Những căn cứ được sử dụng để nhận dạng chi phí môi trường trong doanh nghiệp khai thác than thuộc TKV

Một phần của tài liệu Nghiên cứu mô hình quản lý và hạch toán chi phí môi trường trong doanh nghiệp khai thác than việt nam (Trang 83 - 87)

Chương 2 PHÂN TÍCH ĐÁNH GIÁ HIỆN TRẠNG QUẢN LÝ VÀ HẠCH TOÁN CHI PHÍ MÔI TRƯỜNG TRONG DOANH NGHIỆP

2.2. Phân tích đánh giá công tác quản lý và hạch toán chi phí môi trường trong ngành than Việt Nam (TKV)

2.2.2. Những căn cứ được sử dụng để nhận dạng chi phí môi trường trong doanh nghiệp khai thác than thuộc TKV

2.2.2.1. Các hoạt động BVMT

a) Cơ sở để nhận dạng, phân loại các hoạt động bảo vệ môi trường Luật BVMT năm 1993 không quy định về các hoạt động BVMT.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 đã có bổ sung và quy định về các hoạt động BVMT tuy nhiên còn chung chung, về cơ bản có thể quy các hoạt động BVMT làm 4 nhóm:

v Nhóm các hoạt động khắc phục, xử lý, cải tạo, ứng phó sự cố môi trường;

v Nhóm các hoạt động ngăn ngừa ô nhiễm môi trường;

v Nhóm các hoạt động sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên;

v Nhóm các hoạt động bảo vệ đa dạng sinh học.

Trong Quy định về quản lý hoạt động bảo vệ môi trường và phòng chống sự cố môi trường theo quyết định 699/QĐ-TCCB-ĐT năm 1999, đã sửa đổi bổ sung năm 2003 của TKV thì các hoạt động BVMT trong hoạt động sản xuất than gồm:

v Công tác xây dựng kế hoạch hàng năm và chiến lược về BVMT;

v Các hoạt động quản lý, quan trắc môi trường ở trong ranh giới, vùng liên mỏ, khu lân cận và quản lý điều hành quỹ môi trường;

v Các hoạt động khắc phục, xử lý, cải tạo môi trường;

v Các hoạt động phòng ngừa, ngăn chặn ô nhiễm môi trường;

v Đảm bảo các nguồn lực sẵn sàng cho ứng phó các sự cố môi trường;

v Nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học nhằm giảm thiểu ô nhiễm;

v Các hoạt động ủng hộ, đóng góp phí, lệ phí cho bảo vệ môi trường.

b) Thực tiễn công tác nhận dạng và phân loại hoạt động bảo vệ môi trường

Trên thực tế, việc nhận dạng hoạt động bảo vệ môi trường trong ngành than còn gặp nhiều lúng túng do các quy định của Nhà nước và ngành than không cụ thể, chưa gắn kết với những đặc điểm riêng của hoạt động sản xuất than. Nếu căn cứ theo cơ sở phân định đã nói ở trên, xét chi tiết, có thể nhận thấy hầu hết các hoạt động sản xuất kinh doanh than đều là các hoạt động bảo vệ môi trường, đó là :

v Hoạt động tưới nước trên đường vận tải trong và ngoài mỏ, tưới nước dập bụi tại các điểm phát sinh bụi;

v Các hoạt động phòng chống, khắc phục hậu quả lụt bão;

v Công tác thông gió và quản lý khí trong mỏ hầm lò, trong các xưởng sản xuất, sửa chữa;

v Công tác an toàn và trang bị bảo hộ lao động;

v Trồng cây xanh và làm vệ sinh xung quanh cơ quan;

v Nạo vét kênh mương thoát nước; kè bãi thải đất đá; bơm nước moong, thoát nước mỏ;

v Tận thu than trong bãi thải đất đá, trong bể lắng bùn của nhà máy tuyển;

v Cải tiến công nghệ để nâng cao hệ số thu hồi than, giảm tổn thất than trong quá trình khai thác, vận chuyển, sàng tuyển;

v Thay thế việc sử dụng vật liệu cũ bằng vật liệu mới an toàn hơn, ít độc hại hơn;

v Nghiên cứu khoa học, công nghệ như nghiên cứu đánh giá nước ngầm, hệ thống thông gió, v.v.

Chính vì vậy, trong quá trình phân loại hoạt động bảo vệ môi trường hay quản lý các khoản đầu tư, chi phí cho các hoạt động bảo vệ môi trường còn dựa vào kinh nghiệm và tính chủ quan của các nhà quản lý, dẫn đến việc xác định nguồn tài trợ cho các khoản chi phí không nhất quán giữa các đơn vị và trong toàn ngành. Chẳng hạn như việc khắc phục sạt lở bãi thải do mưa bão, có thể được bù đắp bằng chi phí chống mưa bão (tính vào chi phí sản xuất), hoặc từ quỹ môi trường toàn ngành, hoặc từ khoản chi để lại ở các công ty (được coi là chi phí môi trường) …

Bên cạnh đó, việc đồng nhất các hoạt động BVMT với các hoạt động sản xuất kinh doanh than là phổ biến, dẫn đến việc các đơn vị không chú ý phân định các hoạt động này dẫn đến chi phí môi trường không được nhận dạng cụ thể.

2.2.2.2. Những tác động môi trường do hoạt động sản xuất than làm phát sinh chất thải

Như đã nêu trong mục 2.2.1, hoạt động sản xuất than gây ra tác động tới tất cả các thành phần môi trường. Tuy nhiên, có thể nhận thấy các vùng khai thác than bị

ô nhiễm nặng do bụi, khí thải, nước thải, đất đá thải. Các chất thải tạo ra trong hoạt động sản xuất than chính là nguồn gốc gây ô nhiễm môi trường. Điều này không chỉ gây thiệt hại cho môi trường mà còn gây thiệt hại trực tiếp đến bản thân các doanh nghiệp khai thác than, bởi vì:

v Các doanh nghiệp phải chi phí cho việc khắc phục, xử lý và phòng ngừa hậu quả từ các tác động do chất thải gây ra cho môi trường.

v Các doanh nghiệp phải tiêu hao nguồn lực trong hoạt động sản xuất có phát sinh chất thải, tạo ra tính phi hiệu quả của đồng chi phí sản xuất chất thải.

Vì vậy, trong hoạt động sản xuất than, cần phải quan tâm thích đáng đến kiểm soát các chất phát thải làm căn cứ cho:

v Quản lý có hiệu quả nguồn phát thải phù hợp với từng loại chất thải;

v Thiết kế công nghệ sản xuất sạch hơn;

v Tăng cao hiệu quả chi phí sản xuất;

v Xác định hiệu quả của hoạt động BVMT;

v Lựa chọn các quyết định kinh doanh mang tính hiệu quả kinh tế và môi trường;

v Tính toán bồi thường khi có thiệt hại môi trường;

v Xây dựng các mức phí, lệ phí môi trường phù hợp với đặc điểm của sản xuất than.

a) Cơ sở nhận dạng

Hiện nay, việc đánh giá tác động môi trường trong khai thác than chủ yếu là xác định các thông số môi trường và so sánh với tiêu chuẩn mà Việt Nam ban hành.

Việc tính toán đo lường chất thải trong sản xuất than là nguyên nhân chính gây ô nhiễm không được đưa ra trong nội dung của lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Luật BVMT năm 2005 quy định về quản lý chất thải và bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản tại Điều 20 và Điều 44 chỉ đề cập ở góc độ xử lý, thu gom, tái chế chất thải. Tại điều 66 Luật có đưa ra yêu cầu phải xác định nguồn thải, khối lượng, tính chất… song không nói rõ phải thực hiện ở đâu, thực hiện như thế nào và lập báo cáo ra sao…

Quyết định số 328/2005/QQĐ-TT quy định về kiểm soát ô nhiễm môi trường đã đưa ra mục tiêu kiểm soát 70% nguồn thải nhưng không có quy định cụ thể hướng dẫn về đo lường chất phát thải làm căn cứ chủ đạo cho việc kiểm soát nguồn phát thải.

Ngành than chưa có quy định cụ thể về đo lường xác định tính toán các chất thải và nguồn thải.

b) Thực tiễn việc xác định chất thải phát sinh trong hoạt động sản xuất than

Chính vì không có quy định rõ ràng, cụ thể và bắt buộc thực hiện về đo lường, tính toán chất thải trong hoạt động sản xuất nên trên thực tế các doanh nghiệp ngành than Việt Nam không đặt ra phải tiến hành đo lường, tính toán chất thải phát sinh một cách đầy đủ và thường xuyên. Trong các báo cáo quan trắc môi trường, các doanh nghiệp thuộc TKV chỉ đo lường nồng độ các chất thải gây ô nhiễm chứ không phản ánh khối lượng chất thải. Nếu căn cứ theo các báo cáo thống kê, hiện nay các chất thải được thống kê đo lường trong hoạt động sản xuất than bao gồm:

v Đất đá thải;

v Nước thải;

v Bùn thải;

v Các loại phế liệu, phế thải (vì chống lò, dầu mỡ, săm lốp ô tô, các loại phụ tùng thay thế, bao gói thuốc nổ, v.v.).

Trong đó đất đá thải được xác định từ khối lượng đất đá bóc hoặc đào lò đá.

Với nước thải cũng chỉ được ước tính ở moong hoặc nước thải hầm lò. Khối lượng nước thải sử dụng trong sản xuất, sinh hoạt không được thống kê xác định và vì thế bị bỏ qua không tính toán. Bùn thải chỉ được xác định với các doanh nghiệp sàng tuyển than.

Các loại chất thải khác như bụi thải, khí thải, ắc quy, dầu mỡ thải, nước thải trong sản xuất, sinh hoạt… không được đo lường và tính toán.

Chính vì tồn tại nêu trên nên việc đánh giá hiệu quả của các hoạt động BVMT là không đầy đủ, không chỉ ra được mức độ giảm thiểu ô nhiễm môi trường của các giải pháp, và cũng không đưa ra dự báo tác động môi trường, trong khi đây là căn

cứ quan trọng để xây dựng quy hoạch và kế hoạch bảo vệ môi trường.

Nhận xét

v Chính vì các văn bản pháp luật của Nhà nước và quy định của ngành chưa rõ ràng nên việc nhận dạng công tác bảo vệ môi trường và xác định chất thải phát sinh trong hoạt động sản xuất than còn có sự “vênh” nhau giữa thực tế với các văn bản, các doanh nghiệp ngành than gặp nhiều lúng túng trong việc nhận dạng, phân biệt các hoạt động bảo vệ môi trường để quản lý chúng cũng như đo lường tính toán chất thải để kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường.

v Ngành khai thác khoáng sản nói chung, khai thác than nói riêng cần phải có sự hướng dẫn, quy định cụ thể về việc nhận dạng các hoạt động BVMT và tính toán đo lường chất thải vì đây là ngành công nghiệp nhạy cảm với môi trường và có đặc thù là liên quan tới hầu hết các hoạt động thành phần của công tác BVMT.

v Việc phân định các hoạt động BVMT không phù hợp, không thống nhất và chất thải phát sinh không được đo lường tính toán sẽ kéo theo sự nhận dạng, phân loại chi phí môi trường không phù hợp, không đầy đủ nên với thực trạng nêu trên sẽ gây khó khăn tới việc lập kế hoạch, quản lý, huy động vốn và hạch toán các chi phí này.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu mô hình quản lý và hạch toán chi phí môi trường trong doanh nghiệp khai thác than việt nam (Trang 83 - 87)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(217 trang)