Chương 1 TỔNG QUAN LÝ THUYẾT VÀ THỰC TIỄN VỀ QUẢN
1.3. Tổng quan lý thuyết và thực tiễn quản lý và hạch toán chi phí môi trường
Nhận thức về các vấn đề môi trường và phát triển bền vững ở Việt Nam cũng đã có những bước tiến đáng kể. Có thể lấy ý kiến của GS. Lê Quý An, Chủ tịch Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam để phản ánh điều đó. Ông cho rằng
“Cần tính toán đầy đủ sự tái tạo của tài nguyên, khắc phục ô nhiễm môi trường mới thấy được giá trị thực của GDP. Lấy ví dụ của Mexico, chi phí cho môi trường làm giảm đến 12% GDP. Còn ở Trung Quốc, tính toán thử 1 năm thì thấy rằng tổn thất do suy thoái tài nguyên làm GDP giảm đi xấp xỉ 10%. Điều đó có tính định hướng để cảnh báo rằng nếu phát triển kinh tế mà không chú ý đến các vấn đề môi trường thì sẽ có sự tăng trưởng giả tạo, mà cái nợ này là gán cho tương lai” (Bài phát biểu trong Hội nghị môi trường toàn quốc năm 2005).
Tuy nhiên, hạch toán môi trường nói chung và quản lý, hạch toán chi phí môi trường nói riêng vẫn là một khái niệm mới mẻ ở nước ta. Các công trình, tài liệu và báo cáo mới dừng lại ở góc độ tiếp cận để nghiên cứu khả năng áp dụng hạch toán môi trường vào Việt Nam.
1.3.1. Những tiếp cận trên phương diện lý thuyết về quản lý và hạch toán chi phí môi trường ở Việt Nam
Nguyễn Chí Quang (2002) [10, tr 37-38] coi các hoạt động môi trường trong doanh nghiệp bao gồm các hoạt động liên quan tới quản lý môi trường, kiểm toán môi trường, quản lý và xử lý chất thải, trong đó bao gồm cả các hoạt động có liên quan tới an toàn phòng cháy chữa cháy, an toàn lao động… Các hoạt động bảo vệ môi trường được liệt kê khá chi tiết, song khó áp dụng vào thực tế vì các hoạt động sản xuất hầu hết đều có liên quan tới các hoạt động môi trường kể trên. Bên cạnh đó, tài liệu cũng đưa ra các khái niệm và căn cứ phân loại chi phí môi trường tương tự như tài liệu của USEPA (1995).
Trong các tài liệu khác [11],[12] tác giả Nguyễn Chí Quang đã nêu lên tính cấp thiết và hiệu quả của việc thành lập quỹ môi trường trong giai đoạn kinh tế chuyển đổi, cũng gián tiếp đề cập tới việc quản lý và tính toán các khoản chi cho môi trường. Việc đưa các thông tin môi trường vào trong các quyết định kinh doanh có thể thực hiện được thông qua hạch toán môi trường.
Chu Đức (2000) [5] đã áp dụng mô hình toán trong hạch toán kinh tế môi
trường cho một vùng (quốc gia), xác định lãi lỗ về môi trường tương ứng với các ngành sản xuất, chỉ ra giá trị thiệt hại môi trường trong tổng giá trị GDP và dự báo giá trị thiệt hại về môi trường theo thời gian và tương ứng với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.
Phần lớn các công trình nghiên cứu được thực hiện do những áp lực về ô nhiễm môi trường đã gia tăng quá nhanh trong những năm vừa qua, vì thế các tài liệu nghiên cứu chủ yếu đặt trọng tâm vào xây dựng các giải pháp khắc phục ô nhiễm theo công nghệ “cuối đường ống”, chưa có tài liệu nào nghiên cứu một cách toàn diện và chính thống về quản lý và hạch toán chi phí môi trường.
1.3.2. Những nghiên cứu ứng dụng quản lý và hạch toán chi phí môi trường tại Việt Nam
Nguyễn Chí Quang [13] trong đề tài khoa học công nghệ cấp thành phố thực hiện tại Hà Nội vào năm 2004 đã dựa trên cơ sở phương pháp luận của EMA và ứng dụng thử nghiệm về hạch toán chi phí môi trường cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của thành phố Hà Nội, tạo nên tiền đề cho việc xây dựng phương pháp luận cho hạch toán chi phí môi trường trong doanh nghiệp tại Việt Nam.
Dự án EMA thực hiện tại các nước Đông Nam Á (hoàn thành vào năm 2007) được tài trợ bởi tổ chức InWent của Liên bang Đức, thử nghiệm vào 4 doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam, cũng đã thu được những ích lợi nhất định.
Nguyễn Văn Song và Nguyễn Văn Hanh [14] đã có những tính toán chi phí môi trường ngoại ứng của việc khai thác than vào giá cả của số đơn vị Ki lô oát giờ điện (Kwh) từ các nhà máy nhiệt điệt đốt than. Trong đó các chi phí môi trường được tính trên góc độ rộng, cho cả vùng than.
Lâm Minh Triết và các đồng nghiệp thuộc Văn phòng chiến lược quản lý môi trường thành phố Hồ Chí Minh đã lập “Mô hình nghiên cứu cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (gồm Thành phố HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu)” và chỉ ra các hoạt động kinh tế trong vùng khi tạo ra được 1 tỷ đồng đã thải ra 3.1 tấn BOD5; 5.9 tấn chất rắn lơ lửng; thải vào không khí 2.9 tấn CO2 và thải ra đất 44.4 tấn chất thải rắn (giai đoạn 1999-2002) và tại thành phố Hồ Chí Minh thì tốc độ tăng GDP trong (1999-2002) là 1.35 lần thì tốc độ gia tăng lượng rác sinh hoạt là
2.7 lần. Điều này rõ ràng là một tương quan không bền vững. Đây có thể được xem như là kết quả của việc hạch toán chi phí môi trường theo hiện vật.
Ngoài ra, trong các báo cáo khả thi của các dự án đầu tư có trình bày nội dung tính toán chi phí môi trường, song việc tính toán này chỉ là khái toán, các kết quả tính toán rất sơ lược, không dựa trên nhu cầu thực tiễn về bảo vệ môi trường.
Ở góc độ hạch toán kinh doanh trong doanh nghiệp, với sự ban hành các chuẩn mực kế toán thì các chuẩn mực có liên quan tới vấn đề môi trường bao gồm chuẩn mực kế toán số 01 quy định tiêu chuẩn một khoản chi thỏa mãn là tài sản, chi phí, doanh thu, nợ phải trả và chuẩn mực số 18 về lập dự phòng, tài sản và nợ tiềm tàng.
Tuy nhiên, các chuẩn mực mới ban hành và đang được thực hiện mang tính chất thử nghiệm và vừa áp dụng, vừa điều chỉnh nên doanh nghiệp khi áp dụng có nhiều lúng túng. Vì thế với các khoản chi phí phải chi ra trong tương lai sẽ không được coi là chi phí hợp lý (đây là sự khác nhau cơ bản giữa kế toán và hạch toán với tư cách là nguyên tắc quản lý như đã nói ở phần trên) vì không có bằng chứng chắc chắn, do đó hạn chế các doanh nghiệp lập dự phòng về khoản nợ phải trả về chi phí khắc phục, tái tạo môi trường khi kết thúc hoạt động kinh doanh.
Nhận xét:
v Lý thuyết về hạch toán môi trường nói chung và hạch toán chi phí môi trường nói riêng là những vấn đề mới mẻ, mới được nghiên cứu tiếp cận để đúc rút các bài học có thể áp dụng vào Việt Nam, cho nên các công trình nghiên cứu và ứng dụng trong lĩnh vực này tại Việt Nam còn rất hạn chế, đặc biệt là chưa trở thành các quy định, hướng dẫn trong các văn bản pháp quy có liên quan. Với rất nhiều các doanh nghiệp của Việt Nam thì việc thực hiện quản lý và hạch toán chi phí môi trường có nhiều bất cập và chưa được quan tâm thích đáng. Đây là một khoảng trống cần phải hoàn thiện rất nhiều trong thời gian tới.
v Do chưa làm rõ căn cứ làm cơ sở cho việc nhận dạng cụ thể chi phí môi trường nên việc tính toán các mức chi phí môi trường cần thiết để thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường và xây dựng các cơ chế chính sách quản lý, tài trợ các khoản này cho phù hợp với điều kiện của các doanh nghiệp và tình hình phát triển chung của nước ta còn gặp rất nhiều lúng túng.
v Sự nhận thức về chi phí môi trường không đầy đủ, còn hạn hẹp nên các chi phí môi trường bị đánh giá thấp, không được tính toán, đo lường cũng như quản lý một cách hiệu quả.