Vai trò của thông tin kinh tế trong nền kinh tế thị trường hiện đại

Một phần của tài liệu LUẬN án TIẾN sĩ KINH tế THÔNG TIN KINH tế TRONG sự PHÁT TRIỂN KINH tế THỊ TRƯỜNG nước TA HIỆN NAY (Trang 33 - 39)

1.2.2.1. Đặc điểm của nền kinh tế thị trường hiện đại

Kinh tế thị trường chỉ thực sự hình thành và phát triển khi phương thức sản xuất TBCN xuất hiện. Tuy còn nhiều khuyết tật, đã tạo ra nhiều cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội, nhưng cho đến nay kinh tế thị trường vẫn tỏ ra phù hợp với điều kiện hiện có của hầu hết các nước trên thế giới.

Sự hình thành các nền kinh tế thị trường ở các nước XHCN với những đặc điểm riêng cuả nó cùng với những thay đổi trong nền kinh tế thị trường của hệ thống các nước tư bản phát triển và các nước thuộc thế giới thứ ba theo cách gọi trước đây đã tạo ra những đặc trưng mới cho nền kinh tế thị trường hiện đại.

Các nhà kinh tế đã tổng kết những đặc điểm nổi bật của kinh tế thị trường hiện nay như sau:

- Nền kinh tế thế giới đang phát triển sang giai đoạn mới: kinh tế hậu công nghiệp hay nền kinh tế trí tuệ. Nhân tố động lực phát triển của nền kinh tế là trí tuệ. Không phải trí tuệ đóng kín trong các cuốn sách xếp trên các giá, tủ sách hay nằm trong các phòng thí nghiệm mà là trí tuệ được vận động, được sử dụng, được đổi mới nhanh chóng dưới dạng các thông tin.

- Xu hướng quốc tế hóa, toàn cầu hóa các hoạt động kinh tế được đẩy mạnh trong những năm cuối của thế kỷ 20. Xu hướng này làm cho các hoạt động kinh tế ngày càng mở rộng về phạm vi và tầm cỡ, phức tạp về tính chất và nội dung cũng như các mối quan hệ.

- Tiếp tục quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế: xuất hiện và tăng nhanh những ngành mới, như dịch vụ, điện tử, tin học, v.v... Tăng trưởng kinh tế nhanh ở một số khu vực mới nhất là ở châu Á - Thái Bình Dương.

- Vận hành các nền kinh tế quốc dân không chỉ có sự kết hợp "bàn tay vô hình" của cơ chế thị trường với "bàn tay hữu hình" của Chính phủ mỗi nước mà còn có sự tác động của các tổ chức quốc tế và thế giới.

Xu hướng này tạo ra các đầu mối hướng ngoại của hệ thống thông tin kinh tế ở mỗi quốc gia.

1.2.2.2. Vai trò của thông tin kinh tế trong nền kinh tế thị trường hiện đại

Thông tin kinh tế phản ánh các mặt đời sống kinh tế của xã hội. Nó chủ yếu vận động trong lĩnh vực hoạt động kinh tế, giúp cho các chủ thể kinh tế ra quyết định thực hiện các hoạt động kinh tế của mình.

Trong nền kinh tế thị trường, mỗi chủ thể kinh tế, dù là người sản xuất, người tiêu dùng, người chủ nguồn lực kinh tế hay những người trung gian, đều chịu sự chi phối của cơ chế thị trường. Các quyết định kinh tế của họ có liên quan đến những người còn lại thông qua các quan hệ thị trường.

Việc đề ra và triển khai thực hiện các quyết định đó đòi hỏi chủ thể kinh tế phải hiểu rõ những gì diễn ra trong các quá trình kinh tế của họ cũng như của những người khác liên quan đến họ. Vì vậy thông tin kinh tế trước hết và chủ yếu phục vụ cho quá trình ra quyết định về các hành vi kinh tế trong nền kinh tế thị trường.

Sự can thiệp của Chính phủ cũng như các tổ chức quốc tế và thế giới vào các nền kinh tế cũng phải căn cứ vào các thông tin kinh tế đó.

Những chuyển biến trong các nền kinh tế thị trường hiện đại làm cho thông tin có những vai trò mới.

Vai trò vốn có, truyền thống của thông tin kinh tế là tiền đề, cơ sở, công cụ của quản lý kinh tế. Thực chất của quản lý kinh tế là quá trình đề ra và tổ chức, kiểm tra việc thực hiện các quyết định kinh tế nhằm thực hiện các mục tiêu của một tổ chức kinh tế - đơn vị kinh tế, một ngành hay toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Trong kinh tế thị trường có ba loại chủ thể kinh tế cơ bản là doanh nghiệp, gia đình và Chính phủ.

Doanh nghiệp, gia đình và Chính phủ tác động qua lại thông qua thị trường để đưa ra các quyết định kinh tế tối ưu.

Quản lý và thực hiện các hoạt động kinh tế của các chủ thể này thực chất là quá trình đề ra và thực hiện các quyết định đó. Thông tin luôn gắn liền với các hoạt động này. Nó chính là "nguyên liệu" có ảnh hưởng lớn đến chất lượng của hoạt động quản lý. Sản phẩm của hoạt động quản lý là các quyết định cũng chính là các thông tin. Thông tin là công cụ truyền đạt các ý đồ của các chủ thể quản lý tới các đối tượng quản lý. Đồng thời, thông tin kinh tế dưới dạng các thông lệ, quy tắc ứng xử, các quy luật kinh tế được tổng kết,... góp phần tạo ra và làm tăng thêm năng lực, kỹ năng của những người ra quyết định ở các doanh nghiệp, gia đình cũng như các cơ quan của Chính phủ. Đó chính là tiền đề để các nhà quản lý tránh được chủ quan, cảm tính, xa lạ với thực tế khi ra các quyết định.

Thông tin còn giữ vai trò là tài sản quan trọng, tạo nên sức mạnh của mỗi tổ chức, của mỗi quốc gia. Thông tin kinh tế nói riêng và thông tin nói chung là sản phẩm của lao động trí tuệ của con ngươì. Nó được tạo ra, được lưu trữ và sử dụng nhằm làm tăng năng lực tạo ra của cải vật chất của con người. Vì vậy, trong nền kinh tế thị trường hiện đại, nền kinh tế hậu

công nghiệp, thông tin không chỉ là một lực lượng sản xuất trực tiếp của xã hội mà nó còn giữ vai trò động lực chính của mỗi quá trình sản xuất và của nền kinh tế. Ở những ngành sản xuất công nghệ cao (điện tử, phần mềm máy tính, các ngành tự động hóa...) vai trò của các hệ thống điều khiển, của thông tin thể hiện một cách trực tiếp trong vận hành toàn bộ quá trình sản xuất.

Trong điều kiện hữu hạn của các tài nguyên thiên nhiên kể cả lực lượng lao động, con đường tăng trưởng của kinh tế ngày nay là sử dụng công nghệ mới trong các qúa trình sản xuất. Các thông tin về tình hình thị trường, về khách hàng, về cạnh tranh, về các môi trường tự nhiên, chính trị, xã hội bên trong và bên ngoài quốc gia còn giúp cho mỗi doanh nghiệp, mỗi quốc gia tìm kiếm lợi thế trong cạnh tranh của họ. Vì vậy thông tin được xem như một tài sản quan trọng của mỗi tổ chức trong nền kinh tế thị trường, như bất kỳ tài sản nào khác (tài nguyên thiên nhiên, vốn kỹ thuật, vốn bằng tiền, lao động).

Thông tin là tài sản vô hình tồn tại trong các vật mang tin hữu hình.

Đó là những dấu hiệu (từ ngữ, hình ảnh hay bất kỳ ký hiệu nào khác) được lưu trữ trên các phương tiện khác nhau như đĩa, băng, giấy tờ văn bản, bộ não của con người,... Có thể dễ dàng chuyển đổi thông tin từ phương tiện này sang phương tiện khác. Điều này đặt ra vấn đề bảo vệ quyền sở hữu các thông tin cũng như bảo vệ bí mật thông tin, đồng thời có cơ chế trao đổi chuyển giao sở hữu thông tin như các loại tài sản khác. Bên cạnh đó, với tính thời điểm, giá trị của thông tin chỉ tồn tại trong khoảng thời gian nhất định, trong những điều kiện, hoàn cảnh nhất định. Nếu không còn tính thời sự nữa thì các thông tin cũng vô giá trị, không còn sử dụng được nữa.

Vì vậy, tài sản này phải được trao đổi, được đưa vào sử dụng đúng lúc, đúng chỗ và đúng người có nhu cầu. Điều này đòi hỏi chủ sở hữu các thông tin không chỉ quan tâm đến việc thu thập, xử lý các thông tin mà cần phải

tìm được khách hàng khai thác các thông tin đó một cách kịp thời, hiệu quả, cũng như cách thức truyền tin kinh tế hợp lý.

Các thông tin kinh tế bị bưng bít, cất dấu ở các cơ sở dữ liệu quá thời hạn sẽ trở thành vô giá trị, không còn là tài sản, sức mạnh hữu hiện của người chủ của chúng nữa.

Sự vận hành nền kinh tế bằng cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước làm phát sinh nhiều loại mối quan hệ giữa các chủ thể, các bộ phận, tạo nên sự thống nhất của nền kinh tế quốc dân. Một trong các mối quan hệ đó liên kết các bộ phận độc lập với nhau của nền kinh tế thành một khối thống nhất là quan hệ trao đổi thông tin kinh tế. Các thông tin kinh tế tạo sự hiểu biết và thích ứng lẫn nhau giữa các nhà kinh doanh với các hộ gia đình.

Sự phát triển hệ thống thông tin kinh tế còn giúp cho Chính phủ thực hiện được chức năng định hướng, điều tiết kinh tế, tạo nên sự thống nhất, liên kết giữa các thành phần trong nền kinh tế, vận động theo hướng phát triển mong muốn.

Với xu hướng quốc tế hóa, toàn cầu hóa, sự phát triển hệ thống thông tin còn giúp cho kinh tế mỗi nước hội nhập với kinh tế khu vực và thế giới. Sự hạn chế về trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, của quan hệ sản xuất ở các nước có nền kinh tế kém phát triển trong đó có nước ta, có thể khắc phục để rút ngắn khoảng cách bằng nhiều con đường khác nhau. Bằng huy động vốn đầu tư nước ngoài, bằng tăng cường các hoạt động kinh tế quốc tế để khai thác các lợi thế kinh tế, chủ yếu là các lợi thế so sánh, tạo thêm nguồn lực cho sự phát triển kinh tế ở các nước kém phát triển. Nhưng còn một con đường nữa, đầy triển vọng và có thể rút ngắn nhanh chóng trình độ phát triển giữa các nước, đó là thông qua trao đổi thông tin, trong đó thông tin về khoa học, công nghệ và các thông tin kinh tế khác có vai trò đặc biệt quan trọng. Việc chuyển giao công nghệ, đưa các phát minh khoa

học kỹ thuật mới vào các nước kém phát triển, các nước ít được thiên nhiên ưu đãi về tài nguyên là cách thức chủ yếu tăng năng lực sản xuất, phát triển kinh tế các nước trong thời đại ngày nay. Việc nghiên cứu những thành tựu khoa học quản lý, marketing và các khoa học kinh tế hiện đại giúp thay đổi tư duy kinh tế, năng lực hoạt động của các chủ doanh nghiệp, các gia đình, các công chức chính phủ ở các nước nghèo cũng góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế. Những thông tin về các hoạt động kinh tế, những dự báo về các thị trường hàng hóa, dịch vụ, tài chính... dài hạn và ngắn hạn nếu được cập nhật ở các nước kém phát triển sẽ giảm bớt được sự thua thiệt của các nước đó trong các quan hệ kinh tế quốc tế. Nó cũng góp phần đẩy nhanh sự phát triển của các nước đó, giảm bớt khoảng cách, sự ngắt quãng đứt đoạn trong bức tranh kinh tế thế giới. Sự hội nhập kinh tế, quá trình toàn cầu hóa làm cho phạm vi hoạt động của mỗi chủ thể kinh tế ngày càng mở rộng. Hoạt động sản xuất kinh doanh diễn ra ở các khoảng cách không gian lớn càng đòi hỏi phát triển các hình thức thông tin hiện đại. Mạng thông tin khu vực và toàn cầu không chỉ giúp cho các doanh nghiệp, khách hàng và các cơ quan quản lý vĩ mô cũng như các tổ chức quốc tế trao đổi thông tin kinh tế với nhau. Thông qua hệ thống này còn thực hiện được các giao dịch thương mại, các quan hệ hợp tác sản xuất ở nhiều ngành, nhất là những ngành kinh tế sử dụng công nghệ cao.

Những hoạt động sản xuất kinh doanh thực hiện ở các địa điểm cách xa nhau vẫn có thể trao đổi, thực hiện các giai đoạn kế tiếp nhau của một quá trình kinh doanh trên mạng thông tin. Những khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong các ngành dịch vụ và một số ngành sản xuất vật chất khác cho thấy vai trò quan trọng của các hệ thống thông tin kinh tế trong nền kinh tế hiện đại đang dần chuyển sang nền kinh tế tri thức với quy mô toàn cầu. Với những vai trò trên, thông tin kinh tế là đặc trưng cho sức mạnh của người sở hữu và sử dụng chúng, của mỗi quốc gia. Trong nền kinh tế thị trường ngày nay, sức mạnh không chỉ thể hiện ở những nguồn lực hữu hình mà cả các nguồn lực vô hình, trong đó có thông tin nói chung và thông tin kinh tế nói riêng. Các quốc

gia, các tổ chức kinh tế mạnh do có mạng lưới thông tin hoàn chỉnh, chủ động nắm bắt các thời cơ để thực hiện thành công các ý đồ phát triển kinh tế của mình. Ngày nay người ta thấy rằng các cường quốc thông tin (Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản,...) đồng thời là các cường quốc kinh tế.

1.3. VẬN DỤNG TƯ DUY HỆ THỐNG TRONG NGHIÊN CỨU THÔNG TIN KINH TẾ

Một phần của tài liệu LUẬN án TIẾN sĩ KINH tế THÔNG TIN KINH tế TRONG sự PHÁT TRIỂN KINH tế THỊ TRƯỜNG nước TA HIỆN NAY (Trang 33 - 39)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(207 trang)
w