7. Kết cấu của luận án
2.4. DIỄN BIẾN QUAN HỆ MỸ - TRUNG
Quan hệ giữa Mỹ - Trung là một trong những mối quan hệ quan trọng nhất trong quan hệ quốc tế đương đại, nó không chỉ có ảnh hưởng sâu sắc tới hòa bình và ổn định của mỗi quốc gia, khu vực mà còn tác động mạnh mẽ tới đời sống chính trị quốc tế. Từ khi thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (1949), hai nước ở trong trạng thái đối địch do mâu thuẫn về hệ tư tưởng (giữa CNXH và CNTB). Trung Quốc
coi Mỹ là kẻ thù về tư tưởng, là đế quốc xâm lược, còn Mỹ đã áp dụng chính sách cô lập chính trị, phong tỏa kinh tế, bao vây an ninh và không thừa nhận nước CHND Trung Hoa. Trung Quốc đã liên kết thành đồng minh với Liên Xô, đối kháng với Mỹ.
Trung Quốc duy trì chiến lược “nhất biên đảo”, coi Mỹ là kẻ thù không đội trời chung và không tiến hành bất kỳ hình thức đối thoại hay hợp tác kinh tế nào với Mỹ [109, tr.148]. Năm 1969, quan hệ Trung - Xô căng thẳng, Trung Quốc thay đổi chiến lược đối ngoại, thực thi chính sách “phản đế (chống chủ nghĩa đế quốc), phản tu (chống chủ nghĩa xét lại hiện đại của Liên Xô), cách mạng thế giới (cả thế giới cùng làm cách mạng)” và “hai quả đấm” (cùng một lúc chống Mỹ và Liên Xô) [109, tr.156].
Trong thập niên 1970, Trung Quốc tung ra chiến lược “một đường thẳng”,
“một chiến tuyến” (các nước Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, châu Âu...
nằm trên cùng một vĩ độ đoàn kết với nhau và đoàn kết với các nước Á, Phi, Mỹ Latinh, cùng nhau đối phó với Liên Xô) [109, tr.160]. Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với bất kỳ quốc gia nào không phân biệt về hệ tư tưởng, hệ thống chính trị miễn sao quan hệ đó có lợi cho Trung Quốc. Còn mục tiêu của Mỹ là muốn biến Trung Quốc thành “một xã hội dân chủ theo định hướng kinh tế thị trường”, phù hợp với lợi ích quốc gia của Mỹ. Nhưng sau đó, chính sách “ngoại giao bóng bàn” đã tạo cơ sở cho Mỹ và Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao (1979), tạo điều kiện xây dựng quan hệ hợp tác chiến lược lâu dài. Cuối những năm 70 thế kỷ XX, quan hệ Mỹ - Trung lại căng thẳng do vấn đề Đài Loan. Mỹ là cung cấp vũ khí và trang bị phòng ngự để Đài Loan có thể duy trì khả năng tự vệ đã khiến Trung Quốc có những điều chỉnh lớn về chiến lược đối ngoại cải thiện mối quan hệ với Liên Xô.
Giữa những năm 1980, Trung Quốc đã tiến hành điều chỉnh từ chiến lược ngoại giao đối đầu sang “ngoại giao hòa bình, độc lập tự chủ” cùng với chủ trương
“kiên định mở cửa với nước ngoài trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi” [109, tr.161].
Sau sự kiện Thiên An Môn tháng 6/1989, Mỹ thực hiện cấm vận Trung Quốc.
Trong suốt 3 năm (1989-1992) hai nước không có cuộc gặp cấp cao nào. Quan hệ Mỹ - Trung dần dần lạnh đi vì nhiều lý do: vấn đề sở hữu trí tuệ, vấn đề Mỹ thâm hụt trong quan hệ thương mại, vấn đề nhân quyền, vấn đề Đài Loan. Đến năm 1993, quan hệ hai nước mới bình thường hóa trở lại. Mỹ đã điều chỉnh chính sách đối với
Trung Quốc từ “bao vây” sang “can dự có tính bao vây” rồi đến “can dự toàn diện”
hay “dính líu tích cực”. Cuối năm 1999 và những năm đầu của thế kỷ XXI, cùng với sự kiện máy bay NATO ném bom vào Đại sứ quán Trung Quốc tại Nam Tư, các động thái của Mỹ như công kích Trung Quốc về vấn đề Tây Tạng, vấn đề nhân quyền, tự do tôn giáo, các vụ đụng độ ở Biển Đông... càng làm cho quan hệ hai nước thêm căng thẳng. Chính sách đối ngoại của Mỹ với Trung Quốc trong thời gian này là tăng cường kiềm chế và bao vây.
Khi Tổng thống Mỹ George W.Bush nắm quyền (1/2001), Mỹ coi Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh chiến lược”. Nhưng sau sự kiện 11/9/2001, Trung Quốc lên tiếng mạnh mẽ ủng hộ cuộc chiến chống khủng bố khiến Mỹ điều chỉnh chính sách đối với Trung Quốc thành quan hệ “hợp tác mang tính xây dựng”. Trong năm 2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xuất ý tưởng xây dựng mối quan hệ nước lớn kiểu mới nhưng chưa nhận được sự hưởng ứng của Tổng thống B.Obama.
Quan hệ kiểu mới giữa Mỹ và Trung Quốc là một hiện tượng mới trong QHQT, diễn ra đồng thời hai quá trình: hợp tác và cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Trong những năm đầu của thế kỷ XXI, Mỹ gặp nhiều vấn đề có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia từ bên trong lẫn bên ngoài. Trong nước, chính phủ Mỹ phải đối mặt với những vấn đề như: nợ công tăng cao, việc chi tiêu ngân sách quốc phòng khổng lồ nhưng không hiệu quả (sa lầy ở chiến tranh Trung Đông, không ngăn chặn được khủng bố). Sự kiện 11/9/2001 đã giáng một đòn nặng nề vào chính quyền Mỹ, làm thức tỉnh giấc mộng bá quyền của Mỹ. Dư luận quốc tế đang hoài nghi về sức mạnh bá chủ của Mỹ rằng nước Mỹ không tự bảo vệ được mình thì làm sao đủ mạnh để “che chở”, bảo vệ cho các quốc gia khác nằm trong tầm ảnh hưởng của Mỹ. Ở ngoài nước, tư tưởng chống Mỹ tăng cao, nhất là trong thế giới Hồi giáo, một số nước muốn thoát khỏi ảnh hưởng của Mỹ. Liên minh EU phát triển và ngày càng độc lập hơn với Mỹ. Ở Mỹ Latin phong trào cánh tả nổi lên cùng với việc xây dựng mô hình “Chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI”, đã không còn là “sân sau” của Mỹ.
Vị thế của Mỹ tại các diễn đàn quốc tế ngày càng suy giảm, quyền lực của Mỹ bị co cụm. Trong khi đó, Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ, nhất là về kinh tế, vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế, thách thức ngôi vị bá chủ của Mỹ trên thế giới.
Về kinh tế, Mỹ luôn dẫn đầu thế giới trong vòng 100 năm qua. Nhưng khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu từ cuối năm 2008 xảy ra, thách thức về thị trường, thâm hụt cán cân thương mại, hệ thống tài chính, đồng USD suy yếu đã làm nền kinh tế Mỹ suy giảm tương đối. Trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc vẫn vượt qua được khủng hoảng, và phát triển vượt bậc, mức tăng trưởng khoảng 9%, trở thành nước đứng đầu về tốc độ tăng trưởng của thế giới và là chủ nợ lớn nhất của Mỹ. Năm 2008, Mỹ là con nợ nước ngoài lớn nhất thế giới với con số lên đến 13000 tỷ USD. Trong khi đó, Trung Quốc là quốc gia xuất khẩu đứng hàng đầu thế giới, là nước có dự trữ ngoại tệ lớn nhất. Với tiềm năng về kinh tế, Trung Quốc có điều kiện triển khai sức mạnh mềm với chính sách ngoại giao tiền bạc nhằm thực hiện ý đồ tăng cường sức ảnh hưởng ra thế giới, làm giảm sức mạnh, quyền lực, ngôi vị bá chủ thế giới của Mỹ.
Về quân sự, Mỹ là quốc gia có sức mạnh quân sự đứng hàng đầu của thế giới. Tuy nhiên, hiện nay, sức mạnh này có giới hạn và đang gặp nhiều thách thức lớn. Sự dính líu, can thiệp quá nhiều vào các cuộc xung đột trên thế giới, mở thêm nhiều căn cứ quân sự ở ĐNA và Trung Á làm cho lực lượng không tập trung, tốn kém về tiền bạc, sự bế tắc trong cuộc chiến Iraq và đặc biệt nghiêm trọng là các cuộc chiến này bị nhiều nước lên án và nước Mỹ là mục tiêu tấn công của các thế lực thù địch và đối thủ cạnh tranh. Người dân Mỹ sống trong nỗi ám ảnh, lo sợ an ninh bị đe dọa bởi khủng bố. Ngoài ra, quân đội Mỹ đang phải đối mặt với sự cắt giảm ngân sách do nợ công tăng cao. Bên cạnh đó, tiềm lực quân sự của Trung Quốc, Nga, Ấn Độ... đang phát triển mạnh mẽ các cuộc thử vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Iran, Bắc Triều Tiên, Pakistan... đang thách thức quân đội Mỹ.
Trung Quốc tăng cường đầu tư quân đội nhất là lực lượng Hải quân và không quân dần dần thu hẹp khoảng cách quân sự so với Mỹ (xem phụ lục 7, 8). Trong công cuộc hiện đại hóa quốc phòng, 20 năm qua, Trung Quốc không ngừng tiến hành hiện đại hóa quân đội, tiềm lực quân sự, quốc phòng gia tăng nhanh cả về chiều sâu và rộng. Năm 2005, ngân sách quốc phòng Trung Quốc là 33 tỷ USD và nhảy vọt lên 215 tỷ USD chỉ sau 10 năm [178, tr.9]. Từ một nước đứng thứ 7 (2007), Trung Quốc vươn lên trở thành nước chi phí cho quân sự đứng thứ hai trên thế giới và
đứng đầu Châu Á (2012), gấp gần 3 lần chi phí quốc phòng của 10 nước ASEAN [151, tr.116]. Trung Quốc cũng là một trong những nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất và đồng thời cũng là nước đứng thứ 4 cung cấp vũ khí cho thị trường thế giới.
Trong lĩnh vực khoa học công nghệ, Trung Quốc đã có những bước tiến mới trong công nghệ, nhất là công nghệ quân sự tàu ngầm và vũ trụ đuổi kịp Mỹ trong vấn đề công nghệ thông tin. Năm 2007, Trung Quốc đã thành công trong việc phóng tên lửa có chức năng phá hủy tên lửa vũ trụ và phóng tàu thăm dò mặt trăng khiến Mỹ và thế giới sửng sốt.
Đặc điểm quan hệ Mỹ - Trung Quốc là phức tạp, thiếu lòng tin lẫn nhau, đan xen hai xu hướng vừa hợp tác vừa đấu tranh; vừa kiềm chế, vừa đối thoại đã tác động không nhỏ đến tình hình chính trị thế giới và khu vực ĐNA. Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc và sự suy giảm sức mạnh tương đối của Mỹ trong 15 năm đầu của thế kỷ XXI đã làm thay đổi vị thế và mức độ ảnh hưởng của hai nước này trên thế giới và khu vực ĐNA. Cuộc chạy đua tranh giành ảnh hưởng và lợi ích giữa Mỹ và Trung Quốc ở khu vực ngày càng phức tạp, chứa đựng nguy cơ bùng nổ xung đột lớn. Quan hệ Mỹ - Trung có những căng thẳng mới, nhưng vẫn giữ được mối quan hệ ổn định tương đối, tránh đối đầu quân sự trực tiếp và duy trì quan hệ kinh tế. Trung Quốc kiên trì chủ trương “đấu mà không vỡ” với Mỹ, dù căng thẳng đến đâu thì vẫn tìm cách đối thoại và đấu tranh trên các diễn đàn ngoại giao. Trong khi giải quyết các bất đồng và mâu thuẫn chính trị - an ninh, hai nước đều cố gắng không làm tổn hại nghiêm trọng tới các mối quan hệ kinh tế song phương.
Tiểu kết c ƣơn 2
Cấu trúc đang chuyển biến của hệ thống quốc tế và sự khác biệt của thể chế chính trị của Mỹ và Trung Quốc là một trong những nguyên nhân dẫn đến cạnh tranh chiến lược giữa hai nước này diễn ra ngày càng mạnh mẽ, quyết liệt nhằm giành quyền lực, ảnh hưởng. Cùng với sự vươn lên mạnh mẽ của Trung Quốc và một số nước khác như Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc... đã tạo ra những tương quan lực lượng với Mỹ. Ngoài ra, các nước đang phát triển nói chung và các nước trong khu vực ĐNA nói riêng, với nhiều hình thức, biện pháp đa dạng chống lại sự can thiệp và ảnh hưởng của các nước lớn để bảo vệ độc lập và chủ quyền thiêng liêng của mình. Các
nước này đã và đang liên kết, hợp tác để trở thành chủ thể mạnh hơn, tạo ra “những sân chơi”, “luật chơi” riêng nhằm bảo vệ lợi ích của mình trong quá trình phát triển.
Ảnh hưởng cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung tại ĐNA đến ĐLDT của các nước trong khu vực từ năm 2001 đến năm 2015 chịu sự tác động nhiều mặt từ các nhân tố trong và ngoài khu vực. Ảnh hưởng này được hình thành trên những nhân tố quốc tế, khu vực, nội bộ mỗi nước, địa chiến lược ĐNA... Sự thay đổi nhanh chóng của cục diện tình hình thế giới cùng với xu thế toàn cầu hóa đã buộc Mỹ và Trung Quốc thay đổi lại cách nhìn nhận trong chiến lược ngoại giao của mình. Với chiến lược “xoay trục” của Mỹ tại CA-TBD cùng chiến lược tăng cường ngoại giao nước lớn, ngoại giao láng giềng của Trung Quốc đã tạo ra những thuận lợi và những thách thức không nhỏ đối với các quốc gia trong khu vực ĐNA.
Quan hệ Mỹ - Trung là một trong những mối quan hệ quan trọng nhất trong thế giới đương đại. Nó không chỉ có ảnh hưởng tới mỗi quốc gia mà còn tác động mạnh mẽ tới đời sống chính trị quốc tế. Sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc và sự suy giảm sức mạnh tương đối của Mỹ những năm gần đây đã làm thay đổi vai trò, tương quan ảnh hưởng và quyền lực của các nước này trên thế giới. Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc không thay đổi về bản chất đó là vừa hợp tác, vừa đấu tranh, vừa kìm chế, vừa đối thoại. Mối quan hệ phức tạp này cũng tạo cho ĐNA nhiều tác động không nhỏ đến việc bảo vệ ĐLDT của mỗi nước trong khu vực.
CA-TBD trong đó có ĐNA nổi lên là một khu vực phát triển năng động, trở thành động lực cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu. ĐNA có vị trí địa - chiến lược quan trọng, ngày càng thu hút sự quan tâm của các cường quốc trên thế giới, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc kéo theo nó là sự can thiệp của các nước lớn đến sự phát triển của các nước quốc gia tại ĐNA. Trong các nhân tố tạo nên ảnh hưởng cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung thì nhân tố địa - chính trị của ĐNA là nhân tố quan trọng nhất. Nhân tố này đã quyết định trong việc thay đổi chiến lược của Mỹ và Trung Quốc kéo theo những hệ lụy liên quan đến ĐLDT của các nước trong khu vực. Các nhân tố này đã và đang tạo nên những thời cơ, thuận lợi đồng thời cũng tạo ra nhiều thách thức to lớn cho các nước trong khu vực ĐNA trong công cuộc bảo vệ và củng cố ĐLDT của mình.
C ƣơn 3
THỰC TRẠNG ĐỘC LẬP DÂN TỘC CỦA CÁC NƯỚC ĐÔNG NAM Á TRONG SỰ CẠNH TRANH CHIẾN LƢỢC MỸ - TRUNG
TỪ NĂM 2001 ĐẾN NĂM 2015