Chương 3: ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG QUẢN LÝ NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG TẠI TỈNH HẢI DƯƠNG
3.1. KHÁI QUÁT TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA TỈNH HẢI DƯƠNG
3.1.3. Môi trường đầu tư phát triển kinh tế của tỉnh Hải Dương
Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam ngày càng sâu rộng, độ mở kinh tế ngày càng lớn, để đón làn sóng đầu tư nước ngoài vào địa bàn Hải Dương, tỉnh đã quy hoạch, phát triển 18 khu công nghiệp với tổng diện tích gần 4.000 ha, trong đó 10 khu đã được đầu tư hạ tầng và đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt 60%; quy hoạch 36 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 1.400 ha, bước đầu thu hút 301 dự án đầu tư với diện tích thuê đất 601 ha [2].
Sự phát triển kinh tế của tỉnh Hải Dương những năm qua có đóng góp không nhỏ của các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Giai đoạn 1987- 1990, Hải Dương chỉ mới có 2 dự án FDI, với tổng số vốn 6,9 triệu USD nhưng đến giai đoạn 1991 - 1996 đã tăng lên 16 dự án, với lượng vốn đầu tư thu hút đạt 448 triệu USD. Nhiều dự án lớn được cấp phép đầu tư vào tỉnh Hải Dương như: Sản xuất, lắp ráp ô-tô các loại của Công ty TNHH Ford Việt Nam;
Sản xuất kinh doanh xi măng của Công ty Xi măng Phúc Sơn được cấp phép tháng 1 năm 1996; Chế biến nông sản xuất khẩu của Công ty TNHH Thực phẩm Nghĩa M ; Chế tạo các loại bơm của Công ty liên doanh bơm Ebara - Hải Dương… Giai đoạn 1997 - 2000, Hải Dương đã thu hút 16 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư 64,4 triệu USD. Bước sang giai đoạn 2001 - 2005, Hải Dương đã thu hút được 62 dự án. Tiếp đó, giai đoạn 2006-2010 đánh dấu thời kỳ khởi sắc của
dòng vốn FDI thu hút tại địa bàn tỉnh. Với việc không ngừng bổ sung vốn đầu tư, các doanh nghiệp FDI ở Hải Dương đã trở thành đầu tàu trong nộp ngân sách, tạo việc làm cho địa phương và vùng lân cận. Giai đoạn 2006 - 2010 số dự án mở rộng sản xuất, tăng vốn tiếp tục gia tăng với 84 dự án có số vốn tăng thêm 541,5 triệu USD. Các dự án FDI được chú ý bố trí vào các Khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp đã quy hoạch, nhằm đảm bảo cho sự phát triển bền vững, thuận lợi cho kiểm soát về môi trường. Việc một số dự án lớn thuộc lĩnh vực điện tử, sản phẩm có công nghệ cao đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc như:
Brother, Sumidenso, Kefico, Uniden, UMC… đã vào các KCN của Tỉnh để đầu tư là một nét mới trong công tác thu hút FDI.
Trong giai đoạn 2011-2017, Hải Dương lại thu hút được nhiều dự án có quy mô lớn vào địa bàn Tỉnh. Đặc biệt, năm 2011 đã ghi nhận lượng vốn FDI thu hút đạt kỷ lục (3,016 tỷ USD), trong đó có dự án BOT Nhiệt điện Hải Dương thu hút đạt 2,26 tỷ USD của nhà đầu tư Malaysia. Tính cả giai đoạn từ 2011- 2017, tỉnh Hải Dương đã thu hút được 180 dự án FDI với tổng số vốn cấp mới và tăng thêm đạt 4.881,2 triệu USD...
Phân theo lĩnh vực đầu tư, nguồn FDI trên địa bàn Tỉnh tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp. Tính đến ngày 30 tháng 7 năm 2017, lĩnh vực này có 301 dự án còn hiệu lực với tổng số vốn 6.809,9 triệu USD, chiếm 88% về số lượng dự án, 94,9% về số vốn đăng ký. Các ngành nghề thu hút như: sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm điện và linh kiện điện tử, ô tô, xi măng, sản xuất sắt thép, sản xuất hàng dệt may, cơ khí chế tạo, thiết bị cơ khi chính xác... đã tạo giá trị gia tăng cao đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu của Tỉnh, đồng thời tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng triệu lao động trực tiếp trên địa bàn.
Tính đến thời điểm năm 2019, tổng vốn đầu tư thực hiện lũy kế của các dự án FDI trên địa bàn tỉnh Hải Dương còn hiệu lực đạt 3 tỷ 879 triệu USD, chiếm 54% tổng vốn đầu tư. Vốn thực hiện tăng nhanh qua các thời kỳ. Tổng vốn đầu tư thực hiện từ 2011 - 2016 đạt 2014,5 triệu USD, chiếm 28% tổng vốn đầu tư xã hội. Tỷ lệ đóng góp của thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài
trong GDP của Tỉnh tăng dần qua các thời kỳ (giá thực tế): 1996-2000 là 2,7%;
năm 2001 - 2005 là 10,1%; năm 2006-2010 là 16,8%; năm 2011-2016 là 27,5%.
Kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI tăng cao theo từng năm và là nguồn xuất khẩu chính của Tỉnh. Năm 2000, kim ngạch xuất khẩu của các DN FDI mới chỉ chiếm 20,5% kim ngạch xuất khẩu của Tỉnh, đến năm 2016 con số này đã đạt hơn 4,3 tỷ USD, chiếm trên 95% kim ngạch xuất khẩu toàn Tỉnh.
Kim ngạch nhập khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài cũng chiếm tỷ trọng rất cao. Năm 2016, kim ngạch nhập khẩu của khu vực này đạt hơn 3,7 tỷ USD, chiếm 93,8% kim ngạch nhập khẩu toàn Tỉnh. Đóng góp của khu vực kinh tế có vốn FDI vào ngân sách của Tỉnh ngày càng tăng. Thời kỳ 1996-2000, tổng thu ngân sách từ vốn đầu tư nước ngoài mới đạt 13,1 triệu USD thì đến thời kỳ 2011-2016 đạt 955 triệu USD, chiếm 35% tổng thu ngân sách địa phương. Bên cạnh đó, khu vực công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phát huy vai trò tích cực trong thúc đẩy phát triển công nghiệp của Tỉnh khi có tới 95% vốn đầu tư nước ngoài tập trung vào lĩnh vực công nghiệp.
Hiện nay, có 26 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trên địa bàn Hải Dương, tập trung chủ yếu là các nhà đầu tư đến từ các nước châu Á chiếm 83,9% (trong đó khối ASEAN chiếm 2,9%); các nước châu Âu chiếm 2%, châu M chiếm 5,8% (chủ yếu là Hoa Kỳ và Canada), còn lại là vùng lãnh thổ (Samoa, British Virgin...) chiếm 8,3% tổng vốn đầu tư đăng ký [13].
Tiếp tục thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp gắn với lợi thế bởi các trục giao thông quan trọng có tính liên vùng như cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, trục đường vành đai 5 (theo quy hoạch vùng thủ đô). Ngoài ra, tỉnh Hải Dương cũng uu tiên thu hút đầu tư các dự án ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt; thu hút đầu tư phát triển công nghiệp phụ trợ. Khuyến khích liên kết về chuỗi giá trị và chuyển giao công nghệ với các nhà đầu tư có uy tín, duy trì và giữ vững các thị trường xuất khẩu truyền thống, tích cực thâm nhập các thị trường lớn: EU, M , Nhật Bản, Ấn Độ, Nga.
Với mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh, đưa tỉnh Hải Dương đứng vào nhóm 20 tỉnh, thành phố trong cả nước có Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tốt nhất và nhóm 25 tỉnh có chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) tốt nhất. Rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là về giải phóng mặt bằng, giao đất, thuế, hải quan... Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin một cách toàn diện, đồng bộ trong giải quyết thủ tục hành chính. Thực hiện công khai, minh bạch về quy hoạch, thủ tục hành chính và chính sách thu hút đầu tư.
Rà soát lại các quy định của tỉnh để sửa đổi, bổ sung, thay thế cho phù hợp các quy định của Trung ương và tình hình thực tế tại địa phương nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư phát triển và cạnh tranh bình đẳng.
Tăng cường liên kết, mở rộng hợp tác phát triển, thực hiện liên kết vùng với các địa phương trong Vùng, với các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Hạ Long.