5.2. TỔ CHỨC BỘ MÁY KIỂM TOÁN
5.2.1. Tổ chức bộ máy Kiểm toán nội bộ
5.2.1.1. Các mô hình tổ chức kiểm toán nội bộ trên thế giới
Kiểm toán nội bộ là một bộ phận trong hệ thống kiểm soát nội bộ của một đơn vị,
có chức năng kiểm tra, đánh giá tính phù hợp, hiệu quả, sự tuân thủ pháp luật và các qui định của hệ thống kế toán và hệ thống kiểm soát nội bộ của đơn vị đó.
Để thực hiện được chức năng trên, đơn vị sẽ cử ra những người phụ trách. Thông thường, đơn vị sẽ lập ra một Ủy ban kiểm toán.
Ủy ban kiểm toán: Tồn tại như một đơn vị độc lập trong doanh nghiệp. Báo cáo trực tiếp lên Hội đồng quản trị. Vai trò của Ủy ban kiểm toán nên được xem xét trong tổng thể quy trình quản trị nội bộ của doanh nghiệp. Trách nhiệm của họ là cung cấp cho Hội đồng quản trị một sự đảm bảo độc lập (mức độ tin cậy, khách quan) và đưa ra những lời khuyên (tư vấn) về: quản lý rủi ro, kiểm soát nội bộ, kiểm soát và đánh giá tính hiệu lực, độc lập, khách quan của chức năng kiểm toán nội bộ, kiểm toán độc lập và các chức năng khác bao gồm cả những ý kiến liên quan đến quản trị của Hội đồng quản trị nhằm tạo ra những giá trị cho doanh nghiệp cũng như các cổ đông có liên quan.
Tuy nhiên, Ủy ban kiểm toán chỉ có chức năng tổ chức, chỉ đạo chung về công việc kiểm toán, còn người thực hiện các cuộc kiểm toán cụ thể chính là các kiểm toán viên nội
bộ. Kiểm toán viên nội bộ là các thực thể tạo nên linh hồn của chức năng kiểm toán nội
bộ. Kiểm toán viên nội bộ phải mang đến cho doanh nghiệp một sự đảm bảo độc lập, khách quan, đồng thời tư vấn cho hoạt động của doanh nghiệp nhằm nâng cao giá trị , cải thiện hoạt động của doanh nghiệp và giúp doanh nghiệp đạt được các mục tiêu của họ.
Để đảm bảo tính độc lập của kiểm toán viên, đảm bảo chất lượng của kiểm toán nội
bộ, kiểm toán viên nội bộ không được kiêm nhiệm trách nhiệm điều hành hay quản lý kinh doanh ở đơn vị.
Để giám sát hoạt động của các Kiểm toán viên nội bộ và kết nối công việc của các kiểm toán viên nội bộ với Ủy ban kiểm toán, có thể cần đến một Chủ nhiệm kiểm toán: là người đứng đầu cơ quan kiểm toán nội bộ, chịu trách nhiệm đưa ra ý kiến về tính hiệu lực
và đầy đủ trong quản trị doanh nghiệp, quản lý, kiểm soát rủi ro. Chủ nhiệm kiểm toán phải phát triển và duy trì một chiến lược như một định hướng cho hoạt động kiểm toán nội bộ; xây dựng Kế hoạch kiểm toán nội bộ cũng như tạo được sự kết nối (báo cáo) với
Ủy ban kiểm toán.
Như vậy, việc tổ chức bộ máy kiểm toán nội bộ là hoàn toàn tùy thuộc vào các đơn
vị. Thực tế là kiểm toán nội bộ không chỉ nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị mà nó còn là một công cụ quản lý của Nhà nước, đặc biệt là trong các đơn vị sử dụng vốn của Nhà nước, các cơ quan công quyền như các Bộ, Ngành… Do đó, việc quy định bắt buộc phải có tổ chức kiểm toán nội bộ ở một số đơn vị và việc xây dựng mô hình kiểm toán nội bộ ở các đơn vị sao cho phù hợp với điều kiện cụ thể của mỗi quốc gia là một vấn đề hết sức cần thiết.
Trên thế giới, các quốc gia xây dựng mô hình kiểm toán nội bộ thường tập trung vào một trong hai mô hình chính là mô hình tập trung và mô hình phi tập trung (hoặc sử dụng hỗn hợp cả hai mô hình này)
Trong mô hình tập trung, Bộ Tài chính không chỉ đóng vai trò quan trọng trong
việc lập dự toán ngân sách, phân bổ ngân sách cho các Bộ, mà còn can thiệp vào các hoạt động kiểm soát cũng như cử nhân viên của mình trực tiếp làm việc tại các Bộ. Theo mô hình này, Tổng Thanh tra trong Bộ Tài chính sẽ chịu trách nhiệm kiểm soát thu - chi tài chính công của chính phủ và báo cáo trực tiếp lên Bộ Tài chính về kết quả kiểm soát của mình. Tuy nhiên, mỗi Bộ, ngành cũng có các kiểm toán viên nội bộ hay còn gọi là các Chánh Thanh tra. Mô hình này thường được thấy ở Pháp, Bồ Đào Nha, Luxembourg và Tây Ban Nha.
Trong mô hình phi tập trung, mỗi Bộ sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc chi
tiêu ngân sách của mình và đảm bảo thực hiện công tác kiểm tra và kiểm soát cách thức chi tiêu một cách hợp lý. Theo mô hình này, các Bộ, ngành không phải chịu sự kiểm soát bên ngoài của Bộ Tài chính. Các hoạt động ngoại kiểm được hợp nhất vào quy trình thực hiện ngân sách của các Bộ, ngành. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm xây dựng và ban hành các chuẩn mực về hoạt động kiểm toán nội bộ. Mô hình này được áp dụng ở Anh và Hà Lan.
5.2.3.2. Mô hình tổ chức kiểm toán nội bộ ở Việt nam
Ở Việt nam, kiểm toán nội bộ chưa thực sự phổ biến như ở các nước phát triển, có thể nói là đang trong giai đoạn bắt đầu xây dựng và phát triển. Hệ thống pháp lý về kiểm toán nội bộ còn đang trong quá trình hoàn thiện. Hiện nay, mô hình kiểm toán nội bộ ở Việt nam đã bước đầu được định hình. Ra đời trong bối cảnh phát triển nền kinh tế thị trường có sự định hướng xã hội chủ nghĩa. Vận dụng kết hợp các mô hình của thế giới,
mô hình kiểm toán nội bộ ở Việt nam được cụ thể hóa theo các loại hình đơn vị áp dụng như sau:
Đối với cơ quan nhà nước:
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức bộ phận kiểm toán nội bộ là một đơn vị trực thuộc hoặc là một bộ phận của đơn vị trực thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tùy thuộc vào cơ cấu tổ chức của từng Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức bộ phận kiểm toán nội bộ độc lập riêng hoặc là một bộ phận của đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố tùy thuộc vào cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố.
Đối với đơn vị sự nghiệp công lập:
- Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu
tư, tổ chức bộ phận kiểm toán nội bộ độc lập trong đơn vị và báo cáo trực tiếp cho thủ trưởng đơn vị.
- Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập khác, việc tổ chức kiểm toán nội bộ do thủ trưởng đơn vị quyết định.
Đối với các doanh nghiệp:
- Đối với các công ty niêm yết, tổ chức bộ phận kiểm toán nội bộ trực thuộc Ban kiểm soát hoặc trực thuộc Hội đồng quản trị có thành viên Hội đồng quản trị độc lập phụ trách.
- Đối với doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ là công ty mẹ hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con, tổ chức bộ phận kiểm toán nội bộ trực thuộc Hội đồng quản trị có thành viên Hội đồng quản trị độc lập phụ trách hoặc Hội đồng thành viên.
- Đối với doanh nghiệp nhà nước là công ty mẹ hoạt động theo mô hình công ty mẹ
- công ty con, tổ chức bộ phận kiểm toán nội bộ trực thuộc Hội đồng thành viên.
- Trường hợp công ty con và công ty mẹ đều là đối tượng phải tổ chức kiểm toán nội bộ thì công ty con có thể tổ chức kiểm toán nội bộ riêng hoặc nếu được sự đồng ý của
công ty mẹ thì sử dụng kiểm toán nội bộ của công ty mẹ do đại hội đồng cổ đông của công ty con quyết định.
- Đối với các doanh nghiệp mà pháp luật chuyên ngành quy định phải tổ chức kiểm toán nội bộ theo các quy định riêng thì thực hiện theo pháp luật chuyên ngành.
Đối với các doanh nghiệp không tự tổ chức bộ máy kiểm toán nội bộ có thể đi thuê
tổ chức kiểm toán độc lập đủ điều kiện hoạt động kiểm toán theo quy định của pháp luật
để cung cấp dịch vụ kiểm toán nội bộ. Trường hợp doanh nghiệp đi thuê tổ chức kiểm toán độc lập để cung cấp dịch vụ kiểm toán nội bộ phải đảm bảo các nguyên tắc cơ bản của kiểm toán nội bộ và các yêu cầu nhằm đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của kiểm toán nội bộ.
Việc đi thuê kiểm toán nội bộ của các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng. Bộ Công an thực hiện theo quy định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.