NHẬN XÉT VỀ ẢNH HƯỞNG CẠNH TRANH CHIẾN LƯỢC MỸ - TRUNG ĐỐI VỚI ĐỘC LẬP DÂN TỘC CỦA CÁC NƯỚC ĐÔNG NAM Á

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng cạnh tranh chiến lược Mỹ Trung tại Đông Nam Á đến độc lập dân tộc của các nước trong khu vực từ năm 2001 đến năm 2015 (Trang 115 - 119)

7. Kết cấu của luận án

4.1. NHẬN XÉT VỀ ẢNH HƯỞNG CẠNH TRANH CHIẾN LƯỢC MỸ - TRUNG ĐỐI VỚI ĐỘC LẬP DÂN TỘC CỦA CÁC NƯỚC ĐÔNG NAM Á

Thứ nhất, ĐNA đang là điểm xoáy chiến lược, nơi đan xen, giao thoa lợi ích trước mắt cũng như lâu dài của các nước lớn, trước hết là giữa Mỹ và Trung Quốc.

ĐNA là vành đai bảo vệ, là điểm tựa, chỗ dựa cho Trung Quốc vươn ra thế giới đồng thời cũng là địa bàn quan trọng để Trung Quốc tập hợp lực lượng và phát huy vai trò trong các vấn đề quốc tế, khu vực, đẩy Mỹ ra khỏi khu vực và xác lập lại vị thế quốc gia trung tâm. Nhận thức được tầm quan trọng của ĐNA, Trung Quốc đã điều chỉnh chính sách theo hướng chú trọng phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước ĐNA. Với phương châm: “Cầu đồng, tồn dị”, “lấy kinh tế thúc đẩy chính trị” và chính sách “Mục lân, an lân, phú lân” thông qua nhiều biện pháp tổng hợp về chính trị, kinh tế, văn hóa, an ninh quốc phòng... Quan hệ Trung Quốc - ASEAN đã bước sang giai đoạn mới, hợp tác toàn diện và thực chất hơn.

Chiến lược, mục tiêu đầu thế kỷ XXI của Trung Quốc đối với khu vực là

“kinh tế ưu tiên, chính trị theo sát, lấy kinh tế lôi kéo chính trị, thúc đẩy chính trị”, lôi kéo các nước ĐNA về phía mình và gạt bỏ ảnh hưởng của các nước lớn khác trong khu vực, nhất là Mỹ để từ đó xác lập vị trí lãnh đạo khu vực. Bên cạnh những tác động tích cực mà ASEAN và Trung Quốc đạt được thì còn một số tồn tại, bất đồng và những vấn đề chưa giải quyết được đặc biệt là vấn đề Biển Đông và vấn để sử dụng hợp lý nguồn nước sông Mekong. Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự nhất là Hải quân với những hành động ngang ngược làm cho vấn đề Biển Đông ngày thêm phức tạp.

Còn với Mỹ, ĐNA là một bàn đạp để cô lập Trung Quốc, kiềm chế sự trỗi dậy cả về kinh tế và quân sự của Trung Quốc, ngăn chặn ảnh hưởng, bảo vệ an ninh và quyền lợi của Mỹ trong khu vực. Vì vậy, Mỹ triển khai chiến lược “quay

trở lại châu Á” sau một thời gian lơ là. Chính sách đối ngoại của Mỹ đối với ĐNA là ưu tiên việc nâng tầm quan hệ với các nước ở khu vực và phát triển quan hệ Mỹ - ASEAN. Trong báo cáo “đánh giá quốc phòng bốn năm” năm 2010, Mỹ đã phân chia ĐNA thành ba nhóm: nhóm các nước đồng minh chính thức gồm Philippines, Thái Lan; nhóm đối tác chiến lược Singapore và nhóm đối tác chiến lược trong tương lai gồm Malaysia, Indonesia, Việt Nam. Mỹ thực hiện chính sách “tăng cường” với liên minh, “làm sâu sắc” hơn mối quan hệ hợp tác với nhóm thứ hai và “phát triển mối quan hệ chiến lược” mới với nhóm thứ ba. Mỹ quay trở lại ĐNA để đảm bảo sự hiện diện của mình, kiềm chế sự ảnh hưởng của Trung Quốc đồng thời duy trì vị trí bá quyền trên toàn thế giới.

Trong quan hệ với các nước ĐNA, Mỹ có lợi thế hơn cả do có đồng minh lâu năm, có chiến lược, sách lược rõ ràng, phân chia các nước thành các nhóm khác nhau. Ngoài việc tăng cường hợp tác trên lĩnh vực kinh tế, Mỹ còn chú trọng đến chiến lược an ninh - quốc phòng, bằng việc tăng cường hiện diện ở khu vực và hỗ trợ, viện trợ quân sự đặc biệt trong vấn đề an ninh hàng hải. Đây là chiến lược chủ lực và là lợi thế của Mỹ để tăng cường được vị thế, tạo lòng tin cho các đồng minh trong khu vực ĐNA. Việc Mỹ quay trở lại ĐNA trong bối cảnh Trung Quốc ngang nhiên độc chiếm Biển Đông được nhiều nước trong khu vực chào đón.

Trong khi đó, Trung Quốc với lợi thế về vị trí địa lý, là nước láng giềng và có văn hóa gần gũi với ĐNA nhưng không có đồng minh lâu năm. Do đó, Trung Quốc không tiếc tiền của sử dụng các biện pháp kinh tế như: viện trợ, cho vay ưu đãi với giá thấp, tăng cường đầu tư...với nhiều nước mặc dù Trung Quốc đang phải đối mặt với một loạt vấn đề khó khăn trong nước như: tình trạng thất nghiệp, ô nhiễm môi trường, phân hóa giàu nghèo ngày càng tăng cao... Trung Quốc tích cực thực hiện chính sách ngoại giao kinh tế, thậm chí chấp nhận chịu thua thiệt trước mắt trong kinh tế với một số nước để hướng tới mục tiêu chính trị lâu dài:

mua chuộc, lấy lòng các nước, chia rẽ các nước trong khu vực nhằm tập hợp lực lượng, lôi kéo các nước về phía mình, gạt bỏ ảnh hưởng các nước lớn nhất là Mỹ trong khu vực.

Thứ hai, cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực, gây ra nhiều hệ lụy cho an ninh và chính trị, đe dọa sự bất ổn, tác động không nhỏ đến việc bảo vệ ĐLDT ở khu vực.

Về mặt tích cực, cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung tại ĐNA đã giúp các nước ASEAN nâng cao vị thế; tạo cơ hội liên kết, hợp tác của mình trong các vấn đề khu vực và quốc tế; thúc đẩy liên kết nội khối, buộc ASEAN phải hoàn thành nhanh tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN; tạo cơ hội tốt cho các nước trong khu vực ĐNA phát triển kinh tế; tạo điều kiện cho các nước ĐNA có thể tranh thủ được vốn, khoa học - công nghệ tiên tiến của thế giới... vì cả hai đều muốn lôi kéo các nước ủng hộ mình và nâng tầm ảnh hưởng của mình đối với khu vực. Hành động đe dọa và khiêu khích của Trung Quốc trên Biển Đông vô hình chung đã thúc đẩy hình thành xu thế tập hợp lực lượng mới ở khu vực, trước hết là trong quan hệ quốc phòng.

Về mặt tiêu cực, cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh và chủ quyền biển đảo, gây bất ổn về chính trị các nước ASEAN; làm nội bộ ASEAN mất đoàn kết, việc tập hợp lực lượng trở nên phức tạp, ảnh hưởng đến kế hoạch tiến tới cộng đồng ASEAN; tác động không nhỏ đến việc ra quyết định, chiến lược, chính sách và ảnh hưởng đến chủ quyền, ĐLDT, đến an ninh quốc phòng của từng quốc gia và khu vực; tăng tính lệ thuộc vào Mỹ và Trung Quốc của các nước trong khu vực, kéo theo nó là chính trị bất ổn và chạy đua vũ trang trong khu vực.

Thứ ba, sự gia tăng cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung đang làm cho các mâu thuẫn, xung đột địa chính trị của khu vực tăng nhanh, nhất là vấ đề Biển Đông, biển Hoa Đông, hợp tác Tiểu vùng sông Mekong... hệ quả cả nó là làm tăng nguy cơ chạy đua vũ trang, làm cho các vấn đề trở nên phức tạp hóa, quốc tế hóa.

Những hành động ngang ngược của Trung Quốc gần đây ở Biển Đông và việc Mỹ dùng mọi cách ngăn chặn bước đi ra biển của Trung Quốc đã ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ của Trung Quốc với các nước láng giềng, làm cho môi trường chính trị bất ổn; tăng thêm điểm xung đột tại ĐNA và đối kháng giữa Mỹ và Trung Quốc khiến cho kết cấu địa chính trị và trật tự ở khu vực Biển Đông có sự thay đổi theo hướng bất lợi cho Trung Quốc.

Việc gia tăng can dự của Mỹ và Trung Quốc vào các vấn đề của ĐNA có ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức và hành động của ASEAN và các nước trong khu vực. Mỹ và Trung Quốc biến ĐNA thành khu vực cạnh tranh ảnh hưởng có tác động mạnh mẽ đến tình hình khu vực, đặt ra nhiều thách thức buộc các nước ASEAN phải có những chính sách đối phó, tranh thủ sự căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung để đảm bảo lợi ích quốc gia cho mình. Tuy nhiên, nếu cạnh tranh của hai cường quốc trên trở nên căng thẳng, Mỹ và Trung Quốc yêu cầu các nước trong khu vực có lập trường rõ ràng đứng về phía nào sẽ đẩy các nước vào tình thế khó xử, tiến thoái lưỡng nan.

Thứ tư, cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung ở ĐNA ảnh hưởng đến sự phát triển, làm thay đổi tư duy, cách tiếp cận và hành động của các nước khu vực đối với việc củng cố nền ĐLDT trong bối cảnh mới. Để bảo vệ và củng cố ĐLDT, các nước ĐNA một mặt đều tập trung ưu tiên tăng cường phát triển nội lực, lấy phát triển kinh tế làm trọng tâm, giữ vững ổn định chính trị, tạo lập sự đoàn kết, đồng thuận xã hội; mặt khác rất chú trọng xử lý các vấn đề đối ngoại, trước hết là xử lý mối quan hệ với các nước lớn, nhất là quan hệ với Mỹ và Trung Quốc. Các nước trong khu vực hiểu rằng sức mạnh quốc gia trong tình hình hiện nay không chỉ có sức mạnh chính trị, quân sự mà còn có sức mạnh kinh tế và an ninh phi truyền thống là hai yếu tố quyết định ĐLDT và vị thế đất nước trong tình hình mới.

Thứ năm, trong giai đoạn từ năm 2001 đến năm 2015, các nước ĐNA cũng như ASEAN nói chung đều chú trọng nhân tố các nước lớn trong hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại. Hàng loạt mối quan hệ của các nước ĐNA với nhiều nước lớn đều được củng cố, nâng cấp theo hướng xây dựng quan hệ hợp tác đối tác chiến lược. Các nước khu vực ĐNA đều cân nhắc thận trọng, chú ý tính nhạy cảm trong quan hệ với Mỹ cũng như với Trung Quốc, tránh bị rơi vào thế bị

“khó xử”, bị kẹt giữa hai nước lớn này. Mong muốn của ASEAN là đoàn kết cùng nhau kiềm chế hoạt động của các nước lớn trong khu vực và dẫn dắt họ hướng tới những lợi ích của các nước ĐNA và ASEAN. Các nước ĐNA sẽ không có nhiều lợi ích nếu chỉ liên minh với Trung Quốc hoặc Mỹ. Đứng hẳn về một phía nào trong hai siêu cường hiện nay đều đem lại sự rủi ro cho khu vực. Duy trì phương

cách ASEAN và vai trò trung tâm của ASEAN là cách tốt nhất để củng cố ĐLDT của các quốc gia trong khu vực.

Thứ sáu, diễn biến của cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung trong 15 năm đầu thế kỷ XXI cho thấy cả hai nước lớn này đều tìm cách thâm nhập sâu, tăng cường sự hiện diện về mọi mặt vào các nước ĐNA đã tạo ra những diễn biến chính trị phức tạp và nhạy cảm ở một số nước khu vực (như: Thái Lan, Campuchia, Myanmar) những năm vừa qua. Trên phương diện kinh tế, việc phát triển quan hệ với Mỹ và Trung Quốc ngoài cơ hội có thể tập trung nguồn lực trong hợp tác với hai nước này, thì nền kinh tế của nhiều nước ĐNA cũng luôn phải đối mặt với cả những nguy cơ bị mất cân đối trong cơ cấu kinh tế, cán cân thương mại hoặc rơi vào lệ thuộc nhất định nếu không có cách xử lý thỏa đáng. Nguồn vốn đầu tư của Trung Quốc vào Lào, Campuchia, sự gia tăng đầu tư của Mỹ và phương Tây vào Myanmar luôn đi kèm với những điều kiện ràng buộc, nhất là đối với việc khai thác sử dụng tài nguyên thiên nhiên cũng như một số tác động đến hoạch định chính sách cả đối nội và đối ngoại.

Thứ bảy, cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung ở ĐNA ngày càng gia tăng thì sự thâm nhập của hai nước này vào khu vực và mức độ ảnh hưởng đến ĐLDT của các nước trong khu vực cũng càng lớn. Theo đó, sự độc lập, tự chủ trong hoạch định đường lối, chính sách đối nội cũng như đối ngoại luôn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức đối với các nước có liên quan ở Biển Đông, sự gia tăng can dự, hiện diện của Trung Quốc thực sự là nguy cơ lớn với sự toàn vẹn, chủ quyền biển đảo. Tranh chấp trên Biển Đông đang và sẽ là vấn đề nóng bỏng, phức tạp đe dọa không chỉ chủ quyền an ninh của nhiều nước ĐNA, mà còn cả với hòa bình, ổn định, phát triển và hợp tác khu vực.

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng cạnh tranh chiến lược Mỹ Trung tại Đông Nam Á đến độc lập dân tộc của các nước trong khu vực từ năm 2001 đến năm 2015 (Trang 115 - 119)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(202 trang)