CHƯƠNG I: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
4. Các khái niệm liên quan
4.3. Về mặt thiết chế văn hóa
Thiết chế văn hóa tại xã hội Việt Nam được coi là mức đánh giá của cộng đồng về khả năng của đối tượng có nhu cầu hòa nhập, cụ thể ở đây là người khuyết
tật. Nếu nhà nước đã tạo mọi điều kiện về thiết chế xã hội để các nạn nhận bị thương tật do tai nạn bom mìn có thể hội nhập xã hội nhưng đến các tầm vi mô hơn chính là các tổ chức xã hội nơi họ có thể học tập, làm việc để nuôi sống và phát triển bản thân thì không được chấp nhận bởi thái độ hoặc thương hại, hoặc kỳ thị thì bản thân họ không thể hội nhập xã hội trọn vẹn được.
Đây chính là rào cản về mặt văn hóa, vì đã có thiết chế xã hội quy định nhưng về mặt con người thì khác hẳn. Đứng về phía gia đình có thành viên là các nạn nhân thương tật do tai nạn bom mìn thường có hai dạng đối xử với họ, một là quá bảo bọc đến mức thương hại, không cho tiếp cận xã hội mà chỉ cho ở trong nhà, hai là ghét bỏ, cho sống theo kiểu đói thì cho ăn, khát cho uống, lạnh thì cho quần áo. Tâm lý này khiến cho các nạn nhân thương tật do tai nạn bom mìn dù được bảo bọc hay ghét bỏ đều phải sống thụ động và khép kín không có cơ hội tham gia các hoạt động xã hội, dẫn đến quá trình xã hội hóa bản thân không những không có mà còn lệch chuẩn xã hội. Về phía cộng đồng xã hội, cũng tương tự như vậy, nếu với tâm lý thương hại, chỉ giúp theo kiểu chấp nhận đóng thêm thuế để hỗ trợ người khuyết tật hoặc tham gia các buổi từ thiện giúp đỡ người khuyết tật thì cũng không đem lại một kết quả lâu dài cho quá trình sống của người khuyết tật.
Mặt khác, với tâm lý ghét người khuyết tật, khinh bỉ họ của một số người trong xã hội và coi họ là người không có khả năng làm việc hay tệ hơn nữa là tâm lý nhìn nhận các khuyết tật của họ là do quả báo kiếp trước, hay là người sống ác độc nên trời bắt phải bị tai nạn mang tật.... với tâm lý này thì khi người khuyết tật có nhu cầu được hỗ trợ thì các cá nhân này chắc chắn không giúp đỡ thậm chí còn xúc phạm người khuyết tật. Từ đó ngược lại cũng sẽ khiến tâm lý họ ngày lại càng khém kín và nếu không vượt qua mặc cảm bị một số ít người trong xã hội khinh bỉ, ghét bỏ thì họ sẽ không thể vượt qua được rào cản này để hội nhập xã hội và phát triển bản thân.
Nói cách khác, ngoài việc vượt qua mặc cảm khuyết tật bản thân thì người khuyết tật cũng phải cố gắng vượt qua các kỳ thị của xã hội, để có thể được như vậy, bên cạnh hỗ trợ người khuyết tật bằng các ưu đãi trong các thiết chế xã hội thì nhà nước cần phải có các quy định cụ thể hơn về đạo đức lối sống xã hội trong mối
quan hệ giao tiếp giữa người không khuyết tật và người khuyết tật trong xã hội, các quy định này vừa mang tính “tình” nhưng cũng phải mang tính “lý”, có nghĩa là giáo dục ý thức coi người khuyết tật cũng là người có nhu cầu và có quyền bình đẳng trong mọi lĩnh vực thì bên cạnh đó nhà nước cũng phải có những chế tài bằng pháp luật để răn đe những trường hợp gây tổn hại cho nhau từ cả phía người khuyết tật và người không khuyết tật.
Tóm lại, chỉ có thể giúp họ hội nhập xã hội khi nhà nước đảm bảo các thiết chế xã hội đủ sức phục vụ cho nhu cầu hoạt động sống của các nạn nhân và xã hội, cộng đồng mở rộng hỗ trợ đối với các nạn nhân thì lúc đó họ mới có thể hội nhập xã hội và phát triển bản thân. Tuy nhiên, dựa trên tình hình xã hội thực tế địa phương nói chung và tỉnh Quảng Trị nói riêng vẫn còn nhiều hạn chế nhất định trong lộ trình giúp người khuyết tật hội nhập xã hội cả từ thiết chế xã hội lẫn thiết chế văn hóa của nhà nước.
Hệ thống làng xã khép kín và tự trị vốn có tác dụng trong tổ chức chống ngoại xâm, chống ảnh hưởng văn hóa ngoại lai và âm mưu đồng hóa, bảo vệ văn hóa truyền thống. Đồng thời, chính hệ thống ấy cũng kìm hãm phát triển sản xuất, kìm hãm sự giao lưu, duy trì nền kinh tế gia trưởng tự cung tự cấp. Là một nước có nền nông nghiệp sớm phát triển, đã từng xuất khẩu gạo nhưng đến nay, nông nghiệp của ta vẫn ở trình độ thấp.
- Về giá trị là những gì mà qua đó thành viên của một nền văn hóa xác định điều gì là đáng mong muốn và không đáng mong muốn, tốt hay không tốt, đẹp hay xấu...[34]. Trong một xã hội, các thành viên đều xây dựng quan điểm riêng về bản thân mình và về thế giới dựa trên những giá trị văn hóa. Trong quá trình trưởng thành, con người học hỏi từ gia đình, nhà trường, tôn giáo, giao tiếp xã hội...và thông qua đó xác định nên suy nghĩ và hành động như thế nào theo những giá trị của nền văn hóa. Giá trị là sự đánh giá trên quan điểm văn hóa nên khác nhau ở từng cá nhân nhưng trong một nền văn hóa, thậm chí có những giá trị mà đại đa số các thành viên trong nhiều nền văn hóa đều thừa nhận và có xu hướng trường tồn như tự do, bình đẳng, bác ái, hạnh phúc... Giá trị cũng luôn luôn thay đổi và ngoài xung đột về giá trị giữa các cá nhân hoặc các nhóm trong xã hội, trong chính bản
thân từng cá nhân cũng có xung đột về giá trị chẳng hạn như giữa thành công của cá nhân mình với tinh thần cộng đồng.
- Về chuẩn mực, là tổng số những mong đợi, những yêu cầu, những quy tắc của xã hội được ghi nhận bằng lời, bằng ký hiệu hay bằng các biểu trưng, mà qua đó xã hội định hướng hành vi của các thành viên. Chuẩn mực đạo đức thường được luật pháp hỗ trợ để định hướng hành vi của các cá nhân (ví dụ: hành vi ăn cắp là vi phạm chuẩn mực đạo đức, ngoài việc bị xã hội phản ứng một cách mạnh mẽ, luật pháp còn quy định những hình phạt có tính chất cưỡng chế). Nhưng tập tục truyền thống như quy tắc giao tiếp, ứng xử trong đám đông...thường thay đổi trong từng tình huống (ví dụ: người ta có đánh giá một gia đình qua các thành viên trong gia đình, nếu thành viên trong gia đình bị khuyết tật là do gia đình này ăn ở không tốt trong kiếp trước, nên nhận hậu quả ở kiếp này, nếu dính vào sẽ không tốt, nhận sự khinh thường, xa lánh, tách rời họ khỏi cộng đồng). Phật giáo lý giải[35] vấn đề khuyết tật, là do kết quả của nghiệp báo, tức là tạo thiện nghiệp thì được quả thiện, mà ác nghiệp thì được quả ác. Với luật nhân quả (ở ác, xấu xa, gặp quả báo, là gánh nặng của gia đình) đã gây khó khăn cho người khuyết tật trong hội nhập với xã hội, khi bị chính gia đình, cộng đồng xã hội xa lánh. Chính các chuẩn mực xã hội cũng tạo nên những khó khăn, cản trở người họ hội nhập. Thiếu thiết chế xã hội cụ thể đã làm cho người khuyết tật khó có thể hội nhập vào xã hội một cách đầy đủ, cho nên xây dựng một thiết chế chặt chẽ sẽ mang lại nhiều điều kiện tốt cho họ. Cho nên, để hội nhập thành công thì chúng ta cần xây dựng một thiết chế xã hội mạnh mẽ để thực hiện công việc này.
- Hội nhập văn hóa đó là cái mà xã hội giúp nạn nhân thương tật do tai nạn bom mìn vượt qua các định kiến xã hội, người khuyết tật cần được hướng dẫn để nhận thức rõ về những ưu khuyết, khả năng và giới hạn của mình cách đúng mức. Từ đó, họ có thể liệu sức để chọn cho mình một hướng đi đúng trong việc chọn lựa ngành nghề phù hợp với khả năng mà bản thân họ cho phép và cách ứng xử với mọi người xung quanh. Điều này giúp họ tránh được sự thất vọng tột cùng vì ước vọng một ngành nghề hay một công việc vượt quá tầm tay hoặc ngược lại, thì sẽ làm lãng phí tài năng của họ.
- Hỗ trợ nạn nhân thương tật do tai nạn bom mìn vượt quá chính bản thân, làm giảm mặc cảm đối với khiếm khuyết của bản thân là việc khó, nhưng để các nạn nhân có cái nhìn lạc quan trong cuộc sống hiện tại lại là việc khó hơn. Cái khó ở đây không hoàn toàn tùy thuộc vào bản thân người khuyết tật mà một phần lớn tùy thuộc vào thái độ của gia đình và xã hội có đồng cảm và chấp nhận họ hay không.
Sự thành công của một đời người không phụ thuộc vào sự khuyết tật hay không khuyết tật, bởi những rủi ro, bất trắc, mất mát trong cuộc sống gần như là chuyện bình thường của mỗi người. Vấn đề là con người có khắc phục được nó hay không, điều đó tùy thuộc vào mỗi cá nhân. Cần phải có một ý chí vững chắc, phải làm chủ được chính mình, bằng cách tự khắc phục, phải biết chuyển bại thành thắng, chuyển khó thành dễ. Sức mạnh của ý chí và nghị lực luôn là mục tiêu mà con người hướng tới. Nó là sức mạnh khiến con người có thể làm cho tri giác trở thành một cộng sự viên và một hướng dẫn viên cho sự vươn lên của con người. Do vậy, họ cần được bình đẳng trong việc tạo thuận lợi tiếp cận tài nguyên và phúc lợi xã hội. Khi họ có được một công việc để tự mưu sinh cuộc sống, họ sẽ cảm thấy mình sống có ích và cuộc đời có ý nghĩa, điều đó giúp họ có cái nhìn lạc quan hơn trong cuộc sống.
Hỗ trợ tham gia vào cộng đồng, thông thường, người khuyết tật rất ngại đi đến những nơi đông người để tham gia vào những hoạt động xã hội vì bản thân bị khuyết tật vận động, khó khăn trong di chuyển, đồng thời họ cũng muốn tránh những ánh mắt xoáy vào sự khiếm khuyết trên thân thể của họ. Tuy nhiên, không phải người khuyết tật nào cũng ngã gục trước những rào cản vô hình đó để thu mình trong phạm vi nhỏ hẹp để ngăn cách mình với mọi hoạt động xã hội. Vì giao tiếp (theo Maslow) là nhu cầu cấp cao trong năm nhu cầu căn bản của con người, mà qua đó người ta có thể khẳng định được vai trò của mình.
Hỗ trợ các nạn nhân thương tật do tai nạn bom mìn tham gia các hoạt động phục hồi thể lực là một hoạt động lành mạnh, nó giúp cho tinh thần người tham gia khỏe mạnh về cả thể chất lẫn tinh thần. Không ít người khuyết tật đã tìm đến thể thao để giải tỏa tinh thần và cũng có người xem nó như là một công việc,
mà đòi hỏi người tham gia có trách nhiệm, đồng thời công việc cũng tạo thu nhập cho người tham gia.
Tác động của gia đình đối với bản thân của các nạn nhân thương tật do tai nạn bom mìn là một yếu tố rất quan trọng. Cần thận trọng trong quá trình tác động, nếu không nó sẽ mang lại kết quả không mong muốn. Ví dụ, thay vì tác động tích cực vừa đủ nhằm giúp con cái thuận lợi hơn trong tiến trình hội nhập và phát triển thì lại can thiệp quá sâu đến nỗi làm mất tính năng động khiến con họ không còn muốn hội nhập và chỉ muốn co rút trong nhà. Sự hiểu biết và nhận thức đúng của cha mẹ là một yếu tố quyết định và rất quan trọng trong việc chăm sóc - giáo dục con cái, đặc biệt với người con khiếm khuyết của họ. Từ sự hiểu biết và nhận thức đúng về sự khiếm khuyết của trẻ giúp các bậc cha mẹ và những người nuôi dạy trẻ tại các cơ sở xã hội có một thái độ công bằng trong việc đối xử, chăm sóc và giáo dục giữa đứa trẻ bình thường và đứa trẻ khuyết tật. Đứa trẻ khuyết tật cần được tôn trọng đủ và vai trò của nó cần được đặt đúng vị trí của nó. Hội nhập thành công vào xã hội đó là nhà nước, cộng đồng hỗ trợ người khuyết tật vượt qua các định kiến xã hội, vượt qua mặc cảm của bản thân mình, đó chính là cách mà người khuyết tật vượt qua rào cản về văn hóa.
Hội nhập là một tiến trình hai chiều bao gồm từ phía các nạn nhân và phía cộng đồng. Đối với các nạn nhân là tự mình vận động, chứng minh khả năng đóng góp cho xã hội, về phía cộng đồng đó là việc xóa bỏ các thành kiến về người khuyết tật, tạo điều kiện bình đẳng cho mọi công dân, một số biệt đãi mang tính bù đắp cho họ.