1.1. Cơ sở lý luận về cải cách thủ tục hành chính
1.1.3. Nội dung chính của cải cách thủ tục hành chính cấp huyện
Cải cách TTHC tại UBND thành phố thuộc tỉnh là một đòi hỏi tất yếu của thực tiễn khách quan trong công cuộc đổi mới vì TTHC là công cụ và
phương tiện để đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống vì vậy, công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện cải cách TTHC tác động lớn đến chất lượng, hiệu quả của cải cách TTHC tại UBND thành phố thuộc tỉnh.
Công tác chỉ đạo, điều hành luôn có vai trò quan trọng trong thực hiện mọi nhiệm vụ của bất kỳ một cơ quan, tổ chức nào và là yếu tố quyết định thành công trong thực hiện các nhiệm vụ nói chung và nhiệm vụ cải cách TTHC tại UBND thành phố thuộc tỉnh nói riêng, đặc biệt là việc thực hiện các quy định về TTHC một cách có hiệu quả tại UBND thành phố thuộc tỉnh.
Thực tế cho thấy, chủ trương, chỉ đạo của người lãnh đạo trong công tác cải cách TTHC rất quan trọng, quyết định tới hiệu quả của công tác này rất lớn.
(Học viện Hành chính Quốc gia, 2012)
Công tác kiểm soát TTHC nhằm đảm bảo thực hiện có hiệu quả mục tiêu cải cách TTHC, bảo đảm điều phối, huy động sự tham gia tích cực, rộng rãi của tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân vào quá trình kiểm soát TTHC. Các hoạt động chủ yếu của quá trình này là xem xét, đánh giá, theo dõi nhằm bảo đảm tính khả thi của quy định về TTHC, đáp ứng yêu cầu công khai, minh bạch trong quá trình tổ chức thực hiện TTHC, nhằm kịp thời phát hiện để loại bỏ hoặc chỉnh sửa TTHC không phù hợp, phức tạp, phiền hà; bổ sung TTHC cần thiết, đáp ứng nhu cầu thực tế; bảo đảm quy định TTHC đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của đối tượng và cơ quan thực hiện TTHC. Nội dung kiểm soát TTHC tại UBND thành phố thuộc tỉnh bao gồm những công việc sau:
- Công khai các TTHC;
- Rà soát các TTHC để kiến nghị sửa đổi và bổ sung;
- Tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của các tổ chức, cá nhân về TTHC.
(Học viện Hành chính Quốc gia, 2012)
Công tác tuyên truyền về cải cách TTHC tại UBND thành phố thuộc tỉnh có vai trò quan trọng trong việc triển khai thực hiện cải cách TTHC, quyết định tới hiệu quả của công tác cải cách TTHC tại UBND thành phố thuộc tỉnh, bởi vì nếu công tác này làm chưa tốt, chưa hiệu quả thì sẽ không tạo ra được những chuyển biến căn bản trong nhận thức và trách nhiệm của công chức, viên chức tại UBND thành phố thuộc tỉnh; của các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân khi thực hiện các TTHC tại UBND thành phố thuộc tỉnh.
Để làm tốt công tác này cần đưa ra nhiều hình thức tuyên truyền phong phú về cải cách TTHC như: tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết TTHC tại trụ sở UBND thành phố thuộc tỉnh qua bản cứng đóng quyển, qua màn hình, đăng tải trên các trang điện tử của UBND thành phố để các tổ chức, cá nhân có thể thuận tiện truy cập và nắm bắt thông tin một cách nhanh nhất. Việc công khai các TTHC sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát của các tổ chức, cá nhân chia sẻ và phát hiện những bất cập trong các quy định về TTHC, những hành vi nhũng nhiều tự đặt thêm các TTHC, gây phiền hà cho các tổ chức, cá nhân. (Học viện Hành chính Quốc gia, 2012).
1.1.3.4. Công tác tổ chức thực hiện các nguồn lực cải cách TTHC
Để thực hiện tốt công tác tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả TTHC tại UBND thành phố thuộc tỉnh cần sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí nhân sự khoa học, đầu tư tài chính hợp lý, trang bị cơ sở vật chất và phải xây dựng, hoàn thiện thể chế về tổ chức và vận hành là việc phải thực hiện nghiêm túc ngay từ ban đầu. Việc tổ chức thực hiện các nguồn lực cải cách TTHC tại UBND thành phố thuộc tỉnh được thực hiện một cách khoa học, đồng bộ là nhân tố quyết định trong việc đảm bảo thành công của cải cách TTHC tại UBND thành phố thuộc tỉnh.
Thứ nhất, tổ chức bộ máy và nhân sự
Về năng lực chuyên môn, công chức quản lý phụ trách các lĩnh vực chuyên môn và thực hiện nghiệp vụ chuyên môn phải được đào tạo bài bản về chuyên môn ở các lĩnh vực đó, đồng thời phải có kiến thức pháp luật vững vàng
để xử lý các tình huống pháp lý xảy ra trong khi thực hiện các TTHC. Do vậy, việc nâng cao trình độ, năng lực, tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
Về kỹ năng, công chức nếu thiếu các kỹ năng cụ thể thì sẽ không hoàn thành tốt công việc của mình, do đó bảo đảm đội ngũ này phải có các kỹ năng giao tiếp hành chính với công dân, lập kế hoạch, tổ chức, quản lý hồ sơ, kỹ năng sử dụng phần mềm phục vụ công việc.
Về mặt đạo đức công vụ, đội ngũ công chức viên chức thực hiện chuyên môn, nghiệp vụ phải có ý thức phấn đấu hoàn thành công việc ở mức tốt nhất có thể; tinh thần thái độ phục vụ nhân dân; sự nhiệt tình phối hợp công tác với đồng nghiệp trong cơ quan và các cơ quan liên quan khác.
Về tư tưởng, nhận thức, đòi hỏi đội ngũ viên chức trực tiếp làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả TTHC phải nhận thức đúng đắn về mục tiêu của việc thực hiện cơ chế, những chuẩn mực yêu cầu đối với cán bộ, công chức thực hiện TTHC, cần thay đổi thói quen, nhận thức đúng vị trí mình là người phục vụ trong mối quan hệ hành chính với công dân, tổ chức. Do vậy, cần phải có sự lựa chọn, bố trí sắp xếp đội ngũ công chức cho phù hợp với yêu cầu của việc tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả TTHC. Cần đầu tư vào công tác nâng cao chất lượng cho đội ngũ công chức và có chính sách khuyến khích, đánh giá một cách khoa học để khai thác được những ưu điểm của họ.
Chất lượng công chức liên quan đến việc giải quyết các TTHC tại UBND thành phố thuộc tỉnh phải đảm bảo đủ về số lượng, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với công việc của ngành, có phẩm chất, đạo đức tốt, có tinh thần trách nhiệm và tính chuyên nghiệp cao, có tác phong, thái độ chuẩn mực, có khả năng giao tiếp tốt với cá nhân, tổ chức, góp phần hạn chế được tình trạng cá nhân, tổ chức phải đi lại nhiều lần; đồng thời tăng cường cơ chế giám sát hoạt động của cá nhân, tổ chức; hạn chế được sự quan liêu, hách dịch, cửa quyền trong thực thi nhiệm vụ của công chức. (Học viện Hành chính Quốc gia, 2012)
Thứ hai, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc
Cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc là điều kiện đảm bảo cho việc thực hiện chuyên môn, nghiệp vụ của công chức, viên chức được thuận lợi và nhanh chóng hơn, góp phần nâng cao mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp khi đến giao dịch tại UBND thành phố thuộc tỉnh. Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc không chỉ đáp ứng yêu cầu giải quyết công việc nhanh, liên thông trong thông tin giữa các cơ quan, giữa các cấp, các địa phương mà còn là điều kiện đảm bảo tính độc lập, chuyên biệt và tập trung của cải cách TTHC; mặt khác còn thể hiện sự văn minh, chuyên nghiệp của một công sở hiện đại, tạo sự tin tưởng đối với các tổ chức, cá nhân khi đến làm việc tại UBND thành phố thuộc tỉnh. (Học viện Hành chính Quốc gia, 2012)
Thứ ba, ứng dụng công nghệ thông tin
Công nghệ thông tin được coi là cánh tay phải đắc lực phục vụ cho công chức khi thực hiện nhiệm vụ. Việc ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả giúp rút ngắn thời gian giải quyết công việc đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết công việc; giúp công tác kiểm tra, giám sát của lãnh đạo được thuận lợi; giúp lãnh đạo dễ dàng phát hiện ra những sai sót để chấn chỉnh kịp thời.
Muốn cải cách TTHC một cách hiệu quả và tổ chức tốt việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại UBND thành phố thuộc tỉnh thành công thì việc ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các phần mềm; áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015 vào hoạt động nghiệp vụ là cần thiết và mang lại hiệu quả cao. (Học viện Hành chính Quốc gia, 2012)
1.1.3.5. Công tác tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả TTHC
Thực hiện theo quy định tại Nghị định 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính:
Một là, niêm yết công khai, đầy đủ, kịp thời các TTHC tại Quyết định công bố TTHC của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là UBND cấp tỉnh) theo quy định.
Hai là, bảo đảm giải quyết công việc nhanh chóng, thuận tiện cho cá nhân, tổ chức; việc yêu cầu bổ sung hồ sơ chỉ được thực hiện không quá một lần trong suốt quá trình giải quyết hồ sơ tại một cơ quan chuyên môn.
Ba là, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan hành chính nhà nước trong giải quyết công việc của cá nhân, tổ chức.
Bốn là, việc thu phí, lệ phí của cá nhân, tổ chức được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. (Học viện Hành chính Quốc gia, 2012)
1.1.3.6. Công tác kiểm tra, giám sát thực hiện cải cách TTHC
Đây là một khâu không thể thiếu trong cải cách TTHC tại UBND thành phố thuộc tỉnh. Thông qua kiểm tra, giám sát về thực hiện cải cách TTHC tại UBND thành phố thuộc tỉnh, chủ thể quản lý sẽ xây dựng các biện pháp nhằm phát huy những ưu điểm đã đạt được, khắc phục những thiếu sót, hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện. Kịp thời phát hiện hành vi trái pháp luật để áp dụng các biện pháp xử lý thích hợp nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện TTHC tại UBND thành phố thuộc tỉnh. UBND thành phố thuộc tỉnh cần xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát cụ thể, rõ ràng và tiến hành thực hiện nghiêm túc, phải có kết luận sau kiểm tra, giám sát. (Học viện Hành chính Quốc gia, 2012)