Các yêu cầu đối với phát triển hệ thống thông tin kinh tế nước ta

Một phần của tài liệu LUẬN án TIẾN sĩ KINH tế THÔNG TIN KINH tế TRONG sự PHÁT TRIỂN KINH tế THỊ TRƯỜNG nước TA HIỆN NAY (Trang 146 - 151)

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng cộng sản Việt Nam đã đề ra mục tiêu "Đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp" vào năm 2020, đạt được mức tăng GDP từ 8 đến 10 lần so với năm 1990. Đây là mục tiêu khá khó khăn đối với nền kinh tế nước ta hiện nay.

Nó chỉ có thể đạt được với việc đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xem nó là sự nghiệp của toàn dân.

Việc duy trì một tốc độ tăng trưởng cao và ổn định trong kế hoạch 5 năm 1996-2000 và hai thập kỷ tới đòi hỏi nước ta phải tìm kiếm, huy động và sử dụng có hiệu quả tất cả các nguồn lực trong nước cũng như tranh thủ những nguồn lực mà chúng ta có cơ hội tiếp cận từ bên ngoài.

Trong xu thế chung của thời đại thông tin, khoa học và công nghệ ngày càng giữ vai trò quan trọng trong các nguồn lực phát triển kinh tế. Việc phát triển hệ thống thông tin, trong đó có hệ thống thông tin kinh tế không chỉ huy động được sức mạnh tiềm lực thông tin, khoa học và công nghệ vốn có trong nước mà còn tranh thủ được các cơ hội, sự hỗ trợ của các tổ chức, của làn sóng chung trên thế giới để phát triển kinh tế nước ta. Như các nhà kinh tế đã chỉ ra, khả năng huy động và hiệu quả sử dụng các nguồn lực truyền thống (tài nguyên thiên nhiên, lao động, tiền vốn) ngày càng giảm dưới sự tác động của các quy luật kinh tế khách quan (quy luật

khan hiếm, quy luật hiệu quả sử dụng các nguồn lực giảm dần,...). Với sự tác động của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ mới thì tiềm lực thông tin, khoa học và công nghệ đã là nguồn lực quan trọng nhất trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh của những thập niên vừa qua. Sự phát triển hệ thống thông tin trong nền kinh tế nước ta cũng chịu sự chi phối của xu thế đó: tích lũy và sử dụng thông tin để phát triển kinh tế nhanh chóng.

Hơn nữa, trong quá trình hội nhập ngày nay, hệ thống thông tin nước ta còn phải phát triển nhanh chóng cả về tổ chức và trình độ để có thể kết nối với hệ thống thông tin quốc tế. Tuy đã bắt đầu hội nhập nhưng thực tế chúng ta đang đứng trước ngưỡng cửa thế giới khá cao so với trình độ thông tin của nước ta. Các nước phát triển, ngay cả các nước trong khối ASEAN mà nước ta đang là thành viên cũng như Trung Quốc là nước láng giềng đã phát triển mạnh hệ thống thông tin kinh tế. Các đặc trưng quan trọng nhất của hệ thống thông tin kinh tế hiện đại có thể nhận rõ ở các nước phát triển là:

- Vai trò quan trọng của Chính phủ trong việc phát triển hệ thống thông tin kinh tế, không chỉ trong việc đầu tư và tổ chức hệ thống thông tin kinh tế của Chính phủ mà còn tham gia trực tiếp hoặc hỗ trợ đắc lực cho các hệ thống thông tin kinh tế khác (đặc biệt là đối với các doanh nghiệp và thị trường thông tin).

- Thị trường thông tin phát triển mạnh mẽ, đa dạng, phong phú được điều hành tổ chức chặt chẽ và có sự tương hỗ với thị trường công nghệ thông tin. Ở nhiều nước, thị trường thông tin có sự tham gia của nhiều tổ chức thông tin của Chính phủ (thống kê, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, các trung tâm thông tin tư liệu,...) cũng như các tập đoàn kinh tế, thông tin lớn. Nó không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn mở rộng hệ thống thông tin kinh tế ở quy mô quốc tế và trên toàn thế giới. Sự liên thông thị trường thông tin giữa Bắc Mỹ, Tây Âu, Nhật bản đã duy trì từ lâu và ngày

nay thị trường thông tin toàn cầu phát triển ở nhiều nước khác nhau trên tất cả các châu lục.

- Công nghệ thông tin hiện đại tạo cơ hội phát triển hệ thống thông tin ở mọi chủ thể kinh tế:

+ Chính phủ các nước với trang bị hiện đại đã tổ chức được các cơ sở dữ liệu lớn: Thống kê, quản lý nhân lực, quản lý đăng ký kinh doanh, quản lý tài sản, quản lý các văn bản pháp quy,... Chúng không chỉ giúp cho các cơ quan Chính phủ nhiều nước có được thông tin dễ dàng thuận lợi để thực hiện các chức năng quản lý kinh tế vĩ mô mà còn tích lũy, phát triển nguồn lực thông tin, tạo an toàn về thông tin cho xã hội và cung cấp, cập nhật thông tin, hỗ trợ cho các chủ thể kinh tế khác, đặc biệt cho các doanh nghiệp, các công dân có nhu cầu thông tin. Cơ sở dữ liệu hiện đại được nối mạng còn đảm bảo việc theo dõi, cập nhật thông tin nhanh giúp cho các cơ quan Chính phủ các nước phát triển giải quyết nhanh chóng các nghiệp vụ hàng ngày, giảm bệnh giấy tờ, bệnh đưa đẩy các vấn đề qua nhiều cửa, nhiều cấp.

+ Thị trường thông tin phát triển với nhiều hình thức mới. Sự phát triển mạng intranet và mạng internet cũng như công nghệ truyền thông đa phương tiện đã cho phép sự liên thông giữa các hệ thống thông tin, các mạng thông tin kinh tế và xuất hiện các dịch vụ thông tin khác nhau trên mạng như thư điện tử, thương mại điện tử, hội thảo trên mạng và nhiều loại dịch vụ khác.

Chỉ trong một thời gian ngắn so với các hình thức thông tin khác (từ đầu thập kỷ 70 đến nay), internet đã được sử dụng khá phổ biến. Theo thống kê 1999 số hộ sử dụng internet ở Mỹ là 43%, Thụy Điển 32%, Na Uy 30%, Đức 20%, Anh 18%... Châu Á tuy đi sau nhưng mức tăng trưởng trong sử dụng các dịch vụ internet tăng nhanh. Theo dự báo hoạt động thương mại điện tử sẽ đạt mức tăng trưởng từ 1999 đến 2004 ở các khu vực là:

Châu Âu: 31,8 tỷ USD năm 1999 lên 2340 tỷ USD Châu Á - Thái Bình Dương: 9,2 tỷ lên 992 tỷ USD Bắc Mỹ: 91 tỷ lên 2840 tỷ USD [35, 12].

+ Các doanh nghiệp có nhiều cơ hội để tìm hiểu, phát triển thị trường, đa dạng hóa kinh doanh. Nối mạng internet các doanh nghiệp không chỉ dễ dàng có được các thông tin kinh tế mà còn có thể thực hiện các hoạt động quảng cáo, tìm kiếm khách hàng , đối tác, trao đổi, giao dịch trên mạng với giá rẻ. Nó không chỉ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp lớn, có quy mô toàn cầu mà cả đối với các doanh nghiệp nhỏ ở các nước chưa phát triển. Sự hợp tác và phát triển công nghiệp công nghệ phần mềm ở Ấn Độ, Philíppin chủ yếu nhờ vào giao dịch trên mạng internet. Các xí nghiệp hương trấn của Trung Quốc nhờ nối mạng đã vươn tới các thị trường quốc tế,...

+ Công nghệ thông tin tạo điều kiện cho mọi thành viên trong xã hội có thể cập nhật, tiếp cận với các cơ sở dữ liệu, các loại thông tin khác nhau, có thể trao đổi thông tin các tổ chức, các cơ quan trong và ngoài nước, tạo cơ hội cho việc xuất hiện và phát triển các hình thức kinh doanh hiện đại trong các ngành ngân hàng, thương mại và nhiều ngành dịch vụ khác.

Trước tình hình đó hệ thống thông tin nước ta cần khắc phục nhanh chóng những mặt yếu kém để phát triển nhanh mới thực sự đáp ứng nhu cầu thông tin của nền kinh tế. Việc phát triển hệ thống thông tin kinh tế cần đáp ứng các yêu cầu sau:

- Thỏa mãn đầy đủ các nhu cầu về thông tin của hệ thống kinh tế mà nó phục vụ. Đó là những nhu cầu về thông tin cần thiết để các hệ thống kinh tế thực hiện được các chức năng kinh tế với hiệu quả cao nhất. Nhu cầu thông tin của các hệ thống kinh tế không giống nhau đòi hỏi phải tổ chức thu thập, xử lý và sàng lọc các thông tin theo các nhu cầu riêng của từng hệ thống. Yêu cầu này đòi hỏi thông tin đầy đủ cho mỗi chủ thể, mỗi hoạt động kinh tế một cách thích hợp, không thừa, không thiếu.

- Đảm bảo cung cấp thông tin chất lượng cao. Chất lượng thông tin, như ở chương 1 đã phân tích, được biểu hiện qua các đặc trưng của nó. Yêu cầu về chất lượng thông tin cần đảm bảo các đặc trưng quan trọng sau đây:

+ Tính chính xác: thông tin không bị sai lệch mà phản ánh chính xác các quá trình, hoạt động, hiện tượng kinh tế.

+ Tính kịp thời: thông tin phải được thu thập vào các thời điểm có ảnh hưởng đến các quá trình ra quyết định và được cung cấp kịp thời, nhanh chóng.

+ Tính triệt để: không bỏ sót các dữ liệu quan trọng mà người sử dụng thông tin dự kiến phải có trong các thông tin.

+ Tính hữu ích: thông tin phải bổ sung hiểu biết cho người sử dụng nó như: giảm bớt bất định, tăng khả năng dự đoán, hoặc khẳng định, sửa chữa những dự đoán trước đó, v.v...

+ Tính dễ hiểu: thông tin được diễn đạt dưới hình thức hữu dụng và dễ hiểu.

+ Tính kiểm tra được: thông tin về cùng một sự hiểu biết do hai người thu thập và xử lý độc lập với các phương pháp khác nhau phải có kết quả hoàn toàn giống nhau.

- Đảm bảo khả năng sử dụng thông tin rộng rãi cho các thành viên hữu quan trong hệ thống, đồng thời tích lũy, bảo vệ thông tin như tài sản có giá trị của hệ thống kinh tế.

Trong mỗi hệ thống thông tin, các thông tin cần được cung cấp kịp thời cho những người có thẩm quyền sử dụng chúng, đồng thời có những biện pháp bảo mật an toàn cũng như làm tăng giá trị cho các thông tin của hệ thống.

- Đảm bảo sự hỗ trợ, phối hợp, bổ sung giữa các hệ thống thông tin nhằm phát triển một hệ thống thông tin thống nhất trong hệ thống kinh tế quốc dân và kết nối với các hệ thống thông tin kinh tế bên ngoài. Yêu cầu này được thể hiện qua các nội dung sau đây:

+ Tạo lập được các mối quan hệ chặt chẽ giữa các hệ thống thông tin kinh tế trong nước.

+ Giảm bớt chênh lệch về trình độ, thống nhất về phương pháp, nội dung đối với những hoạt động thông tin phổ biến trong các hệ thống thông tin khác nhau.

+ Tăng cường khả năng kết nối với các hệ thống thông tin quốc tế trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích của các hệ thống thông tin được kết nối trực tiếp và lợi ích chung của toàn bộ hệ thống thông tin kinh tế cả nước.

Một phần của tài liệu LUẬN án TIẾN sĩ KINH tế THÔNG TIN KINH tế TRONG sự PHÁT TRIỂN KINH tế THỊ TRƯỜNG nước TA HIỆN NAY (Trang 146 - 151)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(207 trang)
w