2.1. CƠ SỞ DẪN LIỆU VÀ MỤC TIÊU KIỂM TOÁN
2.1.2. Mục tiêu kiểm toán
Mỗi cuộc kiểm toán có mục tiêu riêng, kiểm toán viên dựa trên mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể của từng đơn vị được kiểm toán để xác định thủ tục, phương pháp kiểm toán phù hợp. Mục tiêu của kiểm toán tuân thủ là việc xem xét, đánh giá đơn vị kiểm toán
có tuân thủ các quy định, luật lệ mà đơn vị cần phải chấp hành hay không xét trên cả các
quy chế nội bộ của đơn vị và hệ thống luật pháp, chế độ chung của Nhà nước. Trong khi
đó, mục tiêu của kiểm toán hoạt động được thể hiện trên các khía cạnh:
- Soát xét và nhận định về sự hiệu lực của hệ thống kiểm soát nội bộ
- Xem xét, đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị
- Kiểm tra hiệu năng quản lý
Theo chuẩn mực kiểm toán số 200: Mục tiêu tổng thể của kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán khi thực hiện kiểm toán theo chuẩn mực kiểm toán Việt Nam thì: kiểm toán viên phải đưa ra ý kiến về việc liệu báo cáo tài chính của đơn vị có được lập và trình bày trung thực và hợp lý trên các khía cạnh trọng yếu, phù hợp với khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được quy định hay không? Mục tiêu chung của kiểm toán được xây dựng dựa trên các khía cạnh của cơ sở dẫn liệu, cụ thể như sau:
- Hiện hữu: Kiểm toán viên phải thu thập được các bằng chứng để chứng minh về
sự hiện có của tài sản, nguồn vốn được phản ánh trên bảng cân đối kế toán, cũng như các bằng chứng về doanh thu, chi phí phản ánh trên báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đối với tài sản hữu hình, kiểm toán viên có thể dùng phương pháp kiểm kê hoặc chứng kiến việc kiểm kê để xác định số lượng tài sản. Với các tài sản vô hình và nguồn vốn kiểm toán viên có thể thực hiện các thủ tục xác nhận với các bên có liên quan, kiểm tra các chứng từ, tài liệu góp vốn… để chứng minh cho số liệu trên báo cáo tài chính.
Đối với các khoản thu nhập, chi phí kiểm toán viên thu thập các chứng từ chứng minh sự phát sinh thực tế của các giao dịch có liên quan.
Nhưng trên thực tế, trong quá trình thu thập bằng chứng kiểm toán viên không phải lúc nào cũng có thể thực hiện được một cách thuận lợi, do giới hạn về phạm vi kiểm toán hay do sự thiếu hợp tác từ đơn vị kiểm toán, của bên thứ ba… Trong những trường hợp như vậy kiểm toán viên cần phải phối hợp thực hiện nhiều phương pháp kiểm toán khác nhau.
- Quyền và nghĩa vụ: Theo nguyên tắc, chỉ tiêu trên bảng cân đối kế toán chi phản ánh tài sản, nguồn vốn thuộc quyền sở hữu, quyền kiểm soát lâu dài (tài sản cố định thuế tài chính) và nghĩa vụ của đơn vị. Do đó, trong quá trình thực hiện kiểm kê hoặc chứng kiến việc kiểm kê, kiểm toán viên phải dựa vào các bằng chứng kế toán để xác định được
số tài sản thực có thuộc quyền sở hữu của đơn vị.
- Phát sinh và đầy đủ: Theo quy định, kế toán phải phản ánh đầy đủ toàn bộ các giao dịch kinh tế phát sinh dựa trên chứng từ hợp pháp và hợp lệ. Đặc biệt các chứng từ
về doanh thu, chi phí phải phản ánh đúng kỳ kế toán. Kiểm toán viên bằng kỹ năng nghề
nghiệp sử dụng các phương pháp kiểm toán phù hợp để có thể thu thập các bằng chứng đảm bảo rằng không có giao dịch bị bỏ sót hoặc khai khống. Trong trường hợp này, kiểm toán viên có thể thực hiện việc đối chiếu chứng từ với bên thứ ba hoặc kiểm tra, so sánh trong mối quan hệ của các đối tượng kế toán.
- Đánh giá: Các chỉ tiêu về tài sản, công nợ, vốn chủ sở hữu, doanh thu, chi phí kiểm toán viên cần phải xem xét xem các khoản mục đó của đơn vị có được đánh giá phù hợp với các nguyên tắc, chế độ kế toán hiện hành và các phương pháp tính giá mà kế toán đơn vị đã đăng ký hay không. Trong quá trình thực hiện, kiểm toán viên cần phải xem xét các nội dung sau:
+ Các chính sách kế toán đơn vị áp dụng có phù hợp với chuẩn mực chế độ hay không? + Việc áp dụng phương pháp đánh giá có đảm bảo tính nhất quán không?
+ Cách tính toán trong quá trình áp dụng các phương pháp có chính xác không:
▫ Đối với các tài sản mua ngoài kiểm toán viên cần kiểm tra các chứng từ gốc và các tài liệu khác về mua sắm, đầu tư có liên quan đến việc tính giá các tài sản đó.
▫ Đối với TSCĐ cần phải kiểm tra phương pháp tính khấu hao, giá trị còn lại.
▫ Đối với các khoản phân bổ, phải kiểm tra phương pháp tính và thời gian phân bổ
có phù hợp với chi phí không? Có vi phạm nguyên tắc hợp lý hay không?
▫ Đối với các khoản lập dự phòng, giảm giá cần phải kiểm tra những nội dung phải lập dự phòng, đặc biệt phải quan tâm tới các vật tư, tài sản ở đơn vị bị giảm giá so với thị trường hoặc phải thực hiện quyết định giảm giá của cấp có thẩm quyền.
Để xác định việc đánh giá các chỉ tiêu của kế toán đơn vị, kiểm toán viên có thể thực hiện việc tự tính toán lại (xác suất) để kiểm tra độ chính xác về tính toán số học hoặc khả năng ghi chép nhầm lẫn có thể xẩy ra trong quá trình thực hiện công tác kế toán của đơn vị.
- Chính xác: Trong quá trình kiểm tra việc đánh giá các chỉ tiêu của kế toán, kiểm toán viên cần phải xác định xem các sự kiện và giao dịch kinh tế có được phản ánh đúng
kỳ và đủ điều kiện được ghi nhận hay không đặc biệt là các giao dịch xẩy ra vào thời điểm cuối năm tài chính. Quá trình kiểm tra tính chính xác rất khó khăn vì không có một thủ tục kiểm toán trực tiếp nào để tiến hành thẩm tra mà kiểm toán viên cần phải dựa vào nhiều thủ tục kết hợp:
+ Đối chiếu ngày tháng của các chứng từ và ngày tháng ghi sổ kế toán các giao dịch của đơn vị hoặc kiểm toán viên có thể đối chiếu ngày ghi trên chứng từ lưu tại đơn vị với chứng từ được lưu ở bên thứ ba.
+ Dựa vào các thử nghiệm tuân thủ, nếu hệ thống kiểm soát nội bộ của đơn vị được đánh giá có hữu hiệu.
+ Kiểm tra một khoản mục nào đó phải kiểm tra các chứng từ có liên quan đến cả các khoản mục khác.
+ Dựa vào việc quan sát và kết quả kiểm kê để tìm kiếm các tài sản được để ngoài
sổ kế toán.
+ Dựa vào các thủ pháp phân tích, đánh giá tổng quát.
+ Kiểm tra các giao dịch gần ngày khóa sổ kế toán (trước và sau ngày khóa sổ một thời gian ngắn)
+ Để kiểm tra tính chính xác của từng khoản mục phải kiểm tra tính chính xác của
số liệu cộng dồn (tổng cộng và lũy kế) của các đối tượng chi tiết.
+ Kiểm tra số liệu trên báo cáo tài chính phải đảm bảo tính thống nhất với số liệu trên các loại sổ kế toán.
Mục tiêu kiểm toán của việc ghi chép đúng kỳ đối với các sự kiện và giao dịch kinh tế phát sinh được đặc biệt quan tâm trong quá trình kiểm toán các khoản doanh thu
và chi phí vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả hoạt động của đơn vị, cũng như liên quan đến nghĩa vụ với Nhà nước.
- Trình bày và công bố: Sau khi đã tiến hành thu thập bằng chứng chứng minh các
số liệu, các giao dịch kinh tế phát sinh, ở trường hợp này, kiểm toán viên phải tiến hành kiểm tra xem xét báo cáo tài chính của đơn vị có được trình bày đúng chuẩn mực và chế
độ kế toán hay không. Để thực hiện được kiểm toán viên có thể thực hiện một số thủ tục kiểm toán sau:
+ Kiểm tra chính sách, quy định của đơn vị trong việc tập hợp số liệu lên báo cáo tài chính có phù hợp với chế độ và chuẩn mực không. Quá trình phân công nhiệm vụ và quy trình lên báo cáo có tuân thủ đúng trình tự và quy chế nội bộ không.
+ Trong trường hợp cần thiết có thể xác định lại các chỉ tiêu bộ phận của báo cáo tài chính để đối chiếu với các số liệu của đơn vị.
Cơ sở dẫn liệu của các chỉ tiêu, các bộ phận cấu thành trên báo cáo tài chính của đơn vị ảnh hưởng đến các mục tiêu kiểm toán cụ thể. Khi tiến hành kiểm toán các chỉ tiêu
bộ phận, kiểm toán phải xác định được các chỉ tiêu cụ thể để tiến hành kiểm toán. Tuy nhiên, mục tiêu kiểm toán chung là giống nhau đối với mọi bộ phận cấu thành. Mục tiêu kiểm toán chung được xác định dựa trên cơ sở dẫn liệu của các chỉ tiêu và bộ phận cấu
thành trên báo cáo tài chính. Vì vậy, cơ sở dẫn liệu và mục tiêu kiểm toán chung có mối quan hệ với nhau trong quá trình kiểm toán.