CHƯƠNG II. THỰC TRẠNG ĐỜI SỐNG CỦA CÁC NẠN NHÂN BỊ THƯƠNG TẬT DO
2. Đời sống của các nạn nhân bom mìn dưới góc độ tiếp cận xã hội học
3.8. Yếu tố mang tính kỳ thị xã hội
Một vấn đề nổi lên đó là sự kỳ thị, phân biệt đối với người khuyết tật. Kỳ thị hay phân biệt đối xử là vấn đề thường xảy ra với nhóm thiểu số và mang một số đặc điểm bị cho là bất lợi như; HIV, đồng tính luyến ái, người phạm tội và người khuyết tật.
Nghiên cứu năm 1963 của nhà xã hội học Erving Goffman đã miêu tả ba loại kỳ thị là: (1) "sự ghê sợ về cơ thể" tức là những kỳ thị liên quan đến những biến dạng thể chất; (2) "nhược điểm về tính cách của một cá nhân" chẳng hạn như một người bị coi là thiếu ý chí nếu có những đam mê không bình thường hoặc không trung thực; (3) "kỳ thị bộ lạc", tức là kỳ thị về sắc tộc, quốc tịch hoặc tôn
giáo hoặc là việc tham gia một tổ chức xã hội bị khinh miệt. Kỳ thị là một quá trình xã hội, đã sản sinh và tái sản sinh ra những mối quan hệ về quyền lực và sự kiểm soát. Dựa trên đặc để phân loại kì thị, như vậy tình trạng khuyết tật có thể nằm trong loại kỳ thị thứ nhất; song một số dạng khuyết tật nào đó cũng có thể dẫn đến loại kỳ thị thứ hai. Kì thị đối với người khuyết tật xuất hiện trong việc không tiếp nhận người khuyết tật vào làm việc, tỏ thái độ miệt thị... xảy đến với người khuyết dù cho là khuyết tật vận động hoặc trí tuệ.
Chủ nghĩa người khỏe mạnh (ableism) là một khái niệm mới ở nước Mĩ đã được sử dụng để mô tả sự kì thị người khuyết tật với mức độ mạnh, nhằm ủng hộ những người không khuyết tật. Một xã hội cho người khỏe mạnh là xã hội ứng xử với người không khuyết tật theo tiêu chuẩn "sống bình thường", và kết quả là các địa điểm, công trình dịch vụ, giáo dục và xã hội thuộc công cộng và tư nhân đều được xây dựng để phục vụ người khỏe mạnh, loại trừ khả năng tiếp cận của người khuyết tật. Chủ nghĩa này cũng đã ngấm vào cả ngôn ngữ trong xã hội, những từ kiểu như "què quặt", "đần độn"... được những người khỏe mạnh hay sử dụng. Nó gây khó khăn cho họ khi đi tìm việc làm, buộc học sinh phải ra khỏi các trường đại học và trường cao đẳng, tạo ra những rào cản xã hội, đặc biệt là đối với những người khuyết tật nặng muốn sống độc lập, muốn có lối sống chủ động.
Năm 2007 được sự tài trợ của Quỹ Ford, Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội (ISDS) đã tiến hành khảo sát 4 tỉnh thành ở Việt Nam và đưa ra một vài con số thống kê sau đây về quan điểm của cộng đồng về người khuyết tật - qua đó cho thấy sự phân biệt đối xử đối với người khuyết tật chính là rào cản chính hội nhập xã hội:
Bảng 18: Thái độ cộng đồng với người khuyết tật
Thái dộ của Cộng đồng với người khuyết tật Tỉ lệ quan điểm đồng ý
Đáng thương 98% đến 99%
Người khuyết tật là người ỷ lại 18% đến 23%
Người khuyết tật không thể có cuộc sống bình thường 40% đến 59.4%
Người khuyết tật bị như vậy là do số phận 56% đến 65%
Người khuyết tật đáng phải gánh chịu số kiếp khuyết tật như vậy vì họ phải trả giá cho việc làm xấu xa ở kiếp trước
14% đến 21%
Gặp phải người khuyết tật là gặp phải vận đen 17%
Phân biệt đối xử bởi chính gia đình mình (dựa trên việc đặt câu hỏi với những người quen biết người khuyết tật – lý do là người trong gia đình sẽ không nói thật về hành vi phân biệt đối xử của chính họ). Trích điều tra về tình trạng của người khuyết tật và gia đình tại Thái Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam và Đồng Nai do Viện nghiên cứu xã hội thực hiện vào năm 2007 dưới sự tài trợ của Quỹ Ford.
Coi thường người khuyết tật (16%)
Coi là gánh nặng cuộc đời (40%)
Coi là vô dụng (20,7%)
Thường xuyên lăng mạ (14,2 %)
Bỏ mặc không chăm sóc (8,5%)
Bỏ rơi (7,1%)
Không cho ăn (4,3%)
Khóa/xích trong nhà (10.2%)
Bắt đi ăn xin (1,5%)
Qua thực tế cho thấy chính do những định kiến, nhận thức phiến diện, lệch lạc về sự khiếm khuyết của người khuyết tật, mà gia đình và cộng đồng vô tình hay cố ý, trực tiếp hay gián tiếp dựng lên nhiều rào cản đối với người khuyết tật, làm cho tình trạng khó khăn của họ trở nên nặng nề hơn. Sau đây chỉ là một số rào cản phổ biến nhất đang tồn tại từ trong gia đình người khuyết tật đến ngoài xã hội :
Cho rằng người khuyết tật không thể làm được gì, không thể học hỏi hay phát triển được (đặc biệt đối với người chậm trí), hoặc nếu có học cũng không làm việc được nên không quan tâm tạo điều kiện cho trẻ khuyết tật đi học.
Nhiều người vẫn quan niệm người khuyết tật là những đối tượng chỉ có thể nhận sự giúp đỡ, thương hại của mọi người. Điều này dẫn đến việc nhiều chương trình, hoạt động cho người khuyết tật thường mang tính từ thiện, phong trào mà không chú trọng đến sự phát triển của họ. Họ không được hỏi ý kiến hoặc tham gia vào những vấn đề liên quan đến chính họ.
Ngoài những thái độ, cách hành xử tiêu cực hoặc “bỏ quên” người khuyết tật như đã đề cập ở trên, còn có một thái cực khác: yêu cầu, trông đợi sự nỗ lực vượt bậc của người khuyết tật – bằng cách đòi hỏi người khuyết tật phải thay đổi, phải tự thích nghi với tất cả những điều kiện, tình trạng đã có; họ phải học hành, làm việc đạt kết quả và tiến bộ như người không khuyết tật, vì dân gian có câu :
“có tật có tài” … Quan niệm này thoạt nghe có vẻ tích cực nhưng nhiều khi lại phản tác dụng và cũng là một thứ rào cản.
Điều đáng buồn hơn nữa là một số người lấy sự khiếm khuyết của người khuyết tật làm trò hề trước công chúng, những tiếng cười vô tâm đó đã vô tình làm cho hố sâu của rào cản sự hội nhập càng thêm rộng ra. Nói cách khác, họ đang làm gia tăng sự mặc cảm, tự ti, thiếu niềm tin vào bản thân và cuộc sống ngày càng trầm trọng hơn. Nhiều nước trên thế giới đã có chính sách xã hội riêng dành cho người khuyết tật. Chính phủ trợ cấp tiền tạo điều kiện để Người khuyết tật được học nghề và có được việc làm nuôi sống bản thân, khuyến khích các công ty, doanh nghiệp thuê người khuyết tật vào làm... Có thể ở các nước đang phát triển chưa có đủ điều kiện để hỗ trợ, tạo thuận lợi cho người khuyết tật hội nhập cộng đồng tốt như ở các nước phát triển, nhưng người khuyết tật cần lắm thái độ tôn trọng, không kỳ thị của mọi người để có thể tự tin và vui sống hơn. Đồng thời cũng cần hiểu rằng, bất cứ người lành lặn nào cũng có nguy cơ tiềm ẩn trở thành người khuyết tật .
Hiện nay, xã hội nhìn nhận về người khuyết tật còn có nhiều định kiến và nhiều khắt khe, hơn nữa người khuyết tật chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng số dân nên một số người vẫn còn có quan điểm gánh vác, làm thay cho họ. Không quá cần thiết phải xây dựng những hỗ trợ đặc biệt cho người khuyết tật tại trường học, nơi công cộng. Chính những quan niệm này một phần hạn chế tiến trình hội nhập cộng đồng của người khuyết tật. Mở rộng hoạt động tiếp cận cho người khuyết tật, chúng ta khẳng định tính nhân văn của con người Việt Nam. Tuy nhiên sự bất bình thường do khuyết tật của cơ thể không phải là lý do để cách ly một con người ra khỏi đời sống xã hội. Người khuyết tật càng khó thích nghi, khó tiếp cận xã hội thì càng phải quan tâm tạo điều kiện nhiều hơn để họ có thể sống, hội nhập
xã hội. Giải quyết các vấn đề của người khuyết tật không chỉ là trách nhiệm của nhà nước và các ban ngành mà đó là trách nhiệm của mọi người, là trách nhiệm chung chứ không phải của riêng ai.
Tạo điều kiện cho người khuyết tật sống bình đẳng hay hội nhập cộng đồng đang trở thành xu hướng phổ biến thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm giữa con người với nhau, tất cả các quốc gia trên thế giới đều có những nỗ lực riêng của mình nhằm thúc đẩy quá trình xã hội hóa tạo điều kiện cho người khuyết tật hội nhập cộng đồng.