Đối với các hộ gia đình, các hợp tác xã

Một phần của tài liệu LUẬN án TIẾN sĩ KINH tế THÔNG TIN KINH tế TRONG sự PHÁT TRIỂN KINH tế THỊ TRƯỜNG nước TA HIỆN NAY (Trang 176 - 180)

Do cơ cấu tổ chức của các đơn vị này tương đối đơn giản, quy mô thường nhỏ nên việc tổ chức thông tin ở các hộ gia đình và cả ở các hợp tác xã (trừ một số có quy mô, tính chất khá phức tạp) thường đơn giản, ít có tính hệ thống. Trong kinh tế thị trường, các hộ gia đình và hợp tác xã cần thu thập các thông tin để tìm ra được các cơ hội, xác định được các điều kiện kinh doanh. Ở các vùng nông thôn, trình độ người dân còn thấp chưa có điều kiện tiếp cận với các công nghệ thông tin hiện đại.

Trong khi đó, kinh tế thị trường và công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa không chỉ tác động mạnh đối với hệ thống thông tin của các doanh nghiệp mà còn đòi hỏi những chuyển biến mạnh mẽ trong khu vực kinh tế gia đình và hợp tác xã.

Việc cải thiện thông tin kinh tế không chỉ là mối quan tâm của các gia đình mà bản thân Nhà nước và các doanh nghiệp cũng rất quan tâm.

Với trên 70% lao động ở nông thôn, thực hiện các hoạt động sản xuất kinh

doanh theo đơn vị hộ gia đình và hợp tác xã và thu nhập từ đó có ý nghĩa quyết định đối với mức sống của 80% dân số nước ta cho thấy kinh tế hộ gia đình chiếm một vị trí đáng kể trong nền kinh tế nước ta. Vì vậy Nhà nước không thể không quan tâm đến sự phát triển của các hộ gia đình. Các doanh nghiệp cũng có liên quan trực tiếp bởi đây là bộ phận khách hàng cơ bản của thị trường sản phẩm của các doanh nghiệp. Đồng thời các gia đình cũng là những chủ thể quan trọng nhất cung cấp các nguồn lực sản xuất cho các doanh nghiệp. Sự phát triển của các gia đình với ba tư cách: người sản xuất kinh doanh kinh tế hộ, người tiêu dùng, người chủ các nguồn lực, đòi hỏi phải phát triển hệ thống thông tin kinh tế ở khu vực này, đặc biệt là ở các vùng nông thôn.

Việc phát triển hệ thống thông tin kinh tế đối với các hộ, các hợp tác xã hiện nay không thể chỉ cần sự đầu tư thích đáng của các hộ gia đình và các hợp tác xã mà còn rất cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước và các chủ thể kinh tế khác. Một số giải pháp có thể cải thiện được tình hình thông tin kinh tế đối với các gia đình và hợp tác xã hiện nay là:

a) Tăng cường chức năng thông tin của các hợp tác xã. Đa số các hợp tác xã hiện nay hoạt động theo luật hợp tác xã ban hành tháng 12/1996, trong đó các thành viên có thể là các hộ gia đình kinh doanh độc lập hoặc góp vốn cùng thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh. Với tiềm lực lớn hơn so với các gia đình, hợp tác xã có điều kiện thuận lợi hơn trong việc tổ chức các hoạt động thông tin. Ở nông thôn, hợp tác xã nông nghiệp cùng với chính quyền thôn, xã có thể tạo ra đầu mối trao đổi thông tin với hệ thống thông tin thị trường và các hệ thống thông tin khác, cung cấp các thông tin cần thiết cho các hộ gia đình. Để thực hiện được, hợp tác xã hoặc thôn, xã cần thành lập và duy trì hoạt động của một ban thông tin. Phải có những quy định về quyền lợi, trách nhiệm đối với ban này. Có như vậy mới đảm bảo thông tin kịp thời, chính xác, tránh hiện tượng thiếu trách nhiệm,

thông tin không chính xác hoặc đầu cơ thông tin để phục vụ lợi ích cá nhân.

Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ thông tin cũng như quyền lợi vật chất mà bộ phận thông tin được hưởng sẽ kích thích họ năng động tìm các nguồn cung cấp thông tin, giúp cho nông thôn cũng được hưởng những lợi thế mà các thông tin có thể đem lại. Có như vậy mới giảm bớt tình trạng không bình đẳng trong việc tham gia vào kinh tế thị trường của các hộ gia đình ở nông thôn như hiện nay.

b) Chú ý khai thác các phương tiện thông tin truyền thống trong các hoạt động thông tin ở các hộ gia đình và các hợp tác xã khu vực nông thôn.

Với trình độ văn hóa và chuyên môn của người lao động rất thấp, các hợp tác xã và các gia đình ở khu vực nông thôn khó có thể đầu tư và sử dụng được công nghệ thông tin hiện đại trong nhiều năm tới. Vì vậy lựa chọn các phương tiện thông tin truyền thống vẫn là hướng chủ yếu để thực hiện các hoạt động thông tin ở khu vực này. Ở các thôn xóm nên khôi phục hình thức bảng tin, có thể cung cấp các thông tin đa dạng, phong phú và cập nhật.

Đồng thời duy trì các hoạt động phát thanh, thư viện, phổ biến kiến thức dưới các hình thức sinh hoạt định kỳ để nâng cao trình độ của người dân.

c) Tranh thủ sự hỗ trợ của các hệ thống thông tin khác: như phương tiện thông tin đại chúng, các tổ chức nghiên cứu đào tạo, các tổ chức kinh tế có tiềm lực mạnh.

Trong những năm gần đây, ngành bưu chính viễn thông đã mở rộng thị trường ở vùng thôn thôn với chương trình xây dựng các trung tâm bưu điện - văn hóa xã. Các xã có thể phối hợp các trung tâm này tạo ra các dịch vụ với giá rẻ phù hợp với khả năng thanh toán của các hộ gia đình để hỗ trợ cho nông thôn, như:

- Cập nhật các thông tin về thị trường, giá cả.

- Tập hợp các văn bản pháp luật liên quan đến các hoạt động kinh tế của các hộ để họ có thể tham khảo.

- Tập hợp các tài liệu (sách, tạp chí, báo,...) về những tri thức kinh tế, khoa học kỹ thuật, pháp luật có liên quan đến các hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu dùng, sử dụng các hàng hóa dịch vụ để phục vụ cho nhu cầu tìm hiểu của các hộ gia đình.

Bên cạnh đó, với tư cách là một tổ chức kinh tế - hành chính, hợp tác xã hoặc thôn, xã có thể tranh thủ sự giúp đỡ của các chuyên gia, các cơ sở đào tạo để phổ biến kiến thức, nâng cao trình độ kỹ thuật của người dân, giúp họ đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nắm được nghệ thuật kinh doanh trong cơ chế thị trường.

d) Các tổ chức kinh doanh thuộc hệ thống thị trường thông tin cần có các chính sách phù hợp (về giá cả, về loại hình hoạt động, về phương thức thực hiện,...) để phát triển thông tin ở khu vực này. Đây là một khu vực tuy có khả năng thanh toán rất yếu nhưng lại rộng lớn. Các sản phẩm công nghệ thông tin có chu kỳ sống trên thị trường rất ngắn, lại nhanh bị lạc hậu khi đưa vào sử dụng. Các doanh nghiệp kinh doanh ở thị trường này có thể chuyển giao công nghệ tuy đã bị lỗi thời ở thành thị nhưng chưa hoàn toàn trở thành vô dụng về các thị trường nông thôn giúp cho họ tiếp cận công nghệ. Tuy nhiên phải áp dụng một chính sách giá trung thực với chính sách sản phẩm đã lạc hậu chứ không phải vì mục tiêu siêu lợi nhuận trong khi biến thị trường nông thôn thành nơi tiêu thụ "rác thải" của thị trường công nghệ thông tin thành thị. Mức lợi nhuận phải chăng cùng với mục tiêu tạo cơ hội, góp phần nâng cao trình độ công nghệ của hệ thống thông tin nông thôn cần phải trở thành quan điểm chủ đạo trong các chính sách hướng vào thị trường nông thôn của các nhà kinh doanh công nghệ thông tin nói riêng và các dịch vụ thông tin nói chung.

e) Nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn và tin học của người lao động ở khu vực này. Hình thức thực hiện có thể đa dạng: địa phương tự thực hiện việc tổ chức các câu lạc bộ, thư viện, trao đổi kinh nghiệm trực tiếp.

Nhà nước cũng cần có chính sách đào tạo lao động mới cho khu vực kinh tế gia đình và HTX, với các hình thức thích hợp với trình độ và khả năng chi phí của khu vực này. Có thể là các lớp học ngắn ngày, tại chức, lớp học ban đêm...

Một phần của tài liệu LUẬN án TIẾN sĩ KINH tế THÔNG TIN KINH tế TRONG sự PHÁT TRIỂN KINH tế THỊ TRƯỜNG nước TA HIỆN NAY (Trang 176 - 180)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(207 trang)
w