CHƯƠNG I: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
4. Các khái niệm liên quan
4.2. Khái niệm hội nhập đối với các nạn nhân thương tật do tai nạn bom mìn
Hội nhập là một khái niệm và là quá trình có hai chiều kích là hội nhập xã hội và hội nhập văn hóa. Hội nhập xã hội là quá trình cá nhân, gia đình, nhóm hội nhập vào một thiết chế. Cá nhân phải chấp nhận và tuân thủ luật pháp, qui định của nhà nước và cộng đồng, sống và làm việc như những người bình thường khác của xã hội. Thiết chế xã hội đó có thể hoàn toàn xa lạ đối với người gia nhập, bởi anh ta chưa từng biết đến và chưa bao giờ tham gia như một thành viên xây dựng các thiết chế đó như thảo luận, góp ý, biểu quyết….. Hội nhập văn hóa là sự hội nhập của các nhân, gia đình hay nhóm vào các quan hệ xã hội, phong tục tập quán, nếp sống của toàn xã hội hay của một cộng đồng lạ nào đó mà cá nhân hay một nhóm người chưa từng trải qua. [32]
Như vậy, quá trình hội nhập là một quá trình bao gồm hai yếu tố: hòa nhập xã hội và hội nhập văn hóa của một cá nhân vào trong một cộng đồng, một bối cảnh xã hội mà toàn bộ hay hầu hết các khuôn mẫu hành vi văn hóa lạ lẫm với cá nhân đó. Trong khi, các nạn nhân thương tật do tại nạn bom mìn trong quá trình xã hội hóa cá nhân đã gặp phải những rào cản, định kiến của chính văn hóa cộng đồng mà họ được sinh ra và gắn kết. Do đó, để quá trình xã hội hóa đạt được hiệu quả cao nhất, họ cần chấp nhận một số quy ước của cộng đồng, cố gắng vượt qua những định kiến để “đi vào” cộng đồng bằng cách thể hiện những năng lực còn lại của chính mình. Đó là lý do vì sao tôi đưa khái niệm “hòa nhập cộng đồng” vào trong nghiên đề tài này. Theo tôi, hòa nhập cộng đồng là tham gia vào một tập thể chung (lớn hoặc nhỏ) mà trong tập thể chung đó các cá nhân đều bình đẳng trong mọi quyền lợi và nghĩa vụ và được quy định bởi tập thể chung đó. Với khái niệm này, cá nhân muốn hòa nhập vào cộng đồng phải được cộng đồng đó thừa nhận và tiếp nhận tự nguyện, mặt khác, bản thân cá nhân cũng phải cố gắng đáp ứng các tiêu chí chung của cộng đồng. Như vậy, hòa nhập cộng đồng là một khái niệm gắn
liền với quá trình xã hội hóa của các nạn nhân thương tật do tại nạn bom mìn nhiều hơn. Để có thể “đi vào” cộng đồng, các nạn nhân thương tật do tai nạn bom mìn phải đáp ứng tiến trình sau: Phải được phục hồi các chức năng sinh học còn lại để có thể thích ứng với sự khiếm khuyết của bản thân; trang bị tri thức kỹ năng sống, kỹ năng sinh hoạt hàng ngày, kỹ năng định hướng di chuyển…; trang bị tri thức phổ thông, tri thức ứng xử và văn hóa, tri thức nghề nghiệp; tiếp cận các dịch vụ công cộng, các tổ chức, các cơ quan giải quyết việc làm… Đây là một quá trình tự bản thân người khuyết tật tự điều chỉnh bản thân dưới sự hỗ trợ của cộng đồng (gia đình, nhà trường, bạn bè, các tổ chức…). Quá trình hòa nhập cộng đồng của người khuyết tật là một quá trình được tiến hành dưới sự tương tác của nhiều yếu tố chủ quan và khách quan. Nói cách khác, quá trình hòa nhập vào cộng đồng của người khuyết tật chính là quá trình xã hội hóa được tiến hành dưới sự “tác động có ý thức” nhằm giúp cho người khuyết tật có thể được chấp nhận như một thành viên, một thực thể xã hội của cộng đồng mà họ cũng sinh sống.
Chúng ta có thể nhìn nhận khái niệm hội nhập xã hội của người khuyết tật theo chiều hướng cụ thể sau: Đầu tiên cần xác định hội nhập bao gồm hội nhập cả từ các thiết chế xã hội và thiết chế văn hóa. Các thiết chế xã hội như luật pháp, hành pháp, các thiết chế về điều kiện cơ sở vật chất, các thiết chế về tổ chức xã hội ....Các thiết chế văn hóa được hiểu như thái độ tiếp nhận của xã hội đối với nhu cầu được hội nhập của người khuyết tật.
Về khía cạnh thiết chế xã hội, chúng ta cần nhìn nhận rằng đây chính là bước đầu tiên giúp cho các nạn nhận thương tật do tai nạn bom mìn có thể hội nhập xã hội. Cụ thể hơn nữa, nếu xét từng yếu tố một như: Nhà nước tạo điều kiện về luật pháp, về hành pháp để giúp họ hội nhập xã hội được tốt hơn với những điều khoản đặc biệt phù hợp với họ, tiếp đến nhà nước ban hành các quy chế quy định về việc xây dựng, hỗ trợ đời sống vật chất, tinh thần cho họ, giúp họ dễ dàng hoạt động trong cuộc sống hàng ngày và quan trọng hơn cả là nhà nước tạo điều kiện để tạo ra các tổ chức xã hội có điều kiện giúp họ có thể làm việc để có thể tự nuôi sống bản thân.
Nếu nhà nước làm tốt các thiết chế này thì họ đã bước đầu có thể hội nhập xã hội. Tuy nhiên, việc có thể hội nhập hay không còn phụ thuộc vào bước tiếp theo đó là hội nhập xã hội bằng thiết chế văn hóa. Thiết chế xã hội có thể được xem như bước khởi đầu nhưng có hội nhập được xã hội hay không là phụ thuộc vào thiết chế văn hóa, và ngược lại, nếu không có thiết chế xã hội hỗ trợ thì hội nhập bằng thiết chế văn hóa cũng khó có thể thành công.
4.2.1 Về mặt thiết chế xã hội đảm bảo cho việc hội nhập xã hội hiện nay cho người người khuyết tật Việt Nam cũng vẫn đang là dự thảo. Theo thông tin thu thập được đến ngày 10/04/2010, Luật người khuyết tật vẫn đang là dự thảo lần thứ 8, [33] bàn về quyền và nghĩa vụ của người khuyết tật, chứng nhận khuyết tật, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, dạy nghề, việc làm, văn hóa thể dục, thể thao, giải trí và du lịch vẫn còn bàn luận trong dự thảo. Nhà chung cư, công trình công cộng, giao thông, công nghệ thông tin và truyền vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết, lộ trình cải tạo công trình công cộng cũng chỉ là điều khoản trong luật, các chế tài nhằm quản lí chặt các điều khoản ban hành cũng không được nhắc đến trong bộ luật. Về trách nhiệm của cơ quan nhà nước về công tác người khuyết tật, điều khoản thi hành cũng chỉ dừng lại là điều khoản ban hành, chế tài thực hiện hoàn toàn không được nhắc đến.
- Về chính sách không phân biệt đối xử đối với người khuyết tật (nạn nhân thương tật do tai nạn bom mìn), thiếu các thiết chế hỗ trợ để hòa nhập cuộc sống thì thậm chí họ còn bị ràng buộc vào những điều khoản, luật khác như người bình thường, như quyền được học và có bằng lái xe, nhưng lại có những qui định phân biệt họ, dù cho họ có khả năng kiểm soát hành vi. Dù pháp lệnh Người khuyết tật đã được ban hành 10 năm, song đến này vẫn chưa có chính sách nào dành cho họ thực sự. Người đi máy bay bị trả vé, đi xe lăn từ máy bay ra nhà ga hết 50USD, thậm chí đi thi bằng lái xe, bị kéo quần trước mặt mọi người để kiểm tra, đó chính là nhưng hành vi phân biệt đối xử. Hay dự thảo Luật người khuyết tật có nêu: "trẻ em khuyết tật, người cao tuổi khuyết tật, phụ nữ khuyết tật được hiểu quyền ưu tiên riêng", nhưng qui định cụ thể ưu tiên thế nào thì không có qui định
rõ. Qui định về phân biệt đối xử lại không có qui định rõ những trường hợp nào không được làm, phân biệt đối xử với người khuyết tật.
- Về chính sách việc làm cho các nạn nhân thương tật do tai nạn bom mìn, việc các doanh nghiệp trên địa bàn nhận hay không người khuyết tật vào làm việc, vẫn có nhiều tranh cãi, và các chế tài khen thưởng đối với các doanh nghiệp trên địa bàn nhận người khuyết tật vào làm việc hoặc xử phạt nghiêm nếu từ chối, phân biệt.
- Tiếp cận các phương tiện giao thông và công trình công cộng, vấn đề này cho ta thấy thiếu một hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội tại nông thôn để họ hòa nhập dễ dàng. Tuy nhiên, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội, vẫn thiếu chế tài cho khu vực nông thôn nên không được thực hiện được. Nhất là các vùng nông thôn, còn nhiều khó khăn.
- Về giáo dục, người khuyết tật tiếp cận giáo dục hòa nhập vẫn còn rất ít, hiện nay chỉ 36,8% người khuyết tật từng đi học tại các trường tiểu học, trung học và cao hơn. Dự thảo luật người khuyết tật khẳng định: "Giáo dục hòa nhập là phương thức giáo dục chủ yếu đối với người khuyết tật. Phương thức giáo dục bán hoà nhập và phương thức giáo dục chuyên biệt chỉ thực hiện đối với người khuyết tật không có khả năng học bằng phương pháp giáo dục hòa nhập". Với thực tế hiện nay, công tác chỉ đạo vẫn chưa thống nhất từ trên xuống nên kém hiệu quả. Biên chế cho giáo viên dạy chuyên biệt tại các vùng nông thôn còn vẫn còn thấp, chưa sử dụng hết, gây lãng phí nguồn nhân lực, trong khi chất lượng giáo dục và dịch vụ xã hội đối với người khuyết tật vẫn đang ở mức độ hạn chế.
Thiếu thiết chế xã hội cụ thể đã làm cho họ khó có thể hội nhập vào xã hội một cách đầy đủ, cho nên xây dựng một thiết chế chặt chẽ sẽ mang lại nhiều điều kiện tốt cho họ. Cho nên, để hội nhập thành công thì chúng ta cần xây dựng một thiết chế xã hội mạnh mẽ để thực hiện công việc này.