Trách nhiệm và quyền hạn của kiểm toán viên với gian lận, sai sót

Một phần của tài liệu Giáo trình lý thuyết kiểm toán (Trang 27 - 31)

2.2. GIAN LẬN VÀ SAI SÓT

2.2.4. Trách nhiệm và quyền hạn của kiểm toán viên với gian lận, sai sót

Báo cáo tài chính của đơn vị luôn chứa đựng những sai lệch do gian lận và sai sót. Mục đích của kiểm toán viên trong kiểm toán báo cáo tài chính nhằm xác định mức độ tin cậy, tính trung thực, hợp lý báo cáo tài chính của đơn vị với các chuẩn mực đã được ban hành. Với sự giới hạn về thời gian, chi phí kiểm toán và một phần do năng lực trình độ của kiểm toán viên, quá trình kiểm toán của kiểm toán viên không phải là tìm ra toàn bộ mọi sai sót và gian lận trong báo cáo tài chính của đơn vị, mà thông qua việc tìm kiếm những gian lận và sai sót để đánh giá sự ảnh hưởng trọng yếu của những gian lận, sai sót

đến báo cáo tài chính làm cơ sở để đưa ra các ý kiến phù hợp nhất. Vì vậy, trách nhiệm của kiểm toán viên đối với gian lận, sai sót thể hiện ở các nội dung sau.

2.2.4.1. Trách nhiệm của kiểm toán viên trong việc giúp đơn vị phát hiện, xử lý, ngăn

ngừa gian lận, sai sót và đánh giá ảnh hưởng của gian lận, sai sót đã phát hiện được

Khi chấp nhận thực hiện kiểm toán cho đơn vị, dựa vào sự tìm hiểu về quy mô, đặc điểm ngành nghề kinh doanh, hệ thống kiểm soát nội bộ và các thông tin khác, kiểm toán viên và công ty kiểm toán phải đánh giá được rủi ro do gian lận và sai sót có thể làm ảnh hưởng trọng yếu đến báo cáo tài chính của đơn vị khi lập kế hoạch kiểm toán. Trong quá trình thực hiện, kiểm toán viên phải có trách nhiệm giúp đơn vị phát hiện, xử lý và ngăn ngừa gian lận và sai sót, nhưng kiểm toán viên cũng như công ty kiểm toán không phải chịu trách nhiệm trực tiếp việc ngăn ngừa các gian lận và sai sót ở đơn vị mà họ kiểm toán.

Trong quá trình thực hiện công việc kiểm toán, kiểm toán viên phải duy trì thái độ hoài nghi nghề nghiệp, đòi hỏi kiểm toán viên phải liên tục đặt câu hỏi xem các thông tin

và bằng chứng kiểm toán thu được có dấu hiệu của sai sót trọng yếu do gian lận hay không. Mặc dù kiểm toán viên đã hiểu biết về sự trung thực và chính trực của ban Giám đốc và Ban quản trị đơn vị, nhưng thái độ hoài nghi nghề nghiệp của kiểm toán viên vẫn đặc biệt quan trọng khi xem xét các sai sót trọng yếu do gian lận. Những hành vi gian lận

do cấp cao hoặc do ban Giám đốc đơn vị thực hiện thường rất khó phát hiện vì những hành vi đó được che giấu tinh vi; được hợp lý hóa chứng từ, sổ sách; được thực hiện một cách thống nhất giữa tất cả các khâu, các bộ phận. Vì vậy, trong khi thực hiện công việc, nếu có sự nghi ngờ, kiểm toán viên cần phải tìm bằng chứng để giải tỏa các nghi ngờ đó.

Quá trình thực hiện công việc, kiểm toán viên phải thực hiện theo kế hoạch chi tiết

đã được lập. Kiểm toán viên phải thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để chứng minh là không có gian lận hoặc sai sót làm ảnh hưởng trọng yếu đến báo cáo tài chính; hoặc nếu có gian lận, sai sót thì đã được phát hiện, được sửa chữa hoặc đã trình bày trong báo cáo tài chính và kiểm toán viên phải chỉ ra ảnh hưởng của gian lận, sai sót đến báo cáo tài chính. Tuy nhiên, do những hạn chế vốn có của kiểm toán, dù kiểm toán viên đã tuân thủ các nguyên tắc, thủ tục và kế hoạch kiểm toán thì rủi ro do không phát hiện hết các gian lận và sai sót làm ảnh hưởng trọng yếu đến báo cáo tài chính vẫn có thể xẩy ra. Những hạn chế vốn có của kiểm toán có thể là:

- Gian lận đặc biệt là gian lận có liên quan đến Ban Giám đốc hoặc có sự thông đồng;

- Tính hữu hiệu, đầy đủ của các mối quan hệ và giao dịch với các bên liên quan;

- Hành vi không tuân thủ pháp luật và các quy định;

- Các sự kiện hoặc các điều kiện trong tương lai có thể ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của đơn vị được kiểm toán.

Trong trường hợp bị hạn chế, kiểm toán viên và công ty kiểm toán phải thực hiện sửa đổi và bổ sung những thủ tục kiểm toán thích hợp. Mức độ sửa đổi và bổ sung các thủ tục kiểm toán phụ thuộc vào sự đánh giá của kiểm toán viên về:

- Các loại gian lận và sai sót đã được phát hiện;

- Tần suất xẩy ra gian lận và sai sót;

- Khả năng tái diễn của một loại gian lận hoặc sai sót cụ thể có thể ảnh hưởng trọng yếu đến báo cáo tài chính.

Kiểm toán viên không được cho rằng các gian lận, sai sót xẩy ra là đơn lẻ và biệt lập, trừ khi kiểm toán viên có bằng chứng xác nhận rõ ràng. Nếu cần thiết, kiểm toán viên

và công ty kiểm toán phải điều chỉnh lại nội dung, lịch trình và phạm vi các thử nghiệm

cơ bản. Kiểm toán viên không được sử dụng các hạn chế vốn có của cuộc kiểm toán để biện hộ cho sự hài lòng của mình đối với các bằng chứng kiểm toán chưa đủ thuyết phục. Nếu các bằng chứng và các thủ tục kiểm toán chưa làm thỏa mãn nghi ngờ thì kiểm toán viên và công ty kiểm toán phải thảo luận với Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán và phải đánh giá được sự ảnh hưởng của gian lận và sai sót đến báo cáo tài chính và báo cáo kiểm toán. Tuy nhiên, kiểm toán viên phải xem xét ảnh hưởng của các gian lận, sai sót trọng yếu trong mối liên hệ với những khía cạnh khác của cuộc kiểm toán, đặc biệt là độ tin cậy trong việc giải trình của Ban giám đốc đơn vị. Trong trường hợp hệ thống kế toán

và hệ thống kiểm soát nội bộ không phát hiện được gian lận, sai sót hoặc các gian lận, sai sót không được đề cập đến trong giải trình của Ban giám đốc thì kiểm toán viên phải xem xét lại việc đánh giá rủi ro và độ tin cậy của các giải trình đó.

2.2.4.2. Trách nhiệm của kiểm toán viên trong việc thông báo về gian lận và sai sót

a. Thông báo cho đơn vị được kiểm toán

Khi kiểm toán viên có nghi ngờ gian lận mặc dù chưa đánh giá được gian lận này ảnh hưởng đến báo cáo tài chính của đơn vị, hoặc có gian lận, hoặc có sai sót trọng yếu thì kiểm toán viên và công ty kiểm toán phải thông báo kịp thời những phát hiện đó cho Giám đốc hoặc người đứng đầu đơn vị. Kiểm toán viên phải thông báo trong thời hạn nhanh nhất trước ngày đơn vị phát hành báo cáo tài chính, hoặc trước ngày phát hành báo cáo kiểm toán.

Kiểm toán viên cần phải cân nhắc tất cả các tình huống lên quan đến sự nghi ngờ

có gian lận, hoặc sai sót trọng yếu có thể xẩy ra để xem xét nên thông báo cho cấp quản lý

nào trong đơn vị. Kiểm toán viên phải đánh giá được khả năng gian lận hoặc sai sót liên quan đến cấp nào và trong hầu hết các trường hợp phải thông báo cho cấp quản lý cao hơn cấp của những người có dính líu đến gian lận hoặc sai sót trọng yếu. Nếu kiểm toán viên nghi ngờ gian lận có liên quan đến người lãnh đạo cao nhất trong đơn vị được kiểm toán thì thông thường kiểm toán viên và công ty kiểm toán phải tham khảo ý kiến của chuyên gia tư vấn pháp luật để xác định thực hiện các thủ tục cần thiết nhằm tìm kiếm các bằng chứng kiểm toán đầy đủ, thích hợp để giải tỏa sự nghi ngờ của kiểm toán viên.

b. Thông báo cho người sử dụng báo cáo kiểm toán

Khi kiểm toán viên và công ty kiểm toán kết luận có gian lận hoặc sai sót làm ảnh hưởng trọng yếu đến báo cáo tài chính nhưng gian lận hoặc sai sót đó không được đơn vị sửa chữa hoặc không được phản ánh, giải trình đầy đủ trong báo cáo tài chính thì kiểm toán viên phải đưa ra ý kiến chấp nhận từng phần hoặc ý kiến không chấp nhận trong báo cáo kiểm toán. Nếu trong trường hợp đơn vị kiểm toán không cho phép hoặc hạn chế kiểm toán viên thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để đánh giá gian lận hoặc sai sót đã xảy ra thì kiểm toán viên cũng phải đưa ra ý kiến chấp nhận từng phần hoặc ý kiến từ chối vì phạm vi kiểm toán bị giới hạn. Kiểm toán viên phải giải thích rõ lý do về ý kiến chấp nhận trên báo cáo kiểm toán để người sử dụng thông tin tự đánh giá sự ảnh hưởng của gian lận và sai sót, từ đó đưa ra quyết định về việc giao dịch đối với đơn vị được kiểm toán.

Trong trường hợp có gian lận hoặc sai sót có thể làm ảnh hưởng trọng yếu đến báo cáo tài chính, mặc dù đã được trình bày trong báo cáo tài chính nhưng kiểm toán viên vẫn phải chỉ rõ trong báo cáo kiểm toán khi kết thúc cuộc kiểm toán.

c. Thông báo với cơ quan chức năng có liên quan

Kiểm toán viên phải có trách nhiệm bảo mật các thông tin, số liệu của khách hàng, tuy nhiên, trong trường hợp theo pháp luật quy định thì kiểm toán viên phải thông báo hành vi gian lận hoặc sai sót cho cơ quan chức năng có liên quan. Và kiểm toán viên được phép trao đổi với chuyên gia tư vấn pháp luật trước khi thông báo với các cơ quan chức năng.

2.2.4.3. Quyền hạn của kiểm toán viên trong trường hợp đơn vị không có biện pháp xử lý gian lận và sai sót

Kiểm toán viên được phép chấm dứt hợp đồng kiểm toán khi xét thấy đơn vị được kiểm toán không có biện pháp cần thiết để xử lý gian lận và sai sót mà theo đánh giá của kiểm toán viên là cần thiết, kể cả các gian lận không làm ảnh hưởng trọng yếu đến báo cáo tài chính. Gian lận hoặc sai sót liên quan đến cấp lãnh đạo cao nhất trong đơn vị; hay việc tiếp tục duy trì quan hệ của kiểm toán viên với đơn vị kiểm toán có lợi hay không, đó

thường là những nhân tố quyết định việc rút khỏi hợp đồng của kiểm toán viên. Tuy nhiên, kiểm toán viên phải cân nhắc kỹ lưỡng và trao đổi với chuyên gia tư vấn pháp luật trước khi quyết định rút khỏi hợp đồng kiểm toán.

Khi kiểm toán viên đã rút khỏi hợp đồng kiểm toán, nếu kiểm toán viên khác được thay thế yêu cầu cung cấp thông tin về khách hàng thì kiểm toán viên hiện tại phải thông báo rõ lý do chuyên môn dẫn đến việc buộc phải chấm dứt hợp đồng kiểm toán. Kiểm toán viên hiện tại có thể thảo luận và thông báo với kiểm toán viên khác được thay thế về các thông tin của khách hàng phù hợp với pháp luật, yêu cầu đạo đức nghề nghiệp kiểm toán có liên quan và phạm vi cho phép của khách hàng. Nếu đơn vị được kiểm toán không cho phép thảo luận về công việc của họ thì kiểm toán viên và công ty kiểm toán hiện tại cũng phải thông báo về việc không cho phép này cho kiểm toán viên được thay thế.

Một phần của tài liệu Giáo trình lý thuyết kiểm toán (Trang 27 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(160 trang)