Khoảng trống nghiên cứu

Một phần của tài liệu Năng suất lao động trong doanh nghiệp Việt Nam. (Trang 27 - 30)

1.1 Bối cảnh và khoảng trống nghiên cứu

1.1.3 Khoảng trống nghiên cứu

Nghiên cứu về năng suất lao động có ý nghĩa quan trọng đối với cả chính sách công và các quyết định đối với khu vực tư nhân (Sauermann, 2016) vì đây là chỉ tiêu quan trọng phản ánh hiệu quả phát triển kinh tế của quốc gia, doanh nghiệp và chất lượng người lao động. Đặc biệt hơn đối với bối cảnh của Việt Nam khi hai thập kỷ qua dù

cho năng suất lao động Việt Nam tăng nhanh nhưng vẫn nằm ở mức cận đáy của ASEAN, nếu vẫn giữ nguyên mức tăng này Việt Nam phải tốn từ 10 đến 50 năm mới đuổi kịp các quốc gia trong khu vực (ILO, 2015). Thêm vào đó với sự già đi nhanh chóng của dân số, việc hội nhập ngày càng sâu rộng của nền kinh tế, thúc đẩy tăng năng suất lao động là cách duy nhất và phù hợp nhất giúp Việt Nam vượt qua được thách thức và đón đầu cơ hội mới (ILO, 2015, 2018; Bodewig và Magnusson, 2014).

Thúc đẩy năng suất lao động của nền kinh tế đầu tiên cần thúc đẩy năng suất lao động của doanh nghiệp. Có ba nhóm yếu tố chính giúp xác định năng suất lao động bao gồm: vốn con người, tiến bộ công nghệ và quy mô kinh tế (Greelaw và cộng sự, 2018). Hiểu tốt hơn về cách thức những yếu tố này tác động đến năng suất lao động giúp doanh nghiệp tạo ra lợi nhuận lớn hơn, tăng năng suất, thêm cơ hội đầu tư và giảm chi phí (ILO, 2015). Trong luận án này đặc biệt quan tâm đến 2 kênh tác động đến năng suất lao động đó là tiến bộ công nghệ thông qua hội nhập kinh tế, vốn con người thông qua phúc lợi cho nhân viên.

Tự do hóa thương mại tác động đến năng suất lao động thông qua các kênh khác nhau bao gồm độ mở thương mại, tiếp xúc với nguồn vốn và công nghệ mới qua FDI, học hỏi tích lũy kinh nghiệm từ xuất khẩu (Rahmah Ismail và cộng sự, 2011).

Việt Nam đang hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, do đó đã có nhiều các nghiên cứu trong nước về sự ảnh hưởng của các kênh áp dụng công nghệ từ nước ngoài thông qua FDI và xuất khẩu đến năng suất (Xuan, N.T & Xing, 2008; Nguyễn Khắc Minh & Nguyễn Việt Hùng, 2012; Ngô Hoàng Thảo Trang, 2017; Phạm Thế Anh, 2018; Hoang và Pham, 2010; Nguyen, K. M. và Nguyen V. H., 2012). Việc áp dụng công nghệ của các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam thông qua các chế độ toàn cầu hóa đã được chứng minh từ mô hình lý thuyết (Findlay, 1978; Romer, 1994; Chen và Shimomura, 1998) cho đến những nghiên cứu thực nghiệm ở Việt Nam kể trên. Do đó, có ít nghi ngờ về vai trò của việc áp dụng công nghệ đối với nền kinh tế đang phát triển. Một vấn đề liên quan hơn là việc lựa chọn cách thức áp dụng công nghệ phù hợp với đặc điểm doanh nghiệp để phát huy hiệu quả. Đối với các doanh nghiệp thường gặp hạn chế về nguồn lực như các doanh nghiệp Việt

Nam, trong một số trường hợp họ không thể cùng lúc theo đuổi cả chiến lược thu hút FDI và mở rộng xuất khẩu, việc lựa chọn chiến lược nào phù hợp hơn là vấn đề cần được trả lời.

Các doanh nghiệp có mức độ thâm dụng vốn khác nhau sẽ có những chiến lược theo đuổi khác nhau khi muốn gia nhập vào cơ chế toàn cầu hóa. Việc lựa chọn tham gia bằng chiến lược nào để thu được lợi ích tốt nhất cũng là vấn đề của các DNVN trong giai đoạn toàn cầu hóa hiện nay. Một trong những khoảng trống nghiên cứu mà luận án này muốn lấp đầy đó là cung cấp bằng chứng thực nghiệm về sự khác biệt của hai kênh áp dụng công nghệ là FDI và xuất khẩu khi tác động đến năng suất lao động trong các DNVN với mức độ thâm dụng vốn khác nhau.

Kênh thứ hai tác động đến năng suất lao động mà luận án quan tâm ở đây là vốn nhân lực thông qua chính sách phúc lợi cho nhân viên. Chính sách đãi ngộ được nghiên cứu chủ yếu ở Việt Nam vẫn là vấn đề tiền lương và tỏ ra không hiệu quả những năm gần đây, trong khi các chính sách đãi ngộ liên quan đến những phần thưởng vô hình hoặc mang tính phi tài chính thì không thể hoặc không dễ để bắt chước, sao chép tạo ra lợi thế riêng về nguồn lực con người cho tổ chức lại chưa được quan tâm đúng mức. Chưa có nhiều nghiên cứu xem xét mức độ tác động của những phúc lợi này đến NSLĐ của các doanh nghiệp Việt Nam như thế nào, đặc biệt đối với DNNVV, loại hình doanh nghiệp chiếm hơn 90% trong tổng số doanh nghiệp ở Việt Nam.

Điểm mới của nghiên cứu này so với các nghiên cứu trước đó là cung cấp thông tin dành cho các doanh nghiệp đánh giá việc thực thi các chính sách phúc lợi của mình ảnh hưởng đến NSLĐ của doanh nghiệp như thế nào cũng như mức độ tác động của chúng, những chế độ nào thật sự có ảnh hưởng đối với thị trường lao động Việt Nam. Đồng thời, cung cấp cho chính phủ cũng như những nhà hoạch định chính sách thông tin về một kênh giúp gia tăng năng suất lao động bên cạnh việc tăng lương tối thiểu.

Một phần của tài liệu Năng suất lao động trong doanh nghiệp Việt Nam. (Trang 27 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(227 trang)