Chương 1 TỔNG QUAN LÝ THUYẾT VÀ THỰC TIỄN VỀ QUẢN
1.4.2. Quản lý và hạch toán chi phí môi trường trong khai thác khoáng sản tại Việt Nam
Tiến sĩ Nguyễn Văn Song và Nguyễn Văn Hanh [14] đã có một nghiên cứu công phu trong quá trình xác định giá điện của các nhà máy nhiệt điện Việt Nam.
Trong đó, các tác giả đề xuất giá cả của điện thương phẩm phải tính thêm cả chi phí môi trường của việc khai thác than và sản xuất điện. Đây là nghiên cứu đã sử dụng
kỹ thuật hạch toán chi phí vòng đời và hạch toán chi phí đầy đủ để hạch toán đầy đủ giá thành của điện năng. Các chi phí môi trường trong khai thác các mỏ than được lập mô hình tính toán và gồm có: Chi phí khám chữa bệnh và điều trị cho người công nhân bị bệnh nghề nghiệp; Chi phí đền bù cho những công nhân bị thương khi lao động; Chi phí bồi thường cho những người bị thiệt mạng do không đảm bảo an toàn; Giá trị thiệt hại do phải ngừng việc; Chi phí xử lý ô nhiễm bên trong mỏ; Chi phí điều trị bệnh tật cho dân chúng trong khu vực lân cận bãi thải; Thiệt hại về du lịch và giá trị giải trí của vùng quanh khu vực khai thác; Thiệt hại về nông nghiệp, rừng và nguồn cá; Chi phí sửa chữa cơ sở hạ tầng do các công ty than gây hỏng hóc, xuống cấp.
Tài liệu cũng đưa ra những dự báo về xu hướng biến động của chi phí môi trường trong khai thác than theo thời gian và công suất khai thác mỏ. Đây là một trong số ít các tài liệu đã có những tính toán chi phí môi trường ngoại ứng để xác định giá trị thiệt hại mà quá trình khai thác than đã gây ra cho xã hội. Tuy nhiên các chi phí kể trên có thực sự là chi phí môi trường hay không và việc tính toán thực sự đã đầy đủ chưa, việc xử lý các chi phí này như thế nào trong hệ thống hạch toán thì tài liệu chưa đề cập.
Nguyễn Chí Quang (1998) [12] đưa ra đề xuất thành lập Quỹ môi trường Than Việt Nam, trong đó đề cập tới nguồn hình thành quỹ, cơ chế quản lý và giải ngân.
Đây cũng là căn cứ để TVN (hiện là TKV) xây dựng cơ chế, chính sách quản lý và hạch toán các khoản chi cho môi trường từ quỹ môi trường tập trung của ngành than Việt Nam và trong các doanh nghiệp than thành viên.
Hiện nay TKV là một trong các tập đoàn kinh tế đã xây dựng quỹ BVMT ngành và xây dựng quy chế tạo lập, sử dụng và giải ngân. Công tác quản lý và hạch toán CPMT ở Tập đoàn, trong các thành viên đã được hình thành và được điều chỉnh dần trong khi thực hiện, song hiện tại CPMT vẫn không được hạch toán thống nhất, quá trình quản lý không chặt chẽ nên hiệu quả của chi phí chi ra không được đánh giá. Do đó, mặc dù với chi phí chi ra ngày càng lớn, song môi trường ở các khu vực khai thác than vẫn chưa được cải thiện đáng kể.
Với các ngành khai thác khoáng sản khác, theo yêu cầu của luật khoáng sản
và luật BVMT, hầu hết các công ty khai thác mỏ đã thực hiện việc khắc phục ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản gây ra. Đặc biệt trong báo cáo tiền khả thi của các dự án mở rộng và khai thác khoáng sản đều có những tính toán về chi phí môi trường, song với mức độ sơ sài, việc hạch toán, quản lý nó chưa được đề cập.
Như vậy, có thể tóm tắt nội dung của chương 1 qua những kết luận cơ bản sau:
1. Về phương pháp luận quản lý CPMT
a) Phương pháp luận quản lý CPMT chưa được nghiên cứu độc lập và toàn diện.
b) Là một lĩnh vực rộng, bao gồm nhận dạng, phân loại, đo lường CPMT; lập kế hoạch CPMT; tổ chức thực hiện; kiểm tra, giám sát để tìm kiếm cơ hội cắt giảm và nâng cao hiệu quả cũng như xây dựng cơ chế chính sách tài trợ cho CPMT.
c) Được thực hiện nhằm mục đích tăng cường hiệu quả tài chính và môi trường trong một doanh nghiệp.
d) Nguyên tắc chung: Ai gây ra tác động và thiệt hại môi trường thì người đó phải bỏ chi phí để khắc phục.
e) Để quản lý chi phí môi trường, việc lựa chọn các mô hình quản lý có thể dựa trên: (i) Quản lý theo nguồn tài trợ; (ii) Quản lý theo loại chi phí; (iii) Quản lý theo mục tiêu, theo hoạt động và dự án.
f) Hiện tại, quản lý CPMT chưa thực hiện đầy đủ các bước trên và đây là một lĩnh vực cần quan tâm nghiên cứu và hoàn thiện.
2. Về phương pháp luận hạch toán chi phí môi trường
a) Chưa được tiếp cận và hoàn thiện như một môn khoa học độc lập, được phản ánh trong các nội dung của kế toán quản trị môi trường và kế toán tài chính môi trường.
v Kế toán quản trị môi trường đóng vai trò trong việc cung cấp các công cụ để nhận dạng, phân loại, xác định và phân bổ chi phí môi trường một cách thích hợp cho các đối tượng có liên quan, cung cấp thông tin phục vụ cho việc ra quyết định nội bộ.
v Kế toán tài chính môi trường sử dụng các chuẩn mực kế toán để ghi nhận, phân biệt các khoản chi cho môi trường, từ đó đưa ra phương pháp phản ánh vào tài khoản và công bố các thông tin về chi phí môi trường ra bên ngoài.
b) Hạch toán CPMT bao gồm: Xác định căn cứ làm cơ sở để nhận dạng CPMT; tiến hành nhận dạng CPMT; Phân loại CPMT (Dựa vào tính chất phát sinh, yêu cầu quản lý); Thực hiện đo lường, tính toán, ghi chép và sử dụng thông tin cho quản lý CPMT.
c) Mục đích của hạch toán CPMT là xác định CPMT tạo căn cứ cho việc huy động đúng, đủ kinh phí cho hoạt động bảo vệ môi trường; Góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng chi phí môi trường và xác định chính xác giá thành sản phẩm; Cung cấp thông tin chính xác về chi phí môi trường phục vụ cho việc ra quyết định nội bộ và lập báo cáo tài chính.
d) Nhiệm vụ của hạch toán CPMT là phản ánh CPMT với nguyên tắc hạch toán là tính đúng, tính đủ CPMT.
e) Hạch toán CPMT được thực hiện trong phạm vi quốc gia hoặc doanh nghiệp. Đề tài luận án nghiên cứu hạch toán chi phí môi trường trong phạm vi doanh nghiệp.
3. Về đối tượng của quản lý và hạch toán CPMT: Các khái niệm về CPMT chưa được làm rõ, CPMT không được nhận dạng đầy đủ thống nhất do các căn cứ được sử dụng trong nhận dạng chúng không được xây dựng.
CPMT trong doanh nghiệp có thể được phân chia làm nhiều loại, tùy theo yêu cầu quản lý của từng doanh nghiệp, song chung quy lại, CPMT bao gồm hai loại chủ yếu: Chi phí giảm thải và chi phí thiệt hại (Tổng CPMT = Chi phí giảm thải ô nhiễm + Chi phí thiệt hại môi trường). Mặc dù có một số doanh nghiệp đã thu được những lợi ích đáng kể từ việc đo lường và kiểm soát có hiệu quả CPMT song nhìn chung việc thực hiện quản lý và hạch toán CPMT còn nhiều bất cập, do CPMT chưa được nhận dạng rõ ràng, đầy đủ.
4. Về quản lý và hạch toán CPMT trong các doanh nghiệp khai thác khoáng sản
a) Mặc dù gây ra nhiều tác động nghiêm trọng cho môi trường, song trong các
doanh nghiệp khai thác khoáng sản, có rất ít các công trình, tài liệu nghiên cứu và ứng dụng về quản lý và hạch toán CPMT.
b) Chủ yếu được đề cập ở cấp độ vĩ mô, thông qua hạch toán tài nguyên.
c) Trong phạm vi của một doanh nghiệp, CPMT của việc khai thác khoáng sản không được xác định đầy đủ rõ ràng, chỉ có một phần nhỏ CPMT được ghi nhận và thường bị nằm “ẩn” trong khoản mục chi phí chung cho sản xuất, không phản ánh đúng quy mô và tính chất của chi phí.
d) Việc công khai những thông tin về chi phí môi trường trong các doanh nghiệp này bị hạn chế và giá thành sản phẩm được tính toán không chính xác.
5. Để quản lý và hạch toán CPMT nhằm đảm bảo sử dụng CPMT đúng mục đích, đạt hiệu quả, phải xây dựng các căn cứ nhận dạng CPMT và sử dụng kết hợp các tiêu thức khác nhau trong phân loại CPMT.
6. Quản lý và hạch toán chi phí môi trường tại Việt Nam là lĩnh vực mới mẻ, có rất ít các công trình nghiên cứu và ứng dụng thử nghiệm. Trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, trên thực tế gặp phải 4 vấn đề nổi lên trong quản lý và hạch toán chi phí môi trường tại Việt Nam là:
a) Các căn cứ được sử dụng để nhận dạng CPMT chưa được xây dựng để làm cơ sở cho việc xác định đúng đắn CPMT.
b) Các căn cứ để tính toán chi phí môi trường bao gồm hệ thống các định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá, chế độ chính sách thuế, phí có liên quan, thiết kế các hoạt động bảo vệ môi trường... còn thiếu hoặc chưa chuẩn xác.
c) Khung pháp lý trong việc yêu cầu thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp không chặt chẽ hoặc chưa hợp lý cộng thêm việc tổ chức thanh kiểm tra, giám sát việc thực hiện còn nhiều yếu kém gây nên sự chây ỳ và không thực hiện đầy đủ trách nhiệm bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp, dẫn đến các chi phí môi trường thực sự không được hạch toán, hoặc hạch toán chưa đúng và đầy đủ.
d) Chính vì 3 lý do trên mà hiện nay ở Việt Nam công tác quản lý và hạch toán chi phí môi trường còn nhiều bất cập và cần nghiên cứu hoàn thiện.