Cạnh tranh trên lĩn vực chính trị - ngoại giao

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng cạnh tranh chiến lược Mỹ Trung tại Đông Nam Á đến độc lập dân tộc của các nước trong khu vực từ năm 2001 đến năm 2015 (Trang 59 - 62)

7. Kết cấu của luận án

3.1.1. Cạnh tranh trên lĩn vực chính trị - ngoại giao

Cả Mỹ và Trung Quốc đều triển khai chiến lược ngoại giao mềm mỏng với các nước tại khu vực ĐNA. Hai nước tích cực tham gia các cơ chế hợp tác đa phương và tăng cường quan hệ ngoại giao song phương để lôi kéo các nước ủng hộ mục tiêu chiến lược của mình và kiềm chế ảnh hưởng nước kia ở ĐNA.

Trong cơ chế hợp tác đa phương, Trung Quốc xác định lấy ĐNA là mũi tấn công chính thông qua việc tích cực xây dựng quan hệ hữu nghị, lấy nền tảng phát triển kinh tế cùng có lợi với ASEAN, làm giảm và tiến tới xóa bỏ thuyết về “mối đe dọa từ Trung Quốc”, từ đó xây dựng vai trò lãnh đạo khu vực của mình, vươn ra toàn thế giới, kiềm chế ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực, ngăn chặn Mỹ liên minh quân sự với các nước ĐNA bao vây Trung Quốc. Trung Quốc và ASEAN đã thiết lập khuôn khổ “quan hệ đối tác láng giềng thân thiện, tin cậy lẫn nhau, hướng tới thế kỷ XXI” (1997), thiết lập “quan hệ đối tác chiến lược” (2003); xây dựng cơ chế đối thoại và hiệp thương định kỳ nhiều cấp; hợp tác chặt chẽ trong các công việc khu vực và quốc tế... Trung Quốc đã chủ động sáng lập và tích cực tham gia Tổ chức hợp tác Thượng Hải, Diễn đàn Bát Ngao, cơ chế ASEAN+1, ASEAN+3, EAS, Hợp tác Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng..., tiến hành ký kết FTA với các nước ASEAN, và đang tìm cách ký kết RCEP, ủng hộ việc xây dựng Cộng đồng ASEAN cũng như vai trò chủ đạo của ASEAN trong hợp tác Đông Á. Trung Quốc lợi dụng cơ chế quốc tế đa phương đưa các vấn đề như Mỹ đóng quân ở khu vực...

vào thảo luận với ý đồ phản đối Mỹ can thiệp vào nội bộ của các quốc gia tại ĐNA Để đối phó với những chiến lược ngoại giao của Trung Quốc, Mỹ đã tuyên bố coi “Châu Á là hòn đá tảng trong chính sách đối ngoại Mỹ” [47, tr.102] và điều chỉnh chính sách ngoại giao tại ĐNA. Nếu trước kia, Mỹ chủ yếu chú trọng tới chính sách đơn phương biệt lập, thì nay chuyển sang cơ chế đối ngoại đa phương.

Thông qua việc tham gia và đóng vai trò tích cực vào các tổ chức, diễn đàn của ASEAN, APEC, ARF, TAC, EAS, LMI... Mỹ thúc đẩy liên kết ASEAN theo hướng thể chế hóa; xây dựng cơ chế nhân quyền và triển khai các cơ chế giải quyết tranh chấp của ASEAN. Mỹ đã tăng cường can dự chính trị, tạo lòng tin với các quốc gia nhằm duy trì vị thế và đẩy lùi ảnh hưởng của Trung Quốc tại ĐNA. Mỹ gia tăng các cuộc gặp gỡ cấp nguyên thủ quốc gia, đối thoại 2+2, tham vấn chính trị, quân sự thường niên với các đồng minh và đối tác quan trọng để tăng cường lôi kéo các nước ĐNA về phía mình.

Để tăng cường sức mạnh của mình tại khu vực, Trung Quốc liên kết với Nga, Trung Á và các nước ASEAN, tạo thế đối trọng để ổn định tình hình khu vực và hạn chế tác động tiêu cực từ chính sách kiềm chế của Mỹ và các nước đồng minh, thì Mỹ hợp tác với Nhật Bản, Ấn Độ… trong vấn đề can dự Biển Đông để cùng kiềm chế Trung Quốc. Mỹ cho rằng, sự xuất hiện của các lực lượng ngoài khu vực giúp làm giảm tình trạng mất cân bằng trong kết cấu an ninh khu vực. Ngoài ra, Mỹ đẩy mạnh trao đổi và hợp tác với Trung Quốc, lôi kéo Trung Quốc tham gia có trách nhiệm vào các cơ chế khu vực như APEC, ASEAN, ARF..., nhằm muốn: Trung Quốc hành xử theo các tiêu chuẩn và nguyên tắc của quốc tế và khu vực, giảm thiểu hành động bất ổn định; có trách nhiệm hơn với công việc chung của khu vực và quốc tế; bị ràng buộc trong hệ thống do Mỹ và phương Tây làm chủ đạo. Với chiến lược ngoại giao rất linh hoạt, Mỹ đã ràng buộc Trung Quốc vào cơ chế đa phương và không để vai trò và vị thế của Trung Quốc lấn át.

Về quan hệ song phương, Trung Quốc đã coi việc củng cố quan hệ với các nước láng giềng khu vực là một ưu tiên quan trọng. Với chính sách “thân thiện với láng giềng”, “tam lân” và phương châm “hợp tác cùng thắng”, “cùng phát triển, cùng phồn vinh”, “gác tranh chấp, cùng khai thác” [109, tr.309], Trung Quốc đã sử dụng biện pháp cạnh tranh theo hướng ra sức tập hợp lực lượng cho mình, tăng cường, củng cố các mối quan hệ đối tác chiến lược sẵn có với các nước ĐNA như: Campuchia, Myanmar, Việt Nam, Lào; lôi kéo các nước là đồng minh của Mỹ như: Thái Lan, Philippines, Singapore [47,tr.105]. Trung Quốc đã xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với hầu hết các nước ĐNA và nâng cấp lên

quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam (2008), Campuchia (2010), Thái Lan (2012), Indonesia và Malaysia (2013)...

Trong khi đó, chiến lược của Mỹ là củng cố các quan hệ đồng minh truyền thống, nâng cấp và mở rộng quan hệ với các đối tác. Quan hệ của Mỹ với từng nước ĐNA theo hướng thúc đẩy can dự, mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực khác nhau. Mỹ đã từng bước nâng cấp và mở rộng quan hệ với các nước trong khu vực, tăng cường củng cố và mở rộng mối quan hệ hợp tác với Indonesia, Việt Nam; lôi kéo Myanmar thoát khỏi tầm ảnh hưởng của Trung Quốc. Hiện nay, mức độ quan hệ của Mỹ với các nước ĐNA có thể chia làm ba nhóm: đồng minh thân thiết (Thái Lan và Philippines); đối tác chiến lược (Singapore); đối tác chiến lược tiềm năng (Indonesia, Malaysia và Việt Nam) [47, tr.100]. Tăng cường hợp tác song phương đã giúp Mỹ cạnh tranh và tạo vành đai chiến lược ngăn chặn sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực.

Tại ĐNA, Mỹ luôn tìm cách can thiệp vào công việc nội bộ đối với các nước có chế độ chính trị đối lập đồng thời, ủng hộ và giúp đỡ các tổ chức phi chính phủ, đội ngũ truyền thông, các lực lượng chống đối quấy rối, lật đổ những chính phủ chống đối lại Mỹ. Thông qua chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền”, “diễn biến hòa bình” kết hợp với “bạo loạn lật đổ” khi có điều kiện nhằm chi phối và đưa các nước ĐNA vào quỹ đạo của Mỹ, xa rời ảnh hưởng của Trung Quốc.

Còn Trung Quốc thực hiện chính sách “ngoại giao vạch đường đỏ”, phản đối lại những nước có hành động đi ngược lại lợi ích của mình [94, tr.105], đồng thời đe dọa trừng phạt các nước có thái độ cứng rắn trong tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc bất chấp đi trái ngược với quy định hàng hải quốc tế. Thậm chí, Trung Quốc còn ngăn cản các tàu của Mỹ hoạt động ở Biển Đông, cảnh báo không can dự vào các vấn đề khu vực, áp dụng biện pháp nhiều mũi tấn công để ngăn chặn cuộc tiến công ngoại giao của Mỹ. Ngoài ra, Trung Quốc còn thực hiện cuộc vận động, kêu gọi nhiều nước như: Nga, Campuchia, Lào và Brunei...ủng hộ chủ trương không quốc tế hóa Biển Đông, không công nhận phán quyết của Toà án Trọng tài quốc tế ở The Hague (Hà Lan).

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng cạnh tranh chiến lược Mỹ Trung tại Đông Nam Á đến độc lập dân tộc của các nước trong khu vực từ năm 2001 đến năm 2015 (Trang 59 - 62)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(202 trang)