7. Kết cấu của luận án
3.1.2. Cạnh tranh trên lĩn vực an ninh - quốc phòng
Biển Đông đang trở thành nơi Trung Quốc và Mỹ cạnh tranh ảnh hưởng quyết liệt trên mặt trận an ninh - quốc phòng tại khu vực. Trung Quốc tham vọng độc chiếm Biển Đông, với yêu sách “đường lưỡi bò”, tuyên bố Biển Đông là “lợi ích cốt lõi”, giải quyết song phương trong tranh chấp Biển Đông. Trong khi đó, Mỹ coi Biển Đông là nơi có “lợi ích quốc gia”, khẳng định bảo vệ lợi ích của Mỹ trong tự do hàng hải và lợi ích của các công ty Mỹ đang làm ăn trên Biển Đông; khẳng định trung lập trong tranh chấp và chủ trương giải quyết đa phương vấn đề Biển Đông; yêu cầu các bên liên quan tôn trọng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS); ủng hộ Tuyên bố ứng xử của các bên về Biển Đông (DOC), tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử của các bên về Biển Đông (COC); không chấp nhận yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc; phê phán Trung Quốc sử dụng vũ lực ở Biển Đông.
Về chiến lược, Trung Quốc là chuyển từ chính sách “giấu mình chờ thời”
sang tích cực tham gia công việc quốc tế, nhất là trong vấn đề an ninh khu vực; chủ động trong việc tranh giành và mở rộng ảnh hưởng; gắn chính sách ngoại giao láng giềng với “ngoại giao nước lớn”, “ngoại giao năng lượng”, “chiến lược biển”.
Trong chiến lược quân sự, Trung Quốc điều chỉnh mạnh phương châm tác chiến quân sự từ “ứng phó với xung đột và chiến tranh cục bộ” sang “xây dựng phòng thủ lãnh thổ”, ứng phó với chiến tranh cục bộ trong điều kiện kỹ thuật cao, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và quyền lợi biển; đẩy mạnh đầu tư cho quốc phòng, chuẩn bị các phương án đối phó với các tranh chấp về biên giới lãnh thổ, biển đảo và các sự kiện đột biến có thể xảy ra. Trung Quốc thay đổi chiến lược từ “phòng thủ bờ biển” sang “bảo vệ các vùng biển mở”, tăng cường sức mạnh quân sự, đặc biệt là hiện đại hóa lực lượng hải quân nhằm mục tiêu trở thành cường quốc biển, chuyển trọng tâm quân sự quốc gia từ lực lượng mặt đất sang lực lượng hải quân.
Trung Quốc đặt nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng lực lượng hải quân, không quân hùng mạnh, hiện đại để có khả năng triển khai ở ĐNA và eo biển Đài Loan.
Lực lượng không quân Trung Quốc sẽ mở rộng sứ mệnh từ “phòng thủ” sang
“phòng thủ và tấn công”; tiếp tục nhấn mạnh quyết tâm của nước này trong phát triển sức mạnh hạt nhân tối thiểu cùng với lực lượng nhị pháo - đơn vị tên lửa
chiến lược. Hải quân Trung Quốc đã điều chỉnh chiến lược từ “phòng ngự bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải” sang “phòng ngự tích cực bảo vệ quyền lợi đại dương”. Trung Quốc tiếp tục duy trì một số lượng đáng kể tên lửa, tàu ngầm tại eo biển Đài Loan để phòng ngừa sự can thiệp của Mỹ, Nhật Bản và xu thế Đài Loan độc lập, cử tàu tuần tra bảo vệ mỏ dầu Xuân Hiểu tại Đông Hải; xây dựng căn cứ tàu ngầm tại đảo Hải Nam, tăng tần suất tập trận, cứu hộ, tuần tra ở Biển Đông, gián tiếp bảo vệ cho tuyến đường vận chuyển hàng hóa và mỏ dầu qua eo biển Malacca.
Tính đến nay, Hải quân Trung Quốc có khoảng 235.000 quân, được biên chế thành 3 hạm đội: Bắc Hải, Đông Hải và Nam Hải với biên chế thành 8 lữ đoàn tàu ngầm, 4 lữ đoàn tàu khu trục tên lửa, 3 lữ đoàn hộ vệ tàu tên lửa, 16 sư đoàn không quân hải quân, 4 lữ đoàn hải quân đánh bộ [139, tr.16]; có khoảng 78 tàu ngầm các loại, trong đó có một số tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo. Trong hai năm 2013 và 2014, số lượng tàu chiến Trung Quốc hạ thủy nhiều hơn bất kỳ nước nào. Ngoài ra, nước này có có đội tàu hải cảnh quy mô lớn nhất thế giới, với số lượng nhiều hơn các nước láng giềng như Nhật Bản, Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Philippines cộng lại. Những trang bị này được cho là có thể phục vụ mục đích tấn công chống lại các quốc gia trong khu vực và cả Mỹ [14]. Với việc thay đổi chiến lược quân sự, Trung Quốc không chỉ nhằm đe dọa các nước ĐNA và cảnh cáo những nước lớn trong đó có Mỹ không nên can thiệp vào vấn đề Biển Đông, mà còn muốn khẳng định Trung Quốc đã trở thành nước lớn, một cường quốc biển, xây dựng thành công “giấc mộng Trung Hoa”.
Để đối phó với chiến lược của Trung Quốc, ngoài việc việc tập hợp lực lượng chống lại chủ nghĩa khủng bố toàn cầu thì Mỹ còn mở rộng ngoại giao an ninh biển và chú trọng đến vấn đề tranh chấp chủ quyền và tự do hàng hải ở Biển Đông. Mỹ cùng các nước ĐNA tham gia khai thác dầu mỏ ở vùng biển mà Trung Quốc đòi chủ quyền và cho rằng Trung Quốc không có đủ chứng cứ để đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông, thực chất là công nhận và ủng hộ các nước ĐNA về lập trường tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Mỹ tăng cường, mở rộng sự hiện diện quân sự trong khu vực để duy trì bá quyền, bảo vệ lợi ích của mình. Trong Chiến lược an ninh quốc gia (9/2002), Mỹ
khẳng định “Mỹ phải và sẽ duy trì khả năng đánh bại bất kỳ âm mưu nào của kẻ thù - dù đó là một quốc gia hay là một thực thể phi quốc gia, nhằm áp đặt ý chí của nó lên nước Mỹ và các đồng minh thân hữu” [173, tr.42]. Mỹ hiện có ít nhất 3 tuyến răn đe chiến lược: Tuyến thứ nhất nằm sát lãnh thổ Trung Quốc, dựa vào các căn cứ cơ sở hạ tầng quân sự của Mỹ tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, căn cứ hải quân Mỹ tại vịnh Subic của Philippines thành vòng kiềm chế Trung Quốc, ngăn Trung Quốc trở thành cường quốc biển. Tuyến răn đe thứ 2 đặt tại Guam và Hawaii và tuyến thứ 3 có căn cứ tại California và Alaska.
Bên cạnh đó, Mỹ đang thành lập một hệ thống nhằm làm gián đoạn việc cung cấp các nguồn năng lượng cho kinh tế Trung Quốc bằng cách lập một nhóm tầu chiến thường trực đặt tại Singapore cùng với lực lượng Mỹ tại Australia và 5 căn cứ quân sự tại Philippines, Mỹ có thể dễ dàng phong tỏa eo biển Malacca. Hiện nay, Mỹ đã triển khai 350.000 quân, 2000 máy bay và 180 tàu tới khu vực CA-TBD [210, tr.17]. Mỹ chủ trương đưa 2.500 quân đồn trú ở Đác-uyn (Austraylia), điều chuyển lực lượng hải quân từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương, hỗ trợ hải quân Philippines trong cuộc tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc, thay thế số tàu chiến cũ bằng những tàu chiến với công nghệ hiện đại nhất; tăng cường diễn tập quân sự chung và các chuyến thăm của tàu chiến Mỹ tới các nước trong khu vực.
Trong hợp tác an ninh - quân sự, Trung Quốc cũng tích cực tham dự đầy đủ các cơ chế an ninh khu vực như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), đề xuất các ý tưởng tăng cường quan hệ quân sự song phương và đa phương. Trung Quốc tăng cường hợp tác an ninh, trong đó có an ninh phi truyền thống; chủ động tham gia các cơ chế an ninh với các nước xung quanh, đẩy mạnh các cuộc tập trận chung, tăng cường giao lưu quân sự với các nước, kể cả với đồng minh của Mỹ. Với các nước vừa và nhỏ, Trung Quốc nhấn mạnh tới quan niệm mới về an ninh tổng hợp dựa trên cơ sở lợi ích chung, các vấn đề an ninh phi truyền thống, đồng thời đẩy mạnh viện trợ quân sự, bán vũ khí với giá ưu đãi và chuyển giao công nghệ sản xuất đạn dược cho một số nước như: Thái Lan, Philippines, Indonesia, Myanmar, Campuchia... để tăng cường cạnh tranh ảnh hưởng quân sự với Mỹ. Hợp tác quân
sự giữa Trung Quốc và Thái Lan phát triển khá toàn diện. Thái Lan đã mua vũ khí, trang thiết bị quân sự của Trung Quốc với “giá hữu nghị”, nhưng thực chất là hình thức quà tặng. Quân đội Thái Lan tiếp nhận từ Trung Quốc 400 xe bọc thép, 50 xe tăng và một số súng phòng không. Trung Quốc và Thái Lan tăng cường các cuộc tập trận chung nhằm gia tăng hợp tác an ninh [198, tr.37]. Đối với Campuchia, ngoài việc đầu tư các dự án nhiều triệu USD, Trung Quốc gần đây còn tăng cường viện trợ quân sự với các thỏa thuận mua sắm vũ khí, xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo huấn luyện có giá trị lớn. Với hành động này các chuyên gia cho rằng Trung Quốc đang tìm cách lôi kéo, tập hợp lực lượng về phía mình.
Đối phó lại với chiến lược ngoại giao quân sự của Trung Quốc, Mỹ đã tham dự tích cực hơn vào các diễn đàn hợp tác an ninh đa phương nhằm thể hiện và giữ vững vai trò chủ đạo của mình đối với các thể chế này. Đặc biệt, tại ARF, Mỹ tận dụng vấn đề Biển Đông với ý đồ ngăn chặn bước tiến chiếm Biển Đông của Trung Quốc, làm mâu thuẫn giữa Trung Quốc với ASEAN ngày càng lớn, phân hóa ASEAN, tạo lòng tin, chỗ dựa an ninh, sức ảnh hưởng và duy trì được bá quyền của mình tại khu vực.
Mỹ tăng cường hợp tác an ninh quân sự Philippines, thúc đẩy quan hệ quân sự với Singapore. Mỹ cũng ký hàng loạt các thỏa thuận quốc phòng - an ninh với các nước khu vực như: Bản ghi nhớ về chương trình huấn luyện quân sự đối với nước thứ ba giữa Mỹ và Singapore; “Hiệp định Khung chiến lược về hợp tác an ninh và quốc phòng” và thỏa thuận cho phép quân đội Mỹ sử dụng căn cứ Hải quân Changi; Thỏa thuận với Malaysia gia hạn “Hiệp ước cung cấp hậu cần và dịch vụ qua eo biển Malacca”, “Hợp tác trao đổi thông tin tình báo” và thỏa thuận cho phép quân đội Mỹ sử dụng căn cứ tàu ngầm Lumut; Tuyên bố tầm nhìn chung Đồng minh quốc phòng Mỹ - Thái (2012); Thái Lan thỏa thuận cho phép Mỹ sử dụng các căn cứ hải quân và không quân Sattahip, Phanga, Phuket. Philippines, Thái Lan được hưởng quy chế “Đồng minh chiến lược ngoài NATO”.
Mỹ tăng cường hỗ trợ các nước trong khu vực trong việc tuần tra, hợp tác an ninh hàng hải và trao đổi thông tin. Tại Philippines, Mỹ đã cung cấp hệ thống radar
bờ biển, giúp việc xây dựng năng lực duy trì hải quân cũng như cung cấp các tàu tuần tra nâng cấp các hạm đội hải quân, thiết bị thông tin liên lạc và mua sắm máy bay. Tại Indonesia, Mỹ giúp họ tăng cường năng lực tuần tra, khả năng phối hợp, cảnh giới và trinh sát. Ngoài ra, Mỹ còn thúc đẩy các nước trong khu vực nhận thức về lĩnh vực hàng hải. Hiện tại, Singapore là đối tác hàng đầu trong nỗ lực này và chia sẻ thông tin hàng hải. Ngoài ra, Mỹ còn thúc đẩy hợp tác, hỗ trợ pháp lý cho Philippines và Việt Nam trong việc đòi lại chủ quyền ở Biển Đông.
Mỹ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao pháo hạm, tập trận chung như “Hổ Mang vàng”, “Cá bay”... với nhiều nước trong khu vực, cải thiện quan hệ và mở rộng hợp tác với những nước có vai trò đang nổi lên trong ASEAN như Indonesia, Việt Nam. Thậm chí Mỹ còn thực hiện những động thái tích cực nhằm
“lôi kéo” Myanmar - nước từng bị Mỹ liệt vào "trục ma quỷ" và là đồng minh thân cận của Trung Quốc, thoát khỏi tầm ảnh hưởng của Trung Quốc.
Mỹ tăng cường viện trợ quân sự và cung cấp vũ khí cho Campuchia, Lào, Myanmar, Philippines và Thái Lan; hợp tác đào tạo và tiến hành diễn tập quân sự với Singapores và Thái Lan. Tại Indonesia, Mỹ cung cấp 24 máy bay chiến đấu F- 16C/D (2011), viện trợ quân sự 1,56 tỷ USD (2013) [175, tr.22]. Năm 2015, Mỹ còn thiết lập “Sáng kiến An ninh Biển Đông Nam Á” và Quốc hội Mỹ phê chuẩn 425 triệu USD để hỗ trợ Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam cho các nỗ lực xây dựng năng lực trên biển ở ĐNA. Tính đến tháng 10/2015, chính phủ Mỹ đã dành khoảng 100 triệu USD cho Philippines, Malaysia, Indonesia và Việt Nam để xây dựng cơ sở hạ tầng, cung cấp các trang thiết bị tuần tra, cải thiện năng lực giám sát biển [6, tr.19]. Dự kiến năm 2017, ngân sách này tăng lên 156 triệu USD[63, tr.21].
Cạnh tranh trên lĩnh vực công nghệ cao, an ninh mạng giữa Mỹ và Trung Quốc cũng diễn ra gay gắt. Trong vấn đề tự do Internet, Mỹ phê phán Trung Quốc kiểm duyệt nội dung trên mạng và chuyển yêu cầu kết nối vào những trang mạng không có thật. Trung Quốc phản ứng bằng việc chỉ trích Mỹ kêu gọi tự do Internet nhưng lại mở chiến dịch chống tiết lộ bí mật trên trang Wikileaks và 33% các vụ
tấn công mạng trên toàn cầu đến từ Mỹ [181, tr.59]. Trung Quốc cũng cáo buộc Mỹ tấn công ngoại giao truyền thông xã hội đối với mình khi khuyến khích mọi người trên khắp thế giới sử dụng truyền thông số... tổ chức xã hội và vận động chính trị. Nguyên đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, Jon Huntman khi tham gia ứng cử Tổng thống năm 2012 đã nêu quan điểm: “Chúng ta nên kết hợp với thanh niên Trung Quốc của thời đại internet để lật đổ nước này” [181, tr.60]. Trung Quốc phản đối bất kỳ quốc gia nào sử dụng Internet là cái cớ để can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc. Vấn đề tự do ngôn luận nói chung và tự do Internet nói riêng chắc chắn sẽ tiếp tục gây bất đồng sâu sắc giữa Mỹ và Trung Quốc, đặt hai nước này ở thế đấu tranh không khoan nhượng.
Dù đã đạt được thỏa thuận song phương về chống tội phạm mạng, song những căng thẳng xung quanh vấn đề an ninh mạng đã cho thấy mức độ thiếu lòng tin giữa hai cường quốc. Mỹ từng nhiều lần cáo buộc Trung Quốc đứng sau các vụ tấn công mạng, làm rò rỉ thông tin của chính phủ Mỹ và đánh cắp bí mật của các công ty thương mại nước này. An ninh mạng là thách thức thực sự nghiêm trọng đối với Mỹ vì ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy Trung Quốc, nhất là chính phủ và quân đội nước này đã đánh cắp sở hữu trí tuệ của công ty Mỹ, gây ra thiệt hại khổng lồ, ước tính lên tới 300 tỷ USD [76]. Mỹ có sức mạnh quân sự lớn hơn ba nước Nga, Trung Quốc và Iran cộng lại, song khoảng cách đang thu hẹp trong lĩnh vực chiến tranh mạng. Tin tặc đã tấn công vào hạ tầng cơ sở thiết yếu của Mỹ, không chỉ đọc và ăn cắp mà còn có khả năng chọc thủng mạng lưới, thay đổi dữ liệu trong đó có dữ liệu quân đội cần để phục vụ các chiến dịch then chốt. Bên cạnh đó, giới chức cũng đang quan ngại những nhóm cực đoan và những kẻ khác có thể bắt đầu coi không gian mạng là vũ khí và muốn "dùng nó làm phương tiện làm tổn thương Mỹ và các nước khác [51].
Chiến lược an ninh - quốc phòng là một trong những chiến lược chủ lực và là lợi thế của Mỹ để tăng cường được vị thế, thúc đẩy lợi ích chiến lược, tạo ra lòng tin của các đồng minh, can thiệp sâu hơn đối với vấn đề Biển Đông để ngăn chặn hành động độc chiếm Biển Đông, hạn chế khả năng sử dụng vũ lực của Trung Quốc.