CHƯƠNG I: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2. Lý thuyết áp dụng
2.2 Lý thuyết Chức năng
Thuyết chức năng xuất hiện từ nửa cuối thế kỷ 19 và phát triển thành công cụ lý luận chủ yếu dùng để xem xét và phân tích các hoạt động xã hội. Tuy xuất phát từ Châu Âu với nhưng lý thuyết này thật sự phát triển mạnh ở Mỹ, với những người khởi xướng cho ra lý thuyết này là H. Spencer và E. Durkhiem.
H. Spencer là một trong những học giả của thời kỳ xã hội học cổ điển sử dụng phép loại suy hữu cơ để so sánh một cách có hệ thống giữa xã hội với cơ thể sống. Nhưng chính ông cũng đã nhấn mạnh sự khác nhau giữa chúng, do đó ông gọi xã hội là một loại cơ thể siêu hữu cơ (superorganic body). Loại suy của ông bao hàm cả việc so sánh sự tương đồng cũng như khác biệt giữa hai loại hình ấy.
Emile Durkheim (1858-1917) vẫn được coi là người đầu tiên xây dựng khái niệm chức năng một cách có hệ thống và áp dụng vào nghiên cứu khoa học chặt chẽ đối với đời sống xã hội. Ông phát triển chức năng luận như là một cách thức phân tích xã hội học. Durkheim rất hay sử dụng mô hình hữu cơ trong phân tích.
Mô hình này nhìn xã hội như một tổng thể hữu cơ, mỗi bộ phận hợp thành của nó hoạt động để duy trì các bộ phận còn lại, cũng giống như các bộ phận của cơ thể
hoạt động để duy trì cả cơ thể. Tư tưởng này là cơ sở cho quan niệm của ông về gắn kết hữu cơ.
Từ những tư tưởng này các nhà xã hội học về sau như B. Malinowski, R.K.Merton, T.Parsons…. đã phát triển lý thuyết này ngày càng có tầm quan trọng hơn cho chuyên ngành xã hội học. Thuyết chức năng đạt tới vị trí phổ biến, được chấp nhận như là lý luận của xã hội học hiện đại trong xã hội học Mỹ những năm trước và sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Nhưng rồi đã bị phê phán mạnh trong thập niên 1960-1970. Vào thập niên 1980, nó lại phục hưng với cái nhãn “tân chức năng luận” (neo-functionalism). Bằng cách giữ lại một vài giả định của lý thuyết chức năng truyền thống, loại bỏ một vài cái khác, vay mượn một số cách nhìn của các tiếp cận khác, các nhà lý thuyết tân chức năng cố gắng tiếp thêm sinh lực cho chức năng luận để tiếp tục là một công cụ của phân tích xã hội học đương đại.
Tư tưởng cơ bản của lý thuyết chức năng ngày nay có thể tóm tắt như sau:
Bất kỳ một hệ thống ổn định nào cũng bao gồm những bộ phận khác nhau nhưng liên hệ với nhau, chúng cùng nhau vận hành để tạo nên cái toàn bộ, tạo nên sự ổn định hệ thống. Có thể xem là hiểu được một bộ phận trong hệ thống khi hiểu được cái cách mà nó đóng góp vào sự vận hành của hệ thống. Sự đóng góp vào việc vận hành ổn định của hệ thống được gọi là chức năng. Các bộ phận có tầm quan trọng chức năng khác nhau đối với hệ thống. Tóm lại, theo lý thuyết này thì các hiện tượng xã hội, các tổ chức xã hội hoặc mỗi cá nhân trong xã hội khi đã tồn tại nghĩa là đang tồn tại để thực hiện một chức năng nào đó, bao gồm cả chức năng công khai, chức năng tiềm ẩn, chức năng hay phản chức năng [21].
Khi đề cập đến đời sống của các nạn thương tật do tai nạn bom mìn tại Triệu Phong, Quảng Trị, đứng trên khía cạnh chức năng, điều đầu tiên cần phải hiểu được bản thân con người cũng là một tổng thể bao gồm các bộ phận và mỗi bộ phận có một chức năng riêng biệt và cơ thể sẽ hoạt động không tốt nếu các chức năng này không bỗ trợ cho nhau và cơ thể cũng sẽ không hoàn chỉnh nếu thiếu đi một chức năng nào đó. Trong trường hợp các nạn nhân thương tật do tai nạn bom mìn, bản thân họ đã là một tổng thể không hoàn chỉnh với các chức năng đã bị mất đi hoặc yếu đi khiến cho cơ thể muốn hoạt động tương đối hoàn chỉnh thì buộc các
chức năng khác phải biến đổi và bù đắp phần nào cho các chức năng đã khiếm khuyết. Ví dụ, người khuyết tật chân thì đôi tay phải phát triển vì đôi tay phải cầm nạng, phải thay chân di chuyển cơ thể nên tay phát triển và làm thay cả chức năng của chân và tương tự nếu người khuyết tật tay trái thì tay phải sẽ mạnh hơn và ngược lại. Hoặc người bị khiếm thị thì thính giác sẽ được phát triển hết mức và kiêm luôn chức năng định hướng và người khiếm thính thì thị giác sẽ được đẩy hết mức và kiêm luôn chức năng đoán chữ để “nghe”. Như vậy các bộ phận với các chức năng khác nhau của người khuyết tật đã phải mang thêm các chức năng khiếm khuyết khác nhằm giúp cho người khuyết tật vận động một cách tốt nhất cho phép.
Triệu Phong là một huyện có đông nạn nhân bị thương tật do tai nạn bom mìn, chiếm 18,70%, [22] đang sinh sống cũng đóng vai trò là một tổng thể với các bộ phận và các chức năng riêng biệt nhưng tập hợp với nhau tạo nên một chỉnh thể thống nhất. Triệu Phong là một huyện nghèo, có 107.817 dân, đời sống kinh tế xã hội của huyện đã có nhiều thay đổi trong thời gian gần đây, Kinh tế phát triển khá, tốc độ tăng bình quân hàng năm đạt 10,3%, thu nhập bình quân đầu người năm 2010 đạt 10,2 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, ngành nông - lâm - thuỷ sản chiếm 53,4%; công nghiệp - xây dựng chiếm 19,6%;
thương mại, dịch vụ chiếm 27,0% [23].
Do vậy có thể nói Triệu Phong là một chỉnh thể với sự gắn kết của các bộ phận. Các bộ phận với các chức năng riêng biệt nhưng hỗ trợ nhau tạo nên một tổng thể chặt chẽ. Do mỗi bộ phận là một chức năng rất cụ thể và tính chức năng hóa đó luôn được đề cao đến mức chi tiết, sẽ tạo ra tính ổn định cao cho huyện Triệu Phong trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội - văn hóa một cách hài hòa.
Dù các chức năng hóa có chuyên nghiệp nhưng nếu không tạo ra chức năng hỗ trợ các nạn nhân thương tật thì chắc chắn họ sẽ không có cơ hội hòa nhập với xã hội.
Bản thân họ khó có thể hòa nhập xã hội cộng đồng vì khiếm khuyết bản thân, nếu xã hội không có chức năng hỗ trợ họ sẽ bị bỏ rơi. Cụ thể hơn khi các nạn nhân bị bị tai nạn tại Triệu Phong muốn tham gia các hoạt động cộng đồng cơ bản như đi lại, học tập, vui chơi giải trí… nhưng ngay khi rời khỏi nhà, họ không được hỗ trợ các hạng mục cơ sở hạ tầng kỹ thuật xã hội cơ bản như đường dành cho người đi xe
lăn, hệ thống hỗ trợ dành riêng…thì các nạn nhân sẽ không có khả năng để được hòa nhập với xã hội nếu không muốn nói là hết cơ hội tự mình vận động mà không cần người khác hỗ trợ. Hơn nữa, là huyện nghèo, nên các chức năng quá cụ thể còn thiếu để hỗ trợ họ nên thật sự không thể phát triển bản thân toàn diện được.
Tóm lại, đối với lý thuyết chức năng, trong phạm vi đề tài nghiên cứu sẽ lý giải cho việc với các chức năng khiếm khuyết của người khuyết tật thì chính quyền sẽ tạo ra các chức năng hỗ trợ ra sao, các chức năng này có thật sự hữu ích cho họ hay không và các nạn nhân sẽ phát triển như thế nào nếu các chức năng hỗ trợ từ phía huyện Triệu Phong không thực sự được đầu tư đúng mức. Mỗi bộ phận trong cơ thể thực hiện một chức năng, khi nó bị mất đi thì phải có một nhân tố nằm bên ngoài thay thế, hỗ trợ, bổ sung... Có thể nói không thay thế 100% nhưng có thể giúp chức năng bị khiếm khuyết thực hiện nhiệm vụ của mình.