5.1.5.1. Quan hệ với các trợ lý
Trong một nhóm kiểm toán thông thường gồm có kiểm toán viên hành nghề, các kiểm toán viên và trợ lý kiểm toán cùng tham gia hợp đồng kiểm toán. Trong đó có một người (là kiểm toán viên hành nghề) chịu trách nhiệm chính đối với cuộc kiểm toán, đồng nghĩa với việc phải chịu trách nhiệm toàn bộ và đến cùng mọi công việc và kết quả của cuộc kiểm toán, chịu trách nhiệm trước pháp luật và khách hàng. Các trợ lý thực hiện các phần việc theo sự phân công, báo cáo và đưa ra ý kiến về phần công việc mà mình được phân công với kiểm toán viên chịu trách nhiệm chính. Do vậy, kiểm toán viên (kiểm toán viên hành nghề) chịu trách nhiệm chính của cuộc kiểm toán phải lựa chọn các trợ lý phù hợp với yêu cầu công việc, phải phân công trách nhiệm, giám sát, kiểm tra chất lượng các phần việc đã phân công cho các trợ lý. Các trợ lý chịu trách nhiệm về các phần việc được giao, hoàn thành với chất lượng tốt nhất, đúng thời gian và giữ tín nhiệm trước kiểm toán viên giao việc.
5.1.5.2. Quan hệ với các chuyên gia
Chuyên gia: Là một cá nhân hoặc một tổ chức có năng lực, kiến thức và kinh
nghiệm chuyên môn cao trong một lĩnh vực riêng biệt ngoài lĩnh vực kế toán và kiểm toán.
Chuyên gia có thể:
Do đơn vị được kiểm toán mời tham gia;
Do công ty kiểm toán mời tham gia;
Là nhân viên của đơn vị được kiểm toán;
Là nhân viên của công ty kiểm toán;
Là tổ chức hoặc cá nhân bên ngoài đơn vị được kiểm toán và bên ngoài công ty kiểm toán.
Trong quá trình kiểm toán, kiểm toán viên có thể sử dụng tư liệu của chuyên gia như một bằng chứng kiểm toán. Khi đó, kiểm toán viên và công ty kiểm toán phải thu thập đầy đủ các bằng chứng kiểm toán thích hợp để đảm bảo rằng các tư liệu đó đáp ứng được mục đích của cuộc kiểm toán.
Trong trường hợp thấy cần thiết phải sử dụng tư liệu của chuyên gia, kiểm toán viên và công ty kiểm toán phải xem xét đến:
Tính trọng yếu của khoản mục cần được xem xét trong báo cáo tài chính;
Rủi ro có sai sót do tính chất và mức độ phức tạp của khoản mục đó;
Số lượng và chất lượng của các bằng chứng kiểm toán khác có thể thu thập được.
Chất lượng của tư liệu do chuyên gia cung cấp phụ thuộc vào:
- Năng lực của chuyên gia: Khi có kế hoạch sử dụng tư liệu của chuyên gia thì kiểm toán viên và công ty kiểm toán phải xác định năng lực chuyên môn của chuyên gia này, như là: chuyên môn, giao dịch, văn bằng, hoặc là thành viên của tổ chức nghề nghiệp; kinh nghiệm và danh tiếng của chuyên gia trong lĩnh vực mà kiểm toán viên và công ty kiểm toán muốn xin ý kiến chuyên môn.
- Tính khách quan của chuyên gia: rủi ro do thiếu tính khách quan trong tư liệu của chuyên gia sẽ là rất cao trong một số trường hợp như: Chuyên gia là nhân viên của đơn vị được kiểm toán hoặc nhân viên của công ty kiểm toán; chuyên gia có mối quan hệ về kinh
tế (như đầu tư, góp vốn liên doanh, vay mượn…) hoặc có quan hệ tình cảm (như có bố,
mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột… của người có trách nhiệm quản lý điều hành…, kể
cả kế toán trưởng) với đơn vị được kiểm toán....
- Phạm vi công việc của chuyên gia: Kiểm toán viên và công ty kiểm toán cần phải thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp nhằm chứng minh rằng công việc của chuyên gia có thể đáp ứng được mục đích của cuộc kiểm toán.
Đánh giá công việc của chuyên gia:
Kiểm toán viên và công ty kiểm toán cần phải xác định xem các tư liệu của chuyên gia có đảm bảo là một bằng chứng kiểm toán thích hợp liên quan đến cơ sở dẫn liệu đang được xem xét của báo cáo tài chính hay không.
Nếu kết quả công việc của chuyên gia không cung cấp được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp hoặc kết quả này lại không phù hợp với các bằng chứng kiểm toán khác đã thu thập được, thì kiểm toán viên và công ty kiểm toán cần phải xác định nguyên nhân của những khác biệt. Để thực hiện việc này, kiểm toán viên có thể trao đổi với Ban Giám đốc của đơn vị được kiểm toán và với chuyên gia, và có thể thực hiện các thủ tục kiểm toán bổ sung, hoặc mời một chuyên gia khác hoặc sửa đổi báo cáo kiểm toán của mình.
Tư liệu của chuyên gia được dẫn chứng trong báo cáo kiểm toán:
Khi phát hành báo cáo kiểm toán với ý kiến chấp nhận toàn phần, kiểm toán viên không được đề cập đến công việc của chuyên gia vì người sử dụng báo cáo kiểm toán sẽ hiểu lầm là có sự chia sẻ trách nhiệm hoặc là có ý kiến ngoại trừ.
Nếu dựa trên tư liệu của chuyên gia mà kiểm toán viên và công ty kiểm toán phát hành báo cáo kiểm toán không chấp nhận toàn phần thì kiểm toán viên có thể đề cập đến
tư liệu của chuyên gia (trong đó nêu tên và phạm vi công việc của chuyên gia) để giải thích việc phát hành báo cáo kiểm toán không chấp nhận toàn phần. Trường hợp này, kiểm toán viên và công ty kiểm toán cần phải được sự đồng ý trước của chuyên gia. Nếu chuyên gia từ chối không chấp nhận nhưng kiểm toán viên và công ty kiểm toán lại xét thấy cần phải đưa ra các tư liệu của chuyên gia để dẫn chứng, thì kiểm toán viên cần phải tham khảo ý kiến của chuyên gia tư vấn pháp luật.
5.1.5.3. Quan hệ với các kiểm toán viên khác
Quan hệ này nảy sinh khi kiểm toán báo cáo tài chính của một đơn vị, trong đó có gộp thông tin tài chính của một hoặc nhiều đơn vị cấp dưới và đơn vị kinh tế khác. Lúc này, Kiểm toán viên chính của cuộc kiểm toán có thể sử dụng tư liệu kiểm toán của kiểm toán viên khác về các thông tin tài chính của một hoặc nhiều đơn vị khi kiểm toán báo cáo tài chính của một đơn vị, trong đó bao gồm cả thông tin tài chính của đơn vị cấp dưới và đơn vị kinh tế khác.
Kiểm toán viên chính: Là kiểm toán viên chịu trách nhiệm kiểm toán báo cáo tài
chính và ký báo cáo kiểm toán của một đơn vị, trong đó có gộp thông tin tài chính của một hoặc nhiều đơn vị cấp dưới và đơn vị kinh tế khác do kiểm toán viên khác thực hiện kiểm toán.
Kiểm toán viên khác: Là kiểm toán viên chịu trách nhiệm kiểm toán báo cáo tài
chính và ký báo cáo kiểm toán của đơn vị cấp dưới hoặc đơn vị kinh tế khác được gộp trong báo cáo tài chính của đơn vị cấp trên. Kiểm toán viên khác là kiểm toán viên thuộc công ty kiểm toán khác hoặc là kiểm toán viên thuộc chi nhánh hoặc văn phòng của công
ty kiểm toán.
Đơn vị cấp dưới: Là đơn vị, bộ phận, chi nhánh, công ty con, công ty thành viên
của đơn vị cấp trên mà các thông tin tài chính trong báo cáo tài chính của các đơn vị này được hợp nhất trong báo cáo tài chính của đơn vị cấp trên do kiểm toán viên chính thực hiện kiểm toán.
Đơn vị kinh tế khác: Là các đơn vị, công ty liên doanh, liên kết,… có quan hệ kinh
tế mà các thông tin tài chính của đơn vị này có bao gồm trong báo cáo tài chính của đơn
vị do kiểm toán viên chính thực hiện kiểm toán.
Khi kiểm toán viên chính sử dụng tư liệu kiểm toán của một kiểm toán viên khác, cần phải xác định mức độ ảnh hưởng của những tư liệu đó đối với công việc kiểm toán của mình.
Khi lập kế hoạch kiểm toán trong đó có dự kiến sử dụng tư liệu của kiểm toán viên khác, kiểm toán viên chính phải xem xét năng lực chuyên môn của công ty kiểm toán
và kiểm toán viên khác dựa trên bối cảnh công việc thực tế.
Kiểm toán viên chính cần phải thực hiện các thủ tục cần thiết để thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp chứng minh rằng các công việc do kiểm toán viên khác thực hiện là phù hợp với công việc kiểm toán và mục đích của kiểm toán viên chính trong từng cuộc kiểm toán cụ thể.
Kiểm toán viên chính có thể thảo luận với kiểm toán viên khác về các thủ tục kiểm toán đã được kiểm toán viên khác thực hiện hoặc xem xét hồ sơ kiểm toán của kiểm toán viên khác. Việc thực hiện các thủ tục kiểm toán này phụ thuộc vào từng tình huống của cuộc kiểm toán và sự đánh giá của kiểm toán viên chính về năng lực chuyên môn của kiểm toán viên khác.
Kiểm toán viên chính có thể thảo luận với kiểm toán viên khác, với Giám đốc của đơn vị cấp dưới và đơn vị kinh tế khác về các phát hiện quan trọng hoặc các vấn đề khác
có ảnh hưởng đến báo cáo tài chính của đơn vị đó. Trường hợp cần thiết, kiểm toán viên chính có thể thực hiện các thủ tục kiểm tra bổ sung trên tài liệu hoặc báo cáo tài chính của đơn vị cấp dưới. Tuỳ theo từng tình huống, các thủ tục kiểm tra này có thể do kiểm toán viên cính hoặc kiểm toán viên khác thực hiện.
Kiểm toán viên chính cần lưu vào hồ sơ kiểm toán của mình các tài liệu liên quan đến báo cáo tài chính của đơn vị cấp dưới và đơn vị kinh tế khác đã được kiểm toán viên khác kiểm toán; các tài liệu về việc thực hiện thủ tục kiểm toán và các kết luận thu được
từ các thủ tục kiểm toán; tên của kiểm toán viên khác và các kết luận dù không trọng yếu của kiểm toán viên khác.
Kiểm toán viên khác phải phối hợp với kiểm toán viên chính trong trường hợp kiểm toán viên chính sử dụng tư liệu kiểm toán của mình. Sự phối hợp giữa các kiểm toán viên cần có sự thoả thuận của các cấp quản lý cuộc kiểm toán.
Khi kiểm toán viên chính kết luận là tư liệu của kiểm toán viên khác không sử dụng được và kiểm toán viên chính không thể tiến hành thêm các thủ tục kiểm toán bổ sung đối với báo cáo tài chính của đơn vị cấp dưới và đơn vị kinh tế khác được kiểm toán viên khác kiểm toán, nếu xét thấy có ảnh hưởng trọng yếu đến báo cáo tài chính được kiểm toán thì kiểm toán viên chính cần phải đưa ra ý kiến chấp nhận từng phần hoặc ý kiến từ chối đưa ra ý kiến vì bị giới hạn phạm vi kiểm toán.
Khi kiểm toán viên chính dựa vào ý kiến của kiểm toán viên khác thì báo cáo kiểm toán của kiểm toán viên chính phải nói rõ điều này và nêu rõ giới hạn của báo cáo tài chính được kiểm toán bởi kiểm toán viên khác.
Trường hợp kiểm toán viên khác đưa ra hoặc dự kiến đưa ra báo cáo kiểm toán sửa đổi, thì kiểm toán viên chính cần phải xem xét bản chất và mức độ ảnh hưởng của những sửa đổi đối với báo cáo tài chính do kiểm toán viên chính kiểm toán và từ đó có thể phải sửa đổi báo cáo kiểm toán của mình.
Khi kiểm toán viên chính sử dụng tư liệu của các kiểm toán viên khác để hình thành ý kiến của mình trong báo cáo kiểm toán, kiểm toán viên chính phải tuân thủ các nguyên tắc, thủ tục theo quy định và phải chịu trách nhiệm về những rủi ro kiểm toán.
5.1.5.4. Quan hệ với khách hàng
Trong dịch vụ kiểm toán độc lập, mối quan hệ giữa kiểm toán viên với khách hàng là một mối quan hệ đặc biệt. Khách hàng là người mời kiểm toán, là người được phục vụ, nhưng đồng thời cũng là người bị kiểm tra và đôi khi phải giải trình hoặc phải trả lời những vấn đề mà họ không muốn.
Kiểm toán viên là người phục vụ, người hoạt động vì lợi nhuận do đó phải cố gắng đáp ứng được các mục tiêu thỏa thuận với khách hàng trong hợp đồng kiểm toán đảm bảo các yếu tố cạnh tranh như giá cả, chất lượng dịch vụ,… Đồng thời kiểm toán viên cũng là người được kiểm tra, có quyền xem xét, thẩm vấn và đề nghị giải trình kể cả với cấp cao nhất của đơn vị được kiểm toán.
Trong mối quan hệ với khách hàng, kiểm toán viên cần chú ý các vấn đề sau:
Xác định rõ các văn bản pháp quy, các chuẩn mực được áp dụng
Các tài liệu khách hàng phải cung cấp, phạm vi kiểm toán được áp dụng, các giải trình, các thẩm vấn dự kiến thực hiện
Có quyền từ chối kiểm toán, được miễn trách nhiệm khi đã thi hành mọi chức năng nghiệp vụ cần thiết.
Phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu cẩu thả, không hoàn thành chức trách của mình hoặc lạm dụng quyền hạn …
5.1.5.5. Quan hệ với kiểm toán viên nội bộ
Kiểm toán viên nội bộ là người có trình độ chuyên môn về kế toán và kiểm toán, đồng thời có sự hiểu biết về tình hình hoạt động của đơn vị được kiểm toán. Kiểm toán viên nội bộ có nhiệm vụ soát xét mọi hoạt động của bộ phận kế toán, thực hiện các quy
định về kiểm toán nội bộ, không chịu sự ràng buộc của các bộ phận nghiệp vụ khác, có nghĩa vụ báo cáo với cấp lãnh đạo cao nhất của đơn vị, được hưởng lương của đơn vị.
Vai trò của kiểm toán nội bộ do Giám đốc (hoặc người đứng đầu) đơn vị quy định
và có thể thay đổi theo yêu cầu của Giám đốc trong từng thời kỳ. Mục tiêu của kiểm toán độc lập là đưa ra ý kiến độc lập, khách quan về báo cáo tài chính với mối quan tâm hàng đầu là báo cáo tài chính không chứa đựng những sai sót trọng yếu.
Để đạt được mục tiêu nêu trên, kiểm toán độc lập và kiểm toán nội bộ có thể áp dụng các phương pháp, thủ tục kiểm toán giống nhau; kiểm toán viên độc lập có thể sử dụng những tư liệu của kiểm toán nội bộ để trợ giúp việc xác định nội dung, lịch trình và phạm vi của các thủ tục kiểm toán độc lập.
Ý kiến về báo cáo tài chính của kiểm toán nội bộ không thể đạt được mức độ độc lập, khách quan như ý kiến của kiểm toán viên độc lập. Kiểm toán viên độc lập chịu hoàn toàn trách nhiệm về ý kiến độc lập của mình đối với báo cáo tài chính. Trách nhiệm này không được giảm nhẹ khi kiểm toán viên độc lập sử dụng tư liệu của kiểm toán nội bộ.
Như vậy, trong quá trình kiểm toán, các thông tin của kiểm toán viên nội bộ có thể được coi như một kênh thông tin cần được xem xét và khai thác. Thông qua các thông tin này giúp kiểm toán viên đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ của đơn vị, từ đó ước lượng mức độ rủi ro kiểm soát. Tuy nhiên, vì tính độc lập của kiểm toán viên nội bộ là có hạn, kiểm toán viên không thể hoàn toàn dựa vào các thông tin này mà cần xem xét kết hợp với các thử nghiệm khác.
Trong mối quan hệ với kiểm toán viên nội bộ, kiểm toán viên cần lưu ý:
Kiểm toán viên nội bộ không có nghĩa vụ phải báo cáo với kiểm toán viên độc lập. Tuy nhiên, hoạt động của kiểm toán viên nội bộ nếu có hiệu quả và đáng tin cậy thì kiểm toán viên có thể dựa vào trong quá trình kiểm toán tại đơn vị.
Kiểm toán viên phải chịu trách nhiệm pháp lý khi sử dụng tài liệu của kiểm toán viên nội bộ cung cấp.
5.1.5.6. Quan hệ với bên thứ 3
Quan hệ với người thứ ba (bên thứ ba) trong kiểm toán là mối quan hệ giữa người làm kiểm toán với các cá nhân hoặc tổ chức có liên quan đến thông tin, số liệu cần kiểm toán (không thuộc hãng kiểm toán và không thuộc đơn vị được kiểm toán) nhằm thu thập các thông tin, bằng chứng phục vụ cho cuộc kiểm toán.
Theo đánh giá về độ tin cậy của các loại bằng chứng, những bằng chứng kiểm toán dưới dạng văn bản có nguồn gốc từ bên ngoài đáng tin cậy hơn những bằng chứng do