CHƯƠNG I: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2. Lý thuyết áp dụng
2.1. Lý thuyết xã hội hóa
Xã hội hóa là một khái niệm của nhân học và xã hội học được định nghĩa là một quá trình tương tác xã hội kéo dài suốt đời qua đó cá nhân phát triển khả năng con người và học hỏi các khuân mẫu văn hóa của mình [15]. Nói một cách khác, đó chính là quá trình con người liên tục tiếp thu văn hóa vào nhân cách của mình để sống trong xã hội như là một thành viên.
Theo PGS.TS. Nguyễn Minh Hòa: "Xã hội hóa là một quá trình mỗi cá nhân người phải bước vào trong nền văn hóa của xã hội mà họ hiện diện như một thành viên chính thức, đồng thời đây là một quá trình cá nhân hấp thụ những qui ước cộng đồng và các giá trị văn hóa để tạo thành văn hóa cá nhân của chính mình". Các nhà xã hội học của trường đại học Tennessee đã định nghĩa về xã hội hóa như sau: “Xã hội hóa là một quá trình học hỏi để cho một con người – động vật trở thành một con người xã hội” [14] Hay như GS. Bruce J. Cohen đã khẳng định rằng: “Xã hội hóa là quá trình mà qua đó cá nhân học hỏi được cách sống của xã hội và phát triển được khả năng đóng các vai trò xã hội vừa với tư cách là một cá thể vừa với tư cách là một thành viên của nhóm” [16].
Như vậy, quá trình xã hội hóa là một quá trình đòi hỏi sự tương tác giữa cá nhân và xã hội nhằm trang bị cho cá nhân các kỹ năng sống mà xã hội đó quy định.
Các nạn nhân thương tật do bom mìn là đối tượng tương đối khó khăn khi tiếp cận quá trình xã hội hóa [với các vết thương do bom mìn gây ra cho họ, tạo nên bất lợi cho họ khi hoà nhập cộng đồng], nên cần hỗ trợ đặc biệt, như PGS.TS Nguyễn Minh Hòa đã nhấn mạnh “Nếu một cá nhân bị khiếm khuyết sinh học thì rất khó khăn trong quá trình xã hội hóa và phải trải qua những hình thức xã hội hóa đặc biệt không giống như những người bình thường [17]. Như vậy, quá trình này thật sự khó với các nạn nhân thương tật do bom mìn nếu xã hội không tạo một chức năng hỗ trợ đơn giản, vì bị khiếm khuyết về cơ thể nên việc được xã hội hóa như
người bình thường là một điều bất lợi cho các nạn nhân. Trong định nghĩa trên nhấn mạnh đến yếu tố xã hội hóa đặc biệt dành cho người bị khuyết tật (do tai nạn bom mìn). Sở dĩ cần có sự xã hội hóa đặc biệt là vì họ là những nạn nhân thương tật do bom mìn gây nên cơ thể không hoàn chỉnh, và chịu nhiều di chứng khác, nếu không hỗ trợ họ, thì khả năng xã hội hóa của họ sẽ rất kém. Với người bình thường, tham gia các hoạt động xã hội một cách bình thường thì đối với các nạn nhân, xã hội phải tạo ra những thứ đặc biệt để họ có thể tiếp cận nhằm giúp họ hội nhập xã hội. Các yếu tố đặc biệt này để giúp quá trình xã hội hóa của người khuyết tật có thể là sự trợ giúp về mặt pháp lý hay về y tế hoặc kinh tế. Ví dụ miễn phí một số dịch vụ công cộng, cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh miễn phí, hỗ trợ kinh phí, ưu đãi nếu họ có làm kinh tế, hoặc trong luật kinh doanh ví dụ như nếu người khuyết tật mở cửa hàng thì được miễn nộp thuế trong hai năm và còn được hỗ trợ về mặt kinh tế khác của địa phương, hoặc khi đi học thì người khuyết tật cũng sẽ có một số hỗ trợ về điều kiện học tập như môi trường đặc biệt, giáo trình chuyên biệt, học phí có sự hỗ trợ từ nhà nước... Nói cách khác xã hội hóa đặc biệt chính là việc xã hội cần thực hiện những điều đặc biệt khác hẳn về các yếu tố như: pháp lý, cơ sở vật chất, giáo dục, kinh tế, kỹ thuật... chấp nhận tốn kém và tốn thời gian nhưng vẫn phải có để giúp họ có thể sống được trong xã hội một cách bình đẳng nhất và không phụ thuộc vào người khác
Chính vì vậy khi nói đến quá trình xã hội hóa đối với các nạn nhân thương tật do bom mìn nếu chúng ta bỏ qua chức năng hỗ trợ thì thực chất quá trình này của họ chỉ mang tính trang bị kiến thức sống cơ bản và một lối sống thụ động, phụ thuộc. Họ không được xem là thành viên chính thức, được xã hội hỗ trợ cá nhân xã hội hóa. Những yếu tố họ được trang bị trong quá trình này thực chất chỉ là các kỹ năng tồn tại theo kiểu ban phát, chứ không hướng họ tiếp cận các dịch vụ xã hội một cách đầy đủ, công bằng. Với chính bản thân họ, các nạn nhân có khả năng làm chủ bản thân, học hỏi, vươn lên hòa nhập cuộc sống với sự nỗ lực của chính bản thân mình và bình đẳng như các thành viên khác. Quá trình xã hội hóa của các nạn nhân thương tật do bom mìn Triệu Phong gặp một số khó khăn, do điều kiện kinh tế xã hội có nhiều thay đổi, cuộc sống có nhiều áp lực hơn, đôi khi việc ban hành chính sách cũng như thực hiện các chính sách hỗ trợ không đồng bộ, làm ảnh
hưởng đến quá trình xã hội hóa của các nạn nhân thương tật do bom mìn vì họ không thể bắt kịp nhịp phát triển của xã hội khi bản thân họ không được xã hội hỗ trợ các chức năng mà họ đang thiếu. Các nạn nhân thương tật do bom mìn bị khiếm khuyết về mặt vận động, khiếm thị, khiếm thịnh, trong khi cơ sở hạ tầng như đường đi, trường học, chợ thì không có các công cụ hỗ trợ…lại thiếu chức năng giúp đỡ họ vận hành thì ngay lập tức họ bị cô lập và khả năng xã hội hóa của họ sẽ bị hạn chế đến mức thấp nhất.
Bên cạnh đó trong lý thuyết xã hội hóa còn có một phần nữa đó là chức năng “Xã hội hóa lại” theo định nghĩa của Macionis. J. John [18]. Xã hội hóa lại hay tái xã hội hóa là một quá trình tác động rất mạnh, rất nhanh, có phần cưỡng ép của xã hội đối với cá nhân, tập thể hay nhóm cộng đồng, sức ép của quá trình này là rất lớn so với quá trình xã hội hóa. Xã hội hóa lại được coi như một cách thức thay đổi các quan điểm sống bằng cách điều tiết hầu như mọi khía cạnh của cá nhân, tập thể hay nhóm cộng đồng dưới các dạng quyền lực mang tính chuyên biệt như nhà tù, tu viện, bệnh viện…, nếu một cá nhân bị tạm thời gián đoạn xã hội hóa mà trường hợp này nhắm đến đối tượng là người bị bệnh, phải điều trị lâu ngày hoặc người bị tai nạn và trở thành người khuyết tật, sau khi điều trị xong, thì xã hội cần phải giúp họ tái xã hội hóa để họ có thể tiếp tục sống và hội nhập xã hội, nếu không, họ sẽ bị đẩy ra khỏi cộng đồng vì khả năng tiếp nhận xã hội của họ quá kém sau một thời gian dài không tham gia xã hội hoặc do chức năng bản thân họ đã bị thay đổi sau những tai nạn. Họ cần phải tái xã hội hóa hay tái hòa nhập mới có thể được cộng đồng thừa nhận và nhờ đó mà cá nhân mới có thể dễ dàng hòa nhập xã hội, cộng đồng mình đã từng sống.
Như vậy, khi áp dụng vào nghiên cứu các nạn nhân thương tật do bom mìn, có thể thấy quá trình xã hội hóa lại mang tính chuyên biệt rất cao, đó là quá trình phục hồi chức năng bằng sự tác động của các tổ chức xã hội như bệnh viện, các hội dành riêng hay các tổ chức chuyên môn, chính quyền địa phương và gia đình để họ hòa nhập xã hội. Nếu xã hội không tạo ra các tổ chức mang chức năng hỗ trợ chuyên biệt này thì người khuyết tật sẽ không có khả năng xã hội hóa lại bản thân cũng như hòa nhập được xã hội. Nếu những người khuyết tật bị đứt đoạn với quá
trình xã hội hóa, chúng ta cần hỗ trợ họ tái hòa nhập cộng để họ vượt qua sự mặc cảm, tự ti trong cuộc sống. Qua đó họ đánh giá được bản thân, làm chủ bản thân và định hướng phát triển được mình, hòa nhập chung cùng các nhóm khác trong xã hội.
Xã hội hóa, nếu hiểu theo nguyên tắc giáo dục, mỗi con người khi bước vào nhà trường đều có một sự khởi đầu như nhau. Trong thực tế, sự khởi đầu của mỗi các nhân hoàn toàn khác nhau. Sự khởi đầu đó phụ thuộc vào vị trí cá nhân, gia đình đó nằm vị trí thang bậc nào trong hệ thống cơ cấu xã hội. Cơ cấu xã hội là một khái niệm xã hội học để chỉ rằng vào một thời điểm lịch sử nhất định trong một xã hội có sự phân chia dân cư vào những vị trí xã hội, vốn được xem là những yếu tố ảnh hưởng đến những cơ may trong đời sống cá nhân [19].
Cơ may trong đời sống được phân bố không đồng đều theo những vị trí xã hội mà con người ta đảm nhận, góp phần phát triển cá nhân, thực hiện những khả năng, những mong muốn và những hy vọng. Và những cá nhân nằm ở bậc thang dưới về thu nhập, quyền lực, giáo dục và uy thế sẽ bị cản trở trên con đường tiếp cận những nguồn tài nguyên của xã hội. Gia đình được mô tả là cơ quan trung chuyển chính đối với xã hội hóa. Nhà xã hội học Rolff đưa ra giả thiết: Ðặc tính xã hội, đó là sự kết nối giữa những đặc điểm nhân cách của cha mẹ và sự phát triển của đứa trẻ có một mối quan hệ trực tiếp. Nói đến đặc tính xã hội tức là nói đến những đặc điểm nhân cách như động cơ về thành tích, những định hướng giá trị, trí thông minh và khả năng ngôn ngữ. Tài năng cá nhân của một người trong những gia đình công nhân không được hình thành do cha mẹ chúng có những thái độ giáo dục khác so với tầng lớp trung lưu và thượng lưu trong xã hội. Do đó mà những cá nhân này gặp những khó khăn tại nhà trường và trong nghề nghiệp của họ sau này.
Và như vậy, đặc tính xã hội này lại góp phần tái xã hội hóa xã hội, tạo nên những thang bậc “cao- giữa- thấp” trong hệ thống phân tầng xã hội. Và đây cũng chính là vấn đề mà những nghiên cứu xã hội hóa theo những phân tầng xã hội đặt ra từ hơn 50 năm nay. Vị trí của một gia đình trong cơ cấu xã hội (đặc biệt là cơ cấu nghề nghiệp) càng thấp, thì họ càng bị thiệt thòi về vật chất, xã hội và văn hóa. Và quá trình xã hội hóa tại gia đình không thể thúc đẩy tiềm năng nhận thức, động cơ và
ngôn ngữ của các thành viên trong gia đình, gia đình vẫn là nơi để duy trì ảnh hưởng vào việc tổ chức đời sống của các thành viên trong trong gia đình qua các định hướng về những chuẩn mực đạo đức và xác lập kế hoạch về nghề nghiệp tương lai. Gia đình vẫn là điểm tựa cho người khuyết tật, nền tảng để cho họ duy trì cuộc sống. "Xã hội hóa không đơn thuần chỉ làm cho cá nhân hòa nhập được vào trong xã hội rộng lớn nói chung mà còn làm cho cá nhân đó sinh sống, hoạt động và làm việc được trong một nhóm xã hội cụ thể nào đó, chẳng hạn nhóm nghề nghiệp, chính trị, xã hội, tôn giáo. Muốn được như vậy cá nhân bắt buộc phải trải qua quá trình xã hội hóa...." [20]
Trong quá trình xã hội hóa của bản thân các nạn nhân thương tật do bom mìn, xã hội cần quan tâm đến không chỉ nhu cầu của họ mà cần phải có phương thức để phát huy các khả năng của họ, tránh trường hợp coi họ như không có khả năng nhận thức và từ đó quy kết nhóm đối tượng này sống thụ động và theo kiểu sống cho và nhận. Thực chất xã hội không chỉ tạo điều kiện hội nhập cho họ theo phương thức hỗ trợ vốn, việc làm, các điều kiện hỗ trợ đặc biệt, như nhà cửa có đường đi riêng cho người khuyết tật,....mà xã hội cần phải có những thiết chế cụ thể về lao động, về chính trị, văn hóa, kinh tế.... để giúp họ không chỉ hội nhập được xã hội mà còn sống được trong xã hội đó. Nói một các khác, xã hội có thể hỗ trợ họ có thể tự mình đi ra đường, tự mình tham gia các hoạt động chung của cộng đồng, nhưng bù lại các tổ chức xã hội, các thành phần khác trong xã hội không muốn giúp đỡ họ, không những tạo điều kiện cho họ được học hành, được làm việc, mà còn tham gia vào các hoạt động kinh tế chính trị, xã hội, văn hóa....vậy thì việc họ có thể tự mình đi ra đường, tự mình hòa nhập cộng đồng sẽ có ích gì. Vì vậy xã hội hóa đâu chỉ là việc họ được hòa nhập vào một xã hội rộng lớn mà họ cần được sinh sống và làm việc. Như vậy, một quá trình xã hội hóa đối với nhóm đối tượng này luôn được hiểu như một quá trình gồm nhiều giai đoạn trong đó bước đầu tiên là chuẩn bị cơ sở vật chất để họ có thể tự mình hội nhập xã hội và tiếp theo là xã hội phải tạo ra các thiết chế đặc biệt về việc làm để họ có thể sống được trong xã hội, chỉ có như vậy, họ mới có thể hòa nhập xã hội và xã hội hóa được bản thân.
Trong trường hợp nhóm nạn nhân bom mìn sống trong một xã hội phát triển quá nhanh, bỏ lại họ sau lưng, do không có môi trường tiếp cận xã hội thì khả năng tái hòa nhập cộng đồng càng nhỏ hơn. Và như vậy không những quá trình xã hội hóa tại gia đình mà ngay cả quá trình xã hội hóa lại bản thân họ trong môi trường xã hội cũng gặp rất nhiều khó khăn. Vấn đề đặt ra là đối với quá trình xã hội hóa của nhóm nạn nhân bom mìn tại Triệu Phong do không có các điều kiện, thì việc tiếp cận môi trường xã hội sẽ như thế nào và họ sẽ phát triển bản thân ra sao là một vấn đề nan giải?. Do đó, chúng ta cần tạo điều kiện và môi trường để xã hội hóa lại, để họ có thể hoà nhập cộng đồng. Nếu một xã hội, cộng đồng phát triển mạnh mà không tạo điều kiện cho họ hòa nhập cộng đồng, nhóm đối tượng này sẽ gặp những cản trở trong quá trình xã hội hóa bản thân. Để trả lời những câu hỏi này đòi hỏi phải có một sự kết hợp tốt nhất giữa nhu cầu của người khuyết tật và mức độ phát triển của xã hội nói chung, trong đó vấn đề cấp thiết nhất vẫn là các chính sách hỗ trợ của nhà nước dành cho họ hội nhập xã hội.