Các yếu tố của hệ thống thông tin kinh tế

Một phần của tài liệu LUẬN án TIẾN sĩ KINH tế THÔNG TIN KINH tế TRONG sự PHÁT TRIỂN KINH tế THỊ TRƯỜNG nước TA HIỆN NAY (Trang 57 - 65)

Các hệ thống thông tin kinh tế có sự khác nhau về quy mô, mức độ phức tạp, cách thức tổ chức và những khác biệt khác tùy thuộc vào các yêu cầu, điều kiện của hệ thống kinh tế mà chúng cung cấp thông tin. Tuy nhiên, khi phân tích các hệ thống đó, chúng được tổ chức và hoạt động từ

các yếu tố cơ bản chung nhất sau đây: yếu tố con người, yếu tố công nghệ, các thông tin.

1.3.3.1. Yếu tố con người

Mỗi hệ thống thông tin kinh tế trước hết là một hệ thống xã hội, được tạo bởi những cá nhân con người khác nhau để thực hiện các mục tiêu của hệ thống.

Con người là chủ thể thực hiện các quá trình của hệ thống thông tin kinh tế. Mỗi người có một vị trí nhất định trong hệ thống, tùy thuộc vào chuyên môn nghề nghiệp, năng lực và sở nguyện cũng như yêu cầu về công việc của hệ thống. Trong một hệ thống thông tin kinh tế, con người có thể độc lập thực hiện một hoặc một số chức năng nhiệm vụ nhất định, hoặc được ghép vào các nhóm, mỗi nhóm có ít nhất hai thành viên trở lên để thực hiện các nhiệm vụ chung của nhóm.

Trong các hệ thống thông tin hiện đại, các nhóm được hình thành theo nhiều cách thức, tiêu chuẩn khác nhau.

Các nhóm có thể tạo thành các cấp khác nhau theo tuyến dọc hay phân hệ theo chiều ngang.

Hệ thống thông tin kinh tế có thể bao gồm các nhóm (phân hệ) công tác theo chiều ngang theo một số cách thức sau đây:

+ Theo đặc điểm của các phương pháp được sử dụng trong quá trình thông tin ở mỗi nhóm, trong hệ thống thông tin các cá nhân được bố trí theo các nhóm sau:

- Kế toán;

- Thống kê;

- Phân tích kinh tế , dự đoán kinh tế và hoạch định kinh tế;

- Điều tra nghiên cứu;

- Các nhóm khác.

+ Theo mục đích sử dụng của các thông tin mà các nhóm cung cấp:

- Các nhóm phục vụ cho công tác quản lý chung (thống kê, kế toán, kế hoạch).

- Các nhóm phục vụ chuyên biệt: nghiên cứu phát triển sản xuất, tổ chức lao động tiền lương, tài chính, marketing, v.v...

+ Việc phân nhóm theo chiều ngang còn có thể thực hiện theo các tiêu thức khác, tùy thuộc vào cơ cấu tổ chức của hệ thống kinh tế mà hệ thống thông tin là một bộ phận và phục vụ cho nó.

Các cá nhân hay các nhóm có sự phân công công việc, quyền hạn và trách nhiệm nhất định. Trong nhiều trường hợp, các nhóm công tác trong hệ thống thông tin có thể bao gồm nhiều cá nhân với các chuyên ngành khác nhau để thực hiện một số mục tiêu nào đó.

Các nhóm có thể được tổ chức ổn định trong một thời gian dài, cũng có thể được tổ chức với tính chất tạm thời, nhằm thực hiện một số nhiệm vụ nhất định và khi đã hoàn thành thì nhóm sẽ giải tán.

Sự hình thành các nhóm công tác có thể được thiết kế như một cơ cấu ổn định, với các mối quan hệ tương đối xác định, có quy chế, luật lệ hoạt động được công bố, hình thành nên cơ cấu hình thức của hệ thống thông tin. Tuy nhiên, không có hệ thống nào được thiết kế một cách hoàn hảo. Để thỏa mãn các nhu cầu thông tin rất phức tạp, giữa các cá nhân trong hệ thống thông tin có thể hình thành các mối quan hệ riêng tư, thường nằm ngoài các quy định công tác chính thức, hoặc hình thành các nhóm thông tin nằm ngoài cơ cấu tổ chức hữu hình. Các nhóm này dựa trên sự tin tưởng, tín nhiệm lẫn nhau, có thể bền vững hoặc không bền vững. Vai trò của các nhóm vô hình đó đôi khi rất lớn trong một hệ thống thông tin nói riêng và hệ thống kinh tế nói chung.

Cũng như hệ thống thông tin thường gắn liền với các hệ thống khác trong một tổ chức kinh tế, các cá nhân hoặc nhóm công tác thông tin có thể không hoạt động chuyên môn hóa trong lĩnh vực thông tin mà thường thực hiện các chức năng chính trong bộ máy quản lý kinh tế. Hoạt động thông tin của họ gắn bó hữu cơ với các hoạt động khác mà họ đảm nhận trong hệ thống kinh tế. Cho nên, việc thiết kế cơ cấu một hệ thống thông tin kinh tế khó tách rời cơ cấu hệ thống kinh tế. Nhưng đối với một số loại hình thông tin, nhất là trong các tổ chức kinh tế lớn (doanh nghiệp lớn, ngành, nền kinh tế quốc dân) hoặc do đặc thù của thông tin cũng như yêu cầu của các thiết chế về thông tin, đòi hỏi phải thành lập các nhóm (phân hệ) tương đối độc lập. Các nhóm này sẽ bao gồm các cá nhân chuyên môn hóa trong các hoạt động thông tin. Các phân hệ này là phần nòng cốt của mỗi hệ thống thông tin kinh tế.

Trong các doanh nghiệp, các phân hệ đó thường bao gồm:

- Bộ phận thống kê: bao gồm các nhân viên thống kê ở các cấp. Họ sử dụng các phương pháp thống kê để thu thập, xử lý và cung cấp các thông tin cho bộ phận quản lý ở các cấp, đồng thời cung cấp các thông tin cho bộ phận thống kê cấp trên để tổng hợp từ dưới lên trên.

- Bộ phận kế toán: bao gồm các nhân viên thuộc chuyên ngành kế toán. Với các phương pháp kế toán khác nhau (như ghi sổ kép, ghi đơn, v.v...) bộ phận này cung cấp các thông tin cần thiết cho việc quản lý kinh tế, tài chính của doanh nghiệp cũng như các nhiệm vụ thông tin với bên ngoài.

- Bộ phận thông tin marketing: bao gồm các nhân viên điều tra, nghiên cứu thị trường và các môi trường hoạt động khác của doanh nghiệp.

Các thông tin này giúp cho doanh nghiệp đánh giá các cơ hội, rủi ro trên thị trường để đề ra chiến lược và các chính sách marketing nói riêng và kinh doanh nói chung.

- Trung tâm xử lý dữ liệu và truyền tin: bao gồm các nhân viên thuộc các chuyên ngành tin học, phân tích kinh tế. Các công việc chính của họ là thu thập, xử lý, lưu trữ, cung cấp các thông tin cho các bộ phận khác nhau của doanh nghiệp. Trung tâm này còn có thể phải thực hiện việc nối mạng giữa các tiểu hệ thống thông tin trong nội bộ doanh nghiệp hoặc hệ thống thông tin của doanh nghiệp với bên ngoài.

- Ngoài ra còn có thể có các bộ phận thông tin chuyên biệt khác (nghiên cứu phát triển, quản lý nhân lực,...).

Khi thiết kế hệ thống thông tin kinh tế, người ta thường chú ý đến các bộ phận chuyên tin này để tạo nên cơ cấu hình thức của hệ thống thông tin.

Trong nền kinh tế quốc dân, do tính đa dạng và phức tạp của hệ thống kinh tế nên cần có sự phân loại, phân cấp, chuyên môn hóa các hệ thống thông tin kinh tế. Bên cạnh hệ thống thông tin riêng của các cấp quản lý khác nhau từ cơ sở đến trung ương, còn có các hệ thống chuyên tin độc lập phục vụ cho nhu cầu thông tin của các chủ thể khác nhau trong nền kinh tế. Hệ thống này thường bao gồm các tổ chức thông tin chuyên ngành, được cơ cấu từ các cá nhân và các bộ phận thuộc các chuyên ngành thông tin kinh tế khác nhau. Các tổ chức đó là:

- Tổ chức thống kê (Tổng cục, Cục thống kê với các chi nhánh của nó ở các cấp).

- Tổ chức nghiên cứu chuyên ngành, các trung tâm, viện nghiên cứu kinh tế, khoa học công nghệ, thị trường, giá cả...

- Tổ chức kinh doanh thông tin (công ty tư vấn, môi giới,...).

- Tổ chức truyền tin: mạng máy tính, các hình thức trruyền tin khác.

- Các loại tổ chức hỗn hợp khác.

Sự liên kết các tổ chức này dưới các hình thức khác nhau tạo thành các hệ thống thông tin khác nhau.

1.3.3.2. Công nghệ thông tin

Công nghệ là một thuật ngữ được sử dụng lâu đời, mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Từ các trao đổi của giới chuyên môn trong lĩnh vực công nghệ, có thể hiểu khái niệm công nghệ một cách tương đối đầy đủ qua định nghĩa của Ủy ban kinh tế và xã hội châu Á - Thái Bình Dương ESCAP:

"Công nghệ là hệ thống kiến thức về quy trình và kỹ thuật dùng để chế biến vật liệu và thông tin", sau đó được giải thích rõ hơn: "Nó bao gồm tất cả các kỹ năng, kiến thức, thiết bị và phương pháp sử dụng trong sản xuất chế tạo, dịch vụ, quản lý, thông tin".

Trong một hệ thống thông tin, công nghệ thông tin là phần cơ bản thực hiện các quá trình thông tin. Trong những năm gần đây, người ta thường đồng nhất công nghệ thông tin với yếu tố vật tư kỹ thuật, gắn khái niệm này với kỹ thuật máy tính điện tử, bao gồm cả các phần cứng và phần mềm của nó. Thực ra, công nghệ thông tin có nhiều trình độ khác nhau không chỉ dựa trên cơ sở kỹ thuật mà còn bao gồm các yếu tố khác. Các thành phần cấu thành nên công nghệ thông tin bao gồm:

- Phần kỹ thuật: là phần cốt lõi, đặc trưng cho các trình độ công nghệ thông tin khác nhau. Nó bao gồm các công cụ, phương tiện xử lý và truyền tin khác nhau cùng với các thiết bị, vật tư hỗ trợ khác. Trong công nghệ thông tin hiện đại, đó là các kỹ thuật tính toán và xử lý thông tin (máy tính, đĩa mềm, và các thiết bị hỗ trợ khác), kỹ thuật truyền tin (các máy nối mạng, kỹ thuật truyền hình, truyền thanh, in ấn, v.v...).

- Phần năng lực của con người, bao gồm: kỹ năng, kinh nghiệm, khả năng sáng tạo, khôn ngoan, khả năng lãnh đạo, đạo đức lao động, v.v...

Con người với các năng lực của mình đóng vai trò chủ động, sử dụng và phát huy các tính năng của kỹ thuật, đồng thời chịu sự chi phối của các thành phần công nghệ khác.

- Phần thông tin của công nghệ: bao gồm các kiến thức được thể hiện dưới các dạng thông tin khác nhau, như các lý thuyết, các khái niệm, các phương

pháp, các thông số, các công thức, các bí quyết, các khóa mã,... Phần thông tin luôn được cập nhật và tạo nên sức mạnh tiềm ẩn của công nghệ thông tin.

- Phần tổ chức: thiết lập mối quan hệ giữa các phần kỹ thuật, con người và thông tin trong các quá trình thông tin, dưới hình thức sơ đồ, các nội quy, quy chế tổ chức, qua đó thể chế hóa các quyền hạn, trách nhiệm, mối liên hệ, sự phối hợp giữa các yếu tố. Phần tổ chức có vai trò động lực, huy động đồng bộ các thành phần của công nghệ thông tin.

Cùng với thời gian, các thành phần này thay đổi và công nghệ thông tin được phát triển ở các trình độ khác nhau.

Để đáp ứng nhu cầu trang bị công nghệ thông tin hiện đại cho các hệ thống thông tin, đã xuất hiện ngành công nghiệp công nghệ thông tin.

Đây là một trong những ngành mũi nhọn của nền kinh tế thị trường hiện đại. Trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nước ta cũng lựa chọn công nghệ thông tin như một ngành kinh tế mũi nhọn trong tương lai.

Theo giới chuyên môn, công nghệ thông tin được chia thành hai phần: phần cứng và phần mềm.

Công nghệ thông tin phần cứng là ngành sản xuất các máy móc, thiết bị trang bị phần cơ sở vật chất cho các hệ thống thông tin, chủ yếu là:

máy tính, thiết bị truyền tin, thiết bị in, v.v...

Công nghệ thông tin phầm mềm: cung cấp các sản phẩm phần mềm cho các hệ thống thông tin, chủ yếu phần thông tin cũng như các dịch vụ cho các hệ thống thông tin. Chúng bao gồm: các chương trình phần mềm đóng gói, các thông tin sử dụng trong các hệ thống đóng gói, các tích hợp của cả hai loại được đóng gói trên các vật mang tin khác nhau (đĩa, băng, v.v...) hoặc cung cấp trực tiếp dưới dạng các dịch vụ phầm mềm.

TÓM TẮT CHƯƠNG 1

Chương 1 đã đề cập đến một cách hệ thống những vấn đề lý luận cơ bản về thông tin nói chung và thông tin kinh tế nói riêng. Đó là:

- Khái niệm về thông tin

- Các đặc trưng cơ bản của thông tin - Phạm vi phản ánh của thông tin kinh tế.

- Các loại thông tin kinh tế.

Chương này cũng đề cập đến vai trò của thông tin kinh tế trong nền kinh tế thị trường hiện đại. Cuối chương bàn về vấn đề vận dụng tư duy hệ thống trong nghiên cứu các thông tin kinh tế và xem xét hệ thống thông tin kinh tế trong nền kinh tế thị trường với các bộ phận, các yếu tố cơ bản của nó.

Chương 2

THỰC TRẠNG HỆ THỐNG THÔNG TIN KINH TẾ NƯỚC TA HIỆN NAY

2.1. KHÁI QUÁT VỀ HỆ THỐNG KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở NƯỚC TA HIỆN NAY

Như chương 1 đã đề cập đến, hệ thống thông tin kinh tế phản ánh đời sống kinh tế, phục vụ cho các quá trình quản lý của hệ thống kinh tế.

Việc tổ chức thông tin kinh tế như thế nào tùy thuộc vào đặc điểm và các yêu cầu về thông tin của hệ thống kinh tế mà nó phục vụ.

Trong những năm vừa qua đã có những thay đổi lớn trong nền kinh tế nước ta: chuyển từ mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang mô hình kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN.

Để hiểu rõ những đặc điểm của nền kinh tế nước ta hiện nay, chúng ta cần xem xét khái quát về các giai đoạn kinh tế trước đây:

Một phần của tài liệu LUẬN án TIẾN sĩ KINH tế THÔNG TIN KINH tế TRONG sự PHÁT TRIỂN KINH tế THỊ TRƯỜNG nước TA HIỆN NAY (Trang 57 - 65)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(207 trang)
w