Việc hoàn thiện và phát triển hệ thống thông tin có thể tập trung vào các hướng chính sau đây:
3.1.3.1 Xây dựng và phát triển hệ thống thông tin kinh tế quốc gia
a) Phát triển đồng bộ và xác định các mối quan hệ cơ bản của các bộ phận trong hệ thống thông tin. Hệ thống thông tin nước ta bao gồm ba bộ phận:
- Hệ thống thông tin của các đơn vị kinh tế cơ sở.
- Hệ thống thông tin của Chính phủ.
- Hệ thống thị trường thông tin.
Trong đó, hai hệ thống đầu hoạt động theo chế độ thông tin nội bộ, hệ thống thứ ba theo cơ chế thị trường.
Cần có sự phối hợp, đan xen giữa các hệ thống này, nhưng cũng cần xác định giới hạn và những đặc trưng riêng của mỗi hệ thống. Cụ thể cần có quy định rõ bộ phận nào trong hệ thống thông tin doanh nghiệp và hệ thống thông tin của Chính phủ tham gia vào thị trường thông tin, hình thức, thể lệ tham gia vào thị trường.
b) Huy động toàn bộ các lực lượng tham gia phát triển hệ thống thông tin trong nước bao gồm:
- Chính phủ.
- Doanh nghiệp.
- Các gia đình.
Chính phủ với hệ thống thông tin riêng rất mạnh cần đóng vai trò chính trong việc phát triển hệ thống thông tin quốc gia qua việc tham gia trực tiếp và phát triển hệ thống thị trường thông tin, đồng thời hỗ trợ cho hệ thống thông tin của các doanh nghiệp và gia đình. Bên cạnh đó, cần huy
động các thành phần, lực lượng trong và ngoài nước đầu tư, phát triển hệ thống thị trường thông tin cũng như của các doanh nghiệp và gia đình.
c) Trang bị các hệ thống thông tin với công nghệ thông tin hiện đại.
Các cơ quan Chính phủ, các tập đoàn sản xuất kinh doanh mạnh cần tiếp cận và đầu tư cho công nghệ thông tin hiện đại theo kịp với bước tiến chung của thời đại để hòa nhập với mạng thông tin quốc tế. Bên cạnh sự nỗ lực của các doanh nghiệp và gia đình trong việc đổi mới công nghệ thông tin, cần có sự hỗ trợ tích cực từ phía Chính phủ và các lực lượng của thị trường công nghệ thông tin, của các tập đoàn kinh tế lớn (tổng công ty) để giảm dần chênh lệch về công nghệ giữa các hệ thống thông tin kinh tế.
d) Chuẩn hóa để đảm bảo tính thống nhất bảng phân loại thông tin kinh tế quốc gia, đặc biệt là hệ thống các chỉ tiêu kinh tế, là bộ phận cơ bản của hệ thống thông tin. Hệ thống các chỉ tiêu kinh tế cần đảm bảo tính thống nhất, có thể so sánh, tổng hợp được ở các ngành, các cấp trong nền kinh tế quốc dân. Đồng thời các chỉ tiêu cần có nội dung rõ ràng, nhất quán về phương pháp tính toán, dễ hiểu và dễ sử dụng trong các hệ thống thông tin kinh tế.
e) Nâng cao trình độ, kỹ năng về tin học của đội ngũ người lao động trong hệ thống thông tin nói riêng và hệ thống kinh tế nói chung thông qua các hình thức đào tạo, bồi dưỡng thích hợp.
3.1.3.2. Đổi mới và hoàn thiện cơ chế hoạt động thông tin kinh tế a) Nhà nước cần hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp quy (luật, quy chế, chế độ...) thống nhất và phù hợp với đặc thù của các hệ thống thông tin kinh tế, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho các hoạt động thông tin. Các văn bản này cần làm rõ:
- Cơ chế hoạt động của hệ thống thông tin: theo cơ chế thị trường đối với hệ thống thông tin, theo chế độ thông tin trong bộ máy quản lý Nhà nước
về kinh tế đối với hệ thống thông tin Chính phủ, theo khung chế độ có tính chất nguyên tắc đối với các hệ thống thông tin nội bộ của các đơn vị kinh tế.
- Các loại quan hệ thông tin, quyền và trách nhiệm, lợi ích các bên tham gia vào các loại quan hệ đó.
- Chế độ bảo vệ bí mật thông tin, quyền sở hữu thông tin và những yêu cầu đối với các cơ quan, tổ chức tham gia vào thị trường thông tin.
- Các hình thức hoạt động thông tin và quy định đảm bảo thực hiện các hình thức đó.
- Các vấn đề khác: xác định hậu quả của thông tin sai và trách nhiệm của các bên, mối quan hệ giữa tự do thông tin với quyền không bị xâm phạm các giá trị riêng của các cá nhân, các tổ chức, v.v...
b) Tăng cường sự tham gia và các hình thức tham gia của các cơ quan Chính phủ, các doanh nghiệp và các gia đình vào các hoạt động ở thị trường thông tin kinh tế, tạo điều kiện mở rộng và phát triển hệ thống thị trường thông tin còn mới mẻ đối với nước ta. Chính phủ có những cơ sở dữ liệu lớn, trang bị công nghệ hiện đại cùng với các viện nghiên cứu, trung tâm khoa học, các trường chuyên nghiệp không chỉ phục vụ cho nhu cầu thông tin của các cơ quan Chính phủ mà có thể tham gia vào thị trường thông ltin với nhiều hình thức khác nhau, qua đó có thể kết nối với thị trường thông tin quốc tế. Các doanh nghiệp, các gia đình cũng có thể đa dạng hóa các hoạt động thông tin, không chỉ là nguồn cung cấp thông tin quan trọng cho nền kinh tế mà cần khai thác tối đa những khả năng cung cấp các thông tin từ thị trường, từ hệ thống thông tin của Chính phủ và các hệ thống khác.
c) Chú ý phát triển các hình thức thông tin kinh tế phù hợp với điều kiện, khả năng của các hộ gia đình, các hợp tác xã ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, nhằm tạo cơ hội tiếp cận và tranh thủ các giá trị thông
tin ở khu vực này, tiến tới phát triển một mạng lưới thông tin tương đối đồng đều trong cả nước.
d) Phát triển các hình thức hoạt động thông tin mới, nhất là các dịch vụ internet. Những dịch vụ này không chỉ đem lại khả năng khai thác tốt hơn các năng lực thông tin có sẵn trong hệ thống thông tin quốc gia mà còn là những đầu mối quan trọng giúp cho các chủ thể tiếp cận với mạng lưới thông tin quốc tế, trao đổi các thông tin nhanh chóng, dễ dàng và với chi phí có xu hướng ngày càng hạ.
Sau đây là một số giải pháp riêng nhằm hoàn thiện và phát triển các hệ thống thông tin cụ thể.
3.2. CÁC GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG THÔNG TIN KINH TẾ