CHƯƠNG 2. CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU
2.5 Xuất khẩu và năng suất lao động
2.5.3 Những nghiên cứu thực nghiệm giữa xuất khẩu và năng suất lao động
Wagner (2007) đã khảo sát dữ liệu vi mô về mối quan hệ giữa xuất khẩu và năng suất của doanh nghiệp từ năm 1995 đến 2004. Ông nhận thấy rằng các doanh nghiệp có năng suất hơn sẽ tự chọn gia nhập vào thị trường xuất khẩu, trong khi xuất khẩu không nhất thiết cải thiện năng suất. Điều này có nghĩa, theo Wagner hiệu ứng tự lựa chọn phù hợp hơn là hiệu ứng học hỏi.
Quan điểm của Wagner (2007) cũng được chứng minh cho các nghiên cứu sau này khi nghiên cứu cho trường hợp các quốc gia khác nhau từ các quốc gia công nghiệp hóa như ở Tây Ban Nha trong nghiên cứu của Cassiman và cộng sự (2007) hay ở Đức trong Baumann và cộng sự (2016); Các nước Mỹ Latinh như Chile giai đoạn 1990-1996 trong nghiên cứu của Alvarez và Lopez (2005), Mexico, Colombia và Ma – rốc trong nghiên cứu của Clerides và cộng sự (1998); Các nước châu Á như Trung Quốc giai đoạn 1988-1992 trong nghiên cứu của Kraay (2002) hay Indonesia trong khoảng thời gian từ 1990 đến 1996 của Blalock và Gertler (2004), Banri &
Ayumu (2013) nghiên cứu cho DNNVV Nhật Bản. Những nghiên cứu này lập luận rằng đổi mới và năng suất là những yếu tố quan trọng quyết định hiệu suất xuất khẩu. Lập luận này chỉ ra rằng các doanh nghiệp đòi hỏi năng suất cao và đầu tư vào các hoạt động đổi mới trước khi thâm nhập vào thị trường xuất khẩu.
Claudio và cộng sự (2014) đã điều tra các công ty sản xuất ở Chile. Họ thấy rằng các doanh nghiệp có nghiên cứu R&D có xác suất xuất khẩu cao hơn so với các doanh nghiệp không thực hiện hay nghiên cứu R&D. Tương tự, Cassiman và Golovoko (2007) đã kiểm tra mối quan hệ đổi mới giữa năng suất và xuất khẩu cho các doanh nghiệp sản xuất Tây Ban Nha. Họ thấy rằng sự đổi mới và năng suất thúc đẩy các DN xuất khẩu vì doanh nghiệp sáng tạo và sản xuất có thể dễ dàng chi trả chi phí gia nhập thị trường quốc tế, điều không thể đối với các doanh nghiệp kém sáng tạo và năng suất thấp hơn (Lopez, 2009; Cassimann và cộng sự 2010).
Mặt khác, một số nghiên cứu đưa ra kết quả nghiên về giả thiết thứ 2 hơn, nghĩa là các doanh nghiệp sau khi gia nhập vào thị trường xuất khẩu nhờ đó học hỏi từ người mua quốc tế cũng như đối thủ cạnh tranh mà có năng suất cao hơn. Bằng chứng về giả thuyết này được cung cấp bởi Martins và Yang (2009). Họ đã tiến hành phân tích tổng hợp giả thuyết học hỏi từ xuất khẩu (LBE) trên hơn 30 bài báo và xác định rằng xuất khẩu cải thiện đáng kể năng suất các doanh nghiệp ở các nước đang phát triển do khoảng cách lớn hơn với biên giới công nghệ. Nghiên cứu của Rhee và cộng sự (1984) mô tả vai trò của đối tác nước ngoài trong sự phát triển ban đầu của sản xuất Hàn Quốc. Mối quan hệ giữa các công ty Hàn Quốc và các khách hàng nước ngoài đã vượt xa các cuộc đàm phán và thực hiện hợp đồng. Gần một nửa các doanh nghiệp cho biết họ đã được hưởng lợi trực tiếp từ thông tin kỹ thuật mà khách hàng nước ngoài cung cấp: thông qua các chuyến thăm nhà máy của họ bởi các kỹ sư hoặc nhân viên kỹ thuật khác của khách hàng nước ngoài, thông qua việc cung cấp bản thiết kế và thông số kỹ thuật, thông qua các kỹ thuật sản xuất và về thông số kỹ thuật của các sản phẩm cạnh tranh và thông qua phản hồi về thiết kế, chất lượng và hiệu suất kỹ thuật của sản phẩm.
Ngoài ra, Trofimenko (2008) đã nghiên cứu giả thuyết học hỏi thông qua xuất khẩu cho 1.057 công ty sản xuất của Colombia. Nghiên cứu của Trofimenko tiết lộ rằng xuất khẩu sang các nước tiên tiến mang lại hiệu quả đạt được thông qua các thông tin về phương pháp sản xuất, chất lượng sản phẩm và thiết kế dẫn đến giảm chi phí sản phẩm và do đó cải thiện năng suất của doanh nghiệp nội địa.
Sharma và Mishra (2012) đã thực hiện một nghiên cứu về các doanh nghiệp sản xuất ô tô Ấn Độ. Họ đã phân tích mối liên hệ nhân quả giữa xuất khẩu và năng suất bằng cách ước tính hai giả thuyết chính. Đầu tiên, giả thuyết tự lựa chọn, tức là các doanh nghiệp yêu cầu năng suất cao hơn trước khi xuất khẩu. Thứ hai, giả thuyết học hỏi khi xuất khẩu, tức là các doanh nghiệp trở nên năng suất hơn khi họ tham gia vào thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, những phát hiện thực nghiệm của họ chỉ hỗ trợ cho giả thuyết học hỏi do xuất khẩu cho thấy xuất khẩu tác động tích cực đến năng suất chứ không có bằng chứng ngược lại.
Damijan và cộng sự (2010) thực hiện nghiên cứu tương tự. Họ đã nghiên cứu về sự ảnh hưởng nhân quả giữa đổi mới (sản phẩm, quy trình) và xuất khẩu bằng cách sử dụng dữ liệu doanh nghiệp của Slovenia. Tuy nhiên, kết quả chỉ phát hiện ra rằng xuất khẩu làm tăng khả năng đổi mới quy trình của doanh nghiệp hơn là đổi mới sản phẩm. Kết quả của họ đã chứng minh rằng hiệu ứng xuất khẩu diễn ra thông qua cơ chế đổi mới quy trình giúp cải thiện hiệu quả kỹ thuật của doanh nghiệp và do đó mang lại năng suất cao.
Theo Martin và Yang (2009) khi nghiên cứu trên 30 bài báo nghiên cứu về mối quan hệ giữa xuất khẩu và NSLĐ, tác giả nhận thấy tác động của xuất khẩu đến NSLĐ cao hơn ở các quốc gia đang phát triển so với các quốc gia phát triển.
Một số nghiên cứu so sánh các kết quả nghiên cứu từ các quốc gia nhận thấy rằng có sự khác nhau của cơ chế học hỏi thông qua xuất khẩu ở các nước đến từ các thị trường có trình độ công nghệ và năng suất khác nhau. Bernard và Jensen (1999) kiểm tra sự tăng trưởng năng suất trước và sau khi thâm nhập thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp sản xuất của Hoa Kỳ. Họ thấy rằng tăng năng suất xảy ra trước khi xuất khẩu, đề xuất tự lựa chọn thay vì cải tiến công nghệ do xuất khẩu.
Theo Blalock (2004), kết quả của Bernard và Jensen (1999) không hoàn toàn đáng ngạc nhiên, bối cảnh các công ty Hoa Kỳ nơi mà việc tiếp xúc với người mua ở nước ngoài có thể ít có khả năng cung cấp công nghệ vượt trội hơn công nghệ Hoa Kỳ đang sử dụng. Clerides và cộng sự (1998) tìm thấy bằng chứng tương tự với Aw và cộng sự (2000) khi nghiên cứu cho Columbia và Ma-rốc, Đài Loan và Hàn Quốc vào cuối thập 1980s và đầu 1990s, thời điểm mà các quốc gia đã phát triển các ngành công nghệ định hướng xuất khẩu thành công. Trái ngược với những nghiên cứu trên, Biesebroeck (2003) kiểm tra sáu quốc gia châu Phi cận Sahara tìm thấy bằng chứng học hỏi từ xuất khẩu. Những nền kinh tế đến từ châu Phi này có trình độ công nghệ và năng suất kém hơn hẳn so với các quốc gia vừa nêu trên. Ngay cả đối tượng nghiên cứu giống nhau như cùng là Hàn Quốc nhưng tại các thời kỳ phát triển khác nhau trong nghiên cứu của Rhee và cộng sự (1984) và Aw (2000) cũng dẫn đến các kết quả khác nhau. Do đó, xuất khẩu có thể tạo ra lợi ích cận biên lớn hơn cho các doanh nghiệp ở thị trường có công nghệ và năng suất kém hơn. Một lời giải thích có thể cho các kết quả khác nhau là mức độ phát triển kinh tế của các quốc gia này tại thời điểm nghiên cứu Martin và Yang (2009). Hầu hết các tài liệu nghiên cứu cho rằng, xuất khẩu sẽ làm cho năng suất của doanh nghiệp tăng lên dù theo cơ chế của giả thuyết nào.
Bên cạnh đó, một số nghiên cứu cho rằng thương mại tự do làm cản trở tăng trưởng NS các doanh nghiệp thuộc các quốc gia đang phát triển do không có lợi thế so sánh, cạnh tranh kém và việc học hỏi không bắt kịp xu thế của thế giới (Young 1991) hoặc không tìm thấy bằng chứng ảnh hưởng của xuất khẩu đến NS của doanh nghiệp ở cả 2 cơ chế (Wernerfelt, 1984; Greenaway và cộng sự, 2005; Sharma và Mishra, 2015). Do đó, ảnh hưởng của xuất khẩu có thể là kết quả hỗn hợp đối với các nước đang phát triển có trình độ kỹ thuật và năng suất thấp như trường hợp của Việt Nam.
Ở Việt Nam, những nghiên cứu gần đây về mối quan hệ giữa xuất khẩu và năng suất đưa ra các kết quả khác nhau. Theo Vu (2012) nghiên cứu ảnh hưởng của hoạt động xuất khẩu và năng suất của DNNVV giai đoạn 2005- 2009 sử dụng dữ liệu
bảng với mô hình tác động cố định và mô hình hồi quy kết hợp xử lý nội sinh bằng biến công cụ. Kết quả chỉ ra rằng các DN có năng suất cao hơn sẽ tham gia vào hoạt động xuất khẩu đồng thời nghiên cứu không tìm thấy bằng chứng của cơ chế học hỏi thông qua xuất khẩu hay nói cách khác việc tham gia hoạt động xuất khẩu không có tác động lên hiệu quả kỹ thuật, tiến bộ kỹ thuật và thay đổi quy mô sản xuất. Newman và cộng sự (2014) lại cho thấy xuất khẩu tác động tích cực đến năng suất ngay cả khi vấn đề tự lựa chọn được kiểm soát. Tác giả tìm thấy mối quan hệ tích cực giữa xuất khẩu và năng suất có thể được giải thích bằng các tác động đến quy trình và chất lượng của đổi mới sáng tạo.