1.1 Bối cảnh và khoảng trống nghiên cứu
1.1.2 Bối cảnh lý thuyết
Tăng trưởng năng suất lao động đóng vai trò quan trọng đối với sự tồn tại, tăng trưởng và phát triển doanh nghiệp và ảnh hưởng quyết định đến tăng trưởng kinh tế (Breu và cộng sự, 2012). Do đó, trên thế giới có rất nhiều nghiên cứu cả lý thuyết và thực nghiệm dưới nhiều góc độ cả vi mô và vĩ mô để nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến năng suất lao động. Vì muốn tập trung cải thiện năng suất lao động cho khu vực tư nhân, doanh nghiệp nên trong bối cảnh lý thuyết, luận án chỉ trình bày những nghiên cứu về các yếu tố tác động đến năng suất lao động dưới gốc độ vi mô.
Đối với mối quan hệ giữa FDI, xuất khẩu đến năng suất lao động ở góc độ doanh nghiệp có thể kể đến những nghiên cứu đầu tiên như của Vernon (1966), Caves (1974), Findlay (1978), Dunning (1979) sau đó có Blomstrom (1986), (Griffith và cộng sự, 2002), Vadlamannati (2011), Georgescu (2012), Bernard và Jensen (1999), Blalock (2004), Wagner (2007), Haidar (2012), De Loecker (2013).
Những mô hình lý thuyết cổ điển như của Swan (1956); Solow (1957) đơn thuần coi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là kênh cung cấp vốn quan trọng đối với nền kinh tế thì những nghiên cứu thực nghiệm sau này khi nghiên cứu dưới góc độ vi mô còn cho thấy dòng vốn FDI chảy vào nội địa một quốc gia sẽ dẫn đến chuyển giao cộng nghệ, gia tăng năng suất đối với các công ty nội địa của nước đó (Aitken và Harrison, 1999; Griffith, 2002; Ng, 2007).
Các công ty có vốn FDI, đặc biệt các công ty đa quốc gia là công cụ quan trọng trong việc áp dụng công nghệ vì họ mang đến những ưu thế vượt trội về trình độ công nghệ. Ngoài những tác động trực tiếp đến nền kinh tế, các doanh nghiệp FDI còn có thể gián tiếp tạo ra các tác động lâu dài đến nội ngành sản xuất ở quốc gia tiếp nhận đầu tư. Mô hình Caves (1974) ghi nhận tác động của hiệu ứng lan tỏa trong nội bộ ngành của FDI vào sản xuất của nhiều quốc gia. Thông qua khả năng phát tán, rò rỉ hay chia sẻ thông tin mang tính chủ động cũng như thụ động khiến FDI có thể gián tiếp nâng cao năng suất của doanh nghiệp, từ đó nâng cao NSLĐ của người lao động.
Tuy nhiên, các công ty đa quốc gia cũng có thể làm giảm NSLĐ của nước sở tại (Rodriguez-Clare, 1996). Dẫn chứng của những nghiên cứu này đó là do các công ty đa quốc gia ảnh hưởng đến nước chủ nhà thông qua các liên kết ngược và xuôi và các hiệu ứng khác. Tác động ròng của FDI lên nước chủ nhà phụ thuộc vào các mối liên kết mà họ tạo ra so với các mối liên kết sẽ được tạo ra bởi các công ty trong nước mà họ thay thế. Trong trường hợp các công ty đa quốc gia tạo ra ít mối liên kết hơn các công ty trong nước cho thị trường nước chủ nhà thì việc tăng FDI có thể làm giảm NSLĐ của các công ty trong nước.
Một kênh áp dụng công nghệ khác cũng tác động đến NSLĐ đó là thông qua thương mại quốc tế, đặc biệt là xuất khẩu. Hầu hết các lý thuyết và các nghiên cứu thực nghiệm hiện nay đều cho rằng xuất khẩu tác động dương đến NSLĐ (Metliz 2003;
Bernard và cộng sự 2003). Tuy nhiên, một số nghiên cứu như Young (1991) cho thấy một chế độ giao dịch tự do hơn làm chậm quá trình tăng trưởng NSLĐ của các quốc gia đang phát triển do không có lợi thế so sánh bằng quốc tế. Vì vậy, ảnh hưởng của xuất khẩu đến NSLĐ của các quốc gia đang phát triển có thể khác nhau.
Tại Việt Nam, những nghiên cứu thực nghiệm cho thấy sự ảnh hưởng của việc áp dụng công nghệ (được phản ánh thông qua FDI và xuất khẩu) là nguồn gốc của sự tăng trưởng sản lượng và góp phần gia tăng NSLĐ. Ngô Hoàng Thảo Trang (2017) khi nghiên cứu các hoạt động xuất khẩu, hoạt động đổi mới và môi trường kinh doanh đến năng suất của DNNVV Việt Nam cho thấy các doanh nghiệp áp dụng các
hoạt động đổi mới có tác động tốt đến NSLĐ hay nghiên cứu của Pham (2018) nghiên cứu về mối quan hệ của sự lan tỏa FDI đối với NSLĐ và các nghiên cứu khác.
Do đó, có rất ít nghi ngờ về sự tác động của FDI và xuất khẩu đối với NSLĐ. Một vấn đề cần được quan tâm hơn đó là cách thức áp dụng nào thì phù hợp, vì FDI và xuất khẩu có sự tác động đến NSLĐ khác nhau và một trong số chúng có tác động hiệu quả hay phù hợp hơn các kênh khác trong các điều kiện áp dụng khác nhau.
Mặc dù cả FDI và xuất khẩu có thể ảnh hưởng đến lan tỏa công nghệ từ đó làm tăng NSLĐ, nhưng hầu hết những nghiên cứu tại Việt Nam (Nguyen, 2019; Pham, 2008;
Le, 2007, Newman và cộng sự, 2017) ghi nhận sự lan tỏa công nghệ của FDI hay xuất khẩu đến NSLĐ như hai kênh riêng lẻ mà không xem xét sự tác động của chúng đến NSLĐ của doanh nghiệp như 2 kênh lan tỏa công nghệ quốc tế cạnh tranh nhau (trong trường hợp các doanh nghiệp vì một số hạn chế nhất định chỉ có thể lựa chọn 1 trong 2 phương thức là nhận vốn FDI hoặc tham gia xuất khẩu) và sự khác biệt của chúng đến doanh nghiệp có đặc điểm khác nhau. Việc xem xét cả hai kênh áp dụng công nghệ thông qua FDI hay xuất khẩu rất quan trọng vì chúng vẫn đang được xem là chìa khóa mang lại thành công cho các nước đang phát triển, đặc biệt là các nền kinh tế mới như khu vực Đông Á (Hsu và Chen, 2001) và Việt Nam không là ngoại lệ.
Mối liên hệ giữa phúc lợi hay những chính sách đãi ngộ và NSLĐ đã được củng cố trong lý thuyết kinh tế (lý thuyết nhu cầu (Maslow, 1954); lý thuyết kỳ vọng (Vrom, 1964); lý thuyết hai yếu tố (Herzberg, 1987) và một số các lý thuyết khác).
Khi các yếu tố khác không thay đổi, sản lượng bình quân mỗi lao động tăng lên sẽ làm tăng cầu lao động, và như vậy sẽ dẫn đến tăng thu nhập bình quân. Một số doanh nghiệp sẽ tăng thu nhập cho người lao động thông qua lương thưởng trực tiếp bằng tiền mặt, một số khác làm tăng thu nhập bằng các chính sách phúc lợi không bằng tiền mặt.
Theo mô hình tổng phần thưởng Towers Perrin (Armstrong, 2010), những phần thưởng thuần túy tài chính như tiền mặt dễ dàng bắt chước trong cộng động các doanh nghiệp nhưng những phần thưởng vô hình hoặc mang tính phi tài chính như
các chính sách phúc lợi không thể hoặc không dễ để bắt chước, sao chép và do đó tạo ra lợi thế về nguồn lực con người cho tổ chức.
Nhiều kết quả nghiên cứu (Dreher và cộng sự, 1988; Micelli và Lane, 1991; Millea, 2002; Tsai và Yu, 2005; Singh, 2009; Anand và cộng sự, 2010) chứng minh được rằng những khoản phúc lợi ngoài lương này đóng góp tích cực vào NSLĐ của người lao động và sức khỏe của người lao động lại ảnh hưởng tích cực đến NSLĐ và sức khỏe của nền kinh tế quốc gia. Những phúc lợi này ảnh hưởng mạnh mẽ đến hành vi của người lao động, là lý do thuyết phục giúp họ tiếp tục làm việc cho chủ doanh nghiệp cũng như họ buộc phải cạnh tranh lẫn nhau và điều này dẫn đến NSLĐ của doanh nghiệp sẽ tăng lên.
Không đồng tình với quan điểm trên, một số nghiên cứu cho rằng các chế độ phúc lợi chỉ được xem như một yếu tố điều chỉnh và cung cấp tài trợ cho nhân viên vì là thành viên của tổ chức chứ không tạo động lực hay liên quan đến NSLĐ (Rosenbloom và Hallman, 1981; Hills, 1987; Adigun và Stephenson, 1992; Mondy và cộng sự, 2002).
Hennessey và cộng sự (1992), có những ý kiến trái chiều là do kết quả của nhận thức về chế độ phúc lợi của người lao động vì nếu họ hoàn toàn không biết về những chế độ phúc lợi mà họ được hưởng, họ không mang lại động lực cho năng suất của tổ chức.
Một số bằng chứng cho thấy nhiều công ty ở các nước đang phát triển được quản lý kém và có thể hưởng lợi từ việc áp dụng quản lý nguồn nhân lực (HRM) và các khoản đãi ngộ để nâng cao năng suất. Tuy nhiên, chỉ có một vài nghiên cứu thực nghiệm đã kiểm tra tác động của các chính sách bồi thường HRM hoặc tiền thưởng đối với hoạt động của công ty ở quốc gia đang phát triển (Bloom và cộng sự, 2012).