CHƯƠNG 2: TỔNG QUAN NĂNG LỰC CẠNH TRANH VỀ DỊCH VỤ BÁN LẺ CỦA NHTM
2.2. Năng lực cạnh tranh và các nhân tố tác động đến năng lực cạnh tranh về dịch vụ bán lẻ của NHTM
2.2.1. Năng lực cạnh tranh về dịch vụ bán lẻ của NHTM 2.2.1.1. Khái niệm về cạnh tranh
Theo Từ điển Bách khoa của Việt Nam: “Cạnh tranh (trong kinh doanh) là hoạt động ganh đua giữa những người sản xuất hàng hóa, giữa các thương nhân, các nhà kinh doanh trong nền kinh tế thị trường, chi phối bởi quan hệ cung cầu nhằm giành các điều kiện sản xuất, tiêu thụ và thị trường có lợi nhất”.
Trong Từ điển thuật ngữ Kinh tế học, cạnh tranh được định nghĩa là “sự đấu tranh đối lập giữa các cá nhân, tập đoàn hay quốc gia. Cạnh tranh nảy sinh khi hai bên hay nhiều bên cố gắng giành lấy thứ mà không phải ai cũng có thể giành được”.
Thuật ngữ cạnh tranh theo Đại từ điển Kinh tế thị trường, thì “cạnh tranh hữu hiệu là một phương thức thích ứng với thị trường của xí nghiệp, mà mục đích là giành được
hiệu quả hoạt động thị trường làm cho người ta tương đối thỏa mãn nhằm đạt được lợi nhuận bình quân vừa đủ để có lợi cho việc kinh doanh bình thường và thù lao cho những rủi ro trong việc đầu tư, đồng thời hoạt động của đơn vị sản xuất cũng đạt được hiệu suất cao, không có hiện tượng quá dư thừa về khả năng sản xuất trong một thời gian dài, tính chất sản phẩm đạt trình độ hợp lý…”.
Qua các định nghĩa trên có thể tiếp cận về cạnh tranh như sau:
Thứ nhất, khi nói đến cạnh tranh là nói đến sự ganh đua nhằm giành lấy phần thắng của nhiều chủ thể cùng tham dự.
Thứ hai, mục đích trực tiếp của cạnh tranh là một đối tượng cụ thể nào đó mà các bên đều muốn giành giật (một cơ hội, một sản phẩm, dự án…), mục đích cuối cùng là kiếm được lợi nhuận cao.
Thứ ba, cạnh tranh diễn ra trong một môi trường cụ thể, có các ràng buộc chung mà các bên tham gia phải tuân thủ như: đặc điểm sản phẩm, thị trường, các điều kiện pháp lý, các thông lệ kinh doanh…
Thứ tư, trong quá trình cạnh tranh các chủ thể tham gia cạnh tranh có thể sử dụng nhiều công cụ khác nhau: cạnh tranh bằng đặc tính và chất lượng sản phẩm, cạnh tranh bằng giá bán sản phẩm, cạnh tranh nhờ dịch vụ bán hàng tốt, cạnh tranh thông qua hình thức thanh toán…
Với cách tiếp cận trên, khái niệm cạnh tranh có thể hiểu như sau:
“Cạnh tranh là quan hệ kinh tế mà ở đó các chủ thể kinh tế ganh đua nhau tìm mọi biện pháp, cả nghệ thuật lẫn thủ đoạn để đạt mục tiêu kinh tế của mình, thông thường là chiếm lĩnh thị trường, giành lấy khách hàng cũng như các điều kiện sản xuất, thị trường có lợi nhất. Mục đích cuối cùng là tối đa hóa lợi ích. Đối với người sản xuất kinh doanh là lợi nhuận, đối với người tiêu dùng là lợi ích tiêu dùng và sự tiện lợi”.
2.2.1.2. Năng lực cạnh tranh của NHTM
Năng lực cạnh tranh là một khái niệm không mới song được xác định rất phong phú và thường gắn liền với những hoạt động cụ thể. Có một số cách tiếp cận về năng lực
cạnh tranh như sau:
Theo lý thuyết thương mại truyền thống, các nhà kinh tế xem xét năng lực cạnh tranh thông qua xem xét lợi thế so sánh về chi phí sản xuất và năng suất, vì các yếu tố sản xuất vẫn được coi là các điều kiện cơ bản nhất của lợi thế cạnh tranh.
Theo báo cáo về khả năng cạnh tranh toàn cầu năm 1997 của Diễn đàn kinh tế thế giới WEF – World Economic Forum thì: năng lực cạnh tranh được hiểu là khả năng, năng lực mà doanh nghiệp có thể duy trì vị trí của nó một cách lâu dài và có ý chí trên thị trường cạnh tranh, bảo đảm thực hiện một tỷ lệ lợi nhuận ít nhất bằng tỷ lệ đòi hỏi tài trợ những mục tiêu của doanh nghiệp, đồng thời đạt được những mục tiêu của doanh nghiệp đề ra.
UNCTAD thuộc Liên Hiệp Quốc cho rằng thuật ngữ sức cạnh tranh của doanh nghiệp có thể được hiểu là “năng lực của doanh nghiệp trong việc giữ vững hoặc tăng thị phần của mình một cách vững chắc, hoặc nó cũng có thể được định nghĩa là năng lực hạ giá thành hoặc cung cấp sản phẩm bền, đẹp, rẻ của doanh nghiệp, hoặc nó còn được định nghĩa như định nghĩa thông thường là sức cạnh tranh bắt nguồn từ tỷ suất lợi nhuận”.
Mặc dù có nhiều khái niệm khác nhau về năng lực cạnh tranh nhưng nhìn chung các khái niệm này đều cho rằng: năng lực cạnh tranh của một doanh nghiệp được thể hiện thông qua khả năng duy trì và phát triển lợi nhuận, thị phần của doanh nghiệp đó.
NHTM là một doanh nghiệp đặc biệt do sản phẩm kinh doanh của NHTM mang tính đặc biệt - đó là tiền tệ, vì thế NHTM cũng tồn tại vì mục đích cuối cùng là lợi nhuận. Căn cứ vào khái niệm về năng lực cạnh tranh của một doanh nghiệp cũng như đặc điểm kinh doanh đặc thù của ngân hàng, nhiều khái niệm khác nhau về năng lực cạnh tranh của NHTM được đưa ra như:
“Năng lực cạnh tranh của một ngân hàng là khả năng ngân hàng đó sử dụng các nguồn lực của mình để tạo ra, duy trì và phát triển những lợi thế so với các ngân hàng khác, nhằm mục tiêu duy trì và mở rộng thị phần, đạt được mức lợi nhuận liên tục tăng và cao hơn mức trung bình của ngành, đồng thời đảm bảo hoạt động an
toàn, lành mạnh để có khả năng chống đỡ và vượt qua những biến động bất lợi của môi trường kinh doanh” (Nguyễn Thị Quy, 2005, Năng lực cạnh tranh của NHTM trong xu thế hội nhập).
Trong bài viết của tác giả Nguyễn Thanh Phong nói về năng lực cạnh tranh của NHTM Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế có đưa ra khái niệm:
“Năng lực cạnh tranh của NHTM là khả năng do chính ngân hàng tạo ra trên cơ sở duy trì và phát triển những lợi thế vốn có nhằm củng cố và mở rộng thị phần, gia tăng lợi nhuận và có khả năng chống đỡ và vượt qua những biến động bất lợi của môi trường kinh doanh” (Nguyễn Thanh Phong, tháng 5/2009, Tạp chí phát triển kinh tế số 223).
Mặc dù có nhiều cách diễn đạt khác nhau nhưng theo quan điểm của tác giả:
“Năng lực cạnh tranh của NHTM là khả năng cung ứng tốt nhất các dịch vụ kinh doanh tiền tệ nhằm duy trì và phát triển lợi nhuận, thị phần của ngân hàng đó một cách bền vững trên cơ sở phát huy những thế mạnh của mình dựa trên nguồn lực và điều kiện hiện có của bản thân ngân hàng để có thể đứng vững trước những biến động của môi trường kinh doanh”.
2.1.2.3. Năng lực cạnh tranh về dịch vụ bán lẻ của NHTM
Dựa vào những đặc điểm của dịch vụ NHBL và khái niệm về năng lực cạnh tranh của NHTM, tác giả cho rằng: “năng lực cạnh tranh về dịch vụ bán lẻ của NHTM là sự thể hiện khả năng vượt trội của một ngân hàng về các điều kiện, nguồn lực mà ngân hàng có trong quá trình cạnh tranh để tạo ra sự khác biệt hóa về giá cả, chất lượng dịch vụ, thương hiệu…trong hoạt động dịch vụ NHBL của mình so với các đối thủ khác trong lĩnh vực ngân hàng”. Năng lực cạnh tranh về dịch vụ bán lẻ của NHTM không tách rời năng lực cạnh tranh của ngân hàng, năng lực cạnh tranh của ngân hàng tạo ra và định đoạt năng lực cạnh tranh của dịch vụ NHBL.
2.2.2. Các nhân tố tác động đến năng lực cạnh tranh về dịch vụ bán lẻ của NHTM
Năng lực cạnh tranh về dịch vụ bán lẻ của NHTM là khả năng vượt qua các
đối thủ cạnh tranh để duy trì và phát triển hoạt động NHBL của Ngân hàng. Những khả năng này bị tác động bởi các yếu tố, đó là:
- Các yếu tố thuộc về kinh tế (tốc độ tăng trưởng kinh tế, lãi suất, lạm phát…), văn hóa, tâm lý xã hội:
Nếu tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế cao làm cho thu nhập của dân cư tăng và nhu cầu sử dụng các tiện ích từ SPDV Ngân hàng cũng tăng lên, đây là cơ hội cho những NHTM nắm bắt và đáp ứng được nhu cầu này; mặt khác với nguồn thu nhập dồi dào, nhu cầu đầu tư của đại bộ phận dân cư cũng tăng, và một phần lớn nguồn vốn này sẽ được đổ vào Ngân hàng nếu biết cách khai thác hiệu quả.
Các yếu tố thuộc về văn hóa, tâm lý là nhóm yếu tố quan trọng tạo lập nên lối sống của người tiêu dùng, đồng thời cũng là cơ sở để cho các NHTM lựa chọn và điều chỉnh các quyết định kinh doanh cũng như đưa ra các SPDV phù hợp.
- Nhu cầu của khách hàng: Thông qua nhu cầu của khách hàng mà NHTM có thể tận dụng được lợi thế về quy mô, từ đó cải thiện các hoạt động kinh doanh dịch vụ của mình.
Nhu cầu của khách hàng còn có thể gợi mở ra cho NHTM phát triển các sản phẩm dịch vụ bán lẻ mới cũng như mở rộng tính năng, nâng cao chất lượng các sản phẩm dịch vụ bán lẻ hiện có. Các sản phẩm dịch vụ này có thể được phát triển rộng rãi ra thị trường bên ngoài và khi đó NHTM là người có lợi thế cạnh tranh trước tiên.
- Các lĩnh vực có liên quan và phụ trợ: Sự phát triển của NHTM không thể tách rời sự phát triển các lĩnh vực có liên quan và phụ trợ như sự phát triển của công nghệ thông tin, tin học, mạng truyền thông… trong thị trường tài chính.
Đối với các NHTM, yếu tố thông tin có vai trò quan trọng. Nhờ sự phát triển của công nghệ tin học và thông tin mà các ngân hàng có thể theo dõi và tham gia vào thị trường tài chính 24/24 giờ trong ngày, chính điều đó càng chứng tỏ vai trò quan trọng của các lĩnh vực có liên quan và phụ trợ đối với năng lực cạnh tranh của NHTM.
- Cấu trúc ngành và đối thủ cạnh tranh: Đây là những vấn đề liên quan đến cách thức NHTM được hình thành, tổ chức và quản lý cũng như mức độ cạnh tranh trong nước và trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay. Sự phát triển các hoạt động doanh nghiệp sẽ thành công nếu được sự quản lý và tổ chức trong một môi trường phù hợp và kích thích được các lợi thế cạnh tranh của nó. Sự cạnh tranh giữa các NHTM sẽ là yếu tố thúc đẩy sự cải tiến và thay đổi tốt hơn nhằm giảm chi phí, nâng cao chất lượng dịch vụ và chất lượng phục vụ khách hàng.