Chương 3: ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG QUẢN LÝ NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG TẠI TỈNH HẢI DƯƠNG
3.4. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ, HẠN CHẾ VÀ NGUYÊN NHÂN THỰC TRẠNG QUẢN LÝ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC TẠI TỈNH HẢI DƯƠNG
3.4.3. Nguyên nhân của các hạn chế
Thứ nhất, bối cảnh kinh tế vĩ mô không thuận lợi
Trong những năm qua, nền kinh tế xã hội nước ta gặp nhiều khó khăn do chịu tác động của khủng hoảng kinh tế tài chính thế giới 2008 nên nền kinh tế phục hồi chậm, mức tăng trưởng GDP cả nước không cao, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô thiếu khởi sắc. Bức tranh kinh tế xã hội của cả nước có tác động đến tình hình kinh tế xã hội của Hải Dương làm ảnh hưởng đến thu chi NSNN trên địa bàn địa phương.
Thứ hai, chính sách chế độ về thu chi NSNN có nhiều thay đổi
Những tồn tại hạn chế trong công tác thu chi NSĐP không những tỉnh Hải Dương gặp phải mà cũng đang là tình trạng chung mà các địa phương khác của Việt Nam. Các cấp chính quyền địa phương luôn bị động trong việc cập nhật và thay đổi theo các chính sách thuế, quy định của Trung ương về thu ngân sách.
Do đó, chính quyền địa phương không tự chủ và chủ động trong công tác đổi mới, nâng cao hiệu quả thu chi ngân sách địa phương.
3.4.3.2. Nguyên nhân chủ quan
Thứ nhất, việc thực hiện quy trình lập dự toán NSĐP và công tác quản lý thu chưa đáp ứng được yêu cầu. Các cơ quan chuyên môn không có đủ phương tiện để nắm bắt kịp thời tình hình hoạt động kinh doanh của các đối tượng nộp ngân sách. Bản thân sự trao đổi giữa các cơ quan có nhiệm vụ thu với nhau và cộng đồng còn kém dẫn đến hiệu quả phối hợp tác nghiệp chưa cao.
Thứ hai, thiếu các quy chế về khung chi tiêu trung hạn hoặc ít nhất là ngân sách nhiều năm
Luật NSNN 2002 không quy định việc lập dự toán ngân sách hàng năm. Tuy nhiên, trong thực tế, khi quyết định các chính sách chi hoặc quyết định các dự án chi đầu tư... có nghĩa là hình thành các nhu cầu chi nhiều năm. Như vậy, nếu không
xây dựng một khung chi tiêu trung hạn hay ngân sách nhiều năm thì địa phương phải đối mặt với mâu thuẫn là nhiệm vụ thì có, nhưng không rõ nguồn lực cho các nhiệm vụ này như thế nào. Luật NSNN năm 2015 đã khắc phục được hạn chế này bằng cách đưa ra quy định xây dựng dự toán 3 năm, 5 năm, tuy nhiên chưa được các địa phương thực hiện đầy đủ.
Thứ ba, các hướng dẫn và đánh giá trước, trong và sau chi NSNN còn lỏng lẻo
Do sự tách biệt giữa chi đầu tư và chi thường xuyên. Hệ quả là các khoản chi thường xuyên về cơ bản được điều chỉnh bởi Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn, trong khi đó các khoản chi đầu tư được quản lý bởi hệ thống các văn bản pháp lý về chi đầu tư. Điều đó có nghĩa là, không có một khung thống nhất để xem xét tổng chi phí và tổng lợi ích có được từ các đề án, dự án sử dụng ngân sách.
Thứ tư, chưa dự trù được nguồn lực dành cho khu vực công
Có thể nói việc dự trù sát thực nguồn lực dành cho khu vực công là điều kiện tiền đề để quản lý chi NSNN tốt. Hải Dương đã xác định nguồn lực cho mỗi giai đoạn trong xây dựng kế hoạch công nghiệp hóa, hiện đại hóa, song các nguồn lực này thường bị chi phối bởi mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đặt ra hơn là dựa vào các cơ sở khách quan của nền kinh tế địa phương. Do vậy, việc phân tích thực hiện ưu tiên hoá chưa được thực hiện một cách hiệu quả khiến nguồn vốn phải dàn trải cho nhiều chương trình, dự án.
Thứ năm, áp dụng cứng nhắc mô hình lập ngân sách truyền thống
Hải Dương cũng như các địa phương khác đã tuân thủ một cách khá cứng nhắc cơ chế lập ngân sách hàng năm. Do vậy, việc phân bổ ngân sách giữa các năm thường không nhất quán, thiếu tính ổn định. Việc không có khả năng phân bổ nhất quán là do tỉnh chưa dựa vào các mục tiêu cần phải đạt được để phân bổ ngân sách. Khi không có một cơ sở xác định để phân bổ ngân sách thì việc phân bổ ngân sách dễ bị chi phối bởi các nhân tố chủ quan, thay đổi theo các nhân tố từng năm.
Thứ sáu, hệ thống định mức trên cơ sở phân chia ngân sách cho các ngành, lĩnh vực, không dựa trên đánh giá khách quan về chức năng, nhiệm vụ,
mục đích, mục tiêu của từng ngành, lĩnh vực trong mỗi thời kỳ cũng như thay đổi về vai trò của Nhà nước trong mỗi lĩnh vực. Tuy nhiên, tỉnh lại mô phỏng hệ thống định mức phân bổ của Trung ương và xác định định mức phân bổ ngân sách chủ yếu dựa theo thực tế chi của các ngành, lĩnh vực giai đoạn trước đó và khả năng tăng thu trong tương lai. Việc phân bổ ngân sách hiện hành được xem như là phương pháp phân bổ ngân sách tăng thêm, mỗi kỳ, mỗi năm, thực chất là tăng thêm cho mỗi lĩnh vực theo kỳ một khoản nào đó, không cần đánh giá xem các nhiệm vụ, mục tiêu và nhu cầu nguồn ngân sách đối với mỗi lĩnh vực thay đổi như thế nào.
Thứ bảy, năng lực, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy QLNN còn hạn chế, nhất là cấp xã
Trình độ, năng lực của một số chủ đầu tư, tư vấn, quản lý, giám sát dự án…chưa đáp ứng được yêu cầu dẫn đến việc triển khai các dự án không đảm bảo đúng tiến độ đã đề ra, làm tăng chi phí, giảm hiệu quả đầu tư. Theo phân cấp đầu tư, UBND cấp xã quyết định đầu tư và làm chủ đầu tư nhiều dự án nhưng không có cán bộ chuyên môn, không đủ năng lực về quản lý đầu tư XDCB, khi triển khai phần lớn thực hiện hình thức trực tiếp quản lý dự án nên đã dẫn đến nhiều tồn tại, khuyết điểm trong quản lý đầu tư XDCB. Phần lớn cán bộ HĐND cấp xã kiêm nhiệm, chuyên môn hạn chế, các quyết định của HĐND chủ yếu dựa vào tờ trình của UBND nên vai trò của HĐND trong giai đoạn này khá mờ nhạt đã ảnh hưởng không ít đến năng lực quyết định ngân sách. Công tác quản lý tài chính, ngân sách cấp xã nhìn chung còn hạn chế. Trình độ chuyên môn, năng lực công tác của cán bộ, công chức không đồng đều, còn nhiều hạn chế, tư tưởng “nhiệm kỳ” vẫn còn xuất hiện ở một số nơi. Chính tư tưởng “nhiệm kỳ” là nguyên nhân dẫn đến sự phát triển thiếu bền vững.
Đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về đầu tư và xây dựng chưa đáp ứng yêu cầu của các khâu quản lý ngày càng cao cả về việc thực hiện các quy trình thủ tục và quản lý chất lượng cũng như tiến độ thực hiện dự án trong điều kiện quy mô vốn đầu tư ngày càng tăng nhanh. Năng lực của một số chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án còn bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt là các chủ đầu tư không có Ban Quản lý
dự án chuyên nghiệp. Sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành và các huyện, thị xã, thành phố trong quá trình quản lý ngân sách có lúc, có nơi chưa thực sự nhịp nhàng.
Thứ tám, công tác thanh tra, kiểm tra giám sát chưa được quan tâm đúng mức, khi phát hiện những sai sót việc làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân và xử lý chưa nghiêm. Công tác giám sát đánh giá đầu tư, việc theo dõi, đánh giá hiệu quả sử dụng ngân sách đang còn xem nhẹ.
Thứ chín, một số cơ chế, chính sách của tỉnh đề ra chưa đủ mạnh, còn thiếu chủ động trong việc nghiên cứu, đề xuất với trung ương những cơ chế, chính sách mang tính đột phá cho sự phát triển của Hải Dương. Còn chậm trong việc phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương để cụ thể hoá và chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, Chính phủ trên địa bàn Hải Dương.
Kết luận chương 3
Quản lý NSĐP phải nhằm đảm bảo thực hiện có hiệu quả hoạt động tận dụng nguồn thu và phân bổ ngân sách theo thứ tự ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện quản lý ngân sách trong điều kiện nguồn lực tài chính cho phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế thì vấn đề sử dụng hợp lý và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực đặt ra yêu cầu phải thực hiện các giải pháp để thúc đẩy quá trình quản lý ngân sách ngày càng đòi hỏi cao hơn, trong đó giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý thu - chi ngân sách là một vấn đề quan trọng. Vì vậy, nâng cao hiệu quả quản lý NSNN trên địa bàn tỉnh Hải Dương là một nhiệm vụ luôn được quan tâm cả về thực tiễn và lý luận, là yêu cầu cần thiết và khách quan trong giai đoạn hiện nay nhằm quản lý NSNN được tốt hơn, công khai, minh bạch và đạt hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của đổi mới quản lý tài chính mà Đảng đã đề ra.
Chương này tập trung phân tích đánh giá thực trạng quản lý NSĐP trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Các dữ liệu về quản lý ngân sách trên địa bàn được thu thập trong những năm trở lại đây được trình bày chi tiết dựa trên số liệu của Sở tài chính và các đơn vị có liên quan của tỉnh Hải Dương. Trên cơ sở dữ liệu thu thập và phân tích, tác giả chỉ ra những kết quả đạt được cũng như những hạn chế trong công tác quản lý NSĐP tại tỉnh Hải Dương. Cuối cùng, tác giả đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý ngân sách địa phương tại tỉnh Hải Dương.
Bên cạnh đó, chương này cũng đã tiến hành khảo sát ý kiến của các đối tượng có liên quan đến hoạt động quản lý thu chi ngân sách trong bối cảnh hội nhập tại tỉnh Hải Dương để có được đánh giá về các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý ngân sách tại Hải Dương. Kết quả cho thấy vấn đề về phân cấp ngân sách cũng như vấn đề minh bạch tài chính thông qua thanh kiểm tra và khả năng ứng dụng công nghệ quản lý trong thời kỳ hội nhập được coi là những yếu tố có ảnh hưởng quan trọng đến hiệu quả quản lý NSNN tại tỉnh Hải Dương.
Chương 4