Qua nghiên cứu hệ thống thông tin kinh tế nước ta có thể đánh giá tổng quát một số mặt sau đây:
a) Về tổ chức hệ thống:
+ Ưu điểm:
- Trình độ trang bị công nghệ thông tin được nâng cao, một số bộ phận đã tiếp cận được với công nghệ tiên tiến.
- Trình độ của đội ngũ lao động trong các bộ phận của hệ thống thông tin có xu hướng nâng cao, một số chuyên ngành mới được đưa vào (phân tích, lập trình...) hình thành các bộ phận chuyên môn hóa trong hệ thống.
- Hệ thống thông tin kinh tế đã được tổ chức theo một cơ cấu tương đối ổn định và phù hợp với các yêu cầu thông tin của nền kinh tế, với ba bộ phận đặc thù: hệ thống thông tin của Chính phủ, của các đơn vị kinh tế và hệ thống thị trường thông tin.
- Giữa các hệ thống này đã hình thành một số mối quan hệ khá ổn định đảm bảo sự lưu thông giữa chúng ở một mức độ nhất định.
- Một số bộ phận của hệ thống đã có các đầu mối quan hệ thực hiện sự trao đổi thông tin với các hệ thống thông tin quốc tế.
+ Nhược điểm:
- Sự liên kết giữa các bộ phận trong hệ thống chưa chặt chẽ, chưa ổn định dẫn đến khả năng phù hợp, hỗ trợ giữa các bộ phận trong hệ thống còn yếu, tính cục bộ trong mỗi bộ phận còn tương đối cao.
- Sự phát triển của các bộ phận thông tin trong hệ thống không đồng đều, trong đó, hệ thống thông tin của các hộ gia đình ít được chú ý, hệ thống thị trường thông tin mới hình thành, còn những bộ phận chưa định hình.
- Các mối liên hệ với các hệ thống thông tin quốc tế tuy đã hình thành nhưng còn nhiều hạn chế, chưa khai thác được đáng kể sự hỗ trợ từ các hệ thống bên ngoài để phát triển hệ thống thông tin quốc gia.
- Chưa có sự nhất quán trong phân loại các thông tin giữa các hệ thống thông tin Chính phủ, thị trường, doanh nghiệp và gia đình dẫn đến
những trục trặc trong tổng hợp, so sánh thông tin. Việc chuyển đổi từ hệ thống sản xuất vật chất (MPS) sang hệ thống tài khoản quốc gia (SNA) còn chưa thống nhất giữa các cấp, các ngành kinh tế.
- Trình độ công nghệ giữa các bộ phận thông tin trong hệ thống chưa đồng đều, trình độ của đội ngũ lao động chưa cao và có chênh lệch đáng kể giữa các bộ phận nên khó phát huy được khả năng chung của công nghệ thông tin.
b) Về cơ chế và hiệu quả hoạt động của hệ thống + Ưu điểm:
- Nhà nước đã ban hành và thay đổi một số quy chế, luật lệ hoạt động của các bộ phận trong hệ thống thông tin để phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế thị trường, nhất là trong hệ thống thông tin Chính phủ và doanh nghiệp.
- Các hoạt động thông tin đa dạng, phong phú và năng động, đáp ứng một phần quan trọng nhu cầu về thông tin của các hệ thống kinh tế trong nền kinh tế quốc dân. Các thông tin được cung cấp đa dạng, phong phú và nhanh chóng hơn.
- Các thông tin kinh tế được cung cấp đầy đủ, kịp thời và chính xác hơn đã giúp tăng hiệu lực quản lý của các hệ thống kinh tế, giúp cho các cấp quản lý ra quyết định phản ứng kịp thời với những biến động của nền kinh tế, góp phần tăng đáng kể hiệu quả các hoạt động cho các cấp quản lý ứng phó được những tác động từ bên ngoài nền kinh tế, góp phần vào sự phát triển ổn định của các bộ phận cũng như toàn bộ nền kinh tế nước ta những năm qua.
- Việc mở rộng các hoạt động thông tin kinh tế góp phần kết hợp thành công cơ chế thị trường với sự quản lý của Chính phủ trong vận hành nền kinh tế nước ta.
+ Hạn chế:
- Chưa có một hệ thống pháp luật và văn bản pháp quy đầy đủ, đồng bộ và hiệu lực để điều chỉnh, định hướng và kiểm soát các hoạt động thông tin.
- Chưa có sự phối hợp chặt chẽ các hoạt động thông tin ở các hệ thống thông tin khác nhau trong nền kinh tế dẫn đến hiện tượng chồng chéo, trùng lặp, cạnh tranh không lành mạnh của các quá trình xử lý và cung cấp thông tin, dẫn đến những tốn kém, lãng phí không cần thiết.
- Cung cầu về thông tin chưa phù hợp cả về số lượng và chất lượng.
Các thông tin vừa thừa, vừa thiếu do sự thiếu đồng bộ nhất quán trong hệ thống phân loại các thông tin, trong xác định các nhu cầu và quy định việc cung cấp thông tin. Hiện tượng nhiễu thông tin, sai lệch thông tin, không cập nhật thông tin, thông tin phiến diện thường xảy ra ở các hệ thống thông tin.
- Việc khai thác các tiềm năng về công nghệ thông tin, về chuyên gia còn ít hiệu quả do chưa có cơ chế quản lý, khai thác và bảo vệ các nguồn lực thông tin một cách hợp lý và hiệu quả. Nhiều hệ thống thông tin được đầu tư tốn kém nhưng chưa phát huy được tác dụng hoặc chỉ một phần. Việc trang bị công nghệ thông tin ở một số cơ quan tổ chức nhiều khi theo trào lưu chung mà chưa tính toán chặt chẽ và đầy đủ về nhu cầu và khả năng khai thác công nghệ dẫn đến hiệu quả hoạt động thông tin kém, ảnh hưởng xấu đến hiệu quả các hoạt động kinh tế.
- Thị trường thông tin hoạt động còn ít hiệu quả. Tình trạng cạnh tranh ít được kiểm soát, giao lưu giữa thị trường thông tin trong và ngoài nước còn hạn chế. Ranh giới giữa các hoạt động thị trường và các hoạt động bao cấp về thông tin chưa rõ ràng dẫn tới các hiện tượng ách tắc, cạnh tranh không lành mạnh ở thị trường thông tin cũng như thất thoát, trục lợi thông tin ở các hệ thống thông tin.
- Khả năng liên kết giữa các hoạt động thông tin trong nước với nước ngoài còn hạn chế dẫn tới việc cung cấp các thông tin về tình hình kinh tế khu vực và thế giới không đáp ứng được nhu cầu thông tin kinh tế đối ngoại, làm giảm đáng kể khả năng và hiệu quả các hoạt động kinh tế đối ngoại của nước ta.
Với những hạn chế đó, hệ thống thông tin kinh tế hiện tại chưa đáp ứng được nhu cầu thông tin của nền kinh tế, đòi hỏi có những đổi mới và phát triển nhanh chóng.
TÓM TẮT CHƯƠNG 2
Trong chương này, tác giả đã phác họa lại vài nét về sự chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta. Sự chuyển đổi đó đã đòi hỏi những thay đổi lớn trong hệ thống thông tin kinh tế nước ta: từ hệ thống thông tin lấy kế hoạch tập trung thống nhất làm chủ đạo sang hệ thống thông tin đa dạng với sự phân chia thành ba bộ phận đặc thù là Chính phủ, đơn vị kinh tế và thị trường. Với sự kế thừa từ hệ thống thông tin trước đây, sự phát triển khá mạnh của hệ thống thông tin hiện nay đã thỏa mãn các nhu cầu mới về thông tin kinh tế. Tuy nhiên còn nhiều hạn chế trong hệ thống thông tin kinh tế đã ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng phát triển và hội nhập kinh tế của nước ta trong thời đại ngày nay.
Chương 3
MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM HOÀN THIỆN VÀ PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG THÔNG TIN KINH TẾ NƯỚC TA
3.1. PHƯƠNG HƯỚNG CHUNG VỀ HOÀN THIỆN VÀ PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG THÔNG TIN KINH TẾ