thực hiện dự toán thu NSĐP:

Các cơ quan quản lý thu NSĐP, bao gồm cơ quan tài chính, cơ quan thuế, cơ quan hải quan và cơ quan khác được chính quyền địa phương giao hoặc ủy quyền tổ chức thực hiện nhiệm vụ thu NSĐP. Nhiệm vụ tổ chức thu ngân sách, bao gồm:

- Phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thu đúng, thu đủ, thu kịp thời theo quy định của pháp luật; chịu sự chỉ đạo, kiểm tra của cơ quan tài chính, cơ quan quản lý cấp trên, Ủy ban nhân dân và sự giám sát của Hội đồng nhân dân về công tác thu ngân sách tại địa phương; phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tuyên truyền, vận động tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm nghĩa vụ nộp ngân sách theo quy định của pháp luật.

- Tổ chức quản lý và thực hiện thu thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác nộp vào NSNN.

- Cơ quan thu có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân nộp đầy đủ, đúng hạn các khoản thu phải nộp vào ngân sách nhà nước;

- Kiểm tra, kiểm soát các nguồn thu của ngân sách; kiểm tra, thanh tra việc chấp hành kê khai, thu, nộp ngân sách và xử lý hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Tổ chức chi ngân sách nhà nước

Các nhiệm vụ chi đã bố trí trong dự toán cần được bảo đảm kinh phí theo đúng tiến độ thực hiện và trong phạm vi dự toán được giao. Đối với các dự án đầu tư và các nhiệm vụ chi cấp thiết khác được tạm ứng vốn, kinh phí để thực hiện các công việc theo hợp đồng đã ký kết. NSĐP được tạm ứng từ NSTW để thực hiện nhiệm vụ chi theo dự toán ngân sách được giao trong trường hợp cần thiết.

2.3.3.3. Quyết toán ngân sách địa phương

Quyết toán là khâu cuối cùng trong quy trình quản lý NSĐP. Quyết toán NSĐP là quá trình kiểm tra rà soát, chỉnh lý số liệu đã được phản ánh sau một kỳ chấp hành dự toán, tổng kết đánh giá quá trình thực hiện dự toán năm của địa phương.

Công tác quyết toán thực hiện tốt sẽ cung cấp các thông tin cần thiết để đánh giá lại việc thực hiện dự toán NSĐP trong năm, từ đó rút ra những kinh nghiệm thiết thực cho công tác lập và chấp hành dự toán NSĐP năm sau. Đồng thời, kết quả quyết toán NSĐP cho phép chính quyền địa phương tổ chức đánh giá lại hoạt động của quản lý ngân sách của địa phương trên cơ sở đó có những điều chỉnh kịp thời theo xu hướng thích hợp cho năm tiếp theo.

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ quản lý ngân sách nhà nước tại địa phương trong bối cảnh hội nhập trường hợp tỉnh hải dương (Trang 61 - 64)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(176 trang)