Hoàn thiện và phát triển hệ thống thông tin kinh tế phải dựa trên tinh thần đổi mới quản lý kinh tế và là một phần của quá trình đổi mới đó.
Những định hướng phát triển không chỉ xuất phát từ các quan điểm đổi mới về quản lý kinh tế ở nước ta hiện nay mà còn phải tính đến các đặc trưng, của hệ thống thông tin cũng như các xu hướng chung của thời đại. Việc hoàn thiện và phát triển hệ thống thông tin kinh tế nước ta hiện nay cần quán triệt các nguyên tắc sau:
a) Nguyên tắc tập trung dân chủ.
Đây là một nguyên tắc quan trọng của quản lý kinh tế cần được quán triệt trong tổ chức và hoạt động của hệ thống thông tin nội bộ của các hệ thống quản lý kinh tế.
Hệ thống thông tin phải đảm bảo cho các thành viên trong tổ chức kinh tế, trong bộ máy quản lý được cung cấp, được tiếp cận với các thông tin cần thiết. Cấp dưới được quyền chia sẻ các thông tin chung về các hoạt động và kết quả hoạt động diễn ra bên trong tổ chức cũng như môi trường hoạt động mà họ có liên quan.
Những quy định, chế độ cung cấp thông tin cần đặt ra những trách nhiệm, ràng buộc và quyền lợi ở tất cả các cấp và theo cả hai chiều lên, xuống. Bên cạnh đó, ban lãnh đạo của mỗi tổ chức kinh tế cần phải kiểm soát và nắm giữ những thông tin có tính chất quyết định đối với tổ chức kinh tế. Tập trung dân chủ đòi hỏi sự phân cấp, phân loại, tổng hợp và sàng lọc các thông tin trong hệ thống thông tin phù hợp với việc phân cấp, phân chia trách nhiệm và quyền hạn trong quản lý kinh tế. Quán triệt nguyên tắc này sẽ tránh tình trạng thông tin vừa thừa, vừa thiếu ở các đầu mối ra quyết định quản lý kinh tế, tránh tình trạng cấp dưới phải tập hợp, báo cáo quá nhiều loại thông tin chi tiết, cụ thể cho cấp trên, cũng như tình trạng thông tin tập trung quá mức cần thiết ở cấp trên trong khi cấp dưới không đủ thông tin để ra các quyết định.
b) Nguyên tắc xã hội hóa, tự do hóa các hoạt động thông tin.
Kinh tế thị trường mở cửa đòi hỏi sự trao đổi, giao lưu rộng rãi các thông tin kinh tế giữa các cá nhân, các đơn vị kinh tế, giữa các cơ quan quản lý kinh tế vĩ mô của Chính phủ với các đơn vị kinh tế, giữa trong nước với nước ngoài. Hơn nữa, thông tin chỉ có giá trị nếu được sử dụng đúng thời điểm, đúng những người có nhu cầu, đúng mục đích. Điều đó đòi hỏi thông tin phải được truyền đạt kịp thời, rộng rãi. Xã hội hóa, tự do hóa thông tin không chỉ đòi hỏi trao đổi thông tin hai chiều giữa các cấp, các bộ phận trong mỗi hệ thống kinh tế, giữa các tổ chức kinh tế với nhau mà phải mở rộng các mối quan hệ đa phương. Hơn nữa, các mối quan hệ này không chỉ nằm trong khuôn khổ nội bộ mỗi hệ thống kinh tế theo các chế độ thông tin nội bộ hoặc giữa các đơn vị kinh tế với các cơ quan quản lý kinh tế của Chính phủ theo các quy chế, chế độ thông tin ban hành theo các Bộ ngành kinh tế. Xã hội hóa, tự do hóa thông tin còn đòi hỏi hình thành và phát triển thị trường thông tin kinh tế, thực hiện trao đổi thông tin theo cơ chế thị trường. Nhưng tự do hóa thông tin chỉ có ý nghĩa nếu thông tin được đảm
bảo quyền sở hữu, sự đảm bảo an toàn cho các thông tin như một tài sản có giá trị, sức mạnh của mỗi tổ chức kinh tế. Xã hội hóa, tự do hóa thông tin phải đi đôi với việc kiểm soát các thông tin. Bảo mật những thông tin có ý nghĩa quyết định, tạo ra cơ hội, khả năng thực hiện có hiệu quả các hoạt động kinh tế của tổ chức kinh tế, nhất là khả năng cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường. Xã hội hóa thông tin không chỉ khắc phục được tình trạng độc quyền về nắm giữ và cung cấp thông tin mà còn tạo điều kiện huy động các nguồn lực thông tin của toàn xã hội, giảm gánh nặng chi phí thông tin cho các cơ quan, tổ chức kinh tế. Xã hội hóa thông tin cũng tạo điều kiện cho sự tham gia của các tổ chức thông tin bên ngoài vào hoạt động thông tin trong nước và giúp cho các tổ chức kinh tế trong nước hòa nhập với hệ thống thông tin kinh tế quốc tế.
c) Nguyên tắc bình đẳng và cùng có lợi đối với các chủ thể trong các hoạt động thông tin.
Việc quán triệt nguyên tắc này phải dựa trên cơ sở pháp lý của việc cung cấp và sử dụng thông tính. Các luật lệ, chế độ thông tin phải đảm bảo sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia vào các hoạt động thông tin, nhất là trong quan hệ giữa người cung cấp và người sử dụng thông tin. Sự bình đẳng về thông tin đòi hỏi giảm tình trạng độc quyền thông tin, đặc quyền đặc lợi trong cung cấp các thông tin kinh tế.
Tuy nhiên, sự bình đẳng sẽ có những khắc biệt trong quan hệ thông tin giữa các thành viên trong một hệ thôngs thông tin nội bộ, giữa cấp trên với cấp dưới, giữa người bán và người mua thông tin ở thị trường thông tin kinh tế.
Mặt khác, một biểu hiện của bình đẳng thông tin là tôn trọng lợi ích của các chủ thể trong các hoạt động thông tin. Đối với người sử dụng tin đó là khả năng có được các thông tin đầy đủ, chính xác, có tính thẩm quyền cao để đáp ứng các nhu cầu về thông tin của họ. Đối với người cung cấp tin đó là các giá trị thông tin được thừa nhận, khả năng tiếp cận với các nguồn tin và thực
hiện các quá trình thông tin một cách thuận tiện. Nguyên tắc này cũng đòi hỏi luật pháp và xã hội thừa nhận quyền sở hữu thông tin cũng như quyền tiếp cận, sử dụng các thông tin là sản phẩm chung của xã hội của mọi thành viên trong xã hội.
d) Nguyên tắc đa dạng tương xứng.
Hệ thống thông tin kinh tế được tổ chức phù hợp với quy mô, tính đa dạng, phức tạp của hệ thống kinh tế mà nó phục vụ. Việc lựa chọn quy mô, cơ cấu tổ chức, công nghệ thông tin cần phù hợp với nhu cầu dùng tin của hệ thống kinh tế, biểu hiện ở số lượng thông tin, yêu cầu về tính chính xác, thời gian và các yêu cầu khác. Khó có một mô hình chung cho mọi hệ thống kinh tế cũng như đánh giá tính hiệu quả của hệ thống thông tin ở mỗi hệ thống không giống nhau.
e) Nguyên tắc hiệu quả.
Đây là nguyên tắc cần được quán triệt trong tất cả các hệ thống kinh tế, trong đó có hệ thông thông tin. Khi phát triển hệ thống thông tin cần xem xét và lựa chọn phương án có chi phí hợp lý, đáp ứng đầy đủ và đảm bảo chất lượng các thông tin cần thiết cho các hệ thống kinh tế. Hiệu quả thông tin được thể hiện qua khả năng tiết kiệm chi phí, xây dựng hệ thống và tổ chức hoạt động thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời và tích lũy tài sản thông tin nhằm tạo ra những giá trị mới cho hệ thống kinh tế. Quán triệt nguyên tắc này cũng thể hiện ở việc xác định đúng các yêu cầu thông tin của từng bộ phận trong hệ thống kinh tế, tổ chức các luồng vận động thông tin hợp lý. Đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận của hệ thống thông tin để tránh các quá trình thông tin trùng lặp, chồng chéo hay trì trệ, ách tắc thông tin.