CHƯƠNG 5: GIẢI PHÁP NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH VỀ DỊCH VỤ BÁN LẺ CỦA NGÂN HÀNG TMCP ĐT&PT VIỆT NAM TRÊN ĐỊA BÀN TP HCM
5.2. Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh về dịch vụ bán lẻ của BIDV trên địa bàn TP HCM
5.2.2. Nhóm giải pháp hỗ trợ
5.2.2.1. Từ Hội sở chính – Ngân hàng TMCP ĐT&PT Việt Nam
BIDV các CN trên địa bàn TP HCM là bộ phận nằm trong hệ thống BIDV. Do đó, mọi hoạt động của các CN đều chịu sự tác động trực tiếp từ đường lối hoạt động của hội sở. Bởi thế, BIDV cần có những tác động nhằm hỗ trợ CN trong việc thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của BIDV trên thị trường ngân hàng bán lẻ tại địa bàn Hồ Chí Minh. Cụ thể:
Thứ nhất: Nghiên cứu thành lập 01 Ban phát triển NHBL phía Nam và xem xét nâng cấp thành 01 trung tâm hỗ trợ và phát triển kinh doanh tập trung của BIDV phía Nam tại địa bàn TP HCM trong tương lai.
-Mô hình: quản lý tập trung tại vùng của hội sở chính với cơ chế hỗ trợ hoạt động riêng.
- Chức năng:
Quản lý và hỗ trợ chi nhánh xử lý một phần các hoạt động tác nghiệp, hỗ trợ phát triển kinh doanh NHBL mang tính “tập trung tại vùng” của hội sở chính đối với các chi nhánh trên địa bàn TP HCM.
Tập trung khai thác các kênh bán hàng mới, tiên phong trong khai thác các mảng thị trường hay sản phẩm mới, các đối tác liên kết bán hàng quan trọng mang tính chiến lược tại vùng.
- Mục tiêu:
Nâng cao năng lực tiếp thị, phân phối và bán hàng của BIDV tại địa bàn TP HCM.
Cải thiện hiệu quả công tác hỗ trợ kinh doanh của hội sở chính (hiện nay hội sở chính của BIDV đặt tại TP Hà Nội) đối với các chi nhánh trên địa bàn TP HCM; đảm bảo cho các chi nhánh tập trung nguồn lực hơn cho công tác bán hàng trên địa bàn; các cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh doanh của hội sở chính đối với các chi nhánh trên địa bàn
diễn ra kịp thời, đồng bộ, tối ưu hóa hiệu quả chung của địa bàn và phù hợp, sát hơn với những thay đổi đặc thù của thị trường và diễn biến tình hình cạnh tranh trên địa bàn TP HCM.
- Nhiệm vụ chính:
Hỗ trợ phát triển mạng lưới (PGD, ATM…).
Xúc tiến quan hệ với cá đối tác liên kết chiến lược bán hàng, mở rộng và khai thác các kênh bán hàng mới, khu vực thị trường mới trên địa bàn.
Hỗ trợ nghiên cứu, thí điểm và triển khai các mô hình tổ chức kinh doanh/bán hàng mới, sản phẩm mới trên địa bàn.
Cập nhật thông tin thị trường, thực hiện nghiên cứu và phân tích thị trường.
Phối hợp với các chi nhánh trên địa bàn triển khai các chương trình tiếp thị, chiến dịch bán hàng đặc thù riêng cho các gói sản phẩm NHBL chủ lực của BIDV ở quy mô toàn địa bàn và các chương trình truyền thông quảng bá thương hiệu và hình ảnh sản phẩm NHBL của BIDV trên các kênh truyền thông “đại chúng” của địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Thứ hai: Xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu hoàn chỉnh, chuyên nghiệp và văn hóa kinh doanh bản sắc riêng đồng bộ và thống nhất trên toàn hệ thống.
- Để tăng cường lợi thế cạnh tranh, đặc biệt là trên thị trường NHBL, BIDV cần xây dựng được các giá trị khác biệt của mình và thể hiện sự khác biệt đó ra công chúng bằng một hệ thống nhận diện thương hiệu hoàn chỉnh, thống nhất và đặc trưng. Tất cả các nhân viên ngân hàng đều phải hiểu được giá trị khác biệt mà mình cung ứng cho khách hàng, và thể hiện sự khác biệt đó một cách rõ nét trong lời nói cũng như hành động của mình. Sự khác biệt cũng nên được thể hiện qua việc thiết kế logo, slogan, thiết kế đồ họa, các chương trình quảng cáo….
- Sản phẩm ngân hàng rất dễ bị sao chép, trong khi văn hóa kinh doanh, thể hiện qua cách thức giao dịch và ứng xử của nhân viên ngân hàng với khách hàng lại là yếu tố được khách hàng đề cao và mang lại lợi thế cạnh tranh lâu dài. Các khách hàng tinh ý sẽ nhận thấy văn hóa kinh doanh của ngân hàng ngay từ bầu không khí trong chi nhánh, từ
cách thức tiếp cận, tư vấn và chăm sóc khách hàng. Văn hóa kinh doanh sẽ là lợi thế cạnh tranh then chốt để giữa khách hàng lâu dài.
Thứ ba: Đẩy mạnh đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ mới hướng tới cung cấp dịch vụ NHBL hiện đại cho khách hàng.
- Đảm bảo hệ thống công nghệ hoạt động ổn định nhằm gia tăng chất lượng dịch vụ NHBL cung cấp cho khách hàng và tạo điều kiện thuận lợi cho công tác phát triển sản phẩm mới.
- Đầu tư có trọng tâm vào công nghệ mới hiện đại để phát triển các sản phẩm/dịch vụ mới, các kênh phân phối mới (ATM, POS, IBMB…) trên nền công nghệ ngân hàng hiện đại theo hướng chuẩn hóa sản phẩm/dịch vụ theo thông lệ quốc tế, tự động hóa các quy trình nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động. Thực tế đã chứng minh, khi ứng dụng thành công các công nghệ tiên tiến sẽ giúp các ngân hàng nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, phát triển dịch vụ ngân hàng hiện đại, gia tăng tiện ích cho khách hàng, tăng khả năng cạnh tranh trong môi trường hội nhập.
Thứ tư: BIDV cần đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển sản phẩm, dịch vụ NHBL.
Dịch vụ, sản phẩm được xác định là thế mạnh và mũi nhọn trong các ngân hàng thương mại để phát triển hoạt động NHBL. Vì vậy, BIDV cần xây dựng một danh mục sản phẩm, dịch vụ đa dạng, đa tiện ích, tiêu chuẩn, chất lượng, có hàm lượng công nghệ cao và có những đặc điểm hấp dẫn so với các sản phẩm trên thị trường nhằm tạo ra sự khác biệt trong cạnh tranh:
- Hội sở chính cần thường xuyên rà soát các danh mục sản phẩm dịch vụ NHBL hiện tại, đánh giá, so sánh sản phẩm của BIDV với các đối thủ cạnh tranh, đồng thời thu nhập ý kiến của khách hàng về các sản phẩm để xác định hiệu quả của các sản phẩm đang triển khai, sản phẩm nào chưa đạt tính hiệu quả, nghiên cứu bổ sung các tính năng, tiện ích mới để đáp ứng nhu cầu khách hàng,….
- Nghiên cứu xây dựng các sản phẩm đặc thù của BIDV phù hợp với từng phân khúc thị trường; các sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu mới của khách hàng và sự phát
triển của thị trường trong từng thời kỳ.
Thứ năm: Hỗ trợ về tài chính để các CN trên địa bàn TP HCM gia tăng nguồn kinh phí cho các phương án đẩy mạnh hoạt động truyền thông tiếp thị, phát triển kênh phân phối và bán hàng cũng như các hoạt động khác với mục tiêu đẩy mạnh hoạt động kinh doanh ngân hàng bán lẻ trên địa bàn.
Thứ sáu: Nâng cao năng lực quản lý rủi ro.
Hội sở chính cần quản lý tốt hơn rủi ro vận hành, tác nghiệp thông qua những giải pháp tổng thể: chuẩn hóa các quy trình sản phẩm, tác nghiệp; quản lý và kiểm soát việc tuân thủ các quy trình nghiệp vụ.
Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm toán nội bộ; hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin, nâng cao tính bảo mật và an toàn dữ liệu.
Thứ bảy: Hỗ trợ các Chi nhánh trên địa bàn TP HCM trong công tác đào tạo.
Hiện nay, BIDV đã có trường đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ nên để giải quyết những trình độ bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ mới trong nền kinh tế thị trường cần phải:
- Tăng cường mở thêm các lớp học tập, bồi dưỡng nghiệp vụ trong ngành cũng như ngoài ngành với đội ngũ giảng viên có trình độ giỏi và kinh nghiệm trong giảng dạy. Đặc biệt là tổ chức/hoặc đầu mối liên hệ với các đơn vị đào tạo triển khai các lớp đào tạo các kỹ năng mềm cho cán bộ quan hệ khách hàng cá nhân, giao dịch viên với nội dung thống nhất chung trong toàn hệ thống.
- Thường xuyên tổ chức kiểm tra tay nghề, bao gồm kiến thức nghiệp vụ chuyên môn cũng như khả năng giải quyết các tình huống ứng xử, đặc biệt là các tình huống xung đột với khách hàng.